Hứa Phụ – nữ cao nhân về tướng thuật, là nhân vật có thật trong lịch sử. Bà biết trước được sự diệt vong của nhà Tần nên đã tận lực trợ giúp Lưu Bang bình trị thiên hạ. Tất cả lời tiên đoán của bà đều đúng một cách thần kỳ.

>> Truyền kỳ về tướng thuật: “Nữ cao nhân đoán mệnh như thần” – Phần 1
>> Truyền kỳ về tướng thuật: “Nữ cao nhân đoán mệnh như thần” – Phần 2

Phần 3: Thử tài xem tướng kén lang quân

Mưu đồ của Lữ Hậu

Cùng năm đó, Trần Thắng thất bại, Lưu Bang trở thành một lực lượng chính khởi nghĩa chống lại nhà Tần. Hai năm sau, Lưu Bang xuất binh đánh chiếm Hàm Dương, sau đó được Hạng Vũ phong làm Hán vương. Tiếp tục lại kéo dài đến mấy năm chiến tranh Hán Sở để tranh đoạt ngôi vị hoàng đế. Cuối cùng cuộc chiến đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về Lưu Bang, vào Cao Tổ năm thứ 5 (năm 202 TCN), Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế và lập nên nhà Hán.

Sau khi Lưu Bang đăng cơ, không quên lời hứa trước kia của mình, lập tức phong Hứa Vọng làm Ôn thành hầu, phong Hứa Phụ làm minh thư đình hầu, ba anh trai của Hứa Phụ đều được phong làm tướng quân.

Lưu Bang sau khi lên ngôi vị Hán Cao Tổ, liền chiếu lệnh phân đất phong hầu, tuyển chọn trong cả nước những thiếu nữ từ 13 đến 20 tuổi chưa thành thân, hiền thục đoan chính, xinh đẹp, con nhà tử tế, tập trung đến Hàm Dương, chuẩn bị cung tuyển. Các mỹ nữ phải trải qua tuyển chọn bởi các quan chức cung đình và các thầy xem tướng, đạt mới được vào hậu cung, sau đó được hoàng đế, hoàng hậu chọn người ưu tú phong làm phi tử, quý nhân.

Lưu Bang và Lữ Hậu đều rất tin tưởng vào thuật xem tướng, bởi vậy, để chọn lựa phi tần thì liền tập hợp các bậc thầy xem tướng nổi tiếng khắp nơi về cung để đảm nhiệm công việc tuyển chọn. Ngày đó Hứa Phụ đương nhiên là một thầy tướng số tài năng nhất trong nhóm.

Việc Lưu Bang tuyển phi khiến Lữ Hậu cảm thấy rất ghen tức, nhưng do phép tắc của cung đình, nên không thể ra mặt phản đối, chỉ là bà lại có mưu đồ khác. Bà biết, hoàng đế tuyển phi tần cung nữ, vừa là để vui đùa, vừa là để sinh con cho hoàng đế. Dù như thế nào thì những phi tử và cung nữ được lựa chọn, đều là đối thủ của mình, nếu họ sinh con trai cho hoàng đế thì sẽ là một sự uy hiếp cho ngôi vị hoàng đế của con trai mình. Bởi không có cách nào ngăn cản hoàng đế, chỉ có thể can thiệp vào việc tuyển tú, bà muốn những cô gái được tuyển chọn là người thân thích hoặc trong phe cánh của mình, có như vậy mới hạn chế được mối uy hiếp này. Bà quyết định tham gia việc tuyển tú cùng với các vị thầy tướng số để ra sức khống chế, khiến cho bọn họ phải làm việc theo ý của mình. Tham gia tuyển tú lần này có 4 vị thầy xem tướng, ngoài Hứa Phụ ra thì 3 người còn lại đều là thuộc hạ của Lữ Hậu, với mục đích là tuyển chọn theo ý của bà. Cho nên, áp lực đều đặt lên người Hứa Phụ.

Lữ Hậu biết lôi kéo Hứa Phụ về phe cánh của mình là chuyện không dễ. Bởi vì nàng là người có bản tính chính trực, mặc dù mới 19 tuổi và là nữ giới, được phong làm minh thư đình hầu, nhưng muốn nàng làm trái với lương tâm của mình, chỉ e là rất khó. Bởi vậy, bà ta tìm đến một người trong bè phái của mình là Thẩm Tự Cơ, bàn cách để mua chuộc Hứa Phụ.

