Người xưa nói: “Trời xanh thăm thẳm không thể dối, niệm còn chưa động trời đã hay”. Có người chỉ vì một niệm thiện mà được phúc báo, lại có người chỉ vì một niệm ác liền bị trời phạt. Hết thảy thuận lợi, may mắn, bất hạnh, đau khổ đều từ đó mà cảm ứng…

nhan-on-thi-phai-baoTrời xanh thăm thẳm không thể dối, niệm còn chưa động trời đã hay. (Ảnh: Pinterest)

Người xưa còn nói: “Phúc họa vốn không có cửa, chỉ có con người tự chiêu mời”, những lời này đều là khích lệ người ta thuận theo thiên lý, nhắc nhở con người thế gian phải thận trọng với những suy nghĩ của mình. Dưới đây là một vài ví dụ về thiện ác tất báo được ghi lại trong sách cổ.

1. Tích tiền không bằng tích đức

Triều Minh có vị quan tên Vương Trung Thừa, làm tổng chế Lưỡng Quảng. Có một ngày ông đi thanh tra ngân khố, quân lương thấy có dư ra 34 vạn lượng vàng, nhưng không được ghi chép lại. Chính vì quốc gia từ lâu không xảy ra chiến tranh, quân nhân thì ít mà lương bổng lại nhiều, tích lũy lâu dần, nên sinh ra một số tiền dư lớn như vậy. Ai cũng không thể tra được là từ đâu mà đến, triều đình cũng không biết. Sau khi ông phát hiện liền có ý định bẩm tấu về cho triều đình biết.

Có một người bạn già khuyên: “Ông không nhiễm một hạt bụi trần, vua và dân đều biết, nhưng lần này tra ra được tiền dư cũng không phải là thu thuế của dân cao, cũng không phải là chiếm đoạt quốc khố. Ông có bốn người con, có thể tính toán một chút, báo lên ba mươi vạn lượng thôi, giữ lại bốn vạn lượng chia cho bốn người con. Về lòng trung của ông cũng không tổn hại gì”.

Vương Trung Thừa nghe xong liền cười nói: “Như thế giống như một người phụ nữ ở góa, thủ tiết ba mươi năm, bỗng nhiên vì nghe theo con cháu mà cải tiết, thế không đáng tiếc hay sao?”. Vậy là ông liền tấu đúng lên trên, không giữ lại chút tiền nào, mọi người đều tán thưởng Vương Trung Thừa là bậc quân tử hiếm có.

Về sau, ông nhiều lần đảm nhiệm chức quận trưởng, con cháu liên tiếp đỗ trạng nguyên, cứ người này tiếp nối người kia làm quan chức, cao quý, vinh hiển cả đời, cả nhà hưng thịnh mãi mà không giảm.

Triều đại nhà Thanh, ở phủ Thiệu Hưng có một vị làm Bố Chính Sử, chuyên vơ vét mồ hôi nước mắt của nhân dân, tham ô tích của đến mấy chục vạn. Sau đó bị cách chức cho về quê, liền mua mười vạn mẫu ruộng tốt, ở trong quận cũng được coi là người giàu có nhất. Ông ta thường xuyên mơ thấy ông nội quở trách: “Ngươi muốn bị báo ứng đày xuống âm phủ à!”. Tuy nhiên ông ta không tin lời báo mộng của ông nội.

Ông ta chỉ có một người con trai và một cháu trai, cả ngày chỉ biết ăn uống, gái gú, đánh bạc, tiêu xài hoang phí, cuối cùng đều đoản mệnh mà chết. Không lâu sau khi con cháu chết, chính ông ta cũng bị bệnh bại liệt, lúc này tài sản trong nhà đã hết sạch.

Thế sự rối ren, quay đầu nhìn lại tất cả đều là không, duy chỉ có tích đức làm việc thiện mới là việc có ích nên làm. (Ảnh: Sohu)

Lúc lâm chung ông mới nói: “Ta làm quan đến chức Bố Chính Sử cũng không thể coi là nhỏ, ruộng mua mười vạn mẫu cũng không thể tính là ít, cũng đều là một tay ta sắp đặt, hôm nay hai tay trống trơn, gia đạo suy sụp. Đây rốt cuộc là đạo lý gì chứ!”. Đây chỉ là quả báo ở hiện tại, huống hồ sau khi chết còn có địa ngục, còn muôn phần đáng sợ hơn.

Thế sự rối ren, quay đầu nhìn lại tất cả đều là không, duy chỉ có tích đức làm việc thiện mới là việc có ích nên làm. Vương Trung Thừa giữ vững danh tiết, không những cả đời giàu có, mạnh khỏe, hơn nữa còn để phúc lại cho đời sau. Còn vị Bố Chính Sử này không từ thủ đoạn nào vơ vét của cải, không chỉ chính mình gặp phải ác báo mà còn gây họa đến con cháu. Hai người có suy nghĩ khác nhau mà kết cục khác nhau một trời một vực, thưởng thiện phạt ác, thiên lý rất công bằng.

2. Chớ tham tài sản của người khác

Triều đại nhà Minh có một người giàu có tên là Từ Trì, ở rất gần chỗ của Từ Nhập. Từ Trì thấy phòng ốc của Từ Nhập đồ sộ, khang trang, liền tìm cách để giành lấy. Từ Nhập lúc đầu không có ý định bán nhà, Từ Trì liền dụ dỗ con của anh ta đi đánh bạc, đến nỗi tán gia bại sản, cuối cùng phải đem nhà bán cho Từ Trì. Từ Nhập rất khổ sở, vì vậy cha con không hòa thuận, phẫn uất, buồn bực mà chết.

Không lâu sau, Từ Trì cùng với ba người con trai và năm cháu trai đều mắc dịch bệnh. Từ Trì mơ thấy ông nội nói với mình: “Tai họa của ngươi đến rồi! Ngươi còn nhớ nguyên nhân ngươi đoạt được căn nhà không? Từ Nhập ở âm phủ tố cáo ngươi rồi!”. Từ Trì rất sợ hãi, sáng sớm hôm sau đi ra miếu Thành Hoàng cầu nguyện. Mới bước chân vào miếu, một người ăn mày vừa trông thấy Từ Trì đã tỏ ra rất kinh ngạc.

Có người hỏi nguyên nhân, người ăn mày liền nói nhỏ: “Đêm qua vô tình ngủ ở trong miếu, trông thấy có người cầm trên tay đơn kiện, lên án Từ Trì dụ con của anh ta đánh bạc mà dẫn đến bị tán gia bại sản, không ngờ hôm nay lại gặp Từ Trì tới cầu nguyện, cho nên tôi rất khiếp sợ”. Từ Trì nghe xong càng thêm sợ hãi.

Chưa đến một năm, Từ Trì cũng mắc đầy bệnh không ngồi dậy nổi, không lâu sau thì chết, con cháu cũng lần lượt chết theo.

Chỉ vì tham lam căn nhà của người khác mà sắp đặt kế hoạch hãm hại, khiến cho con cháu của Từ Nhập trở nên đồi bại, cha con không hòa thuận, cuối cùng làm cho Từ Nhập bị tán gia bại sản, mưu đồ thật hiểm ác!

Tài sản chính là phúc báo của con người, không phải cứ dùng âm mưu hãm hại là lấy được, tiền tài bất nghĩa thì càng không thể được!

Chân Chân (Theo NTDTV)