“Đi lễ cầu gì?”, câu trả lời tưởng chừng vô cùng dễ dàng với hầu hết chúng ta. Tuy nhiên khi xem xét một cách nghiêm túc về bản chất và hệ quả tác động của việc cầu gì khi đi lễ sẽ thấy điều này là không đơn giản như người ta vẫn nghĩ.

đi lễ cầu gì

Thông thường người ta đi lễ sẽ cầu những điều như bình an, mạnh khỏe, phát tài, hạnh phúc, hay cụ thể hơn là xin cho việc này được thành công, người kia ốm đau kia sẽ nhanh khỏi bệnh… Theo thời gian, sự truy cầu cũng ngày càng “chuyên nghiệp” hơn. Ví như có nơi chuyên để cầu tình duyên, có nơi chuyên cầu tự, có nơi chuyên để vay, thậm chí có nơi thì những người chuyên làm nghề đánh bạc, xem bói tới để cầu. Điều gây chú ý hơn nữa là rất nhiều người thậm chí trải nghiệm được việc “cầu là được”, “vay là được” cho nên hoạt động cầu cúng ngày càng sôi động.

Sau Cách mạng văn hóa do chính quyền Trung Quốc phát động lan truyền sang Việt Nam thì người ta rất dễ bài xích bất cứ vấn đề gì liên quan đến tín ngưỡng. Nhưng xu thế cầu cúng ngày càng mạnh những năm gần đây lại có vẻ đi ngược lại tâm lý bài xích kia, do đó hình thành hai xu hướng có vẻ ngoài rất đối lập: một bên vẫn phản đối bất kì điều gì liên quan đến tín ngưỡng, một bên ngày càng ham thích các hình thức cầu cúng. Kì thực xét một cách nghiêm túc thì cả hai đều xuất phát từ sự trống rỗng trong tư tưởng và sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng chân chính.

Đối với những người tin rằng có Thần Phật tồn tại thì họ cũng biết rằng Phật là từ bi và pháp lực vô biên, dân gian cũng có câu “trên đầu ba thước có Thần linh”, nghĩa là cũng có vô số các vị Phật. Câu “Hằng hà sa số” chính là xuất phát từ lời giảng của Phật Thích ca rằng các vị Phật là nhiều như số cát sông Hằng. Vậy họ nhiều như vậy, lại từ bi như vậy nhưng tại sao không chủ động giúp đỡ con người, đặc biệt là khi con người đang trong khốn khổ, thậm chí rất nhiều người trong số đó thường xuyên lễ Phật?

Cầu thế nào cho “đắc” ?

Bởi vì trong vũ trụ luôn có những quy luật chi phối, ví như một vị trong xã hội là chủ tịch của một huyện nhưng nếu muốn giúp đỡ một người nào đó cũng phải phù hợp với luật của quốc gia, chỉ là luật của vũ trụ thì được vận hành không sai lệch như ở đời thường. Vậy luật của vũ trụ ấy là gì, và làm thế nào để một người có thể được các vị Thần, Phật trợ giúp? Tại sao trường phái Phật lại giảng về Thiện? Trường phái Đạo là giảng về Chân? Cả hai trường phái cũng đồng thời đề cao Nhẫn? Bởi vì đó chính là Luật của vũ trụ! Tức là một người muốn kêu cầu sự gia trì, trợ giúp của các vị Thần, Phật thì cách tốt nhất chính là tu sửa tư tưởng của mình ngày càng phù hợp với Luật của vũ trụ.

Thần-Phật-cảnh-báo-con-ngườiVí dụ chúng ta hãy nói cụ thể hơn về Thiện: Đặc điểm căn bản của Thiện chính là từ bi, tức là muốn điều tốt cho người khác, làm điều tốt cho người khác. Chân cũng tương tự, mặc dù hàm nghĩa bề mặt của Chân là sự chân thật, nhưng hàm nghĩa thâm sâu thì trong Chân cũng có Thiện, trong Thiện cũng bao hàm cả Chân.