Thẩm Tự Cơ này và Lưu Bang đều là người quê ở đất Bái. Trong cuộc chiến tranh Hạng – Lưu, Thẩm Tự Cơ và Lữ Hậu đều bị Hạng Vũ bắt làm tù binh, có lẽ là trong hoạn nạn thấy chân tình, từ đó về sau Thẩm Tự Cơ trở thành thân tín của Lữ Hậu. Lữ Hậu coi Thẩm Tự Cơ là người trợ giúp mưu trí tâm phúc của mình, mỗi khi cần giải quyết việc gì đều tìm gặp ông để bàn bạc. Lữ Hậu phái người tìm hắn, Thẩm Tự Cơ biết có chuyện cần làm, hắn đi vào hậu cung, không đợi Lữ Hậu mở miệng, đã nói: “Hoàng hậu tìm gặp thần, nhất định là chuyện hoàng thượng tuyển phi …”. Lữ Hậu nghe xong liền nói: “Ích dương hầu quả là thần cơ diệu toán. Ngươi đã biết suy nghĩ của ta, nói vậy là đã có thượng sách rồi sao?”

Thẩm Tự Cơ nói suy đoán của mình: “Tuyển phi tần cho hoàng thượng là việc quan trọng liên quan đến xã tắc, thì không cách nào ngăn cản, mấu chốt là phải nắm chắc được người được tuyển chọn phải chung lòng cùng hoàng hậu. Theo vi thần biết, trong gia tộc Lã Thị của hoàng hậu đã tuyển chọn không ít mỹ nữ. Nếu chỗ chọn phi tử và quý nhân là người nhà Người, thì hoàng hậu sẽ không phải lo lắng nữa”.

Lữ Hậu nói: “Tất cả chuyện này ta cũng nghĩ đến, nhưng người quyết định chọn ai, lại là 4 vị thầy tướng số, mà đứng đầu là Hứa Phụ. Ta lo lắng cô ta sẽ không làm theo ý đồ của ta!”

Thẩm Tự Cơ nói: “Vậy phải nghĩ cách để đưa cô ta về chỗ của hoàng hậu!”.

Lữ Hậu nói: “Ta cũng có ý đó, nhưng cô ta tuổi trẻ chí khí, nếu muốn lôi kéo cô ta, e rằng khó mà có thể được như ý!”.

Thẩm Tự Cơ lại bày kế: “Ở trong bốn vị thầy tướng số này, chỉ có Hứa Phụ và Lữ Phục là trẻ tuổi nhất, hơn nữa 2 người này có vẻ xứng đôi, Lữ Phục là người của Lữ Hậu, nếu có thể để Lữ Phục và Hứa Phụ thành thân, khống chế Hứa Phụ thì liền không thành vấn đề nữa. Cho nên, vi thần cho rằng, nếu như có thể để hoàng thượng ra mặt mai mối cho họ, Hứa Phụ nhất định sẽ vô cùng biết ơn”.

Lữ Hậu sau khi nghe xong, cao hứng nói: “Đúng là đầu óc ngươi thật tinh lanh, cứ theo như ngươi nói mà lo liệu!”. Cùng ngày hôm đó, Lữ Hậu lợi dụng việc thỉnh Hứa Phụ xem tướng giúp, truyền cho Hứa Phụ vào hậu cung.

Lữ Hậu tìm kế để lôi kéo Hứa Phụ về phe cánh của mình. (Minh họa: internet)

Sau khi Hứa Phụ đi vào cúi lạy hành lễ, Lữ Hậu bảo nàng ngồi bên cạnh mình, nói với nàng: “Ngươi đã từng xem tướng cho hoàng thượng và các đại thần, đều rât ứng nghiệm. Nay ai gia cho gọi ngươi vào, chính là muốn mời ngươi xem tướng cho ai gia”.

Hứa Phụ nói: “Đúng là như vậy, nhưng Thiên hữu bất trắc phong vân, nhân hữu đán tịch họa phúc” (Trời có những mưa bão bất ngờ, con người có những thay đổi không thể đoán trước được). Ai gia năm nay mới 39 tuổi, cuộc sống sau này còn dài mà, nói như thế nào được đây?”

Lữ Hậu nói: “Có gì ngươi cứ nói thẳng đi, ai gia sẽ không làm khó cho ngươi đâu!”.

Hứa Phụ hỏi: “Không biết nương nương muốn xem về chuyện gì?”.

Lữ Hậu nói: “Thí dụ như, ai gia có thể sống đến bao nhiêu tuổi? Có bị người khác hãm hại hay không, v.v.., ngươi cứ mạnh dạn nói, ai gia sẽ không trách tội ngươi”.

Hứa Phụ nói: “Hoàng thượng là thiên, hoàng hậu là địa, nương nương tuy ít hơn hoàng thượng 15 tuổi, nhưng thọ lại là ngang nhau”.

