Người ta vẫn thường nói, tai họa đến đôi khi không phải vào những lúc khó khăn cơ cực, mà nó thường xuất hiện khi người ta cảm thấy thỏa mãn, muốn dung túng bản thân mình.

12522Họa nạn dễ xảy ra nhất vào lúc người ta cho rằng mình đã bình an vô sự.
(Ảnh: Chuansong)

Lưu Vũ Tích đi thuyền từ Biện Thủy, dự định qua sông Hoài đi đến bờ phía Đông. Khi người chèo thuyền mở dây thừng buộc thuyền, cảnh báo với Lưu Vũ Tích rằng: “Hiện tại con nước đang rất mạnh, thuyền không chắc chắn lắm, nên cần phải chuẩn bị các dụng cụ cứu nạn từ trước, phòng trừ chuyện xảy ra ngoài ý muốn”.

Lưu Vũ Tích nghe xong, tâm trạng lập tức bất an, cảm giác như tại nạn phảng phất ở đâu đó. Ông lệnh cho những tùy tùng của mình nói: “Hãy dùng vải cũ và bông bịt kín những lỗ thủng trên thuyền lại, lấy bùn đất đắp vào những kẽ nứt trên thuyền, múc hết nước đã ngấm vào khoang ra bên ngoài”.

Đến lúc những người giúp việc đã thấm mệt thì Lưu Vũ Tích đích thân làm. Buổi tối, ông đốc thúc người hầu nâng cao cảnh giác, chuẩn bị thật tốt những biện pháp phòng hộ; ban ngày cũng liên tục kiểm tra.

Gặp phải sắc trời âm u, thì không dám tiến lên phía trước; nghe thấy tiếng gió khác với thường ngày, cũng lập tức ngừng thuyền. Ngày nào cũng thận trọng kỹ lưỡng vượt qua như vậy. Cuối cùng cũng thuận lợi đi qua được những vùng nước nguy hiểm, đến được vùng mặt sông tĩnh lặng.

Người trên thuyên đều thở dài nhẹ nhõm. Người chèo thuyền kéo cánh buồm xuống, để mái chèo nằm ngang, từ từ tiến vào gần bờ sông Hoài Âm, xuống thuyền lên bờ. Có những người đi dạo quanh các cửa hàng, có người đến tiệm uống rượu, còn các sai dịch thì đều yên tâm nằm ngủ, Lưu Vũ Tích cũng nghĩ chẳng có gì phải lo lắng nữa, cũng tựa mình vào mạn thuyền nghỉ ngơi.

Đến nửa đêm, trong lúc mọi người không để ý, nước sông đã ngấm vào lớp vải lâu ngày bị mục bít tại các khe hở vốn có của thuyền rồi từ từ tiến vào thuyền. Nước cứ càng lúc càng mạnh hơn, cuối cùng làm thủng thân thuyền, tràn vào trong khoang. Cho đến khi nước tràn ngập khoang thuyền, mọi người mới phát hiện ra, hoảng hốt la hét, nhưng đã quá muộn, không thể cứu vãn được nữa.

Mọi người tất cả đều liều mình nhảy ra khỏi thuyền, bám vào mô đất ở bên bờ. Trong chớp mắt chiếc thuyền đã nghiêng về một phía, rồi chìm nghỉm xuống dưới lòng sông. Mọi người mặc dù đã thoát được nạn, nhưng hành lý và vật phẩm toàn bộ đều đã mất hết.

Lưu Vũ Tích đứng ở trên bờ, nhìn con thuyền chìm nghỉm, cảm thán nói: “Lúc trước ta thời thời khắc khắc cảnh giác, vì vậy dù có nước mạnh sóng lớn, cũng không gặp nạn. Hôm nay an nhàn, nước sông bình lặng, lại xảy ra chuyện. Xem ra, con đường khiến người ta sợ hãi quả thật không có phương hướng cố định, nó không xuất hiện khi người ta sợ hãi, mà lại xuất hiện khi người ta cho rằng mình đã ở trên hành trình bình an!”.

Cậu chuyện này cho chúng ta thấy rằng, họa nạn dễ xảy ra nhất vào lúc người ta cho rằng mình đã bình an vô sự.

Ghi chú: Lưu Vũ Tích (772 – 842) là nhà văn, nhà thơ người Trung Quốc. Ông sinh tại Lạc Dương, Hà Nam, nguyên quán tổ tiên ở Trung Sơn. Lưu Vũ Tích năm mười chín tuổi học ở Trương An, ông đỗ tiến sĩ năm 21 tuổi, sau lại đỗ khoa Bác học hoành từ.

Từng sống lâu ở vùng sông Sở núi Ba, ông đã yêu mến học tập ca dao địa phương. Điều này đem lại cho thơ ca ông một phong vị mới. Thơ ông trong trẻo, hùng hồn, tiết tấu khá hài hoà. Đương thời ông sánh ngang với Bạch Cư Dị.

Lê Hiếu biên dịch
Tinhhoa