Ở cao nguyên Thanh Tạng xa xôi tại biên giới giữa Nepal và Trung Quốc, có một địa điểm được bảo vệ bởi những hồ nước đầy và sâu, đó chính là ngọn núi Kailash thần bí đồ sộ. Đây được coi là nơi bất khả xâm phạm trong các tôn giáo của dân tộc châu Á.

Bí ẩn núi Kailash, thánh địa bất khả xâm phạm nơi cao nguyên Thanh Tạng. Ảnh 1
Ngọn núi Kailash được xem là cửa ngõ vào cõi vô hình thứ bảy của các nhà hiền triết vĩ đại. (Ảnh qua mysteriesandconspiracies)

Ngọn núi này được xem là cửa ngõ vào cõi vô hình thứ bảy của các nhà hiền triết vĩ đại. Theo các giả định hiện đại, ngọn núi trông như một kim tự tháp được các nền văn minh siêu việt xây dựng từ hàng ngàn năm trước. Vị trí của nó và một số kim tự tháp nổi tiếng được xây dựng ở những nơi bí ẩn trên Trái đất có sự đối xứng bất ngờ. Vì vậy người ta cho rằng, chúng ẩn chứa những bí mật thâm sâu của hành tinh chúng ta. Có lẽ vì để bảo vệ những bí mật đó, núi Kailash không cho phép con người chinh phục.

Không được phép nhìn thấy Thần

“Không người phàm nào được phép bước lên đỉnh núi Kailash, giữa những đám mây, là nơi ở của các vị thần. Người nào dám lên đỉnh núi thánh và nhìn thấy các vị thần đều sẽ chết!”, lời cảnh báo này hầu như có trong tất cả các văn tự cổ đại của Tây Tạng. Tuy nhiên vào những thập kỷ gần đây, một số nhóm leo núi đã phớt lờ cảnh báo này mà tiến lên ngọn núi, liều lĩnh cố gắng chinh phục một trong những đỉnh núi bí ẩn nhất thế giới. Có vẻ khó tin, nhưng những người leo núi đều phải đối mặt với sự thay đổi thời tiết đột ngột, các trở ngại gần như không thể vượt qua, những trải nghiệm kỳ lạ, tất cả những hiện tượng không thể giải thích được này đều khiến họ phải quay lại.

Painting by Socrates Geens: The pilgrimage (triptych; the 3 panels have been stitched together for the illustration)

Bức tranh Phật giáo vẽ núi Kailash. (Ảnh qua sacredgates.com)

Vào những năm 20 của thế kỷ trước, nhà leo núi người Anh Hugh Ruttledge và Đại tá Wilson đã thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên lên núi Kailash, mỗi người đi một đường khác nhau. Ruttledge tin chắc mình có thể leo lên đỉnh núi phía Bắc, nhưng khi đến chân núi, ông đã phải thất vọng về lựa chọn của mình vì leo đường đó cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, mặc cho điều kiện thời tiết bất lợi, ông vẫn tiếp tục đi sang phía Đông. Cuối cùng, ông tìm thấy một tuyến đường dẫn lên đỉnh núi. Tuy nhiên, trời đã quá muộn, nhiệt độ xuống thấp bất ngờ và tầm nhìn bị sương mù che phủ khiến Ruttledge buộc phải quay trở lại.

Trải nghiệm tương tự về thời tiết bất thường cũng xảy ra với Đại tá Wilson, người lên núi bằng con đường ở phía Tây Nam đối diện. Ngay khi ông tìm được một lối dễ leo lên đỉnh núi, tuyết bỗng rơi dày đặc khiến ông không thể leo tiếp được.

Vài năm sau đó, Herbert Tichy, một nhà địa chất và lãnh đạo leo núi người Úc xin phép leo lên ngọn núi. Người ta cho rằng ông sẽ bị từ chối, họ nói: “Chỉ người nào hoàn toàn thuần tịnh mới có thể leo lên [đỉnh] núi Kailash. Và người như vậy thì không tồn tại trên Trái đất! Với các vách núi dựng đứng như pha lê, thì chỉ có thể bay mới lên được đỉnh núi”.