Lữ Hậu hỏi: “Ý của ngươi có phải nói là, sau khi hoàng thượng băng hà, ta vẫn sống tiếp 15 năm nữa?”

Hứa Phụ gật đầu.

Lữ Hậu lại hỏi: “Từ nay về sau, cát hung của ta như thế nào?”.

Hứa Phụ nói: “Nương nương vốn là dung mạo của long phượng, lành dữ thì không cần nói cũng biết. Chỉ là, nương nương chí khí cương cường thái quá, e rằng sau khi giết chóc nhiều quá, sẽ tổn hại đến danh tiếng của nương nương ở đời sau”.

Lữ Hậu sau khi nghe xong, nói: “Ai gia vốn là đứng đầu hậu cung, sao lại giết chóc nhiều quá vậy … được rồi, những lời này của ngươi ta sẽ ghi nhớ trong lòng, tuyệt đối không được truyền ra bên ngoài!”.

Hứa Phụ nói: “Vi thần chỉ là nói hươu nói vượn, làm sao có thể truyền ra ngoài? Nương nương yên tâm, Hứa Phụ sẽ làm theo lời dạy bảo của nương nương!”.

Lữ Hậu nói: “Ngươi năm nay đã 19 tuổi rồi, chưa có ý trung nhân sao? Có muốn ta giới thiệu cho một ý lang quân như ý không?”

Hứa Phụ một mực từ chối, nói: “Vi thần chưa nghĩ tới việc này, đa tạ ý tốt của nương nương”.

Lữ Hậu cứ nghĩ rằng là do nàng thẹn thùng, nên nói: “Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, đây là việc tốt không có gì phải ngượng ngùng cả. Hôm nay chúng ta nói đến đây, sau này hãy thường xuyên đến hậu cung ghé thăm ta, ngươi kiến thức rộng rãi, ai gia cũng cần có người trò chuyện cùng”.

Hứa Phụ đáp: “Chỉ cần nương nương vui vẻ, vi thần nhất định sẽ đến”.

Sau lần gặp mặt này, Lữ Hậu cảm nhận sâu sắc rằng Hứa Phụ đích thực là một nhân tài hiếm thấy, nên lại càng quyết tâm muốn lôi kéo Hứa Phụ về tay mình. Vì thế, sau khi Hứa Phụ rời đi, bà liền chạy tới chỗ Lưu Bang, nói: “Thiếp hôm nay mời Hứa Phụ xem tướng, nói thiếp và hoàng thượng tuổi thọ giống nhau, không biết có đúng hay không? Nếu đúng là vậy, thiếp phải làm quả phụ 15 năm, nghĩ đến mà thấy thật đáng buồn!”.

Lưu Bang nói: “Cô gái này rất thần dị, lời nói tất sẽ không sai. Ngày trước nhìn thấy trẫm và đám người Tiêu tướng quốc, liền nói ta sẽ làm chủ thiên hạ, mấy năm sau quả nhiên ứng nghiệm. Ngoài ra còn khuyên cha và anh trai trợ giúp trẫm, vậy nên trẫm mới phá lệ phong cho nàng ta làm minh thư đình hầu, kiêm quản việc tướng thuật trong thiên hạ. Nếu sau khi trẫm băng hà, nàng còn có thể sống tiếp 15 năm, như vậy thì trẫm cũng có thể yên tâm mà đi. Có nàng trợ giúp tân đế, đương nhiên thiên hạ sẽ thái bình, mặc dù là quả phụ, nhưng nàng đừng quá đau buồn”.

Lữ Hậu nói: “Hoàng thượng nói phải lắm, thiếp sẽ khắc ghi trong lòng”. Bà dứt lời, nhìn Lưu Bang, thấy vẻ mặt thoải mái dễ gần, liền chuyển đề tài, nói: “Minh thư đình hầu nay đã gần 20 tuổi rồi, con gái đến cái tuổi này còn chưa chịu bằng lòng ai, vốn không nhiều. Hoàng thượng không thấy lo lắng sao?”

Lưu Bang nói: “Nàng có phải là muốn mai mối, phải không?”

Lữ Hậu nói: “Giờ đây, Lữ gia duy chỉ có người nối dõi là Lữ Phục , con trai của Lữ Lộc huynh, cũng đã từng được hoàng thượng khen gợi về khả năng xem tướng. Lữ Phục vẫn chưa có hôn sự, ý của nô tỳ là, muốn hoàng thượng có thể làm mai Hứa Phụ cho Lữ Phục”.

Lưu Bang nghe xong, cười to nói: “Cái chủ ý này quả là hay, hai người bọn họ đều là bậc thầy về xem tướng, mà tuổi cũng ngang nhau. Chỉ e là Hứa Phụ sẽ không đồng ý thôi”.

