Hứa Phụ – nữ cao nhân về tướng thuật, là nhân vật có thật trong lịch sử. Bà biết trước được sự diệt vong của nhà Tần nên đã tận lực trợ giúp Lưu Bang bình trị thiên hạ. Tất cả lời tiên đoán của bà đều đúng một cách thần kỳ.
>> Truyền kỳ về tướng thuật: “Nữ cao nhân đoán mệnh như thần” – Phần 2
>> Truyền kỳ về tướng thuật: “Nữ cao nhân đoán mệnh như thần” – Phần 3
>> Truyền kỳ về tướng thuật: “Nữ cao nhân đoán mệnh như thần” – Phần 4
Phần cuối: Hoàn thành thiên mệnh, quy ẩn nơi núi rừng
Hứa Phụ biết trước dã tâm của Lữ Hậu
Cao Tổ năm thứ 12 (195 TCN), Lưu Bang bị bệnh nặng biết mình không qua nổi, nên đã triệu Hứa Phụ đến hỏi về việc triều chính sẽ ra sao sau khi ông chết. Hứa Phụ nói: “Tâu bệ hạ, thần băn khoăn về sự an nguy của Bạc Phi và Ngũ hoàng tử, xin bệ hạ ban thánh chỉ cho thần đưa Bạc phi và Ngũ hoàng tử rời cung, đến một nơi an toàn để sinh sống, bảo vệ long chủng của Đại hán cho đến ngày họ Lưu hùng phong thiên hạ”.
Lưu Bang nói: “Ý ngươi là sau khi trẫm băng hà sẽ có người muốn làm phản? Người đó là ai? Trẫm sẽ lập tức hạ chỉ tru di cửu tộc”.
Hứa Phụ nói: “Tuyệt đối không thể! Lúc này ý định làm phản còn chưa rõ ràng, nên cũng chưa có chứng cứ gì, nếu tùy tiện hành động thì hình thế có thể bị đảo lộn. Lại thêm tình trạng sức khỏe của bệ hạ hiện nay như vậy, không kỹ lưỡng thì rất dễ xảy ra chuyện lớn”.
Lưu Bang nói: “Nhưng trẫm không thể đứng nhìn thiên hạ bị mất!”.
Hứa Phụ nói: “Đây là thiên ý, không thể nào làm trái. Nhưng mà, theo thần quan sát thiên tượng, thì họ Lưu có gần 400 năm thống trị thiên hạ, vì vậy Lưu gia sẽ có người kế tục, cho nên thần mới dám đưa ra thỉnh cầu này. Hơn nữa, việc này càng ít người biết càng tốt”.
Lưu Bang nói: “Được, trẫm ban chỉ cho ngươi!”. Dứt lời, liền sai thái giám chuẩn bị giấy lụa và bút mực, tay run rẩy viết thánh chỉ. Sau khi viết xong, nói với Hứa Phụ: “Minh thư đình hầu Hứa Phụ tiếp chỉ!”.
Hứa Phụ quỳ xuống giơ hai tay tiếp nhận thánh chỉ: “Thần tiếp chỉ!”.
Hứa Phụ tiếp chỉ xong, Lưu Bang nói: “Đây là việc trọng đại, ngươi tuy là hầu tước, nhưng tay không tấc binh, sao có thể bảo vệ Bạc phi và Ngũ hoàng tử đây?”.
Hứa Phụ nói: “Chuyện này thần đã sớm nói với Chu Bột và Trần Thừa tướng, họ sẽ giúp thần!”.
Lưu Bang gật đầu, nói: “Trẫm sẽ hạ thánh chỉ, yêu cầu bọn họ phải bảo vệ cho Bạc phi và Ngũ hoàng tử”.
Hứa Phụ nói: “Như vậy sẽ tốt hơn! Nhưng e rằng sẽ kinh động đến người khác, nên tốt nhất là để thần truyền ý chỉ của bệ hạ đến cho họ”.
Lưu Bang gật đầu đồng ý.
