Trong “Hiếu kinh” viết rằng: “Phu hiếu, thiên chi kinh dã, đích chi nghĩa dã, dân chi hành dã.” (Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất và là đạo hạnh của con người). “Hiếu” là lẽ thường của thiên đạo xoay chuyển, là cái lý của đất nâng đỡ vạn vật, là đức hạnh mà con người nhất định phải thực hành.

hieu-thao-2-1(Hình minh họa: Qua bannedbook.org)

Khổng Tử đàm luận về việc thủ tang ba năm

Trong “Luận ngữ” của Khổng Tử có ghi chép lại rằng:

Một lần, Tể Dư tức là Tể Ngã, học trò của Đức Khổng Tử hỏi: “Phục tang ba năm thời gian là quá dài. Người quân tử ba năm không giảng giải, nghiên cứu lễ nghi thì lễ nghi tất sẽ hư hại. Ba năm không diễn tấu âm nhạc thì âm nhạc tất sẽ hoang phế. Phải chăng, thời gian một năm cũng là khả dĩ?”

Khổng Tử hỏi lại Tể Dư: “Cha mẹ mất mới một năm, ngươi liền ăn cơm gạo, mặc quần áo gấm, tâm ngươi có thể an sao?”

Tể Dư nói: “Tâm an!”

Khổng Tử nói: “Nếu tâm ngươi đã an, thì ngươi làm đi! Người quân tử thủ tang, ăn mỹ vị mà không thấy hương vị ngọt ngào, nghe nhạc mà không thấy vui, ở trong nhà nghỉ ngơi mà không thấy thoải mái. Cho nên, họ không làm như thế. Hiện giờ ngươi đã cảm thấy tâm an, ngươi làm như vậy đi!”

Sau khi Tể Dư đi ra ngoài, Khổng Tử nói: “Tể Dư thực sự là người bất nhân! Khi đứa con chào đời, phải đến ba tuổi mới rời khỏi vòng tay ôm ấp của cha mẹ. Phục tang ba năm là tang lễ mà người trong thiên hạ xưa nay vẫn thường làm. Lẽ nào tình yêu thương của Tể Dư đối với cha mẹ không được đến ba năm sao?”

Trong “Lễ ký” viết: “Tam niên đích tang kì, thị y cứ thập ma chế định ni? Hồi đáp thị ︰ giá thị căn cứ nội tâm ai thống đích trình độ chế định đích lễ pháp…” Tức là, kỳ hạn để tang ba năm, là do đâu mà được định ra? Trả lời, đó là lễ pháp căn cứ theo nỗi bi ai trong tâm mà được định ra.

Quả đúng là như vậy, thời cổ đại, con người sống không phải dựa theo quy định của pháp luật mà là thuận theo luân lý đạo đức, theo tâm mà làm. Không có quy định bắt buộc con cái phải giữ hiếu đạo (để tang) cha mẹ ba năm, nhưng người xưa đều làm như vậy. Trong ba năm để tang cha mẹ, người xưa không chúc tết, không đi chơi, không dự các buổi lễ tụ họp chúc mừng…

Ngoài ra, họ cũng không đến thăm người đang ốm nặng bởi vì sợ đem lại điều không may cho người khác. Đó là bởi vì, người xưa cho rằng, khi con cái chào đời, ít nhất cần ba năm bú mớm mới rời khỏi vòng tay ôm ấp, vỗ về của cha mẹ. Cho nên, việc con cái để tang cha mẹ ba năm cũng xem như lễ tiết của người xưa, muốn để tâm hoàn báo lại ba năm mà cha mẹ đã ôm ấp, nuôi dưỡng con để con có thể một mình bước đi những bước đầu đời.