Du hành xuyên thời gian và những cỗ máy thời gian là một chủ đề đã được khai thác rộng rãi trong khoa học giả tưởng và vô số phim ảnh trong nhiều thập kỷ qua. Trên thực tế, dường như khả năng du hành xuyên thời gian, dù đến tương lai hay trở về quá khứ, đã cuốn hút trí tưởng tượng của nhân loại trong hàng thế kỷ. Tuy nhiều người có thể cho rằng thật lố bịch khi tin vào việc con người có thể du hành tới lui trong thời gian, nhưng một số nhà khoa học thông thái nhất trên thế giới đã từng thử nghiệm khả năng hiện thực hóa ý tưởng này vào một ngày nào đó trong tương lai.

Lấy ví dụ, vào những năm cuối đời, Albert Einstein đã kết luận rằng quá khứ, hiện tại và tương lai đều đồng thời tồn tại, và hầu hết mọi người đã khá quen thuộc với thuyết tương đối nổi tiếng của ông. Theo thuyết này, thời gian là tương đối chứ không phải tuyệt đối như Newton từng khẳng định. Với công nghệ thích hợp, ví như một con tàu vũ trụ siêu tốc, một người có thể trải qua vài ngày trong khi cùng lúc người khác chỉ trải qua vài giờ hay vài phút. Tuy nhiên, niềm tin của Einstein đã không có nhiều tác động đến ngành vũ trụ học hay khoa học nói chung. Phần lớn các nhà vật lý đều tiến bước khá chậm trong việc từ bỏ những quan niệm cố hữu của chúng ta về thời gian.

2(Ảnh: ivoox.com)

Tuy nhiên, nếu du hành xuyên thời gian thật sự có thể trở thành sự thật, chúng ta sẽ khó có thể lường trước được những hệ lụy của nó đối với nhân loại, bởi bất cứ ai có khả năng du hành xuyên thời gian sẽ có khả năng thay đổi lịch sử. Tuy điều này nghe có vẻ khá hấp dẫn, nhưng khó có thể lường trước được hậu quả nếu thay đổi các sự kiện trong quá khứ bất kì, cũng như ảnh hưởng của nó đối với tương lai.

Du hành xuyên thời gian trong truyền thuyết cổ đại

3

Chân dung Urashima Taro, một truyền thuyết Nhật Bản có liên hệ đến việc du hành xuyên thời gian. Tranh của hoạ sỹ Utagawa Kuniyoshi (Ảnh: Wikimedia Commons)

Nếu nhìn vào các văn tự cổ đại, chúng ta có thể tìm thấy một số dẫn chứng có liên quan đến việc du hành xuyên thời gian. Truyền thuyết Hindu có câu chuyện kể về vua Raivata Kakudmi đi gặp đấng sáng thế Brahma. Dù chuyến đi kéo dài không lâu, nhưng sau khi vua Kakudmi trở về thì Trái Đất đã trải qua 108 yuga, và người ta cho rằng mỗi yuga tương đương khoảng 4 triệu năm. Đấng Brahma giải thích với vua Kakudmi rằng thời gian trôi nhanh chậm khác nhau ở các chiều không gian tồn tại khác nhau.

Tương tự, trong kinh Koran của đạo Hồi chúng ta đã bắt gặp dẫn chứng về hang Al-Kahf. Câu chuyện kể về một nhóm tín đồ Ki-tô giáo. Lúc đó là vào năm 250 SCN, và những tín đồ Ki-tô giáo này đang cố gắng thoát khỏi sự đàn áp nên đã theo chỉ dẫn của Chúa rút vào một hang động, và ở nơi đó Chúa đã khiến họ chìm vào giấc ngủ. Họ tỉnh giấc sau 309 năm. Câu chuyện này trùng khớp với câu chuyện của Ki-tô giáo kể về 7 người ngủ, tuy rằng có một số điểm khác biệt.

Truyền thuyết Nhật Bản cũng có một câu chuyện kể về Urashima Taro, người đã cứu một con rùa và được đến dạo chơi thuỷ cung của Đông Hải Long Vương. Ông ở lại đó trong 3 ngày và khi trở lại mặt nước, 300 năm đã trôi qua. Tam tạng kinh của Phật giáo có ghi chép rằng trên thiên đường (thiên quốc) của 30 Chư thiên, thời gian trôi qua khác với bên dưới hạ giới, khi 100 năm ở hạ giới chỉ bằng 1 ngày trên Thiên quốc. Ngoài ra còn có rất nhiều các ví dụ khác.

