Tân Sinh

Cánh cửa mật chú đang bảo vệ kho báu của ngôi đền giàu nhất thế giới

Cánh cửa ở đền Padmanabhaswamy có thể mở ra một kho báu lớn nhất trong lịch sử nhân loại nhưng không ai dám động đến, bởi lẽ nó gắn liền với lời đồn về thế lực siêu nhiên hùng mạnh bảo vệ cánh cửa cùng lời nguyền chết chóc…

Dưới ánh mặt trời, đền Sree Padmanabhaswamy sáng lấp lánh như một thỏi vàng. (Ảnh qua images.indianexpress.com)

Đền thiêng Hindu giáo

 

Padmanabhaswamy từng là một ngôi đền khiêm tốn lặng lẽ và cũng không phải là một điểm hành hương linh thiêng gì. Đến năm 2011, sự kiện kho báu trị giá 22 tỷ USD của ngôi đền được khám phá đã khiến nơi đây được mệnh là ngôi đền giàu có nhất thế giới chỉ sau một đêm.

Nằm ở bang Kerala, Ấn Độ, Padmanabhaswamy là một trong 108 ngôi đền của nhánh tôn giáo Vaishnavism – thờ cúng Thần Vishnu của đạo Hindu. Từ “Padmanabha” trong tên của ngôi đền có nghĩa là “hoa sen” và chúng ta có thể thấy trên biểu tượng của ngôi đền có vị thần Brahma ngồi trên một bông hoa sen, mọc ra từ rốn của thần Vishnu.

Biểu tượng của ngôi đền có vị thần Brahma ngồi trên một bông hoa sen, mọc ra từ rốn của thần Vishnu. (Ảnh qua trithucvn.net)

Không có bất kỳ ghi chép lịch sử nào đề cập đến ngày tháng chính xác mà ngôi đền được dựng lên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngôi đền thiêng này đã được nhắc đến trong tác phẩm văn học thời kỳ Sangam trong khoảng thời gian từ 500 năm TCN và đến 300 SCN.

 

Bí ẩn của đền nằm ở 6 hầm ngầm, được đánh dấu từ A đến F. Vào năm 2011, nhóm 7 chuyên gia của chính phủ Ấn Độ đã tốn nhiều công phu để mở ra 5 căn hầm vì cấu trúc cửa hầm quá phức tạp.

Những báu vật có giá trị vật chất và mang ý nghĩa lịch sử, tôn giáo bên trong 5 khoang này khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải ngất ngây. Các chuyên gia nhận định rằng rất khó xác định giá trị thật của kho báu, tuy nhiên qua kiểm kê bước đầu, họ ước đoán tổng giá trị của kho báu lên đến 22 tỷ USD.

Căn hầm chứa tới 450 thùng vàng, 2.000 viên hồng ngọc và vương miện có gắn kim cương. Ngoài ra, còn có một loạt cổ vật quý hiếm vừa được tìm thấy trong kho báu gồm một bức tượng vàng cao 1,2m đính toàn ngọc lục bảo, một dây chuyền vàng dài tới 6m, 400 chiếc ghế bằng vàng dành cho thần Lord Vishnu được trang trí bằng 1.000 viên kim cương…

Vòng vàng và tiền vàng trong các căn hầm. (Ảnh qua genk.vn)

Khiến người ta lóa mắt là những viên kim cương lớn, một số trong đó thậm chí có trọng lượng 110 cara. Một số nhà khảo cổ học và nhà giám định kim cương, đá quy ước tính rằng một tượng thần Vishnu nhỏ bằng vàng của ngôi đền có thể có giá 30 triệu USD.

 

Chỉ có hầm B chưa được khám phá và lời cảnh báo đặc biệt

Người ta truyền tai nhau rằng sau cánh cửa của hầm B là một căn phòng khác được dựng lên từ những bức tường vàng khổng lồ. Căn phòng mang một sứ mệnh thần thánh khi lưu giữ trong mình một tượng thần Sri Padmanabha và nhiều báu vật có nguồn gốc thần bí khắc cùng những bức tường bằng vàng ròng. Nó thậm chí có thể chứa đựng kho báu chưa được khám phá lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, Tòa án Tối Cao Ấn Độ đã ban hành một cảnh báo đặc biệt không cho mở cửa hầm B, bởi lẽ người Ấn Độ tin rằng nếu cố mở cánh cửa thì tai ương sẽ ập xuống thành phố, thậm chí thảm họa có thể ở phạm vi toàn Ấn Độ hay toàn cầu.

