Đổng Phụng được người đời ca tụng là người thầy thuốc có y thuật cao siêu, phẩm đức cao thượng. Hơn thế, ông từ nhỏ đã tu đạo, cuối cùng công hạnh viên mãn mà thăng thiên.

csg5zr-20170407-cuu-te-dan-ngheo-vi-thay-thuoc-cong-hanh-vien-man-va-thang-thien

Đổng Phụng, nhiều năm ẩn cư ở trong núi, là người y thuật tinh xảo, thường chữa bệnh cứu giúp dân nghèo. (Tranh minh họa từ Internet)

Trong “Thần Tiên truyền” do tác giả Cát Hồng sống vào triều Tấn biên soạn có một câu chuyện kể rằng: Vào thời kỳ Tam quốc, ở Đông Ngô có một vị danh y tên là Đổng Phụng, nhiều năm ẩn cư ở trong núi, là người y thuật tinh xảo.

Đổng Phụng ẩn cư ở Lư Sơn, thường hay chữa bệnh giúp người, nhưng đặc biệt không bao giờ lấy tiền. Đợi sau khi bệnh nhân khỏi hẳn, chỉ yêu cầu họ trồng cây hạnh trên núi, người bệnh nặng trồng 5 cây, người bệnh nhẹ thì trồng 1 cây. Sau mấy năm trên núi đã có một rừng hạnh, tổng cộng có đến 7 vạn cây. Trùng điểu tẩu thú trong núi đều thích rừng hạnh này, chúng nô đùa đến nỗi cỏ trên mặt đất không mọc được.

Đổng Phụng dùng trái hạnh đổi lấy lương thực, xây một cái kho bên cạnh rừng hạnh. Ông dùng lương thực do bán hạnh có được để cứu giúp người nghèo làm không đủ ăn, những người qua đường cơ nhỡ, hoặc không may bị hết lộ phí.

Tương truyền, Đổng Phụng từ nhỏ đã tu đạo, luyện thành thuật trường sinh bất lão, có người nhìn thấy ông trải qua hơn 50 năm mà dung nhân không hề thay đổi chút nào. Đổng Phụng còn luyện thành một số thần thuật khác.

Có một lần, bạn của Đổng Phụng là Thứ sử Giao Châu Đỗ Tiếp trúng độc chết. Ba ngày sau, Đổng Phụng nghe tin liền đến cứu. Đổng Phụng lấy 3 viên thuốc bỏ vào miệng người chết, sau đó bảo người nhà đỡ dậy, lắc lắc phần đầu để thuốc xuống bao tử. Chẳng mấy chốc Đỗ Tiếp mở mắt, tay chân bắt đầu hoạt động, da dần hồi phục sắc đỏ, chưa đến nửa ngày đã có thể đi lại, ba bốn ngày sau hoàn toàn bình phục.

Đỗ Tiếp nhớ lại tình hình lúc chết, bảo rằng:

“Lúc chết giống như nằm mộng, trông thấy có đến mấy chục người mặc áo đen đến kéo tôi lên xe lợp mui cỏ bồng đưa đến một một nơi lạ, tiến vào đại hồng môn, sau đó trực tiếp đưa tôi đến ngục. Trong ngục đều là phòng đơn, mỗi người một phòng, chật đến nỗi chỉ chứa được một người. Căn phòng tôi ở, cửa lớn cửa sổ đều phong kín, nhìn không thấy bất cứ thứ gì bên ngoài.

Bỗng có một người đến nói ông là sứ giả được phái đến để đưa tôi đi. Tôi liền theo sứ giả ra ngoài, đi được một lúc mới nhìn thấy một chiếc xe ngựa có lọng đỏ, có 3 người ngồi trên xe. Một người tay cầm roi kêu tôi lên xe. Xe đến cửa, tôi tỉnh dậy”.

Câu chuyện này khiến người đời sau ca tụng Đổng Phụng là người có thuật cải tử hoàn sinh.

Tương truyền, Đổng Phụng cư trú tại Lư Sơn mấy chục năm, về sau công hạnh viên mãn đã thăng thiên. Giai thoại “hạnh lâm” của ông được hậu nhân lưu truyền rộng rãi. Ông được người đời ca tụng là người thầy thuốc có y thuật cao siêu, phẩm đức cao thượng, và được vinh danh “Bông hoa Trung y” của Trung Hoa.

***

Nói đến Trung y cổ đại, thì không thể không nói đến học thuyết ngũ hành trong văn hóa truyền thống. Trung y học dùng Âm Dương Ngũ Hành làm lý luận trụ cột, xem thân thể con người như là thể thống nhất “khí, hình, thần”. Thông qua 4 phương pháp “nhìn, nghe, hỏi, tiếp xúc”, tìm hiểu nguyên nhân bệnh, bệnh tính, bệnh vị, phân tích bệnh cơ, lục phủ ngũ tạng, kinh mạch, phán đoán tà chính tăng giảm, rồi tiến tới tìm ra căn bệnh.

Ngoài ra, mục tiêu cuối cùng của Trung y cũng không phải là dừng lại ở chữa bệnh, mà còn là phương pháp tu luyện giúp người thầy thuốc có thể đạt đến 4 cảnh giới. Giống như viết trong “Hoàng đế nội kinh”, đó là các cảnh giới chân nhân, chí nhân, thánh nhân, hiền nhân .

“Chân nhân” là người hiểu rõ âm dương, không bị hoàn cảnh xung quanh tác động, chi phối. Trong giới tu luyện cho rằng, “Chân nhân” chính là người phản bổn quy chân, cho nên có thể trường thọ giống như thiên địa, vĩnh viễn, vô cùng vô tận.

“Chí Nhân” là người có  đạo đức tu dưỡng đến mức độ thuần hậu, thấu hiểu đạo lý Thiên Nhân, luôn bảo trì được trạng thái hài hòa với Âm Dương. Họ thuận theo tự nhiên, cũng là thông qua tu luyện mà rõ ràng hết thảy mọi người trên thế gian.

“Thánh nhân” là người có đức hạnh toàn mỹ, tường tận các quy luật cuộc sống hòa khí với trời đất. Là người sống trên thế gian, mà không hề có phiền não phẫn hận, cũng không giống với thế tục. Và một trong số đó chính là văn thánh Khổng Tử.

“Hiền nhân” có thể nắm bắt được pháp thiên địa, nhật nguyệt, Âm Dương, quy luật tự nhiên biến đổi trong bốn mùa, dùng chúng làm phép tắc dưỡng sinh cho mình. Thời thời khắc khắc, đi đứng ngồi nằm, đều uốn nắn mình phù hợp Thiên Đạo. Như vậy có thể kéo dài tuổi thọ mà sống được lâu dài, cũng có thể thông hiểu.

Người cổ đại trong nội tâm thừa hành theo “hữu thần luận”, minh bạch thiện ác hữu báo, nhân quả thị phi, vì thế có thể dựa theo lý niệm truyền thống văn hóa, ước thúc chính mình mà trở thành hiền nhân.

Trung y là một học vấn bác đại tinh thâm, không chỉ có ẩn chứa lý niệm tế thế cứu nhân “Thiên nhân hợp nhất”, mà còn là phạm trù tu luyện siêu thoát thế tục, giúp con người có thể đi trên con đường phản bổn quy chân.

Lê Hiếu biên dịch