Người xưa vẫn luôn tin rằng số mệnh con người vốn đã được định trước, vậy nên, đối với hết thảy những ganh đua, được mất trên đời đều coi rất nhẹ. Thứ gì của mình thì sẽ là của mình, thứ gì không của mình thì dù có tranh giành cũng không được.

wza57f-20180411-chuyen-xua-ran-doi-phu-quy-do-troi-nguoi-tinh-khong-bang-troi-tinh“Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên” có thực sự đúng hay không? (Ảnh: ĐKN)

Cổ nhân thường giảng những câu: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên” hay “Cát nhân Thiên tướng” (người tốt được trời giúp). Những lời này có thực sự đúng không?

Từ xưa đến nay vẫn thường có hai loại câu trả lời không nhất quán mà là trái ngược nhau. Những người thông hiểu về tướng mệnh và tin tưởng vào nhân quả đều tin rằng “sống chết có số, phú quý do trời”, “người tốt được trời trợ giúp”. Nhưng một số người ngày nay lại cho rằng điều ấy là mê tín, là không thể tin.

Tuy nhiên, trong các tác phẩm văn học hay lịch sử thực sự đã có rất nhiều những câu chuyện chứng thực điều này là đúng. Dưới đây là câu chuyện do học giả nổi tiếng thời Tống – Hồng Mại ghi chép lại:

Vào thời Tống Huy Tông (năm 1119), vị huyện lệnh huyện Mân Thanh, Phúc Châu (nay thuộc Phúc Kiến) tên là Hoàng Tông, rất kính trọng và tin tưởng vào Thần Phật, thích ăn chay, nhưng hàng ngày đều làm cơm thường cho mẹ, hiếu kính với người già cả. Ông là người chính trực và uy nghiêm, không sợ những thế lực hung tàn. Ông không nhận lễ vật của cấp dưới, cũng không đút lót quan trên. Càng không bao giờ có chuyện giao du và săn đón những kẻ quyền quý. Vì thế bọn tham quan rất căm ghét ông.

Thời đó Đạo giáo đang thịnh hành, có không ít đạo sỹ đức cao vọng trọng, làm nhiều việc tốt và được mọi người hoan nghênh tiếp đãi. Thượng thư trong triều lúc ấy là Hoàng Miện Trọng đang đảm nhận chức Thái thú Phúc Châu, nghe nói các đạo sỹ vì dân chúng mà làm pháp sự, được người ta bố thí liền sinh lòng đố kỵ và ác niệm.

Ông ta ra lệnh cho 12 viên huyện lệnh dưới quyền của mình trưng thu thuế các đạo sỹ. Dùng thủ đoạn kinh tế để vơ vét tiền của, dùng thủ đoạn chính trị mà chèn ép các đạo sỹ này. 11 huyện của Phúc Châu đều chấp hành theo mệnh lệnh của Thái thú Hoàng Miện Trọng, thu mấy trăm vạn tiền thuế từ các đạo sỹ, chỉ có duy nhất một mình Hoàng Tông là không chấp hành lệnh đó.

Hoàng Tông cho rằng, tín đồ của đạo gia, tuyên dương cái thiện, theo đuổi cái chân thật, khởi xướng đức hạnh, có ích với xã hội và hợp với lòng dân, không thể vơ vét và chèn ép họ về kinh tế như thế được. Hơn nữa, triều đình cũng chưa từng ban bố lệnh trưng thu thuế của giới đạo sỹ, nên không thể tùy tiện làm như thế. Trước sau gì, ông đều kiên quyết không chịu làm.

Nhưng quan Thái thú vẫn thúc giục, Hoàng Tông bèn lấy lương bổng 4 tháng của mình thay thế cho tiền thuế thu của giới đạo sỹ, giao nộp cho quan Thái thú. Thái thú thu được tiền rồi, trong lòng vẫn chưa thỏa mãn. Nhưng cũng không có biện pháp gì để hoạch tội Hoàng Tông, bởi vì những việc ông làm đều phù hợp với pháp lý, cho nên đành âm thầm nuôi hận trong lòng.

Một thời gian sau cơ hội để trừng trị Hoàng Tông đã đến. Triều đình muốn phái một người làm Liêm phỏng sứ (chức quan điều tra các quan lại), đến các nơi để thị sát điều tra, khảo sát thành tích của các cấp quan lại. Lần đó, ông này được phái tới Phúc Châu. Liêm phỏng sứ và Thái thú đều là những kẻ chuyên ăn hối lộ và làm chuyện phi pháp, đều rất căm hận Hoàng Tông.

Liêm phỏng sứ điều tra Phúc Châu xong, thì liền trở về kinh thành, gặp viên quan nào trong triều cũng đặt điều nói bậy để bôi nhọ Hoàng Tông. Mọi người đều cho rằng: “Chuyến này Hoàng Tông chắc chắn bị xúi quẩy rồi!”.

Một hôm, Liêm phỏng sứ vào cung để hầu hạ Hoàng thượng. Tống Huy Tông đột ngột hỏi: “Khanh đi Phúc Châu thị sát, trong số 12 viên huyện lệnh dưới quyền, thì ai là huyện lệnh hiền đức?”.

Liêm phỏng sứ không dự đoán trước được Hoàng thượng lại hỏi câu này, sợ đến mức thất kinh, lúng túng, trong đầu không nghĩ được gì, không biết phải trả lời ra sao mới có lợi cho mình. Hoàng thượng hỏi lại lần nữa, ông ta đang quýnh quáng, thì đột nhiên nhớ ra được một cái tên Hoàng Tông. Thế là, Liêm phỏng sứ liên tục kêu : “Hoàng tông hiền đức! Hoàng tông hiền đức!”.

Ngay trong ngày hôm đó, Hoàng thượng hạ thánh chỉ: “Thăng cấp cho Hoàng Tông làm quan Thông phán Chương Châu!”.

Liêm phỏng sứ ra khỏi triều đình, thì đầu óc thanh tỉnh trở lại, miệng lưỡi cũng không còn cứng đơ như trước. Ông ta rất vô cùng hối hận: “Lẽ ra không nên nói tốt cho Hoàng Tông như thế”.

Trở về nhà, ông ta kể chuyện này cho người nhà nghe. Có người nhà nói: “Chuyện này đúng là quỷ thần xui khiến! Là chuyện mà ông không muốn làm nhất, thì cuối cùng lại phải làm“.

Không lâu sau, quan lại trong triều cũng biết được chuyện này. Họ bàn tán với nhau: “Hoàng Tông là người hiền đức nên được trời phù hộ, chuyển họa thành phúc”. Ngay cả Liêm phỏng sứ cũng ngậm ngùi nói: “Hoàng Tông thực sự là người hiền được trời giúp!”. Trong tâm ông còn hàm chứa cảm xúc chấp nhận, không thể làm gì thay đổi được điều ấy.

Theo Trithucvn