Trung Quốc tiếp tục bị cáo buộc sử dụng tù nhân và cưỡng bức lao động để sản xuất ra những sản phẩm xuất khẩu “made in China”.

hqdefault

Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ hôm thứ Ba vừa qua đã ban hành một báo cáo, trong đó nói rằng, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục sử dụng tù nhân và cưỡng bức lao động để sản xuất ra những sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Điều này đã vi phạm luật pháp Mỹ cũng như hiệp định thương mại song phương Mỹ-Trung.

Kênh VOA của Mỹ đưa tin, bản báo cáo của Ủy ban này nhấn mạnh việc chính quyền ĐCSTQ tuyên bố bãi bỏ các trại cải tạo lao động từ tháng 11/2013. Nhưng theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố hồi tháng 9/2016, nhiều trại lao động ở Trung Quốc đã đổi tên thành trung tâm cai nghiện ma túy hay các trung tâm giáo dục, và vấn nạn cưỡng bức lao động vẫn tiếp tục diễn ra trong các cơ sở này.

Báo cáo trích dẫn số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ, tính đến ngày 9/2016, những sản phẩm từ Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ như đồ trang trí Giáng sinh, đồ bông vải sợi, quần áo, giày dép và những hàng may mặc khác… vẫn bị nghi ngờ có sử dụng lao động cưỡng bức trong các trại cải tạo.

Từ trước đến nay, vấn đề cưỡng bức lao động ở Trung Quốc luôn không rõ ràng, ngoại giới rất khó có thể xác định được rốt cuộc có bao nhiêu loại sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ là do tù nhân bị cưỡng bức lao động làm ra. Năm 2015, nước Mỹ đã thông qua Đạo luật về Thuận lợi và Thực thi Thương mại năm 2015 (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act of 2015, TFTEA) và có hiệu lực từ tháng 3/2016, đã phần nào hạn chế những sơ hở trong các quy định pháp luật, từ đó tăng cường năng lực thực thi pháp luật của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ nhằm ngăn chặn những sản phẩm kiểu này tiến nhập vào thị trường Mỹ.

Vài năm trở lại đây, nhiều nạn nhân trong các trại cải tạo hay giáo dưỡng ở Trung Quốc viết thư tay cầu cứu và giấu vào các sản phẩm xuất khẩu đã liên tục xuất hiện tại hải ngoại, điều này đã tiết lộ hành vi cưỡng bức lao động vẫn đang tồn tại ở Trung Quốc.


Phía sau bao bì hộp bánh xuất hiện thông điệp cầu cứu từ nhà tù Trung Quốc: “Sản phẩm làm tại nhà tù Trung Quốc, Tôi muốn tự do!”

Hồi tháng Tư năm nay, cô Lourdes Figueiredo sống tại Yonkers, New York đã phát hiện ra một thông điệp cầu cứu nằm ở mặt sau bao bì một hộp bánh: “Sản phẩm làm tại nhà tù Trung Quốc, Tôi muốn tự do!” Lourdes Figueiredo cảm thấy sốc khi đọc những từ ngắn ngủi này, cô đã phát biểu với truyền thông hải ngoại: “Chúng tôi đã từng nghe nói đến những câu chuyện diễn ra trong nhà tù Trung Quốc, chúng tôi cảm thấy những người đó thật đáng thương”.

Tờ Daily Mail của Anh dịp Lễ Giáng sinh năm 2015 cũng đưa tin, một công dân Anh là ông Shahkiel Akbar khi đến cửa hàng thời trang thương hiệu Primark để mua tất giá rẻ, đã phát hiện ra một bức thư cầu cứu. Người viết thư nói rằng, ông bị hãm hại và đưa vào giam giữ trong tù, tại đây đã phải chịu những phương thức tra tấn tàn bạo.

Cùng lúc đó, tờ Metro của Anh cũng tiết lộ, cha của một phụ nữ Anh, cô Lucy Kirk cũng đến Primark mua tất và tìm thấy một bức thư cầu cứu khác. Trong thư viết, nạn nhân đã bị bắt chỉ vì dùng tên thật tố cáo những quan chức tham nhũng ở Trung Quốc, đến tháng 6/2014 bị ĐCSTQ vu cho tội “tống tiền” và hãm hại ông đi tù. Vợ ông cũng bị bức hại đến tàn tật, còn cha ông thì bị giết chết.

Cảnh sát tra tấn tù nhân (Ảnh: ĐKN)
Cảnh sát tra tấn tù nhân 

Tháng 6/2014, lại có khách hàng đến Primark mua quần áo và đọc được thông điệp cầu cứu: “SOS! SOS! SOS! Chúng tôi là những tù nhân trong Nhà tù Tương Nam, Hồ Bắc, Trung Quốc, đã phải may quần áo xuất khẩu suốt thời gian dài, mỗi ngày chúng tôi phải làm việc đến 15 giờ đồng hồ, đồ ăn mỗi bữa không bằng cả đồ ăn cho chó lợn, cuộc sống không khác gì kiếp trâu ngựa. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành vi chà đạp nhân quyền này của chính phủ Trung Quốc!”

Bức thư cầu cứu sớm nhất xuất hiện từ năm 2012, người dân Mỹ khi mua sắm đồ Giáng sinh ở Oregon đã phát hiện một phong thư cầu cứu đến từ Trại lao động Mã Tam Gia ở Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc. Người viết tự nhận mình là một người tập Pháp Luân Công bị giam giữ tại Trại lao động Mã Tam Gia, mỗi tuần phải làm việc 7 ngày, mỗi ngày làm việc 15 giờ đồng hồ, còn bị cảnh sát nhục mạ, đánh đập và tra tấn thân thể tàn bạo. Bức thư viết: “Thưa ngài: Nếu quý ngài tình cờ mua sản phẩm này, làm ơn hãy chuyển bức thư này tới Tổ chức Nhân quyền Thế giới. Hàng ngàn người ở đây đang chịu sự đàn áp của nhà cầm quyền ĐCSTQ sẽ vĩnh viễn nhớ ơn quý ngài. Sản phẩm này được sản xuất tại Khu 2, Đại đội 8 Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, thuộc Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Người làm ở đây phải lao động 15 giờ mỗi ngày, không được nghỉ cuối tuần, nếu không sẽ bị đánh và chửi, hầu như không có tiền công (chỉ nhận 10 nhân dân tệ/tháng). Người làm ở đây trung bình bị phạt 1-3 năm, nhưng không có phán quyết của tòa án, bị bắt giam và cưỡng bức lao động một cách phi pháp. Rất nhiều người trong số họ là học viên Pháp Luân Công, những người hoàn toàn vô tội, nhưng chỉ vì có tín ngưỡng khác với quan điểm của ĐCSTQ mà họ thường phải chịu nhiều cực hình hơn những người khác.”


Ông Tôn Nghị, người đã viết bức thư kêu cứu ở Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh (Ảnh NVCC)

Cuối tháng 12 năm ngoái, ông Tôn Nghị, người đã viết bức thư kêu cứu này đã xuất hiện tại hải ngoại. Gần đây ông Tôn Nghị tiếp tục tiết lộ cho đài Phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope) rằng các nhà tù của Trung Quốc Đại Lục vẫn tồn tại vấn nạn cưỡng bức lao động của tù nhân. “Trại cải tạo đã giải thể, nhưng các cơ sở giam giữ thì không hề giải thể.”

Tổng hợp
Theo Trithucvn, ĐKN