Lữ Hậu nói: “Chỉ cần hoàng thượng quyết là có thể, tại sao không ban thưởng hôn sự cho họ? Hứa Phụ một lòng trung thành với hoàng thượng, chỉ cần là hoàng thượng ra mặt, cô ấy sao dám không đồng thuận?”.

Lưu Bang suy nghĩ một lúc rồi nói: “Đợi trẫm và Ôn thành hầu bàn bạc một chút rồi tính sau!”. Lữ Hậu quay trở về hậu cung, lập tực lại triệu Thẩm Tự Cơ, muốn hắn nhanh đến Hứa phủ mai mối trước.

Thẩm Tự Cơ đi tới Hứa phủ, nói với Hứa Vọng chuyện hoàng thượng và hoàng hậu có ý muốn se duyên cho Hứa Phụ và Lữ Phục, nên muốn ông thuyết phục con gái, nhất định phải đồng ý hôn sự, không phụ lòng tốt của hoàng thượng và hoàng hậu.

Vợ chồng Hứa Vọng cũng đang lo nghĩ về chuyện hôn sự của con gái, nay biết hoàng thượng và hoàng hậu có ý muốn gả cô cho Lữ Phục, nên đương nhiên là rất vui mừng. Cho nên, về sau khi nghe Lưu Bang đề cập đến chuyện này họ liền nhận lời ngay.

Lưu Bang thấy vợ chồng Hứa Vọng nhận lời, nghĩ rằng Hứa Phụ cũng đồng ý, nên liền viết chiếu ban thưởng hôn lễ cho Lữ Phục và Hứa Phụ.

Hứa Phụ sau khi nhận được tin này, biết việc Lữ Hậu làm mối chẳng qua là mưu đồ muốn kéo cô vào phe cánh của bà ta, cuối cùng đi đến lợi dụng bản thân mình. Vì thế, cô quyết định đi tìm gặp Hán Cao Tổ, từ chối hôn sự này. Nhưng, khi cô còn chưa gặp được Hán Cao Tổ, thì chiếu thư đã được truyền xuống. Vì vậy, cô chỉ còn cách viết thư, nói rằng mình đã có ý trung nhân. Người này cũng là người giỏi tướng thuật, vả lại tài năng xem tướng không thua kém gì cô. Nếu hoàng thượng và hoàng hậu nhất định muốn gả mình cho Lữ Phục, thì khả năng xem tướng của Lữ Phục phải vượt qua người này mới được.

Lưu Bang nhận được thư tấu của Hứa Phụ, tuy không vừa ý, nhưng vì chuyện cung đình tuyển tú sắp tới, mà Hứa Phụ lại là đứng đầu trong nhóm thầy tướng, nên để tránh ảnh hưởng đến đại sự, đã không xử phạt Hứa Phụ tội “kháng chỉ”. Đồng thời, lúc này ông cũng có chút nghi ngờ, vì thấy Lữ Hậu đột nhiên lại rất quan tâm Hứa Phụ, hơn nữa lại muốn gả nàng cho cháu trai, không thể nói là không có ý đồ riêng. Hơn nữa, Hứa Phụ cự tuyệt không tuân chỉ, rất có thể cũng là bởi vì nàng đã nhìn thấy được dụng tâm này của Lữ Hậu. Vì vậy, Lưu Bang quyết định chấp thuận theo lời thỉnh cầu trong tấu thư, để Lữ Phục và “ý trung nhân” của Hứa Phụ so tài xem tướng. Như thế, vừa không khiến Lữ Hậu mất mặt, lại có thể mượn chuyện này để khảo sát một chút xem “ý trung nhân” của Hứa Phụ rốt cục tài cán như thế nào. Nếu “ý trung nhân” của Hứa Phụ quả thực như nàng nói, tài nghệ không thua gì nàng, triều đình chẳng phải lại có thêm một nhân tài!.

Lữ Hậu biết được tin này, thì hết sức kinh ngạc, bà không ngờ rằng hoàng thượng không phạt chuyện Hứa Phụ kháng chỉ, ngược lại còn chấp thuận thỉnh cầu của nàng. Nhưng, hoàng thượng đã quyết, bà nghĩ tốt nhất là không tỏ vẻ phản kháng. Hơn nữa, bà không tin Lữ Phục lại có thể thua dưới tay cái người gọi là “ý trung nhân” của Hứa Phụ vốn không có danh tiếng gì.

Lưu Bang thấy Lữ Hậu không phản đối việc tỷ thí này, liền sai Tiêu Hà, Trần Bình và Thẩm Tự Cơ bàn bạc kế hoạch cho cuộc tỷ thí, thời gian, cách thức và một loạt các vấn đề quan trọng khác.