Vậy việc cầu cúng có cần không, và cầu thì cầu cái gì? Thực chất, điều cầu nguyện có ý nghĩa nhất chính là thành tâm cầu xin sự gia trì của Phật cho bản thân có thêm nghị lực hướng Thiện, làm nhiều điều tốt cho người khác, thanh trừ tối đa những tư tưởng không tốt và những việc làm “lợi mình hại người”. Nhưng tại sao “hướng Thiện” là việc có vẻ dễ dàng lại cần sự gia trì nghị lực từ Thần, Phật? Bởi vì mặc dù bản tính sâu thẳm của con người là Thiện, nhưng sự vị tư, ích kỉ cũng luôn tồn tại làm cho người ta có xu hướng vì lợi ích của bản thân mà quên mất người khác, cũng là sự bất Thiện. Do vậy khi người ta muốn Thiện cũng không dễ dàng, cũng cần có sự gia trì của Thần Phật để họ có thể làm được việc tốt, từ đó đắc được điều tốt theo quy luật nhân quả. Tiếp tục của ví dụ trên thì cũng như con cháu của vị chủ tịch huyện kia muốn được giúp đỡ thì cách tốt nhất chính là chịu khó học hành có kiến thức, nếu khó khăn thì xin nhờ sự trợ giúp cho việc học hành để sau đó có thể chủ động trong công việc mà thành đạt.

Những trường hợp “đắc” được nhưng lại “thất” nhiều hơn

Nếu người ta không có nhiều phúc phận mà việc cầu cúng vẫn đắc được nhiều thì chẳng qua là họ đang tiêu hao nhanh chóng chút phúc phận sẵn có, khi về già sẽ dễ dàng chịu nhiều khổ nạn hoặc người thân sẽ phải chịu khổ nạn. Có những trường hợp cầu cúng đắc được thì sức khỏe của bản thân cũng tiêu giảm nhanh hơn bình thường. Bởi vì trong vũ trụ có nhiều sinh mệnh tồn tại ở không gian khác khi người ta cầu cúng sẽ sẵn sàng chuyển đổi phần tinh khí của người ta thành phúc phận tạm thời cho họ. Đây là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng có rất nhiều người sau một thời gian dài đi cầu cúng cũng đắc được những tài, lộc nhưng sức khỏe cũng suy giảm nhanh chóng, tinh thần cũng ngày càng căng thẳng vì bị tiêu giảm mất quá nhiều tinh khí.

Nếu đi "cầu" mà "được thì bạn phải mất thứ gì đó để đánh đổi.
Nếu đi “cầu” mà “được thì bạn phải mất thứ gì đó để đánh đổi.

Nguyên tắc “khống mất không được” là bất biến trong vũ trụ, nó còn thể hiện ra đời thường bằng quy luật “năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác”. Tức là nếu người ta thông qua cầu cúng để đắc được gì đó thì chẳng qua là đang trao đổi những gì mình có như phần tinh khí hay phúc phận của bản thân sau này và của người thân để lấy thứ trước mắt, như một kiểu vay nặng lãi. Người xưa có câu “đức năng thắng số” chính là một đạo lý chân chính hướng dẫn con người phương thức thay đổi số phận, tức là làm nhiều việc tốt để tích thêm phần “đức”, từ đó chuyển hóa thành phúc phận.

Sự thật về cầu cúng trên đây hy vọng sẽ giúp mọi người  sẽ có sự lựa chọn tốt nhất cho mình, bởi vì con người là vô cùng nhỏ bé trong vũ trụ vốn có vô số các quy luật to lớn chi phối. Tìm về văn hóa truyền thống với chân lý cốt lõi là Chân, Thiện, Nhẫn sẽ thực sự giúp chúng ta có được điều thực sự tốt đẹp nhất.

Hoa Liên