Xuất phát của “ăn chay” được biết đến phổ biến từ các tôn giáo, tôn giáo lại có khởi điểm từ các phương pháp tu luyện. Các môn tu luyện đều là hướng dẫn người ta trừ bỏ hay kiểm soát các dục vọng và ham muốn để thông qua các cơ chế trong tu luyện nhằm đạt được các mục đích siêu thường. Đối với con người thì ăn thịt là một ham muốn đáng kể, cũng làm cho người tu luyện khó tĩnh lại được. Do vậy bản chất của “ăn chay” là thông qua đó giúp người ta trừ bỏ ham muốn về “ăn mặn”, tức là ăn thịt hay nói chung là các loại đồ ăn có tính hấp dẫn.

images “Ăn chay” ngày nay đã cơ bản mất đi ý nghĩa chân thực. Các món chay được làm sao cho càng giống món mặn càng tốt

Cùng với việc trừ bỏ các ham muốn khác, tinh thần của người ta dần dần có thể tĩnh lại được. Một số môn tu luyện thậm chí còn đưa vào quy định bắt buộc đối với đệ tử trong việc thực hành “ăn chay”, coi “ăn mặn” là giới cấm nhằm giúp cho các phương pháp tu luyện của họ được nghiêm túc và hiệu quả.

Ăn chay làm gì ?

Ăn chay thời mạt pháp

Ngày nay, cùng với diễn biến mà tôn giáo đông phương gọi là “thời mạt pháp”, biểu hiện ra sự suy giảm của đạo đức xã hội, thậm chí cả trong các tôn giáo cũng không còn giữ được sự tôn nghiêm. Do vậy “ăn chay” còn được hiểu như một việc thời thượng, ngay cả việc kinh doanh dịch vụ này và khá phát triển. Người ta chế biến các món “ăn chay” sao cho có hình thức và mùi vị giống với các món ăn mặn, càng giống càng tốt. Tức là việc “ăn chay” đã hoàn toàn khác xa với bản chất và mục đích của nó. Những nơi tín ngưỡng tôn giáo cũng tổ chức các hoạt động theo hình thức này, thậm chí còn gắn với các mục đích danh lợi bằng các hoạt động “công đức tùy tâm” đi kèm với các bữa ăn chay quy mô lớn.

Có những phương pháp tu luyện không cấm ăn thịt, nhưng đều có nguyên lý hướng dẫn người ta kiểm soát ham muốn này. Nói cách khác là nếu người ta ăn thịt nhưng cảm giác cũng đơn giản như ăn chay thì cũng đạt được yêu cầu của ăn chay rồi. Trong khi nếu ăn chay mà vẫn tìm kiếm cảm giác cho giống với ăn thịt thì ăn chay ấy chỉ còn là tên gọi.

Thánh tăng Tế Công ăn thịt

Hoà Thượng Tế Công

Trong lịch sử tu luyện người ta đã biết tới Tế Công, là một hòa thượng nhưng lại ăn thịt. Do hoàn cảnh bắt buộc khi bị đuổi khỏi chùa Linh Ẩn, nên trong khi khất thực xin được gì thì ăn nấy, ông ăn thịt nhưng không có ham muốn về thịt nên ông vẫn là một Thánh tăng. Khi bị người khác chất vấn vì sao làm hòa thượng rồi còn vẫn ham rượu thịt, Tế Công thủng thẳng đọc mấy câu thơ này:

Cổ thi Phật Tổ để một phong 
Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng
Người nay tu miệng, lòng không sửa
Bần tăng lòng sửa, miệng thì không

“Ăn mặn” có đồng nghĩa với “sát sinh” không?

“Ăn mặn” cũng hay bị đánh đồng với “sát sinh”, người ta hay nói rằng không sát sinh làm sao có thịt để ăn? Thực ra đó hai việc độc lập, mặc dù có hoạt động sát sinh mới có thịt để ăn, nhưng đó là sự phân công trong xã hội mà mỗi cá nhân làm gì thì cũng trực tiếp chịu trách nhiệm với việc mình làm. Trong tu luyện chân chính thì thực chất “ăn chay” không phải là giới cấm đặc định nhưng sát sinh thường được coi là giới cấm khá tuyệt đối, bởi vì nó tạo nghiệp rất lớn khiến người ta rất khó để tu thành. Tuy nhiên đó là vấn đề của giới tu luyện, còn trong đời sống bình thường thì mọi việc trong đó có sát sinh vẫn vận hành theo các quy luật của đời thường.

Ngày nay, cuộc sống ngày càng bị nhiều ham muốn chi phối, mỗi cá nhân nếu hiểu được bản chất của việc “ăn chay” thì có thể coi “ăn chay” như là một cách thực hành kiểm soát các ham muốn. Cho dù không theo một môn tu luyện cụ thể, nhưng việc kiểm soát các ham muốn cũng làm cho mỗi người có thể chủ động hơn với cuộc sống thay vì xu hướng ngày càng coi trọng việc thỏa mãn các dục vọng, mà bản thân nó thường là nguồn cơn cho người ta làm các việc xấu. Đó cũng là một giải pháp góp phần nhỏ bé làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.