Gió thổi cỏ uốn mình, cỏ ngả rạp theo gió, đó là cách khổng Tử hình dung về đạo đức giáo hóa của kẻ ở trên đối với bách tính lê dân.

up

Câu nói “Đức người quân tử như gió, đức kẻ tiểu nhân như cỏ” có xuất xứ từ “Luận ngữ – Nhan Uyên”, có hoàn cảnh ngôn ngữ rất cụ thể.

Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về sách lược trị sửa quốc gia, rằng: “Nếu giết kẻ vô đạo đức và thân cận với người có đạo đức thì như thế nào?”.

Khổng Tử đáp: “Ngài chủ trì chính sự quốc gia, sao có thể dùng biện pháp giết chóc được! Ngài dụng tâm hướng thiện, bách tính cũng sẽ hướng thiện theo. Đức hạnh người quân tử (người ở trên) như gió, đức hạnh của người tiểu nhân (bách tính) như cỏ. Cỏ trước gió thì ắt rạp theo gió”.

(Nguyên văn: Quý Khang Tử vấn “Chính” ư Khổng Tử viết: “Như sát vô đạo dĩ tựu hữu đạo, như hà?”. Khổng Tử đối viết: “Tử vi chính, yên dụng sát! Tử dục thiện nhi dân thiện hĩ. Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong tất yển”).

Ở đây có thể rất nhiều người sẽ hiểu lầm hai từ “quân tử” và “tiểu nhân”. Trong các trước tác của Khổng Tử, “quân tử” thường được dùng để chỉ người có học thức, có đạo đức cao thượng, nhưng cũng chỉ người có địa vị cao, theo đúng nghĩa đen.

Từ “quân tử”, vốn có nguồn gốc từ từ “quân đệ tử”, có nghĩa là con em của bậc quân vương, quân chủ. Thời Xuân Thu chiến quốc trở về trước, thì “con em của quân chủ” đều giữ vị trí cao. Ngoài ra, còn dùng từ “đại nhân” để chỉ người có vị trí cao trong xã hội.

Tương tự từ “tiểu nhân” cũng vậy. “Tiểu nhân” thường được dùng chỉ người có đạo đức phẩm hạnh thấp kém, nhưng cũng còn có một nghĩa nữa là người có vị trí nhỏ bé, thấp trong xã hội, tức bách tính lê dân. Trong câu này của Khổng Tử, quân tử nghĩa là người ở địa vị cao, tiểu nhân là bách tính lê dân.

Trên thực tế, bất kỳ quốc gia nào, địa phương nào mà trị an xã hội hỗn loạn, thì ở đó đều có khiếm khuyết đạo đức xã hội cần phải có. Đại đa số là do nhân tố những người ở địa vị cao bản thân không chính. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, ở trên không chính, thì ở dưới sẽ loạn.

Những người ở địa vị cao bản thân không chính, thì ở dưới sẽ loạn. (Ảnh minh họa: induced.info)

Quản lý quốc gia không cần thiết phải dùng đến hình phạt tử hình, chỉ cần người ở vị trí cao có thể tự tu sửa mình cho chính, thì người ở dưới, người dân sẽ tự cảm hóa mà thay đổi theo. Khổng Tử chủ trương “Đức chính”, có nghĩa là nền chính trị dùng nhân đức trị sửa, quản lý quốc gia, địa khu, dùng nhân đức để giáo hóa, phản đối hình phạt giết chóc. Khổng Tử cho rằng, người ở vị trí cao mà dụng tâm hướng thiện, thì loại giáo hóa không lời này sẽ ảnh hưởng đến bách tính, muôn dân sẽ tuân theo kỷ cương phép nước, sẽ không phạm thượng, không làm loạn, không phạm pháp.

Câu chuyện một học trò của Khổng Tử khi làm quan đã áp dụng thành công “Đức trị” là một ví dụ sinh động về câu nói: “Đức người quân tử như gió, đức người tiểu nhân như cỏ”.

Học trò của Khổng Tử là Mật Tử Tiện được vua Lỗ bổ nhiệm làm huyện lệnh Đơn Phụ. Tử Tiện rất ít khi ra khỏi nhà, còn thường xuyên an nhàn chơi đàn vui vẻ, nhưng lại cai quản Đơn Phụ rất tốt đẹp.

Khổng Tử hỏi Mật Tử Tiện: “Trò cai quản Đơn Phụ, khiến bách tính ở đó rất kính yêu trò. Trò làm như thế nào mà được như vậy?”.

Mật Tử Tiện nói: “Con yêu cầu họ, làm cha mẹ thì yêu thương bảo vệ con cái, làm con cái thì yêu thương bảo vệ những trẻ côi cút không có cha mẹ, đồng thời dạy bảo họ, làm tang lễ thì phải hết mực đau thương”.

Khổng Tử gật đầu nói: “Những cái nhỏ như thế này, trò đều chú ý đến rồi, bách tính bình thường đều có thể gần gũi và noi theo trò. Nhưng nếu chỉ như thế thôi thì cũng không đủ”.

Mật Tử Tiện lại nói: “Ở Đơn Phụ, có 3 người mà con coi như cha để phụng sự, có 5 người mà con coi như anh trai để phụng sự, có 11 người mà con coi như bằng hữu để kết giao qua lại”.

Khổng Tử nói: “Có 3 người coi như cha mà phụng sự, có thể dạy bảo bách tính đạo Hiếu; có 5 người coi như anh trai mà phụng sự, có thể dạy bảo bách tính đạo Đễ; có 11 người coi như bằng hữu mà kết giao qua lại, có thể cất nhắc lựa chọn nhân tài. Đây là một bước tiến rồi, những người có tri thức cao cũng sẽ thân cận và noi theo trò. Nhưng chỉ như thế này vẫn chưa đủ”.

Khổng Tử hỏi chuyện học trò. (Ảnh minh họa: wxwenku.com)

Mật Tử Tiện nói: “Vùng đất Đơn Phụ, người có năng lực, trí tuệ, đức hạnh hơn con, có 5 người. Con thường cung kính phụng sự họ, việc lớn việc nhỏ trước tiên đều bẩm báo với họ, xin ý kiến của họ”.

Nghe đến đây, Khổng Tử hài lòng khen ngợi: “Quan trọng nhất chính là nguyên nhân này đó! Trước kia vua Nghiêu, vua Thuấn cai quản thiên hạ, dùng nhiều công sức nhất chính là tìm kiếm người hiền tài giúp đỡ mình. Vì người hiền tài là nền tảng cho hết thảy những sự việc tốt đẹp. Thật đáng tiếc, trò chỉ cai quản một khu vực Đơn Phụ, thực sự là uổng phí tài năng của trò rồi”.

(Nam Phương)

Theo dkn.tv

>> Có thể bạn chưa biết