Năm 1980, chính phủ Trung Quốc đã cho Reinhold Messner – người được xem là nhà leo núi vĩ đại nhất hiện nay – cơ hội chinh phục đỉnh Kailash. Không rõ lý do, Messner đã từ bỏ ý định này vào phút chót. Người ta nói ông thay đổi quyết định vì được cảnh báo rằng việc này có thể mang đến hậu quả xấu cho ông.

Cũng trong những năm 80, một nhóm du khách người Mỹ đã mạo hiểm leo lên ngọn núi chưa từng bị chinh phục này. Toàn đội không chuẩn bị về thể chất và trang bị kém, nên kế hoạch của họ đã không thành công. Theo lời kể của cư dân địa phương, sự việc chỉ dừng lại vài năm sau đó khi những nhà leo núi người Mỹ, khoảng 30 tuổi, đột nhiên già đi trong đêm. Móng tay họ mọc dài bất thường và tóc trở nên trắng bệch trong 2 tuần sau đó.

Bí ẩn ngoài tầm hiểu biết của con người

Mặc dù hiện tượng lão hóa nhanh bất thường đó đã được nhiều người nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể đưa ra bất kỳ lời giải thích khoa học nào. Giải thích duy nhất được tìm thấy trong các văn tự của Tây Tạng nói rằng, ngọn núi được bảo vệ bởi các sinh mệnh siêu nhiên có khả năng thay đổi thực tại và thời gian. Chúng ta không thể xác minh được điều này. Nhưng còn cách nào khác có thể giải thích lời kể của hàng chục người từng cảm nhận năng lượng mạnh mẽ và có những trải nghiệm thần bí khi đến gần ngọn núi?


Người hành hương bái lạy ngon núi. (Ảnh qua sacredgates.com)

Năm 2007, nhà leo núi người Nga Sergei Cistiakov sau khi thất bại trong cuộc khám phá núi Kailash đã kể lại câu chuyện như sau: “Tôi là người có kinh nghiệm leo núi, tôi đã thực hiện hàng chục chuyến thám hiểm tới đỉnh núi Himalaya, nhưng những gì chúng tôi trải qua ở ngọn núi này vượt quá sự hiểu biết của tôi. Khi đến gần chân núi, tim tôi đập thình thịch. Rồi tôi đến trước ngọn núi linh thiêng được cho là bất khả xâm phạm ấy. Tôi cảm thấy yếu đuối trước sự vĩ đại của nó và sợ rằng sẽ giống như những người đi trước, bị hạ gục bởi phép thuật của nó. Sau khi đi lên, cả tôi và các thành viên khác trong đội bắt đầu kêu than đau đầu dữ dội. Chúng tôi nghĩ nguyên nhân có thể do thiếu oxy, vì chúng tôi đã lên độ cao tương đối. Vài giờ sau, cảm giác kỳ lạ gia tăng. Chân chúng tôi nặng như đeo chì, và tôi gần như chỉ có thể bò. Tôi cảm thấy vô cùng hốc hác rồi đột nhiên bị ám ảnh bởi ý nghĩ mình không có bổn phận ở đây, cần phải quay trở lại! Mặc dù ý nghĩ ấy đã hình thành rõ ràng trong đầu, nhưng miệng tôi lại bị nghiến chặt lại. Tôi muốn bằng mọi giá phải thông báo cho những người đồng hành quyết định quay lại, nhưng tôi hoàn toàn bất lực. Ngay khi bắt đầu đi xuống, tôi cảm thấy như được giải thoát. Cơ thể trở nên thoải mái, các cơ dễ chịu đi, tôi cảm thấy bước đi như không trọng lượng. Một năng lượng mạnh mẽ tốt lành bao trùm toàn thân tôi. Mặc dù chuyến đi thất bại, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết!”.

Chỉ vài ngày sau khi trở về từ ngọn núi, Sergei Cistiakov đã kinh ngạc khi biết được rằng dân gian ở đây có một truyền thuyết kể rằng những linh hồn trên ngọn núi sẽ nhập vào người nào dám xâm phạm ngọn núi linh thiêng này và khiến họ không mở miệng ra được. “Tôi tin rằng những lời cảnh báo trong các văn tự của Tây Tạng không chỉ là chuyện tưởng tượng và những trải nghiệm mà hàng chục nhà leo núi đã trải qua trong nhiều năm không chỉ là trùng hợp!…”.

