Mặc dù là nhà khoa học nổi tiếng nhất trong thời đại của mình, nhưng Albert Einstein biết rằng chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết sự vận hành của vũ trụ. Cảm nhận vũ trụ là một thể hài hoà thống nhất, ông vô cùng kinh ngạc trước sự bí ẩn của Đấng Tạo Hóa và thán phục lý tưởng của những bậc Đại Giác như Đức Phật và Chúa Jesus.

1Albert Einstein biết rằng chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết sự vận hành của vũ trụ thông qua hiểu biết hạn hẹp của mình. (Ảnh qua Uplift Connect) 

Đoạn trích sau đây nằm trong một tác phẩm của Albert Einstein bàn về nơi gặp nhau giữa khoa học và tâm linh sẽ cho chúng ta một cái nhìn sơ lược đầy thú vị về thế giới quan của ông:

*****

“Nhà trường không dạy được tôi, và tôi cũng không hợp với nó. Trường học làm tôi buồn chán. Các giáo viên cư xử như các trung sĩ. Tôi muốn học những cái tôi muốn biết, nhưng họ muốn tôi học để thi. Điều tôi ghét nhất là hệ thống thi đua ở đó, đặc biệt là thể thao. Vì vậy, tôi chẳng là gì với họ, đã mấy lần họ muốn tôi nghỉ học.

Đó là trường Đạo ở Munich. Tôi cảm thấy niềm khao khát tri thức của mình bị các giáo viên bóp nghẹt; điểm số là thước đo duy nhất của họ. Làm sao giáo viên hiểu được thế hệ trẻ qua một hệ thống như vậy?

Trật tự trong vũ trụ, hỗn loạn trong tư tưởng

2Ở trường, Albert Einstein cảm thấy niềm khao khát tri thức của mình bị các giáo viên bóp nghẹt. (Ảnh qua Onedio)

Từ khi lên 12 tuổi, tôi bắt đầu nghi ngờ chính quyền và không tin vào các giáo viên. Tôi chủ yếu học ở nhà, đầu tiên là từ bác của mình và sau đó là từ một người sinh viên tới nhà chúng tôi ăn tối mỗi tuần một lần. Anh ấy đưa tôi các quyển sách về vật lý và thiên văn.

Càng đọc tôi càng cảm thấy khó hiểu về trật tự của vũ trụ và sự hỗn loạn trong tư tưởng con người, khó hiểu về những nhà khoa học không đồng tình với nhau về cách thức, thời gian và lý do vũ trụ được tạo ra.

Rồi một ngày người sinh viên kia mang tới cho tôi cuốn “Critique of Pure Reason” (Tạm dịch: Phê bình Lý trí Thuần tuý”) của Kant. Sau khi đọc cuốn sách, tôi bắt đầu nghi ngờ tất cả các thứ mình được dạy. Tôi không còn tin vào Chúa trời trong Kinh Thánh, mà tin vào Vị Chúa tể bí ẩn trong tự nhiên.

Những nguyên lý cơ bản của vũ trụ đều đơn giản, nhưng vì bị hạn chế về mặt giác quan nên chúng ta không thể nắm bắt được chúng. Trong tạo hóa có một mô típ như thế này.  

Nếu chúng ta nhìn cái cây bên đường, rễ của nó tìm kiếm nước ở lòng đất dưới vỉa hè, hoặc nhìn một bông hoa đang gửi hương thơm cho những con ong thụ phấn, hay thậm chí nhìn vào chính bản thân chúng ta và những động lực bên trong thôi thúc chúng ta hành động, chúng ta có thể thấy rằng tất cả đều ‘khiêu vũ’ theo một giai điệu bí ẩn, và người thổi lên giai điệu này từ một khoảng cách không thể dò được – bất kể chúng ta gọi Ngài là gì – Đấng Tạo Hoá, hay Chúa Trời – đều vượt xa khỏi tất cả tri thức trong sách vở.

Khoa học không bao giờ dừng phát triển vì bộ não con người chỉ mới sử dụng nột phần nhỏ khả năng của nó, và những tìm tòi của nhân loại về thế giới cũng bị giới hạn.

3

Einstein tin rằng vạn vật đều đang sống theo một nhịp điệu bí ẩn do Đấng Tạo Hóa sáng tạo nên. (Ảnh qua LearningToGo)

Cảm nhận vũ trụ như một thể hài hoà thống nhất

Tạo hoá có thể có nguồn gốc tâm linh, nhưng thế không có nghĩa là tất cả mọi thứ được tạo ra đều là tinh thần. Làm thế nào để tôi giải thích điều này cho bạn? Chúng ta hãy cùng công nhận thế giới là một bí ẩn. Tự nhiên không phải chỉ là vật chất cũng không phải chỉ là tinh thần.