Lưu Bang căn dặn, bởi vì các mỹ nữ đã tập trung đến Hàm Dương, để không làm ảnh hưởng đến việc tuyển tú, nên phải nhanh chóng tổ chức cuộc tỷ thí giữa Lữ Phục và “ý trung nhân” của Hứa Phụ. Vì để công bằng, quan chức được ra đề thi, phải ngụ ở trong cung, không được tùy ý đi lại đề phòng gian lận.

Dựa theo ý chỉ của Lưu Bang, cuộc tỷ thí được bố trí ở Vị Ương Cung.

Cuộc so tài tướng thuật giữa Lữ Phục và Bùi Việt

Ngày hôm đó, sau khi lên triều vào buổi sáng, Lưu Bang lệnh cho văn võ bá quan ở lại, lại phái người sang mời Lữ Hậu đến quan sát cuộc tỷ thí. Khi Lữ Phục và “ý trung nhân” của Hứa Phụ xuất hiện ở hoàng cung thì mọi người mới phát hiện, “ý trung nhân” của Hứa Phụ chính là người ghi chép sổ sách cho phủ minh thư đình hầu, họ Bùi tên Việt.

Bùi Việt có phụ thân là một tiến sĩ của Tần triều, mặc dù đang vào thời “đốt sách chôn người tài” nhưng may mắn thoát khỏi nguy nan, nhưng ông thấy được Tần đế quốc không thể lâu dài, bèn cùng vợ con ẩn cư trong núi, dốc lòng nghiên cứu “Cô Bố Tử Khanh thuật” và “Chu dịch”.

Cô Bố Tử Khanh là người thời Xuân Thu, bởi vì tướng thuật cao minh, ảnh hưởng rất lớn, đời sau các nhà tướng học liền tôn sùng ông là ông tổ của thuật xem tướng, thuật xem tướng cũng được người đời sau gọi là “Cô Bố Tử Khanh thuật”.

Được phụ thân tỉ mỉ truyền thụ cộng với tự mình chăm chỉ nghiên cứu, khả năng xem bói và thuật nhân tướng của Bùi Việt đã đạt đến trình độ uyên thâm. Nhưng do nhiều năm sống ở trong rừng sâu núi thẳm với cha, không có cơ hội thực hành nhiều, nên vẫn cảm thấy có nhiều khiếm khuyết. Sau này được phụ thân ủng hộ, Bùi Việt quyết định xuống núi ngao du, một mặt là để tìm gặp anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, một mặt muốn kết giao với những người có khả năng xem tướng.

Bùi Việt nghe thấy danh tiếng của Hứa Phụ mà tìm đến bái kiến nàng.

Bùi Việt nghe thấy danh tiếng của Hứa Phụ, nên đã đến Ôn huyện, lấy cớ nhờ xem tướng để bái kiến Hứa Phụ. Hứa Phụ vừa nhìn thấy Bùi Việt, liền biết anh ta là người có tài năng từ nơi khác đến, hai người có thể cùng nhau đàm luận cả ngày, nhiều khi lại thấy tiếc vì gặp nhau muộn quá. Sau khi luận đàm với Hứa Phụ, Bùi Việt vô cùng bội phục tướng thuật cao thâm của nàng, một mực muốn bái Hứa Phụ làm thầy. Vì Hứa Phụ ít hơn Bùi Việt mấy tuổi, thấy làm thầy trò quả rất khó xưng hô, nên sau khi được cha mẹ đồng ý, hai người họ đã kết bái huynh muội. Hứa Vọng thấy Bùi Việt và Hứa Phụ rất hòa hợp, lại rất có chừng mực, nên cũng không hề để ý, cho rằng chúng chỉ là có cùng đam mê về tướng thuật nên rất hợp nhau mà thôi.

Hứa Phụ và Bùi Việt có thể cùng nhau đàm luận cả ngày, nhiều khi lại thấy tiếc vì gặp nhau muộn quá. (Ảnh: Internet)Hứa Phụ và Bùi Việt có thể cùng nhau đàm luận cả ngày, nhiều khi lại thấy tiếc vì gặp nhau muộn quá. (Ảnh: Internet)

Lưu Bang, Lữ Hậu, Tiêu Hà, Trần Bình và Thẩm Tự Cơ thấy người gọi là “ý trung nhân” của Hứa Phụ chỉ là một thư sinh 24, 25 tuổi, hơn nữa là một người không có tiếng tăm gì, đều cảm thấy lạ, tài nghệ của hắn mà có thể so với Lữ Phục sao? Lữ Hậu và Thẩm Tự Cơ nhìn thấy Bùi Việt, không khỏi mừng thầm, bọn họ tin rằng một kẻ vô danh như Bùi Việt, tuyệt đối không phải là đối thủ của Lữ Phục.

