Con tàu khổng lồ Titanic đi vào lịch sử và nổi tiếng hơn nhiều kể từ khi bị chìm vào năm 1912. Trước đó nó đã được vinh danh khắp thế giới là con tàu lớn nhất lúc bấy giờ. Sự kiện được xem là một trong những thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại.
Kể từ đó đến nay đã hơn 100 năm nhưng những câu chuyện bí mật đầy thú vị xoay quanh con tàu Titanic vẫn là đề tài thu hút nhiều độc giả trên thế giới.
1. “Không thể chìm”
Trong “Titanic” năm 1997 của đạo diễn Cameron, mẹ của nữ nhân vật chính đã đứng nhìn con tàu từ bến cảng ở thành phố Southampton và nói rằng: “Người ta bảo rằng con tàu này không thể chìm.” Tuy nhiên, đây có thể chính là huyền thoại lớn nhất trong câu chuyện về tàu Titanic, theo Richard Howells, đại học Kings, London.
Hình ảnh tàu Titanic cách đây 100 năm. (Ảnh: Internet)
“Sự thật thì không phải là mọi người nghĩ như thế. Đó chỉ là một huyền thoại và điều này khiến câu chuyện hấp dẫn hơn”, ông nói. “Một người đang hân hoan trong niềm tự hào về việc chế tạo ra một con tàu không thể chìm, khiến Chúa trời tức giận và đánh chìm con tàu ngay trong chuyến vượt biển đầu tiên”.
Dù vụ chìm tàu Titanic xảy ra khoảng 15 năm sau khi nền điện ảnh ra đời, và thảm họa này là đề tài chính trong các bản tin thời sự thời đó, cảnh quay về bản thân con tàu rất khan hiếm.
Sự thật thì Titanic không phải là một sự kiện lớn trước khi con tàu chìm xuống biển. Con tàu “chị em” với nó là Olympic mới là tâm điểm của công chúng khi thực hiện chuyến vượt biển đầu tiên Southampton đến New York năm 1911. Olympic có chung thuyền trưởng với Titanic, chung hành trình, chung các thiết bị an toàn và có cùng số lượng thuyền cứu sinh.
Thân của Olympic “được sơn một lớp sơn màu ghi đủ để nó xuất hiện bóng bẩy trong các thước phim thời sự.” Một vài hình ảnh này đã được sử dụng cho tin tức về Titanic sau thảm họa nhưng được bổ sung thêm vài vết trầy xước.
“Lịch sử trở thành huyền thoại chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ và chắc chắn là nhiều ngày sau khi tàu chìm,” ông Howells nói.
2. Thời tiết tĩnh lặng
Rất dễ để hình dung việc tàu Titanic phải vật lộn với những con sóng hung dữ khi đang chìm. Nhưng sự thật là thời tiết lại vô cùng tĩnh lặng khi thảm họa xảy ra, không một gợn sóng, không một cơn gió.
Đó là một sự tĩnh lặng đáng sợ. Và chính thời tiết đó đã phần nào góp phần vào việc gây ra thảm kịch. Vì sao lại như vậy?
Khi đi biển ở những vùng có băng trôi, gió chính là nhân tố giúp xác định có tảng băng nào trên biển hay không.
Khi gió thổi qua sẽ mang theo luồng hơi lạnh do tảng băng tỏa ra, luồng khí thổi vào tàu càng lạnh thì tảng băng càng gần, giúp thuyền trưởng kịp thời bẻ lái nhằm tránh va chạm.
Do vậy, việc không có gió khiến tàu Titanic chỉ có vỏn vẹn 37 giây để bẻ lái khi phát hiện ra tảng băng, mà rõ ràng là không thể do kích thước quá lớn của nó.
3. Toàn con tàu đã bốc cháy từ lúc khởi hành
Chỉ vài giờ sau khi khởi hành, một vụ cháy đã xảy ra trong khu chứa lò than của động cơ tàu.
Một thợ chụm than sống sót sau thảm kịch tên J.Dilley kể lại: Đây là một biến cố khá bất ngờ vì nếu tàu không bị chìm, hành khách cũng sẽ gặp một thảm kịch đáng sợ không kém – cháy tàu.
