Mới đây, một đoạn video được quay bí mật gửi đến FOX 11 (trực thuộc Fox News) đã tiết lộ cuộc sống của tù nhân lương tâm trong các trại lao động Trung Quốc. Đoạn video do một gia đình ở California ghi lại trong nỗ lực phản đối việc chính phủ Trung Quốc đã giam giữ và tra tấn người thân của họ đến chết gần 20 năm trước.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1999, khi chính quyền Trung Quốc ra lệnh “xóa bỏ” Pháp Luân Công, gán cho pháp môn này cái mác “dị giáo” đe dọa sự ổn định xã hội. Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bắt giữ và giam cầm hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công và đưa họ đến các trại lao động để “chuyển hóa”.

Những hình ảnh của các đoạn video được công bố sau này trên truyền thông cho thấy, hàng trăm người ủng hộ cho Pháp Luân Công đã bị các cơ quan chính quyền bắt giữ quảng trường Thiên An Môn năm 2001.

Yifei Wang cùng em gái của mình đã đến đó vào năm ấy. Cô là một cựu nhà báo của ĐCSTQ, hiện đang sống ở California sau khi trốn khỏi quê nhà. Wang và em gái cô đến Quảng trường Thiên An Môn và giương cao các biểu ngữ ủng hộ Pháp Luân Công. Cả hai đã bị bắt giữ, tách ra và bị giam cầm vì làm điều đó.

Yifei cuối cùng đã được thả ra nhờ một người bảo vệ thông cảm cho cô, nhưng em gái của cô, Kefei, đã không may mắn như thế và không bao giờ thoát ra được. Sau bốn tháng ở trại lao động Trung Quốc, gia đình cô nhận được thông báo rằng Kefei đã chết sau một cơn đau tim. Gia đình Keifei không tin điều này, họ cho rằng cô đã bị tra tấn đến chết. Đến giờ, sau gần 20 năm, họ tin rằng di thể của cô vẫn đang bị giữ trong trại lao động.

Năm 2015, anh Gordon – chồng của Yifei đến Trung Quốc du lịch và anh đã tới thăm Trại lao động nữ Cát Lâm, nơi Kefei qua đời. Ở đó, anh bí mật quay video, và phải đợi một tiếng rưỡi cùng một gia đình khác mới có thể gặp được gặp giám đốc mới của trại lao động.

“Đã 15 năm rồi chúng tôi chưa nhìn thấy nó [di thể của người đã qua đời], chúng tôi chỉ muốn nhìn di thể cô ấy”, một thành viên trong gia đình đó nói. “Chúng tôi muốn biết xem liệu thi thể cô ấy có còn ở đó không, hàng năm chúng tôi đều gửi yêu cầu để được nhìn thấy thi thể cô ấy”.

Vị giám đốc đáp lại: “Nó vẫn ở đây. Chúng tôi trả phí nhà xác hàng năm, mỗi năm tôi đều ký tên, sáu tháng một lần”.

Trong quá trình trò chuyện, vị giám đốc nói gia đình đó rằng họ có thể nhìn thi thể. “Nếu các vị muốn nhìn thi thể, tôi có thể làm điều đó, nhưng các vị phải đồng ý nhận định rằng cô ấy chết một cách tự nhiên”, vị giám đốc nói.

“Ông không có chứng cứ chứng minh rằng đó là chết tự nhiên”, gia đình đó đáp lại. “Nói một cách đơn giản, thưa giám đốc, cô ấy đã không chết vì những nguyên nhân thông thường”.

Gia đình đó cuối cùng đã tay không rời khỏi trại, nhưng Gordon nói với FOX 11, anh sẽ không bao giờ ngừng cố gắng.

“Tôi muốn tìm ra sự thật về cái chết của Kefei”, anh nói, “Tôi muốn lấy lại di thể cô ấy. Tôi muốn tìm những bằng chứng về những gì đã xảy ra với gia đình tôi. Chính quyền Trung Quốc không tuân theo bất kỳ điều luật nào. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ việc lấy lại di thể cô ấy”.