Lưu Bang nói với Hứa Phụ: “Cuộc tỷ thí ngày hôm nay là chủ ý của ngươi, nếu Bùi Việt thua, ngươi chỉ có thể làm vợ Lữ Phục, đến lúc đó không thể đổi ý!”

Hứa Phụ nói: “Tuyệt không đổi ý!”.

Lưu Bang nói: “Tốt lắm, ngày hôm nay trẫm cũng muốn làm giám khảo!”. Dứt lời, liền nói với Tiêu Hà, Trần Bình và Thẩm Tự Cơ: “Vậy thì bắt đầu đi!”.

Tiêu Hà liền công bố quy định và phương thức tỷ thí: Cuộc tỷ thí chia làm 3 trận, bao gồm thi xem thanh tướng; sủy cốt (tướng xương); xạ phúc (thuật đoán vật). Dựa vào điểm của mỗi cuộc thi, người nào điểm cao hơn là người thắng. Để dễ dàng cho việc phân xét, thi xem thanh tướng và sủy cốt sẽ chỉ nói quá khứ và hiện tại của người được xem, hai người tỷ thí phải che kín hai mắt lại, để đề phòng gian lận.

Cuộc tỷ thí bắt đầu, hai người họ đều bị miếng vải đen che kín mắt. Trận đầu là tướng thanh. Lữ Phục thi trước.

Một vị thái giám từ cửa sau đại điện đi đến, đi rất chậm và nhẹ nhàng, đi qua mặt Lữ Phục và Bùi Việt xong rồi nói nói một câu: “Lữ đại tương sư, xin chào!”

Thái giám lui về một bên đứng im, Lữ Phục trầm tư một lát nói: “Người này tuổi chừng 25, 26 tuổi, làm thái giám ở trong cung”.

Tiêu Hà thấy Lữ Phục không nói gì thêm, liền hỏi: “Còn có gì nữa không?”.

Lữ Phục lắc đầu nói: “Không còn gì!”.

Tiêu Hà bèn nói với Bùi Việt: “Thỉnh Bùi công tử xem tướng cho người này!”.

Bùi Việt nói: “Lữ đại nhân vừa nói đúng, người này là thái giám, nhưng phán đoán lại bị nhầm một chút. Theo ta thấy, người này tuổi khoảng chừng 20 tuổi thêm 3 tháng. Người này từ nhỏ đã mất cha, được mẹ nuôi nấng và dạy đọc sách. Vào năm 18 tuổi, bởi vì thiếu nợ, nhiều lần bị hào cường lăng nhục, bèn giận dữ mà tự mình đi vào cung, gặp người trong triều, ban đầu mới vào cung được làm nô dịch. Người này nghe giọng nói nhẹ nhàng khiêm tốn, là người được trọng dụng”.

Bùi Việt nói xong, những người đã biết thái giám này đều kinh ngạc, còn người không biết thì nửa tin nửa ngờ. Tiêu Hà bèn hỏi thái giám: “Bùi công tử nói như vậy có đúng không?”.

Thái giám nói: “Nói rất đúng, thật sự là thần kỳ!”

Tiêu Hà và Trần Bình, Thẩm Tự Cơ sau khi trao đổi, nói: “Trận tỷ thí đầu này tiếp tục!”. Dứt lời, liền vỗ vỗ bàn tay, hô: “Màn kế tiếp!”.

Thấy một người thị vệ tuấn tú trẻ tuổi đi ra, đi nhẹ nhàng như giẫm chân tại chỗ, nhưng vẫn phát ra tiếng bước chân đi. Hắn đi đến trước mặt Bùi Việt, giả giọng nữ nói với Bùi Việt: “Nô tỳ bái kiến Bùi công tử!”.

Hắn dứt lời, liền im lặng đứng sang một bên.

Bùi Việt không cần suy nghĩ nhiều, nói: “Người này tuy rằng ra vẻ như hạc bước chuột đi, nhưng không giấu được bước chân mạnh mẽ; mặc dù điệu bộ cử chỉ giống với nữ nô tỳ, nhưng không che giấu được dương khí trong giọng nói. Bởi vậy, có thể kết luận, người này chắc chắn là nam tử, còn là người luyện võ, hiện là thị vệ trong cung, năm nay khoảng chừng 27 tuổi. Người này tính tình hài hước, nhạy bén hơn người, được chủ nhân tín trọng, cho làm chức quan ngũ phẩm, phụ thân của anh ta còn là một vị khai quốc công thần”.

