Câu chuyện cảm động của một cậu bé có cha mẹ tu dưỡng và rèn luyện theo các tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn, bị bức hại dưới chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ảnh: Lưu Tiểu Thiên đóng vai nạn nhân trong hoạt cảnh chống tra tấn. Em nói rằng em muốn mọi người biết đến những khổ nạn của cha mẹ mình
[Minh Huệ] Đến cuối năm 2004, Lưu Tiểu Thiên (Liu Xiaotian) tròn 19 tuổi. Em sinh ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, và là con trai cưng chiều độc nhất của gia đình. Thế rồi khi em gần 16 tuổi, một thảm kịch đã xảy đến với nhà em, và Lưu Tiểu Thiên — bấy giờ không biết về Pháp Luân Công và cũng không quan tâm gì đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc — đã trở thành kẻ tị nạn. Em nếm trải bao đau khổ, sau được một người chú cho biết về cái chết của cha mẹ của mình, và cuối cùng em đã trở thành học viên và tham gia triển lãm hoạt cảnh tại châu Âu về chống tra tấn và đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Lưu Tiểu Thiên sinh tháng Chạp 1985. Gia đình em bấy giờ ở thành phố Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cha em là Lưu Khánh (Liu Qing), một viên chức chính quyền khu Chi Sơn (Zhishan), thành phố Vĩnh Châu. Mẹ em là Dương Ngọc Yên (Yang Yuyan), công nhân Nhà máy Dệt kim khu Thượng Hà (Shanghe), nhưng sau đã thôi việc vào tháng 10-1999. Tuy không dư giả, nhưng cuộc sống gia đình Tiểu Thiên rất hạnh phúc và hoà thuận. Mãi đến khi cao tuổi, hai cha mẹ mới có con trai, nên em được cưng chiều và được cha mẹ nuôi dạy đến khi học phổ thông trung học.
Một ngày nọ đầu năm 1999, cha của Tiểu Thiên đi công tác ở thành phố Vũ Hán (Wuhan), tình Hồ Bắc (Hubei) và thấy có rất nhiều người tập Pháp Luân Công tại quảng trường Vũ Hán, và họ rất là đẹp. Thế là cả hai cha mẹ Tiểu Thiên đều bắt đầu học Pháp Luân Công, bắt đầu sống theo đạo lý Chân Thiện Nhẫn, trở thành người tốt và càng tốt hơn nữa. Hai cha mẹ em đã trở thành người tu như vậy, và luôn nghĩ đến người khác trước. Đến cuối năm 1999, chỗ làm của mẹ Tiểu Thiên cắt giảm nhân sự và mẹ em, vì muốn dành công việc khó kiếm đó cho người khác, nên đã xin thôi việc vào tháng 10-1999.
Bắt đầu từ 20-7-1999, bè đảng họ Giang đã khai phát chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Bộ máy tuyên truyền của chính quyền liên tục vu khống mạ lỵ Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp ngày càng trở nên hà khắc hơn. Mặc dù mới học Pháp Luân Công chưa đầy một năm, cha và mẹ của Tiểu Thiên đã thức tỉnh lương tri của mình và quyết định không im lặng trước cuộc đàn áp đó. Họ đã ra đường phố để nói với mọi người về sự thật Pháp Luân Công. Hồi ấy Tiểu Thiên nội trú ở trường phổ thông trung học và em chỉ về nhà mỗi tuần một lần. Em có nhìn thấy cha mẹ mình học Pháp Luân Công, nhưng em không biết gì về Pháp Luân Công cả, và em cũng không ý thức được mối hiểm nguy mà cha mẹ mình đang đối mặt. Rất có thể vì cha mẹ Tiểu Thiên hiểu được những nguy hiểm đó, nên đã có chủ ý không nói cho em biết về Pháp Luân Công là gì và cũng không nói cụ thể rằng họ đang làm những gì.
