Trong lịch sử các triều đại Trung Hoa, các bậc Thánh hiền rất coi trọng lòng bao dung. Rất nhiều ví dụ như vậy đã được lưu trong các tích cổ Phật gia, Đạo gia và Nho gia.

laotu-1(Ảnh: Internet)

Lão Tử nói rằng một người đức hạnh có thể hoàn thiện và dung hợp với “Đại Đạo” bởi vì khuôn mẫu của đức hạnh chính là “Đạo”. Lão Tử còn nói rằng nguyên do sông và biển mênh mông sâu thẳm là bởi chúng ở vị trí thấp nhất để tiếp nhận lấy nước từ từng nhánh sông khe suối nhỏ bé. Khổng Tử nói rằng, “Nếu bạn khoan dung từ thiện, bạn sẽ có được cảm tình của mọi người”. Có một câu trong Thượng Thư – một cuốn sách lịch sử cổ xưa – nói rằng “Biết dung nạp sẽ thành vĩ đại”.

Đại địa, đại sơn, đại giang, đại hải – những chữ “Đại” trong các từ ngữ trên diễn tả chiều sâu vô cùng và sự hòa hợp. Phật gia giảng: “Một niệm làm hoàn cảnh đổi thay”, “Thường có lòng biết ơn”, “Thiện giải và bao dung”, “Từ tâm luôn giữ trong lòng”. Để bao dung được vạn vật, người ta cần có tâm từ bi. Tâm càng rộng lớn thì càng bao dung được nhiều.

‘Bao dung’ là một đức tính. ‘Khiêm tốn’ là một mặt của bao dung. Bởi tính cách khác nhau, người ta có những thế giới quan khác nhau và phán xét mọi việc theo những cách khác nhau. Thời xưa, các Thánh hiền luôn tôn trọng ý kiến của nhau. Họ nghĩ về người khác trước những khi họ gặp bất cứ việc gì, để lại những tấm gương đáng kính phục cho đời sau noi theo.

(Ảnh: www.wikiwand.com) Chu Công (Ảnh: Wiki)

Lấy ví dụ thời Tây Chu, Chu Công khi phò tá Thành Vương đã cố gắng hết mình để làm cho đất nước được phồn vinh thịnh vượng. Khi ông ra sức kêu gọi hiền tài, rất nhiều người đã đáp lại tiếng gọi của ông. Ông bận rộn đến mức thậm chí không có thời gian để làm khô tóc sau khi gội đầu. Ông phải dừng bữa cơm tối mấy lần để khách không phải chờ lâu. Ông thường khuyên Bá Cầm con trai ông rằng: “Thành Vương muốn con trông coi Lỗ quốc, con phải khiêm tốn và biết trân trọng! Con phải biết luật Trời rằng bất cứ ai kiêu ngạo tự mãn sẽ mất hết và người khiêm nhường sẽ được lợi. Người ta ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường; không ai coi trọng tính kiêu căng ngạo mạn cả!

Lấy một ví dụ khác, như vua Thái Tông đời Đường đã từng tiếp thu lời khuyên bằng một thái độ khiêm tốn. Ông khuyến khích các bề tôi khuyên can và tiếp thu những lời khuyên ấy bằng sự khiêm nhường. Ông không thỏa mãn cho tới khi ông được nghe về những thiếu sót của mình. Ông tập hợp trí tuệ từ khắp nơi trong thiên hạ, giúp ông xây dựng thành công một “Thịnh thế Thiên triều” để cai quản một quốc gia giàu mạnh.

(Ảnh: www.minlun.org.tw)

Lòng bao dung có thể giáo hóa và thuyết phục người ta, là một kiểu “quan tâm và chăm lo trìu mến”. Lấy ví dụ Dương Chứ thời nhà Minh. Một đêm ông nằm mơ thấy mình đang đi dạo quanh một khu vườn và ông bâng quơ hái hai quả mận trên cây. Sau khi tỉnh dậy, ông tự trách mình: “Là ta đã không thấu hiểu đạo nghĩa và tư lợi nên đã trộm lấy hai trái mận trong giấc mơ!”. Từ đó, ông chú tâm hơn tới việc rèn luyện tâm tính. Mỗi khi trời mưa, một người hàng xóm của ông lại thông nước bẩn trong sân sang sân nhà Dương Chứ. Khi người nhà Dương Chứ kể với ông về việc đó, ông chỉ nói với người nhà rằng: “Có nhiều ngày nắng hơn ngày mưa”. Khi người hàng xóm nghe được điều đó, anh ta rất cảm động bởi sự nhẫn nhịn của Dương Chứ!

Khi Dương Chứ làm Thượng thư bộ Lễ, ba thước đất của ông bị người hàng xóm lấy mất. Gia đình ông cãi nhau với người hàng xóm về việc này và mong Dương Chứ can thiệp, nhưng Dương Chứ chỉ cười và viết một bài thơ:

Dư địa vô đa mạc giảo lượng,
Nhất điều phân thành lưỡng gia tường,
Phổ thiên chi hạ giai vương thổ,
Tái nhượng tam xích hựu hà phương.

Tạm dịch:

Đất trống không nhiều chớ so đo ;
Đường kẻ chia đôi 2 tường nhà;
Đất trong thiên hạ Vua làm chủ;
Nhường người 3 thước có làm sao.

Thái độ khiêm nhường và nhã nhặn của Dương Chứ đã làm thay đổi suy nghĩ của người hàng xóm. Điều này khiến anh ta thôi không tranh chấp nữa và còn nhường ba thước đất của bản thân mình, để rồi tạo thành một con hẻm rộng sáu thước. Câu chuyện này được truyền tụng nhiều đời ở Trung Quốc đến tận ngày nay.

Lòng bao dung là một phương diện của cái thiện, mang người ta lại gần nhau hơn và cải thiện mối quan hệ giữa người với người. Tục ngữ có câu: “Người có đạo đức có thể gánh vác trọng trách”. Đó là bởi những người đó không ích kỷ và đáng tin cậy. Nói cách khác, chuẩn mực đạo đức càng cao, thì lòng bao dung càng lớn, và càng từ bi hơn. Con người với tiêu chuẩn đạo đức cao sẽ không bị ảnh hưởng bởi danh lợi và sẵn sàng giúp đỡ quan tâm tới người khác hơn, bởi họ từ bi và bao dung độ lượng hơn.

Theo Minhhue.net