Thực tế, trong đợt khảo sát năm 2011, khi cố mở cửa hầm thì nhóm khảo sát gồm 7 chuyên gia đã gặp chuyện không may. Một số thành viên của nhóm ngã bệnh. Mẹ của một thành viên đã qua đời trong quá trình khảo sát. Sunder Rajan, người đưa đơn lên Tòa án Tối cao với mong muốn định giá lại tài sản trong đền, đã qua đời vài năm sau khi quyết định được thông qua.

 

Những tai ương chết chóc này làm cho người ta liên tưởng đến lời nguyền về một báu vật có xuất xứ từ Ấn Độ. Đó chính là viên Kim cương Hy vọng màu xanh quyến rủ nhưng sẽ gieo rắc chết chóc và vận đen cho người nào sở hữu hoặc thậm chí chỉ sờ vào nó một lần.

Vậy là không rõ trong hầm B có kho báu giá trị đến đâu nhưng đến nay vẫn chưa ai dám tiếp tục “khám phá”. Chỉ biết được rằng sau khi đi qua lớp của thứ nhất là một lưới sắt, rồi đi qua lớp cửa thứ hai bằng gỗ, người ta sẽ đối diện với cánh cửa sắt với những hình thù chạm khắc đầy đe dọa.

Cánh cửa hầm B khắc hình hai con rắn hổ mang lớn đang làm nhiệm vụ bảo vệ. (Ảnh qua Pinterest)

Trên cánh cửa cũng không hề có khóa, then cài hay bất kì cách mở cửa thông thường nào. Nó được cho là đã bị phong ấn vào thời cổ đại thông qua sóng âm từ một bản thánh kinh bí mật đã bị thất lạc.

Nhiều người cho rằng thế lực siêu nhiên bảo vệ khoang B bấy lâu nay có thể xuất phát từ Naga Bandham, còn được biết tới với cái tên phép thuật trói của rắn. Khi triển khai phép thuật này thành công, kho báu trong khu vực sẽ được những thần rắn khác nhau bảo vệ. Người ta cho rằng vào năm 1931, một nhóm người đã cố gắng đột nhập vào căn phòng này. Tuy nhiên nhóm này đã gặp vô số con rắn hổ mang kéo họ rơi xuống ngôi đền và người ta cũng không bao giờ thấy họ quay trở lại nữa.

 

Bất cứ ai cố gắng mở cửa đều sẽ phải đối mặt với Naga Bandham. Tuy nhiên theo ghi nhận của tác gia, nhà tâm lý học Jim Dobson, cộng tác viên của Forbes“Người ta biết rằng cánh cửa bí mật dạng này thì chỉ có các thánh sống Sadhus cấp cao thành thạo thần chú Garuda Mantra mới mở được. Không ai có thể mở được cánh cửa bằng bất kỳ cách nào, và hiện nay, trên đời vẫn chưa có người đạt đến [cấp độ thành tựu] Siddha Purshas vô cùng linh thiêng và quyền lực cùng phương pháp thực hành thần chú Garuda Mantra vô cùng linh thiêng này”.

Cũng theo các thầy tu Ấn Độ giáo hiện đại, hiện nay không còn ai có thể mở cánh cửa này bằng cách tụng niệm thần chú linh thiêng Garuda Mantra.

Trong số các thánh sống Sadhus tu luyện khổ hạnh ngày nay, liệu có ai có đủ năng lực phép thuật để mở cửa Khoang B của đền Padmanabhaswamy? (Ảnh qua iFuun)

Hiện nay khách tới thăm đền sẽ thấy lính gác khắp nơi – 200 lính với súng máy luôn túc trực trong đền, camera an ninh treo đầy trần, thiết bị dò tìm kim loại ở những lối ra vào đền. Những biện pháp an ninh cao cấp đều được sử dụng để bảo vệ khối tài sản khổng lồ đã được khám phá và để ngăn chặn những nỗ lực mở cánh cửa hầm B, có lẽ cũng để ngăn thảm họa xảy ra cho Ấn Độ và loài người.

Theo Tinh Hoa