Ngày Thứ Sáu 23-11-2001, Tiểu Thiên đang ở trong lớp, thì cảnh sát ập đến và nói với giáo viên rằng đã bắt giữ cha mẹ của Tiểu Thiên, rồi họ yêu cầu nhà trường cho họ gặp em. Một học sinh khác nghe thấy vậy bèn chạy đến báo trước với Thiểu Thiên rằng cha mẹ em đã bị bắt và cảnh sát đang truy tìm em. Tiểu Thiên nghe thế sợ quá, run cầm cập và lập tức trốn khỏi trường mà không mang theo bất kể thứ gì. Em quay về và trốn trong nhà kho của hàng xóm vào đêm hôm ấy. Từ chỗ nhà kho, em lén nhìn về nhà của mình và thấy rằng cửa sổ đã bị phá, đồ đạc cũng bị đập bể hết cả. Người hàng xóm thấy em và bảo em hãy cứ trốn ở nhà ông ta. Nhưng hai, ba hôm sau, cảnh sát đã đến các nhà hàng xóm và đe dọa mọi người rằng, ai mà giấu diếm Tiểu Thiên không trình cảnh sát thì sẽ bị trừng trị. Không còn cách nào khác, người hàng xóm bèn cho em ít tiền rồi nhờ người đưa em đến người họ hàng duy nhất của em là ông chú đang sống ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian).
Sau một cuộc hành trình dài dầy gian khổ, cuối cùng em cũng đến được nhà chú. Chân em bị trầy sước nặng và có một vết sẹo lớn trên cổ. Nhưng không đầy nửa năm sau, vào một ngày tháng 5-2002, cảnh sát đã đến nhà ông chú Tiểu Thiên. Em lập tức ẩn trốn và không biết được cảnh sát đã nói những gì với chú của mình, chỉ biết rằng ngay sau khi cảnh sát dời đi, ông trở nên lầm lỳ không nói. Ngay đêm đó, ông nhờ một người bạn đưa Tiểu Thiên đến Thẩm Quyến (Shenzhen), một thành phố giáp với Hồng Kông, và giấu Tiểu Thiên trong một kho hàng rất lớn, giữa những đống hàng. Ở đó Tiểu Thiên sống một năm trời thầm lặng, không dám gặp ai, sống trong hoảng sợ và thất vọng.
Em rất nhớ cha mẹ mình, nhưng chú em luôn bảo rằng ông không có tin gì về cha mẹ em cả. Em cứ sống như vậy, đơn độc một năm nơi kho hàng, chịu bao khổ ải cả về thể xác và tinh thần.
Rồi đến tháng 6-2003, người chú của Tiểu Thiên, vốn đã nghèo, nhưng đã vay rất nhiều tiền để thuê đám buôn lậu đưa giọt máu họ Lưu ra ngoài Trung Quốc. Và thế là ngày 1-7-2003, Tiểu Thiên đã đặt chân đến Đan Mạch. Nhưng khổ thay, chỉ mấy giờ đồng hồ sau, kẻ buôn lậu đã vứt em bỏ lại nhà ga xe lửa Copenhagen rồi rời đi. Vì đã phải chịu bao khổ nạn, nên Tiểu Thiên rất sợ hãi. Em run lên cầm cập trước cảnh sát. Một bà cao tuổi người Hoa đã đưa em đến trại tị nạn. Vì quá hoảng sợ trong thời gian quá lâu, em nói năng không còn mạch lạc nữa, cũng không điền nổi một tờ đơn. Em luôn sợ hãi khi nghĩ rằng em có thể bị lọt vào tay cảnh sát Trung Quốc và bị bắt về Trung Quốc.
Nhưng rồi với sự giúp đỡ nhân viên trại tị nạn, Lưu Tiểu Thiên đã gặp các học viên Pháp Luân Công ở Đan Mạch. Em đã khóc. Lời đầu tiên em nói với họ là em muốn tìm lại cha mẹ mình. Em nhớ cha mẹ, nhớ nhà, nhớ gia đình. Nhưng vì em đã trải qua khổ nạn quá lâu, nên em không còn nói được mạch lạc nữa, thậm chí không đọc được cả sách. Em thường gặp ác mộng và hay khóc. Phải mất gần một năm, các học viên Pháp Luân Công tại Đan Mạch mới dần dần hiểu ra được câu chuyện đau lòng của đời em.
