Tân Sinh

Star Gate: Dự án mật nghiên cứu sức mạnh tâm linh của CIA vào những năm 70

Từ năm 1972 đến năm 1995, CIA đã tiến hành một dự án nghiên cứu về ngoại cảm có tên là Dự án Star Gate.  

Một phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu Stanford ở Menlo Park, California.(Nguồn: Internet)

Trong giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, chính phủ Hoa Kỳ đã tìm cách triển khai một thứ vũ khí mới mạnh mẽ chống lại gián điệp Liên Xô: đọc tâm trí.

Dự án cao cấp này lần đầu tiên được tiến hành trong một phòng thí nghiệm nghiên cứu ở California vào thập niên 1970 và sau đó, tại một căn cứ quân sự ở Maryland. Cơ quan tình báo và quân đội CIA bí mật tuyển dụng những người được cho là có khả năng ngoại cảm (ESP) giúp phát hiện ra bí mật tình báo quân sự và trong nước.

Vào năm 2017, CIA đã giải mã khoảng 12 triệu trang hồ sơ cũ tiết lộ những chi tiết chưa từng được công bố về dự án tuyệt mật, còn có mật danh là Star Gate. Vào thời điểm chương trình kết thúc vào năm 1995, các nhà tâm lý được gọi là “quan sát viên từ xa” đã tham gia vào một loạt các hoạt động: từ việc tìm kiếm con tin bị bắt cóc bởi các nhóm khủng bố Hồi giáo đến truy tìm các tội phạm lẩn trốn ở Hoa Kỳ.

Quay trở lại năm 1972, khi một báo cáo làm dậy sóng cộng đồng quân sự và tình báo Hoa Kỳ bằng tuyên bố cho rằng Liên Xô đang đổ tiền vào các nghiên cứu liên quan đến ESP và psychokinesis – khả năng di chuyển vật thể bằng tâm trí – phục vụ mục đích gián điệp, CIA đã ngay lập tức tài trợ nghiên cứu bí mật hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Stanford ở Menlo Park, California.

Nhà tâm lý Uri Geller dẫn đầu các cuộc điều tra ESP

Cuối năm 1972, nhóm nghiên cứu tại SRI đã mời Uri Geller, một lính nhảy dù Israel từng nổi tiếng khắp thế giới bởi sức mạnh tâm linh, đến Menlo Park để thử nghiệm. Dù Geller được biết đến với khả năng bẻ cong dao kéo bằng kim loại bằng tâm trí, CIA quan tâm nhiều hơn đến các kỹ năng khác của ông như khả năng đọc suy nghĩ của người khác và thậm chí kiểm soát tâm trí của họ.

Tác giả Annie Jacobsen từng viết trong cuốn sách “Hiện tượng: Lịch sử bí mật về các tài liệu được phân loại” cho thấy CIA muốn thăm dò khả năng của Geller trong lĩnh vực “tư duy tâm trí” và khả năng sử dụng chúng phục vụ an ninh quốc gia.

Theo Jacobsen, Geller đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ESP và ‘hoạt động trong trại thái xuất thần’ vào hoạt động điều tra của chính phủ Hoa Kỳ. Vào mùa đông năm 1975, Geller thậm chí đã tham gia hàng loạt các bài kiểm tra tâm lý phân loại tại phòng thí nghiệm ở Livermore, California – nơi các nhà khoa học phát triển đầu đạn hạt nhân tiên tiến, hệ thống laser và nhiều công nghệ vũ khí tân tiến khác.

CIA đã ngừng toàn bộ những hoạt động ESP vào cuối những năm 1970 và chương trình được chuyển đến Fort Meade của Quân đội Mỹ ở Maryland – nơi Cơ quan Tình báo Quốc phòng tiếp tục tài trợ. Trong hơn hai thập kỷ tiếp theo, Quốc hội tiếp tục phê duyệt kinh phí cho chương trình đọc tâm trí từ xa.