Sau khi Lưu Bang bệnh nặng, Lữ Hậu như mở cờ trong bụng. Bà là một người có tham vọng lớn, mưu sâu kế hiểm, chuyện gì cũng muốn nhúng tay vào. Trong những năm chiến sự, bà tự cho mình là quân sư của Lưu Bang, từng giúp ông sắp xếp giải quyết rất nhiều việc; cũng như nhân lúc Lưu Bang không có mặt đã thông đồng với Thẩm Tự Cơ và Tiêu Hà lập mưu trừ khử Hàn Tín, một tướng quân bách chiến bách thắng của Lưu Bang. Lữ Hậu thường cao ngạo kể công trước mặt Lưu Bang khiến ông rất không vừa ý.
Sau khi Lưu Bang xưng vương, quyền lực của bà càng được củng cố, chẳng những can dự triều chính, mà còn ở sau lưng Lưu Bang thu nạp thân tín, kết bè kết phái. Vì tình nghĩa vợ chồng, Lưu Bang làm như không biết gì, nhưng lúc nào cũng cảnh giác đề phòng bà.
Sau đợt tuyển phi tần và cung nữ, việc Lưu Bang sủng ái Thích Phu nhân và Bạc phi làm cho Lữ Hậu càng căm tức hơn. Vì thế bà ngầm tổ chức nhiều hoạt động đằng sau nhằm cũng cố quyền lực của mình. Lữ Hậu hiểu rằng, sau khi Lưu Bang băng hà nhất định sẽ xuất hiện sự tranh giành ngôi vị. Bà luôn coi Thích Phu nhân và Bạc phi là cái gai ở trong mắt mình, đặc biệt là Bạc phi, năm đó được Hứa Phụ nói “sẽ sinh thiên tử”. Việc con trai của Bạc phi làm thiên tử là điều không thể chấp nhận được đối với bà! Cho nên, khi được thái y cho biết bệnh tình của Lưu Bang đã rất nguy kịch, bà liền lập tức tìm đến Thẩm Tự Cơ bàn bạc đối sách.
Thẩm Tự Cơ nói: “Điều quan trọng nhất lúc này là nắm chắc được nhất cử nhất động của hoàng thượng. Vì thế, hoàng hậu nên chấp nhận vứt bỏ mối hiềm khích trước đây, ngày đêm túc trực bên ông ta, giám sát mọi hành động, không cho ông ta làm gì bất lợi cho hoàng hậu và thái tử điện hạ. Chỉ cần hoàng thượng lúc này không phế bỏ thái tử, chuyện tiếp theo sẽ dễ dàng. Đến lúc đó trừng trị mẹ con Thích phu nhân và Bạc phi cũng chưa muộn”.
Lữ Hậu thấy rất có lý, nên nén bực tức và bất mãn lại, ngày đêm túc trực bên cạnh Lưu Bang. Có đại thần cầu kiến, bà ta cũng lấy cớ hoàng thượng đang nghỉ ngơi để ngăn cản. Lưu Bang không vừa lòng, nhưng vì đã kiệt sức nên cũng đành chịu.
Mấy ngày sau, Hán Cao Tổ băng hà.
Ngay sau đó, Lữ Hậu lập tức sai Lữ Sản đem quân bao vây phủ của Bạc phi, lại lệnh cho Lữ Lộc dẫn thuộc hạ bao vây phủ minh thư đình hầu Hứa Phụ. Nhưng không ngờ rằng, Bạc phi và con trai Lưu Hằng cùng với Hứa Phụ đã kịp thời bỏ trốn, không một chút tung tích. Lữ Hậu biết tin này, vô cùng giận dữ, nếu không diệt trừ được mẹ con Bạc phi thì bà luôn cảm thấy sự thống trị của mình và con trai bị uy hiếp. Bà phỏng đoán, việc mẹ con Bạc phi kịp chạy trốn, khẳng định là có liên quan đến Hứa Phụ, rất có thể chính là cô ta đã sớm có dự mưu cho bọn họ. Bà lập tức lệnh cho con trai Huệ Đế hạ chỉ trong cả nước truy bắt mẹ con Bạc phi và vợ chồng Hứa Phụ. Tuy nhiên, truy bắt rất lâu mà vẫn không nhận được chút tin tức gì.