Cổng thần kỳ thứ bảy

Từ thời cổ đại, ngọn núi thiêng này đã được mọi dân tộc châu Á tôn sùng, và được coi là vùng đất thiêng liêng của 4 tôn giáo: Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Jain và Saman giáo. Theo thần thoại của các tôn giáo này, núi Kailash là trục Trái Đất hay chiếc thang dẫn lên trời, nơi giao thoa giữa Thiên đường và hạ giới. Trong Ấn Độ giáo, núi Kailash được coi là nơi ở của thần Shiva. Phật giáo cho rằng, Đức Phật đã từng sống nơi đây.

Theo các học thuyết hiện đại, núi Kailash rỗng và đại diện cho cánh cổng thứ bảy, nơi các nhà hiền triết vĩ đại cai quản thế giới. Giáo sư Ernst Muldashev là một bác sĩ nhãn khoa được biết đến ở Nga vì những lần thâm nhập bất thường vào Tây Tạng. Vài năm trước, ông cùng một số chuyên gia về địa chất, vật lý và thám hiểm hang động đã thực hiện một chuyến thám hiểm đến cao nguyên Thanh Tạng trong nỗ lực giải mã những bí ẩn trên núi Kailash. Họ dừng lại trong vài tháng dưới chân núi, nghiên cứu và lập bản đồ khu vực, thu thập những truyền thuyết và lời chứng dị thường về các hiện tượng xảy ra xung quanh ngọn núi.

Ernst Muldashev kể: “Trong màn đêm tĩnh lặng thường có những âm thanh thở hổn hển kỳ lạ dường như phát ra từ trong lòng núi. Một đêm nọ, cả tôi và đồng nghiệp nghe thấy rõ ràng tiếng một hòn đá rơi mà chắc chắn phát ra từ bên trong ngọn núi. Tôi tin chắc rằng, núi Kailash không phải hình thành từ địa chất tự nhiên, mà là một kim tự tháp cổ mang những bí ẩn chưa được khám phá”.

Kết quả hình ảnh cho tượng đài Stonehenge
Dường như khoảng cách giữa núi Kailash và tượng đài cự thạch Stonehenge là 6666km. (Ảnh: Internet)

Giả định này có vẻ kỳ quặc nhưng đã được xác nhận bởi các nhà địa chất từng nghiên cứu về địa hình và cấu trúc của ngọn núi. Họ xác nhận rằng, ngọn núi này có hình dạng kim tự tháp và giống như các kim tự tháp lớn khác trên thế giới có mặt bên đối diện với bốn phương. Hơn nữa, theo giả thuyết của Giáo sư Muldashev, độ cao ngọn núi sẽ thay đổi theo từng năm, nhưng trung bình là 6666m. Giữa độ cao của núi Kailash và Bắc Cực, Nam Cực, tượng đài cự thạch Stonehenge và đại Kim tự tháp Giza, có một mối tương quan và sự tương đồng đáng kinh ngạc. Dường như khoảng cách giữa núi Kailash và tượng đài cự thạch Stonehenge là 6666km. Con số tương tự một lần nữa gặp lại giữa Kailash và Bắc Cực, trong khi đến Nam Cực là 13.332 km, gấp đôi quãng đường ban đầu. Những người theo Thần số học cho rằng, con số 6666 chắc chắn biểu trưng cho điều gì đó và không phải ngẫu nhiên được gắn với ngọn núi Kailash.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cuộc bàn luận về giả thuyết cho rằng cách đây hàng ngàn năm, trên Trái Đất đã tồn tại những nền văn minh tiên tiến chưa được biết đến. Và các công trình bí ẩn của thế giới như tượng đài Stonehenge, kim tự tháp Ai Cập hoặc Nam Mỹ chính là do các nền văn minh tiền sử này xây dựng. Ernst Muldashev thì vẫn giữ vững niềm tin rằng, ‘kim tự tháp’ Kailash ở cao nguyên Thanh Tạng là trung tâm của những kiến trúc này, và được kết nối với nhau bởi các đường hầm dưới lòng đất.

Tiểu Phúc, theo Mysteries and Conspiracies