4. Lời dự đoán về thảm kịch Titanic của William T. Stead.
Vào năm 1886, nhà báo huyền thoại William T. Stead đã viết một mẩu truyện giả tưởng lấy bối cảnh một con tàu chở thư của hãng Atlantic bị chìm sau khi va vào đá ngầm và hầu hết hành khách đều chết do thiếu thuyền cứu sinh.
Câu chuyện này của ông mang mục đích khiến mọi người chú ý và tự ý thức trong việc củng cố quy định an toàn hàng hải.
Vào năm 1892, William viết thêm một câu chuyện tương tự dựa theo con tàu Majestic của hãng White Star Line.
Trong đó có đoạn: “2 thập kỉ sau, Stead mất mạng trên chuyến tàu Atlanic của hãng White Star Line định mệnh sau khi con tàu va vào tảng băng ở mạn phải và chỉ có 20 thuyền cứu sinh chở được gần một nửa số lượng khách trên tàu.”
5. Tình trạng hỗn loạn khi tàu gặp nạn
Đa số tàu cứu hộ khi rời khỏi con tàu vẫn còn rất nhiều chỗ trống có thể cứu thêm những người xấu số khác. Nhưng tình trạng hỗn loạn, mọi người tranh giành đã buộc nó phải “bỏ chạy” khi có thể.
(Ảnh: Internet)
6. Bếp trưởng làm bánh thoát chết
Bếp trưởng làm bánh trên tàu – Charles John Joughin sở dĩ bảo toàn được tính mạng trong khi chờ cứu hộ đến là nhờ ông đã uống rượu giữ ấm cơ thể. Ông được xem là người cực kỳ thông minh khi cái chết đang cận kề.
(Ảnh: Internet)
7. Quyết định vào phút chót cứu mạng một doanh nhân
Ông trùm sô cô la – Milton Hershey và gia đình đã thoát chết khi quyết định hủy vé đặt tàu vào phút cuối vì phải ở lại giải quyết vấn đề kinh doanh.
(Ảnh: Internet)
8. Bài hát cuối cùng của ban nhạc Titanic
Một trong những hình ảnh sống động nhất trong nhiều bộ phim Titanic là hình ảnh ban nhạc chơi nhạc khi tàu chìm. Câu chuyện kể rằng các nhạc công biểu diễn ở trên boong để khuấy động không khí cho các hành khách. Giai điệu cuối cùng mà họ chơi là bài thánh ca “Nearer, My God, To Three”. Không ai trong số những nhạc công còn sống sót và họ đã được tôn vinh như những anh hùng.
Simon McCallum, nhân viên quản lý dữ liệu ở Viện Phim Anh (BFI), cho hay có những nhân chứng kể lại rằng ban nhạc đã chơi trên boong, nhưng có một số tranh cãi về bài hát cuối cùng. Nhiều người cho rằng họ đã chơi một bản nhạc Jazz nổi tiếng.
Hình ảnh ban nhạc trên tàu Titanic được tái hiện lãng mạn trên phim. (Ảnh: ITV Studio Global Entertainment)
“Chúng ta không bao giờ biết được sự thực khi cả 7 nhạc công đều đã thiệt mạng, nhưng bản thánh ca đó tạo nên một hình ảnh lãng mạn trong phim,” ông nói.
Paul Louden-Brown, thuộc Hội lịch sử Titanic, từng đóng vai trò cố vấn cho đạo diễn Cameroon, cho hay cảnh chơi nhạc trong phiên bản phim “A Night To Remember”năm 1958 quá đẹp khiến ông Cameron quyết định lặp lại nó trong bộ phim của mình. Cameroon chia sẻ rằng ông rất yêu cảnh này và đó là cảnh mang lại ý nghĩa lớn cho câu chuyện.
9. Hành khách người Nhật duy nhất
Đó là ông Masabumi Hosono, một công chức người Nhật tới Châu Âu làm việc, khi thảm kịch xảy ra. Hosono đã nghĩ tới việc đối diện với cái chết một cách danh dự.
Nhưng sau khi thấy một hành khách liều mạng nhảy xuống thuyền cứu sinh mặc cho các thủy thủ chĩa súng vào họ vì để nhường chỗ cho phụ nữ và trẻ em được lên trước, Hosono cũng liều mạng nhảy theo và sống sót.