“Với tôi, đó là một dự án điên rồ và rẻ tiền”, Đại biểu Charlie Rose của bang Bắc Carolina nói với các thành viên của Ủy ban tình báo trong một cuộc họp về nghiên cứu tâm linh năm 1979. “Và nếu người Nga có nó trong khi người Mỹ lại không, họ (CIA) sẽ cảm thấy thua kém”.

Tâm linh đã hỗ trợ các chương trình tuyệt mật

Cựu chiến binh quân đội Joseph McMoneagle là một đối tượng nổi bật trong số những “nhà quan sát từ xa” từng làm việc với các chương trình bí mật hàng đầu của chính phủ. Sau đó, McMoneagle đã tham gia vào khoảng 450 nhiệm vụ từ năm 1978 đến 1984, bao gồm cả việc giúp quân đội tìm kiếm con tin ở Iran và chỉ cho các điệp viên CIA đài phát thanh sóng ngắn giấu trong máy tính bỏ túi của một nhân viên KGB Xô Viết nghi ngờ bị bắt ở Nam Phi .

Vào năm 1989, một nhà quan sát từ xa khác, Angela Dellafiora Ford, đã được yêu cầu theo dõi một cựu điệp viên hải quân đã bỏ trốn. Trên chương trình CBS News 48 Hours, bà kể lại đã xác định được 2 từ khóa “Lowell, Wyoming”. Sau đó, Hải quan Mỹ đã bắt giữ đối tượng này ở một thị trấn có tên Wyoming, hay còn được gọi là Lovell.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc lên tiếng phủ nhận từng tài trợ cho bất kỳ loại hình nghiên cứu tâm linh nào, ngay cả khi các báo cáo bị rò rỉ trong những năm 1980 về chi tiết những cuộc thí nghiệm của chính phủ. Cuối cùng, vào năm 1995, CIA đã phát hành một báo cáo được thực hiện bởi Viện nghiên cứu độc lập của Hoa Kỳ, xác nhận về dự án được đồn đại trong nhiều năm phục vụ quân sự và tình báo là sự thật.

Báo cáo cũng tuyên bố Star Gate là một thất bại, khẳng định “vẫn chưa rõ liệu sự tồn tại của hiện tượng huyền bí và khả năng ngoại cảm đã được chứng minh hay chưa”. Mặc dù các nhà phân tích thừa nhận rằng một số thử nghiệm đã thành công, họ kết luận rằng mọi thông tin còn lại là “quá mơ hồ và không đủ cơ sở để hành động”.

Tương lai của sức mạnh tâm trí trong ngành tình báo Mỹ

Việc kết thúc chương trình vào năm đó không đồng nghĩa với việc chính phủ đã hết quan tâm tới hiện tượng tâm linh. Năm 2014, Jacobsen viết, Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ đã phát động một chương trình kéo dài bốn năm (trị giá khoảng 3,85 triệu đô la) để khám phá việc sử dụng linh cảm hay trực giác – thứ được gọi là “giác quan thứ sáu” – để lựa chọn các ứng viên tiêu biểu trong lực lượng Thủy quân lục chiến cho vị trí gián điệp.

Tiến sĩ Edwin May, cựu nghiên cứu viên của Star Gate, vẫn tiếp tục tranh luận và bảo vệ ESP như một công cụ hợp pháp phục vụ tình báo quân sự gần 5 thập kỷ sau khi dự án kết thúc. Vào năm 2015, May nói với tạp chí Newsweek rằng nghiên cứu ESP gần đây nhất của ông được Quỹ Bial phi lợi nhuận tài trợ “sẽ là thí nghiệm tốt nhất trong lịch sử về lĩnh vực này”.

Bất kể việc sử dụng ESP cho mục đích gián điệp hay dân sự, niềm tin vào năng lực của ESP có một chiều dài lịch sử và nhận được ủng hộ của phần lớn người Mỹ. Theo cuộc thăm dò của Gallup năm 2005, 73% người Mỹ tin vào các hiện tượng huyền bí, với 41% của những người được hỏi nói rằng họ tin vào năng lực đặc biệt của ESP.

Theo Tinh Hoa