Vì một lời hứa mà có thể từ bỏ cả sinh mệnh, việc này có thể coi là điều bình thường vào thời xưa, từ lòng trung tín này mà trong lịch sử đã để lại không biết bao nhiêu câu chuyện cảm động.

Thành tín là nền tảng để làm người, cũng là cái đẹp trong văn hóa truyền thống, từ xưa đến nay chính nhân quân tử đều là những người trung thành, giữ chữ tín.

1Lưu Bị ba lần đến mời, Gia Cát Lượng cảm động liền xuống núi phụ tá. (Ảnh: Read01)

Vào thời cổ đại, thành tín từng là niềm tin của rất nhiều người tu thân, có rất nhiều chính nhân quân tử vì một chữ tín mà không màng đến sống chết.

Những câu thành ngữ như “Lời hứa đáng giá nghìn vàng”, “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” và “Nhất ngôn cửu đỉnh”, v.v. đã phản ánh sự xem trọng của người xưa đối với lòng tin và danh dự.

Trong mắt của cổ nhân, thành tín là vô giá, bất cứ chính nhân quân tử nào cũng đều phải giữ chữ tín, nói mà không làm ắt là tiểu nhân.

Ngẫm lại tuy Quan Vũ là một quan võ, nhưng hàng nghìn năm qua ông vẫn luôn được người đời kính trọng, không phải vì võ nghệ cao cường mà vì ông là một chính nhân quân tử xem trọng chữ tín.

Trong lịch sử, ngoài “tứ đại danh tác” là “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Tây du ký”, “Hồng lâu mộng”, thì còn có rất nhiều tác phẩm như “Thuyết nhạc toàn truyện”, “Tam hiệp ngũ nghĩa”, hoặc là “Tam ngôn” của Phùng Mộng Long, đều thể hiện ra được cái “Nghĩa” của cổ nhân. Mặc dù thời đại khác nhau, nhưng đều có một điểm chung: Hết lòng tuân thủ lời hứa, đã nói là làm.

Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa đào viên, dâng hương lập thệ: “Kết làm huynh đệ, trước báo với quốc gia, sau đến quần chúng. Không cầu sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, chỉ nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm. Từ nay về sau, Lưu, Quan, Trương ba người cùng ăn cùng ở”.

2Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa đào viên. (Ảnh: Wattpad)

Khi đi ra ngoài, Lưu Bị ngồi thì Quan Vũ, Trương Phi đứng hai bên trái phải, không hề tỏ ra mệt mỏi. Quan Vũ bị hại, Lưu Bị làm trái ý trời, dùng binh lực cả quốc gia đi chinh phạt Ngô, kết quả bị đánh bại và chết ở thành Bạch Đế. Tình nghĩa huynh đệ chỉ qua hành động là hiểu được ngay.

Quan Vũ và Tào Tháo cùng giao hẹn 3 điều, trong đó có một điều là chỉ cần nghe được tin tức của Lưu Bị, thì dù xa đến đâu Quan Vũ cũng sẽ lập tức đi đến, Tào Tháo nghe vậy cũng cảm động mà đồng ý.

Tào Tháo đối đãi với Quan Vũ cứ năm ngày một tiệc lớn, ba ngày một tiệc nhỏ, ban cho vàng bạc, mỹ nữ. Quan Vũ cho mỹ nữ đi phục vụ hai chị dâu, vàng bạc thì cất kín ở trong kho, Quan Vũ hầu hạ hai chị dâu ở trước cửa, suốt đêm đọc “Xuân Thu”.

Về sau, Quan Vũ nghe được tin tức của Lưu Bị, lập tức dẫn hai chị dâu lên đường đi tìm Lưu Bị. Nếu như không phải Tào Tháo vì giữ lời hứa ra lệnh mở cửa khẩu cho đi, Quan Vũ làm sao có thể qua được 5 ải, trảm 6 tướng, làm sao có thể thành tựu được Quan Vũ “Nghĩa lớn che lấp cả trời xanh”.

Cảm động vì Lưu Bị ba lần đến mời, Gia Cát Lượng đã xuống núi dốc hết tâm huyết để phụ tá cho Lưu Bị. Gia Cát Lượng đã biết rõ thiên hạ chia ba là ý trời, nước Thục sẽ không diệt được Tào Ngụy, nhưng Gia Cát Lượng vẫn làm trái ý trời mà 6 lần đi ra Kỳ Sơn, chỉ vì báo ơn Lưu Bị đã ba lần ghé thăm. “Cúc cung tận tụy, đến chết mới dừng”, Gia Cát Lượng đã khắc họa chân thực về chữ “Nghĩa”.

Nhạc Phi thời đại Nam Tống đã tuân theo lời dạy của mẹ, sẵn lòng để mẹ xăm trên lưng bốn chữ “Tinh trung báo quốc”, dù cho Nhạc Phi bị Tần Cối hãm hại, vẫn không thay đổi bản tâm, vẫn một lòng trung nghĩa, không thẹn với trời.

3Nhạc Phi thời đại Nam Tống đã tuân theo lời dạy của mẹ, sẵn lòng để mẹ xăm trên lưng bốn chữ “Tinh trung báo quốc”. (Ảnh: Epoch Times)

Truyện “Thủy hử” mặc dù miêu tả về nghĩa khí giang hồ, có tính cuộc hạn, nhưng vẫn có thể thấy được người xưa đã rất coi trọng việc tuân thủ hứa hẹn, đã nói là làm.

Một nhóm người tài giỏi, bị quan tham bức bách, không thể không vào rừng làm cướp, chiếm núi làm vua, nhưng bọn họ chỉ chống lại quan tham, chứ không phản đối triều đình.

Tống Giang nghe theo lời Cửu Thiên Huyền Nữ, không dám lỗ mãng, một lòng chờ đợi triều đình chiêu an, muốn một lần nữa thử đường công danh. 107 anh hùng hảo hán đã tôn Tống Giang làm đại ca, nhất loạt đều nghe theo ý kiến của Tống Giang, hết lòng tuân thủ hứa hẹn, nói là làm.

Bọn họ 108 người tụ cùng một chỗ, không phải muốn làm nên sự nghiệp gì to lớn, mà chỉ muốn mang nghĩa khí giang hồ tại các thời kỳ khác nhau lưu lại cho con người, có thể làm tham chiếu cho con người ngày nay.

Thực sự hiểu ra được đạo lý trong văn hóa truyền thống, có thể thấy rõ người xưa đã giữ vững chữ “Nghĩa” như thế nào, từ đây có thể nhận rõ sai trái trong đời, đưa ra được lựa chọn chính xác trong hành động.

Theo Tinh Hoa