Mọi chuyện tưởng chừng đã êm đẹp, nào ngờ, thời bấy giờ ở Nhật, hành động đó bị coi là hèn nhát và thiếu danh dự. Thế nên khi Hosono về nước, ông đã bị cộng đồng phê phán và ném đá không thương tiếc.
Trong một cuốn sổ ghi chép tìm được của ông, Hosono nói có lẽ ông thà chết trên con tàu đó còn hơn phải chịu cảnh sống tới cuối đời trong sự sỉ nhục của cộng đồng và người thân.
10. Lỗi của tự nhiên?
Có một sự thật không thể phủ nhận rằng Titanic đắm vì va phải tảng băng trôi. Nhưng trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu vẫn nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân thực sự. Ngay sau thảm họa, các cuộc điều tra từ phía Anh và Mỹ đều kết luận con tàu đã chạy quá nhanh. Nếu nó di chuyển với tốc độ chậm hơn, vụ tai nạn sẽ không nghiêm trọng như vậy. Thậm chí Titanic hoàn toàn có thể tránh các tảng băng.
Trong trường hợp đó, vụ va chạm chỉ phá vỡ 6 khoang thuyền, tàu vẫn có thể nổi trên mặt nước. Nhiều ý kiến cho rằng tàu có thể tránh vụ va chạm nếu người cầm lái khi ấy không hoảng sợ và rẽ sai hướng. Có khả năng sự thật bị che giấu trước các nhà điều tra để bảo vệ danh tiếng của công ty White Star Line và các đồng nghiệp.
Mọi đồn đoán cứ dồn vào Edward John Smith, thuyền trưởng tàu Titanic. Nhiều người thậm chí tin rằng ông đã cứu sống một embé trước khi bị chìm xuống Đại Tây Dương. Tuy nhiên, một số người khác khẳng định hình tượng anh hùng này không có thật. Ông từng thi trượt trong bài kiểm tra kỹ năng điều hướng đầu tiên, dù cuối cùng ông cũng vượt qua kỳ thi vào năm 1888. Một số người tin rằng thất bại ban đầu của ông là một điềm xấu.
Thực tế, ông không những phớt lờ các cảnh báo về băng trôi, không điều chỉnh tốc độ tàu phù hợp mà còn cho phép thuyền cứu hộ rời tàu khi nó vẫn trống khoảng một nửa. Thuyền đầu tiên chỉ chở 27 hành khách trong khi tải trọng của nó lên đến 65 người. Ông cũng không đưa ra yêu cầu “rời tàu” một cách rõ ràng khiến hành khách không nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc lúc bấy giờ.
Nếu không xét tới yếu tố con người, thảm kịch Titanic có thể do thiên nhiên “dựng” kịch bản. Hai nhà thiên văn học thuộc đại học bang Texas (Mỹ) suy đoán siêu mặt trăng khiến các tảng băng chuyển động. Đây là hiện tượng hiếm, xảy ra khi mặt trăng ở gần trái đất nhất đúng vào kỳ trăng tròn. Tác động cộng hưởng từ mặt trăng và mặt trời gây ra những đợt sóng lớn bất thường. Hai nhà thiên văn học dùng yếu tố thiên văn để giải thích giả thuyết băng trôi xuất hiện với số lượng lớn trên hải trình của Titanic.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định nguyên nhân lớn nhất có lẽ xuất phát từ khúc xạ ánh sáng. Khi tàu bắt đầu chìm, các thủy thủ phát tín hiệu cầu cứu. Tàu California ở gần đó dường như phớt lờ mặc dù nhiều pháo sáng rực bầu trời đêm. Vào đêm định mệnh, Titanic tiến vào khu vực đảo nhiệt nơi tầng không khí lạnh nằm dưới một tầng không khí ấm hơn. Hiện tượng đảo nhiệt gây ra sự khúc xạ ánh sáng, có thể tạo ra ảo ảnh, khiến kíp trực trên tàu không phát hiện băng trôi kịp thời cũng như ảnh hưởng đến việc tàu California xác định chính xác tín hiệu cầu cứu…
Con tàu vỡ làm đôi vào lúc 2h20 sáng ngày 15/4/1912 và bị chìm đem theo tất cả những hành khách còn lại vào đại dương (khoảng 1.500 người thiệt mạng).
Theo Đại Kỷ Nguyên