Lữ Hậu tuy làm Thái Hậu, nhưng trên thực tế mọi quyền hành đều ở trong tay bà, con trai Huệ Đế chẳng qua chỉ là nghe theo lệnh mẹ mà làm. Vì để củng cố quyền lực của mình, bà đã không chút e dè loại trừ hết các cựu thần, thay thân tín của mình vào, phong Thẩm Tự Cơ làm thừa tướng, nắm giữ quyền lực trong triều, phong anh em của mình là Lữ Lộc, Lữ Sản làm vương hầu. Sau khi Huệ Đế chết, bà liền có ý đồ thay họ Lưu bằng họ Lữ, xây dựng vương triều mới. Sau đó 8 năm (năm 180 TCN), Lữ Hậu bị bệnh chết. Đúng như lời Hứa Phụ nói, tuổi thọ của bà và Lưu Bang bằng nhau, đều là 61 tuổi.
Lữ Hậu vừa chết, nhà họ Lữ mưu đồ cướp ngôi, Hứa Phụ thấy thời cơ đã đến, bèn khuyên Chu Bột, Trần Bình khởi binh dẹp nhà họ Lữ. Sau đó Chu Bột, Trần Bình lập Lưu Hằng con trai của Bạc phi làm đế, xưng là Văn Đế.
Hoàn thành thiên mệnh, quy ẩn nơi núi rừng
Sau khi Văn Đế lên ngôi, phong cho Trần Bình, Chu Bột làm Tả, Hữu Thừa tướng, lập Bạc phi làm Thái Hậu.
Văn Đế cảm động và biết ơn Hứa Phụ đã từng cứu mình và mẫu thân, nên gọi bà là nghĩa mẫu (mẹ nuôi), lại gọi Bùi Việt là nghĩa phụ (cha nuôi). Ban thưởng rất nhiều, lại phong Bùi Việt làm Lạc thương hầu.
Văn Đế năm thứ 9, Hứa Phụ thọ 50 tuổi thì được Văn Đế tổ chức nghi lễ chúc mừng long trọng. Tại buổi lễ, Văn Đế ban thưởng cho con trai của bà làm Lang trung lệnh. Sau buổi lễ chúc mừng này, Hứa Phụ thỉnh cầu được thoái lui ở ẩn. Văn Đế ban đầu không đồng ý, Hứa Phụ lại kiên quyết nói: “Thần tuổi đã già, khó có thể đáp ứng được yêu cầu của Thánh Thượng. Hơn nữa, tâm nguyện của thần là nghiên cứu nhân tướng học, tuy đã nhiều năm bôn ba, nhưng vẫn chưa có thành tựu gì mới. Đến giờ tuổi đã cao, tâm đã tịnh, muốn dốc lòng nghiên cứu, và lưu truyền những kiến thức hữu ích lại cho hậu nhân, thỉnh cầu bệ hạ ân chuẩn!”.
Văn Đế thấy ngôn từ của bà khẩn thiết, cũng thấy bà có tâm ý không muốn tướng nhân thuật thất truyền, nên đành phải chấp thuận.
Trước khi Hứa Phụ rời đi, Văn Đế đã mời bà vào cung, nhờ xem tướng cho hai cận thần của mình là Đặng Thông và Chu Á Phu. Lúc đó Đặng Thông đang làm Hoàng đầu lang, rất được Văn Đế tín nhiệm. Còn Chu Á Phu vốn là con trai thứ của Chu Bột, cũng rất được Văn Đế tin dùng. Lần này Chu Á Phu được triệu tập về kinh thành, để bàn kế phòng bị quân Hung Nô tấn công, sắp chuẩn bị rời kinh. Văn Đế đang muốn đề bạt hai người này, cho nên muốn Hứa Phụ nhìn xem tướng bọn họ, rồi sau đó mới quyết định.
Hứa Phụ bảo hai người đến trước mặt, cẩn thận xem kỹ một lúc, rồi thở dài nói: “Hai người này vốn là quý quan, vì sao kết cục lại giống nhau như vậy!”.