Con người cũng vây, họ không chỉ là máu và thịt; nếu không, tôn giáo sẽ không thể tồn tại. Đằng sau một nguyên nhân này vẫn còn một nguyên nhân khác; điểm kết thúc hay sự bắt đầu của tất cả các nguyên nhân đều chưa được tìm ra. Tuy vậy, chỉ có một thứ buộc phải ghi nhớ: không có kết quả nếu không có nguyên nhân, và không có sự mất trật tự nào trong tạo hóa.

Nếu tôi không có một niềm tin tuyệt đối vào sự hài hoà của tạo hoá, tôi đã không cố gắng trong 30 năm để trình bày nó trong một công thức toán học. Chỉ có duy nhất ý thức của con người với những gì mà họ làm mới khiến họ ở một đẳng cấp cao hơn so với động vật và cho phép họ nhận thức được bản thân mình và mối quan hệ của con người với vũ trụ.

Tôi tin rằng mình có những cảm giác về đức tin vũ trụ. Tôi không thể nào chấp nhận việc một người có thể thoả mãn cảm giác này bằng việc chỉ tôn thờ những đối tượng hạn chế. Cái cây ngoài kia là sống, còn bức tượng thì chết. Toàn bộ tự nhiên là cuộc sống, và cuộc sống như tôi quan sát, bác bỏ một vị Thần giống với con người.

Con người có kích cỡ không giới hạn và trong thâm tâm vẫn luôn tìm kiếm Đức Chúa Trời. Một đức tin vũ trụ không có giáo điều nào khác ngoài việc dạy bảo con người rằng vũ trụ là có lý trí và sứ mệnh cao nhất của con người là suy nghĩ về nó và đồng hoá với các nguyên tắc của nó.

Khám phá sự tráng lệ của tạo hoá

4

Einstein thảo luận về Khoa học và Chúa Trời với triết gia Ấn Độ Tagore. (Ảnh qua Uplift Connect)

Tôi cho rằng vũ trụ là một thể hài hoà thống nhất. Tất cả các tế bào đều có sinh mệnh. Vật chất cũng vậy, chúng có sinh mệnh, chúng là năng lượng hoá rắn. Cơ thể chúng ta như một nhà tù, và tôi mong đợi được giải thoát, nhưng tôi không suy đoán về những gì sẽ xảy ra với tôi. Tôi đang sống ở đây, và trách nhiệm của tôi là ở thế giới này. Tôi nghiên cứu các quy luật tự nhiên. Đây là công việc của tôi trên Trái Đất này.

Thế giới cần những nguồn động lực đạo đức mới, mà tôi sợ rằng sẽ không đến từ những nhà thờ, nơi đã thoả hiệp nặng nề biết bao thế kỷ qua. Có lẽ những động lực này phải đến từ những nhà khoa học truyền thống như Galileo, Kepler và Newton. Bất chấp những thất bại và áp bức, những người này đã cống hiến cả cuộc đời họ để chứng tỏ rằng vũ trụ là một thể đơn nhất, và trong đó, tôi tin rằng, không có chỗ cho một Chúa trời được nhân cách hoá.

Những nhà khoa học chân chính không bị tác động bởi những lời ca ngợi hay phỉ báng, ông ấy cũng không truyền giáo. Ông khám phá vũ trụ và mọi người đến một cách háo hức, mà không cần phải ép buộc, để chiêm ngưỡng những khám phá mới: sự trật tự, sự hài hoà và tráng lệ của tạo hoá!

Và khi con người hiểu được những nguyên tắc kỳ diệu đang vận hành vũ trụ trong sự hài hoà hoàn hảo này, con người sẽ nhận ra họ nhỏ bé đến thế nào. Họ sẽ thấy được sự tồn tại của họ, với những tham vọng và mưu đồ, với niềm tin ‘tôi tốt hơn người khác’, mới bé nhỏ đến đáng thương làm sao.

Đây là sự khởi đầu của đức tin vũ trụ trong bản thân mỗi con người; sự hữu hảo và phục vụ con người trở thành nguyên tắc đạo đức của anh ta. Nếu không có những cơ sở đạo đức này, chúng ta sẽ bị trừng phạt trong tuyệt vọng.

Cải thiện thế giới bằng tinh thần, không phải bằng tri thức khoa học

Nếu chúng ta muốn cải thiện thế giới, chúng ta không thể làm điều đó bằng kiến thức khoa hoc, mà là bằng tinh thần. Khổng Tử, Đức Phật, Chúa Jesus, và Mahatma Gandhi đã làm nhiều việc cho con người hơn cả khoa học.