Bùi Việt nói xong, Tiêu Hà liền bảo Lữ Phục nói tiếp. Lữ Phục trầm tư một lúc lâu sau, mới nói: “Người này không phải là giả bộ nữ ni, mà điệu bộ là giống như nữ nhi vậy, đi lại rất nhẹ nhàng, vốn là do công việc mà thành thói quen vậy. Người này tuy là nam tử, nhưng không có chí khí của nam nhân, bởi vì vốn là ở trong cung thái giám. Người này năm nay đã ngoài 30 tuổi, sống trong cung ít nhất đã hơn 10 năm. Ở trong cung hành vi phải cẩn thận, tạo nên tính cách người như vậy, nguyên nhân chính là như thế”.

Hắn vừa nói xong, trong cung liền có tiếng cười vang, Cao Tổ Lưu Bang cũng ôm bụng cười to. Lữ Hậu thì mặt biến sắc mắng một câu: “Thật là ngu ngốc”.

Không cần nói cũng biết, trận đầu tỷ thí, Bùi Việt thắng.

Tiêu Hà bình phán: “Người thứ nhất, Lữ Phục tuy rằng có thể đoán đúng là thái giám, nhưng Bùi Việt đã bổ sung chẳng những chính xác, hơn nữa có thể nói ra cụ thể thân thế của người này; Người thứ hai, Bùi Việt bình phán càng cặn kẽ. Người này đúng là thị vệ trong cung, đúng 27 tuổi. Càng kỳ lạ chính là, có thể nói ra chuyện cha của người này là một vị khai quốc phong thần. Người này chính là Chu Á Phu con trai của đại tướng quân Chu Bột. Cho nên, trận này người thắng là Bùi Việt”.

Tiếp theo đó là trận thứ hai “sủy cốt”

Khi Tiêu Hà đang chuẩn bị cho dẫn người đã được sắp xếp trước đi vào thì Lưu Bang bỗng nhiên đổi ý bảo không cần nữa, mà lệnh cho trong đám văn võ đại thần đương triều chọn ra một người để cho Lữ Phục và Bùi Việt “sủy cốt”.Tiêu Hà hiểu ý của Lưu Bang, liền cho người đưa Lữ Phục và Bùi Việt ra tạm phía sau, sau đó bàn bạc chọn người được “sủy cốt”. Cuối cùng quyết định chọn Chu Bột, và quy định, sau khi hai người sủy cốt Chu Bột xong, không nói ra ngay, mà sẽ viết kết quả giấy, sau đó giám khảo sẽ đọc cho mọi người nghe.

Bàn bạc xong xuôi, Tiêu Hà sai người đưa Lữ Phục và Bùi Việt ra, rồi giải thích cách thi. Hai người gật đầu đồng ý, cuộc tỷ thí bắt đầu.

Lần này Bùi Việt sủy cốt cho Chu Bột trước. Bùi Việt cởi bỏ mũ quan của Chu Bột ra, sờ vào hết “cửu cốt” xong rồi đứng sang một bên, nhường chỗ cho Lữ Phục sờ cốt. Lữ Phục sờ từ phía trước mặt vòng sau đầu của Chu Bột một lúc rồi cũng đứng sang một bên. Tiêu Hà lập tức ra hiệu cho Chu Bột quay về chỗ. Sau đó Lữ Phục và Bùi Việt gỡ khăn che mắt ra, rồi viết đáp án lên lụa trắng. Viết xong, đưa cho Tiêu Hà.

Tiêu Hà đọc đáp án của Bùi Việt trước: “Khoái Triệt từng nói: ‘Cao quý hay đê hèn là nằm ở cốt pháp, vui buồn là ở dung mạo’. Mà cốt pháp chính là xem cửu cốt trên phần đầu, là xương trán, lưỡng quyền, tướng quân, nhật giác, nguyệt giác, long cung, phục tê, cự ngao, long giác. Nhìn tổng quát, 9 các xương tròn trịa và đầy, xương tướng quân lớn, đầy đặn nằm ngang tai, có thể kết luận người này là quan võ, xương long cung tròn đầy đặn và to chính là dấu hiệu của anh hùng hào kiệt, xương phục tê thẳng vươn tới đỉnh đầu chính là quan lớn trong triều đình. Tóm lại, người này khi còn trẻ vì nhà nghèo không được học, nhưng lại có võ công cao thâm và lòng trung hậu, nên là công thần khai quốc của Đại Hán, chức vị hiện tại là nhất phẩm Thái bộc”.

Nghe Tiêu Hà đọc xong, các văn võ bá quan có mặt tại đó, ai cũng phải kinh ngạc: “Thần kỳ! Thật sự là quá thần kỳ!”