Qua các học viên Pháp Luân Công ở Đan Mạch, Tiểu Thiên bắt đầu hiểu ra rằng cha mẹ mình đã bị bắt giữ như vậy chính là vì họ học Pháp Luân Công. Em đã biết về Pháp Luân Công và bắt đầu tự mình theo học. Ban đầu, em không đọc được sách rành mạch lắm và vấp váp nhiều chỗ. Nhưng em đọc mãi và qua nỗ lực, em đã bớt dần sai sót và dần dần đọc được sách. Em đã hiểu ra nguyên nhân của bao nhiêu khổ ải mà bản thân em phải gánh chịu trong thời gian qua, và lý do tại sao cha mẹ mình đã hy sinh tất cả cho đạo lý mà họ theo đuổi. Sau khi gánh chịu xiết bao đau khổ, Tiểu Thiên thấy trân quý cuộc đời mới của mình kể từ ngày học Pháp Luân Công. Nụ cười đã dần dần trở lại trên môi em, và hạnh phúc cũng trở về với trái tim của em. Những vết thương kia đã được hàn gắn.
Trong quá trình bình phục, cũng là lúc Tiểu Thiên tìm kiếm thông tin về cha mẹ mình. Đã lâu không có tin tức gì cả và em luôn tự hỏi rằng cha mẹ hiện đang ở đâu? Sống thế nào? Rằng có phải ông chú đã đưa em ra nước ngoài mà không được sự đồng ý của cha mẹ em? Có phải người chú đang dấu diếm điều gì chăng? Em có rất nhiều mắc mớ trong lòng.
Chỉ mấy ngày trước khi chúng tôi đang viết những dòng này, Tiểu Thiên mới nhận được lá thư từ ông chú, hiện vẫn sống tại Trung Quốc, trong đó viết rằng cha mẹ em đã chết vào tháng 4-2002 vì bị tra tấn. Như vậy chỉ sau 5 tháng kể từ ngày bị bắt, họ đã bị bè đảng họ Giang sát hại. Không ai biết chi tiết về việc này thế nào và họ đã chết ở đâu. Người chú kể rằng vào cái ngày tháng 5-2002, hôm ấy cảnh sát đã đến nhà, để nói rằng cha mẹ của Tiểu Thiên đã chết. Cảnh sát từ chối không nói chi tiết và bản thân ông chú cũng không dám hỏi thêm. Cảnh sát chỉ nói một chữ “tự sát” (!)
Thật không thể tưởng tượng nổi, chỉ sau vẻn vẹn 5 tháng, công an đã lấy đi hai mạng người, phá tan một gia đình hạnh phúc, và không chỉ vậy, họ còn tìm cách thủ tiêu nốt cả đứa trẻ mồ côi. Cảnh sát đã hăm hoạ và bắt người chú phải ký giấy rằng ông ta “ly khai không còn dính dáng gì đến gia đình họ Lưu kia nữa”. Cảnh sát cũng bắt ông chú phải báo ngay nếu có tin tức về Tiểu Thiên, nếu không cả nhà ông sẽ bị trừng trị. Người chú của Tiểu Thiên sợ lắm, và không còn cách nào khác, đã lén gửi Tiểu Thiên đi Thẩm Quyến ngay đêm hôm đó và giấu em trong kho hàng lớn. Ông ta không dám giữ Tiểu Thiên ở nhà mình.
Như vậy, Tiểu Thiên không còn ai thân thích có thể nuôi nấng em và cũng không thể tiếp tục sống ở Trung Quốc được nữa. Ở vào hoàn cảnh éo le đó, người chú đã phải chạy vạy vay rất nhiều tiền, số tiền mà đến tận bây giờ ông vẫn chưa trả hết, để đưa Tiểu Thiên ra nước ngoài.
Qua một số bức ảnh từ một số người hảo tâm gửi đến, Tiểu Thiên thấy rằng nhà em ban đầu bị cảnh sát niêm phong, rồi sau đó họ đập hết và dọn sạch trơn, không để lại dấu tích gì cả.
Đấy là những gì xảy ra ở Trung Quốc, vào cái thời mà Giang Trạch Dân gọi là “thời đại hoàng kim về nhân quyền”. Chúng dồn người tốt vào chỗ chết và không tha cả một đứa trẻ.
Cái chết của hai đệ tử Đại Pháp — cha và mẹ Tiểu Thiên — vậy là đã được kiểm chứng sau hai năm. Nhưng còn biết bao học viên Pháp Luân Đại Pháp khác, những con người lương thiện, đã bỏ mạng? Chúng ta có biết được hết không?
Nguồn: vn.minghui.org