Nghiên cứu khoa học

Có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất về du hành xuyên thời gian một cách tình cờ là thí nghiệm ở Philadelphia vào năm 1943, trong đó người ta đã cố gắng nguỵ trang một con tàu và biến nó thành vô hình trên rada quân địch. Tuy nhiên, chuyện kể rằng thí nghiệm này đã thất bại thảm hại – con tàu không chỉ biến mất hoàn toàn khỏi Philadelphia mà nó còn bị dịch chuyển đến Norfolk rồi được đưa quay trở lại sau 10 giây.

Khi con tàu xuất hiện trở lại, một số thủy thủ đã bị kẹt vào vách ngăn các khoang tàu, số khác bị rối loạn thần kinh, một số bị mất tích hoàn toàn, một số báo cáo đã du hành đến tương lai rồi quay trở lại. Được biết, Nikola Tesla, người từng phụ trách vai trò giám đốc kỹ thuật và nghiên cứu của Công ty phát thanh Hoa Kỳ vào thời đó, là người tiến hành các tính toán và các bản vẽ thiết kế cần thiết, đồng thời cung cấp máy phát cho thí nghiệm này (tuy nhiên ông đã qua đời vài tháng trước khi thí nghiệm được tiến hành).

4Cuốn sách tiết lộ những bí mật về dự án Montauk (Ảnh: Wikipedia)

Năm 1960, một trường hợp thú vị khác đã được báo cáo là về nhà khoa học Pellegrino Ernetti, người tuyên bố rằng ông đã chế tạo được một cỗ máy cho phép nhìn vào quá khứ, có tên gọi là Chronovisor. Lý luận nền tảng của ông là bất kỳ điều gì xảy ra cũng đều lưu lại một vết tích năng lượng không thể bị xóa bỏ. Ông được cho là đã chế tạo ra được cỗ máy có khả năng phát hiện, khuếch đại và chuyển đổi năng lượng thành hình ảnh – giống như một chiếc TV trình chiếu những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đã có các báo cáo về một thí nghiệm gây nhiều tranh cãi khác – dự án Montauk. Cũng giống như các dự án khác, dự án này cũng có dính líu đến thí nghiệm du hành xuyên thời gian. Liệu các thí nghiệm Philadelphia và Montauk có thực sự được tiến hành, đây là câu hỏi hiện vẫn đang được tranh luận. Theo lẽ thường, có thể nói rằng quân đội chắc chắn sẽ rất hứng thú với tiềm năng du hành xuyên thời gian và sẽ tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này.

Tiếp tục, vào năm 2004, Marlin Pohlman đã đăng ký bằng sáng chế cho một phương pháp biến dạng trọng lực và tái lập thời gian. Marlin Pohlman là một nhà khoa học, kỹ sư và thành viên của Mensa [tổ chức tập hợp những người có chỉ số IQ cao] với tấm bằng Cử nhân, MBA và Tiến sĩ. Hai năm trước đây, Wasfi Alshdaifat đã đăng ký một bằng sáng chế khác cho một cỗ máy nén không gian và giãn nở thời gian có thể dùng trong lĩnh vực du hành xuyên thời gian.

Giáo sư vật lý Ronald Lawrence Mallett từ ĐH Connecticut đang nghiên cứu khái niệm du hành xuyên thời gian dựa trên thuyết tương đối của Einstein, và ông hoàn toàn tin tưởng vào tính khả thi của nó. Ông tiên đoán con người sẽ có thể du hành xuyên thời gian ngay trong thế kỷ này. Nhà vật lý hạt Brian Cox nhất trí rằng du hành xuyên thời gian là khả thi nhưng chỉ theo một hướng nhất định.

Chúng ta đã có một câu chuyện bí ẩn về Ali Razeqi, giám đốc điều hành của Trung tâm Phát minh Chiến lược Iran. Ông tuyên bố đã chế tạo được một thiết bị có thể nhìn thấy bất kể thời điểm nào trong tương lai từ 3 đến 5 năm. Câu chuyện ban đầu của ông đã biến mất khỏi mạng Internet chỉ vài giờ sau khi được đăng tải.

Trên lý thuyết, du hành xuyên thời gian là một điều khả thi, ngay cả khi chúng ta khó có thể lĩnh hội được nó. Liệu những nghiên cứu được trích dẫn bên trên có mang chúng ta đến gần hơn với việc hiện thực hoá du hành xuyên thời gian? Nếu vậy, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng công nghệ này sẽ không rơi vào tay những kẻ xấu.

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Theo Đại Kỷ Nguyên