Tiêu Hà lại bắt đầu đọc bài viết của Lữ Phục: “Vị này năm nay khoảng 50 tuổi, là quan võ nhất phẩm”.

Lữ Hậu và Thẩm Tự Cơ nghe xong, thở dài nhẹ nhõm. Lữ Phục mặc dù viết ít, nhưng nói rất đúng.

Lưu Bang sau khi nghe xong, vẻ mặt rất vui mừng, nói: “Hai người các ngươi nói cũng không tệ. Trận này xem như ngang tay, tiếp tục xạ phúc đi!”.

Tiêu Hà liền lệnh thị vệ trong cung mang ra một cái bàn nhỏ. Trên chiếc bàn là một cái bình gốm được phủ kín bằng vải. Ông chỉ vào bình gốm nói với Lữ Phục và Bùi Việt: “Giấu trong bình này là một hộp gỗ, trong hộp gỗ có một vật, các ngươi đoán xem cái trong hộp là vật gì?”

Lữ Phục lấy ra một lá cỏ thi mà mình mang theo bên mình để gieo quẻ, tay cầm lá cỏ đưa lên đưa xuống, rồi nói: “Hướng lên là quẻ Ly, xuống là quẻ Tốn, quẻ Tốn là gió là cây, quẻ Ly là hỏa là mỹ lệ. Lên là quẻ Đoài, xuống là quẻ Càn (khô), quẻ Đoài là sông là nước, quẻ Càn là kim là kiên cố. Cho nên có thể kết luận, trong hộp gỗ ở trong bình gốm không phải là nước, mà là đồ trang sức”.

Nói xong Lữ Phục có vẻ đắc ý nhìn sang Bùi Việt. Tiều Hà bảo Bùi Việt phúc xạ.

Bùi Việt nói: “Bình gốm ở trên bàn gỗ ở dưới, tôi sẽ gieo quẻ theo hình tượng của vật. Bình gốm màu đỏ thẫm, đỏ thẫm là quẻ Ly; bàn gỗ bên dưới được chạm khắc tinh xảo chính là quẻ Tốn. Bên trên là quẻ Ly, bên dưới là quẻ Tốn, kết hợp với nhau sẽ biến hóa thành trên là quẻ Đoài dưới là quẻ Càn (khô). Bởi vì ở bên trong bình gốm là một hộp gỗ, gỗ là quẻ Tốn, vì thế theo cửu nhị hào là động (cửu nhị hào là những nét ngang liền hoặc ngang đứt tạo ra Bát Quái), sẽ thành dưới khô trên ẩm, dưới nước là vật cứng. Biến thành trên là quẻ Đoài dưới là quẻ Ly, quẻ Đoài là thủy ẩm ướt, quẻ ly là mỹ lệ. Ly sơ cửu và cửu nhị là dương hào (trong bát quái), dương là chắc chắn bên trong lưỡng chắc là âm hào, âm là mềm. Vì thế có thể kết luận, bên trong hộp gỗ ở trong bình gốm là con ba ba da nẻ, mà con ba ba này khuyết lệ, nên cũng có thể gọi là con rùa. Hoa văn trên mai con rùa này khác với những con rùa bình thường, nổi bật hơn, có hiện lên màu vàng kim”.

Nghe Bùi Việt nói xong, Tiêu Hà liền lệnh cho thị vệ mở cái bình gốm ra, rồi mở hộp gỗ ra, quả nhiên bên trong là một con rùa nhỏ có màu vàng kim vô cùng sặc sỡ.

Đám văn võ đại thần nhìn thấy, liền vỗ tay hoan hô, sôi nổi tán thán: “Đúng là đoán như Thần”.

Lữ Phục thấy quả đúng là con rùa như lời Bùi Việt nói, ái ngại không nói được gì. Một lát sau, mới nói: “Lữ mỗ bất tài cam nguyện nhận thua!”

Lữ Hậu thấy vậy, tuy rằng thần sắc u ám, nhưng không thể làm gì hơn, Lưu Bang bèn tuyên bố: “Kết quả tỷ thí chứng minh, kỹ năng thuật xạ phúc của Bùi Việt hơn hẳn Lữ Phục. Trẫm ban lệnh cho phép Hứa Phụ và Bùi Việt kết làm phu thê, ban thưởng một ngàn lạng vàng, làm lễ thành hôn ngay trong ngày hôm nay!”.

Hứa Phụ và Bùi Việt quỳ xuống đất tạ ơn, tất cả quần thần cùng nói: “Vạn tuế!”.

(Xem tiếp phần 4: Nhìn tướng chọn phi tần)

Dịch từ blog.sina.com

Theo tinhhoa

>> Truyền kỳ về tướng thuật: “Nữ cao nhân đoán mệnh như thần” – Phần 4