Vụ việc này đã trở thành một cái bóng đè nặng lên Yifei và gia đình cô suốt những năm qua. Khi nhắc đến Kefei, cô bắt đầu khóc nức nở: “Tôi thậm chí không dám nghĩ đến cô ấy, bởi vì khi tôi làm vậy, trái tim tôi như tan nát. Tôi nhớ lại khoảng thời gian chúng tôi còn trẻ và ở bên nhau, cô ấy là một cô gái thông minh”.

Ming Yu là một người bạn của gia đình Yifei và cũng bị cầm tù vì ủng hộ Pháp Luân Công. “Tôi là một doanh nhân thành công. Tôi có một nhà máy may mặc, tôi đã thuê hơn 100 nhân công, nhưng sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, việc kinh doanh của tôi cũng mất”, anh nói.

2

Tưởng niệm các học viên đã bị bức hại đến chết tại Trung Quốc trong lễ diễu hành của Pháp Luân Công tại New York hôm 16/5 vừa qua (Ảnh: Minghui.org)

Yu kể với FOX 11 rằng anh có thể quay video bí mật tại một trại lao động mà anh ta bị cầm tù bằng cách mua chuộc một người bảo vệ. Anh quay đoạn video này tại một trại lao động khét tiếng trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Đoạn video cho thấy các học viên Pháp Luân Công bị ép buộc phải làm việc rất nhiều giờ liên tục để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu ra toàn thế giới.

Yu nói rằng các công nhân không được nghỉ, và một số người đã kiệt sức đến mức ngủ gục ngay tại bàn làm việc. Anh cũng quay video một học viên Pháp Luân Công bị thương nặng do lính canh ở trại đánh đập. Người đàn ông đó bị cùm vào giường, gầy trơ xương và đầy những thương tổn trên da.

Yu còn nói: “Nếu bạn bị bắt gặp làm những việc như thế này, quay video lại chi tiết những gì đang xảy ra trong các trại lao động, bạn sẽ mất mạng”.

Yu cũng dùng các camera ẩn giấu được thiết kế như các sản phẩm khác nhau, bao gồm chìa khóa xe hơi và đồng hồ, để quay nhiều đoạn video khác.

Có một người đàn ông hấp hối bị cùm trên giường bệnh viện. Yu cho biết, người đàn ông này bị tống giam chỉ vì ủng hộ Pháp Luân Công. Anh ấy đã bị đánh đập và tra tấn cho đến khi đột quỵ. Anh ấy chết trong trạng thái thực vật, bị cùm trên giường, khi đó vợ anh ấy đã khóc nấc lên.

Những câu chuyện như thế này không phải là cá biệt ở Trung Quốc. Tại Los Angeles, rất nhiều người tập Pháp Luân Công địa phương đã tập hợp lại, cùng kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp. Một số người giữ ảnh chân dung của những nạn nhân đã qua đời hoặc hoặc bị cầm tù bởi chính quyền Trung Quốc.

Và tại thành phố New York, tuần trước, gần 10.000 học viên Pháp Luân Công đã cử hành đại lễ diễu hành nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp, một số nhóm trong đoàn diễu hành còn cầm biểu ngữ có dòng chữ “Trả lại di thể cho em gái”, ám chỉ đến di thể của Kefei Wang.

Ông Rubacek, nhà sản xuất Swoop Films cho biết hãng phim của ông đang thực hiện một bộ phim tài liệu có tên Tìm kiếm sự Can đảm, trong đó phản ánh cuộc đàn áp của chính phủ đối với Pháp Luân Công và cuộc đấu tranh nhằm tìm lại thi thể của gia đình Kefei. “Đây không phải là người đã chết vì đau tim”, Rubacek nói. “Chúng ta nói đến sự tra tấn tàn bạo, là vì điều gì? Vì bênh vực cho tự do tín ngưỡng.”

Shawn Steel, một Ủy viên Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc Bang California cũng nhận định: “Một cơn đau tim đối với một phụ nữ 30 tuổi là lý do điển hình mà bạn nhận được từ chế độ toàn trị.”

“Chúng tôi nói về Trung Quốc, nói về việc họ là một kẻ thù đáng sợ trong thế kỷ 21 này, bạn phải nói về hồ sơ nhân quyền của họ,” Steel nói. Steel còn nói với FOX 11 rằng anh ta sẽ liên lạc với chính quyền Trump về vấn đề này và lên kế hoạch trình bày về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc vào mùa xuân tới.

Theo Trithucvn