Hai người vừa nghe, đều ngạc nhiên nói: “Rốt cuộc là ra sao? Thỉnh quốc thái cứ nói thẳng, đừng ngại!”.
Hứa Phụ nói với Chu Á Phu: “Ba năm sau ngươi sẽ được phong hầu, làm hầu tám năm sẽ được phong thừa tướng, nắm quyền lực quốc gia, được quý trọng tin dùng. Nhưng mà, làm tướng 9 năm thì bị chết đói”.
Chu Á Phu vừa nghe, cười to nói: “Quốc thái nói đùa hay sao, anh trai của ta thay phụ thân làm hầu, sao lại chuyển sang ta? Quốc thái đã nói rằng ta được trọng dụng, thì sao lại chết đói được?”.
Hứa Phụ chỉ vào miệng của Chu Á Phu nói: “Ngươi có nếp nhăn chạy dọc vào miệng, cái này chính là dấu hiệu của đói! Nếu như không tin, thì hãy chờ xem sao!”.
Văn Đế sau khi nghe xong, cũng cảm thấy vô lý, bèn nói với Chu Á Phu: “Nghĩa mẫu của trẫm vốn chỉ là nói vậy thôi, khanh không cần để ý”. Dứt lời, rồi nhìn Đặng Thông nói: “Để nghĩa mẫu của trẫm xem tướng cho ái khanh!”.
Đặng Thông vừa rồi thấy bộ dạng có chút giật mình của Hứa Phụ, bèn hỏi: “Quốc thái có phải nói là Đặng Thông tương lai cũng sẽ đói chết không?”.
Hứa Phụ nói: “Không sai, ngươi cũng chết vì đói khát! Bởi vì ngươi cũng có nếp nhăn dọc vào miệng, nhưng mà, ngươi trước khi đói chết, cũng có số làm quan, được Thánh Thượng phong thưởng nhiều, chức quan có thể lên đến Thượng đại phu”.
Văn Đế nghe xong Hứa Phụ bình tướng của Chu Á Phu và Đặng Thông, cho rằng bà đang có hiềm khích gì với hai người. Ông nghĩ rằng, nhất định là do hai người còn chưa đủ lễ phép với bà, cho nên bà mới dùng những lời nói này để quở trách họ.
Nhưng ai có thể ngờ được rằng, sau này sự thật lại hoàn toàn đúng như lời Hứa Phụ nói! Ba năm sau, Chu Á Phu được phong làm Điều hầu. Tám năm sau, khi bảy nước chư hầu làm loạn, ông được lệnh dẫn quân đi dẹp loạn. Với tài năng quân sự xuất sắc, Chu Á Phu nhanh chóng đánh tan liên quân bảy nước, lập được công lớn cho nhà Hán, được thăng đến chức thái úy rồi thừa tướng. Về sau do không được lòng em trai của vua Hán là Lương vương nên ông chủ động xin từ chức. Về cuối đời, Chu Á Phu bị Hán Cảnh Đế nghi kị, bắt giam vào ngục. Ông vì quá uất ức, đã tuyệt thực 5 ngày, sau đó thổ huyết mà qua đời.
Còn Đặng Thông, bởi vì được Văn Đế sủng ái, rất nhanh từ Hoàng đầu lang thăng lên làm Thượng đại phu, được ban thưởng rất nhiều bổng lộc. Sau khi Cảnh Đế lên ngôi, Đặng Thông bị phế quan, không lâu sau gia tài đều bị tịch thu hết. Ông phải đi xin ăn để sống, vô cùng khốn khổ, cuối cùng bị chết vì đói!
Sau khi rời kinh thành, Hứa Phụ và chồng sống ẩn cư ở trên núi, lấy việc nghiên cứu nhân tướng học, và chăm sóc gia đình nuôi dạy con cháu làm thú vui. Bà qua đời vào năm 137 (TCN), hưởng thọ 84 tuổi.
(Hết)
Dịch từ blog.sina.com
Theo tinhhoa.net