Chúng ta phải bắt đầu với nhân tâm – với lương tâm của chúng ta – và với những giá trị lương tri vốn chỉ có thể biểu lộ bằng những hành động vị tha cho nhân loại.

Tôn giáo và khoa học là đồng hành. Như tôi đã nói trước đây, khoa học mà không có tôn giáo sẽ què quặt khập khiễng, còn tôn giáo mà không có khoa học sẽ mù quáng. Chúng có sự phụ thuộc lẫn nhau và cùng có một mục tiêu chung – tìm kiếm chân lý.

 

5

Einstein tin rằng một nhà khoa học chân chính sẽ có đức tin. (Ảnh qua Uplift Connect)

Vì vậy thật vô lý khi tôn giáo tẩy chay Galileo hay Darwin và các nhà khoa học khác. Và cũng vô lý như thế khi khoa học cho rằng không có Đấng Tạo Hóa. Một nhà khoa học chân chính có đức tin, nhưng không có nghĩa là ông ấy phải đăng ký tin vào một tín ngưỡng nào đó.

Nếu không có tôn giáo, sẽ không có lòng nhân đức. Linh hồn mà mỗi chúng ta được trao tặng được vận động bởi chính sinh mệnh đang vận động vũ trụ này.

Tôi không phải là một người thần bí. Cố gắng tìm ra các quy luật của tự nhiên không liên quan gì tới chủ nghĩa thần bí, mặc dù đứng trước tạo hoá tôi cảm thấy rất khiêm nhường. Rõ ràng là có một sinh mệnh nào đó vô cùng vượt trội so với tinh thần của con người. Thông qua sự truy cầu khoa học của mình, tôi đã có những cảm giác về đức tin vũ trụ. Nhưng tôi không quan tâm khi bị gọi là một người thần bí.

Tôi tin rằng chúng ta không cần phải lo lắng về điều gì sẽ xảy ra sau khi chết, miễn là chúng ta làm hết trách nhiệm của chúng ta ở đây – để yêu thương và để cống hiến.

Tôi có niềm tin vào vũ trụ, vì nó có lý trí. Quy luật là cơ sở cho mỗi điều đang diễn ra. Và tôi có niềm tin vào mục đích mà tôi xuất hiện trên Trái Đất này. Tôi có niềm tin vào trực giác của mình, ngôn ngữ của lương tâm mình, nhưng tôi không có niềm tin vào sự suy đoán về Thiên đường hay Địa ngục. Tôi lo lắng về thời đại này – tại đây và lúc này.

Trực giác là động lực của nhân loại

Nhiều người nghĩ rằng sự tiến bộ của loại người dựa trên kinh nghiệm của họ về một thế giới tự nhiên lặp đi lặp lại và có giới hạn, nhưng tôi nói rằng tri thức chân thực chỉ có được thông qua một triết học suy diễn. Theo đó trực giác là điều đang cải tạo thế giới, chứ không phải là đi theo một lối mòn suy nghĩ.

Trực giác khiến chúng ta nhìn vào các dữ kiện không liên quan tới nhau và rồi suy nghĩ đến chúng cho tới khi quy nạp về một quy luật nào đó. Tìm kiếm các dữ kiện có liên quan tới nhau đồng nghĩa với việc ôm giữ cái mà chúng ta đã có thay vì tìm kiếm những dữ kiện mới.

Trực giác là cha đẻ của tri thức mới, trong khi chủ nghĩa kinh nghiệm chẳng là gì ngoài sự tập hợp những tri thức cũ. Trực giác, không phải trí thông minh mới là ‘chiếc chìa khoá thần kỳ’ của chính bản thân bạn.

Sự thực là, không phải trí thông minh, mà trực giác mới là thứ thúc đẩy nhân loại. Trực giác cho con người biết mục đích của họ trong cuộc đời này.

Tôi không cần bất kỳ lời hứa vinh danh muôn đời nào để trở nên hạnh phúc. Sự vĩnh cửu của tôi chính là lúc này đây. Tôi chỉ có một mối quan tâm: được hoàn thành sứ mệnh của tôi ở đây.

Sứ mệnh này không đến từ bố mẹ tôi hay môi trường xung quanh. Nó bao gồm một vài nhân tố chưa biết. Những nhân tố này biến tôi thành một phần của sự vĩnh cửu”.

Tác giả: Albert Einstein

Quốc Hùng (Theo Uplift Connect)