Tân Sinh

Sự xâm nhập vào các kênh truyền thông quốc tế của Đảng cộng sản Trung Quốc

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người hiểu rõ hơn về phạm vi tuyên truyền trên trường quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thực chất, từ năm 2009, ĐCSTQ đã đầu tư 45 tỷ Nhân dân tệ để mở rộng tuyên truyền ra hải ngoại nhằm kiểm soát công luận và khuếch trương các thủ đoạn tẩy não trên toàn cầu.

Thủ đoạn chủ động và tinh vi

Để tăng cường ảnh hưởng đến các nước phương Tây, ĐCSTQ đã thực hiện một số sách lược. Đầu tiên là tăng đầu tư vào các cơ quan thông tấn của ĐCSTQ, như Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Tân Hoa Xã. Trên Quảng trường Thời đại mang tính biểu tượng của Thành phố New York có một màn hình video khổng lồ hiển thị nội dung củaTân Hoa Xã, và các hộp báo cho tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) đã xuất hiện ở các thành phố lớn của Hoa Kỳ. Ngoài ra, CCTV đã ra mắt Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), có sẵn trên các hệ thống cáp trên khắp Hoa Kỳ. Tân Hoa Xã hiện có khoảng 6.000 phóng viên bên ngoài Trung Quốc, vượt quá số lượng phóng viên tại các hãng tin truyền thống như AP, AFP và Reuters .

Sách lược thứ hai là gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát các kênh truyền thông Trung Quốc ở hải ngoại. Năm 2001, Quỹ Jamestown Foundation đã đăng một bài báo có tiêu đề “Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát truyền thông tiếng Trung tại Hoa Kỳ ra sao.” Bài viết này đề cập đến bốn phương thức: a) trực tiếp kiểm soát báo chí, truyền hình và đài phát thanh thông qua quyền sở hữu toàn bộ hoặc trở thành cổ đông lớn; b) gây ảnh hưởng đến các kênh truyền thông độc lập thông qua lợi ích kinh doanh; c) mua thời gian phát sóng hoặc quảng cáo; và d) cài cắm các điệp viên của ĐCSTQ làm việc tại các kênh truyền thông độc lập cho các mục đích gián điệp và phá hoại.

Sách lược thứ ba mà ĐCSTQ đã sử dụng là gây dựng tiếng nói của mình thông qua các phương tiện truyền thông chính. Trong những năm qua, China Daily đã trả phí cho các phụ trương xuất hiện trong các báo New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, ở cả báo in và báo điện tử. Những thủ đoạn này rất mờ ám và không đáng tin.

Sách lược thứ tư là đưa lợi ích của ĐCSTQ vào các kênh truyền thông ở hải ngoại. Một nghiên cứu của hãng thông tấn Reuters cho thấy Đài Phát thanh Trung Quốc Quốc tế (China Radio International CRI) của ĐCSTQ đã can thiệp vào ít nhất 33 đài phát thanh ở 14 quốc gia. Truyền hình Phoenix là một ví dụ, nó chính là chương trình truyền hình Trung Quốc lớn thứ hai tại Hoa Kỳ. Với 10% cổ phần do CCTV nắm giữ, Truyền hình Phoenix giờ đây phát ngôn như một kênh truyền thông của ĐCSTQ.

Trung Quốc kiểm duyệt các kênh truyền thông ở hải ngoại theo nhiều cách, bao gồm kiểm soát trực tiếp thông qua các lợi ích hoặc áp lực tài chính, và gián tiếp thông qua quảng cáo, tấn công trực tuyến và tấn công cá nhân. Đối với các các kênh truyền thông nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, ĐCSTQ đe dọa sẽ không cấp visa cho phóng viên hay các nhân viên khác. Còn bên ngoài Trung Quốc, nó gây áp lực đối với các biên tập viên cao cấp khiến họ phải xóa các bài viết chỉ trích ĐCSTQ, hoặc dọa sẽ cắt đứt mối quan hệ và chấm dứt các thỏa thuận kinh doanh.

Một cựu ngoại giao Trung Quốc cho biết, năm nhóm hàng đầu bị ĐCSTQ đàn áp bên ngoài Trung Quốc là nhóm Phật tử Phật giáo Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, học viên Pháp Luân Công, người ủng hộ dân chủ và ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Đặc biệt, các kênh truyền thông do các học viên Pháp Luân Công thành lập đã thu hút sự chú ý của ĐCSTQ.

Đàn áp bất đồng chính kiến

ĐCSTQ kiểm duyệt thông tin bởi hai lý do: một là để đàn áp các bài báo tiêu cực bên trong Trung Quốc, và một lý do khác là bưng bít những người bất đồng chính kiến khi họ tuyên truyền quan điểm của chính mình bên ngoài Trung Quốc. Cả hai lý do này đều vì mục đích tăng cường sức mạnh toàn cầu của ĐCSTQ.

Một nghiên cứu năm 2005 của John Palfrey, một giáo sư luật tại Harvard, phát hiện có khoảng 48% thông tin liên quan đến “Sự cố ngày 4 tháng 6” (chỉ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989) đã bị chặn ở Trung Quốc. Tương tự, 90% thông tin liên quan đến Chín Bài Bình luận về Đảng Cộng sản và phần lớn thông tin tích cực về Pháp Luân Công cũng bị chặn. Thế nhưng, các trang web khiêu dâm chỉ bị chặn 10%. Những con số này cho thấy rõ mục đích của kiểm duyệt của ĐCSTQ.

Các thông tin về Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 bị phong tỏa tại Trung Quốc

Năm 2013, bà Katrina Lantos Swett và bà Mary Ann Glendon, cựu chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã viết: “Những nỗ lực của Bắc Kinh chống lại Pháp Luân Công, vốn bắt nguồn từ nỗi sợ hãi về sự phát triển nhanh chóng của pháp môn này trở thành một nhóm có tư tưởng độc lập, phát triển mạnh mẽ vượt khỏi hệ tư tưởng và sự kiểm soát của cộng sản, là rất đáng chú ý.” Bà nói thêm: “Các tài liệu và trang web của Pháp Luân Công là nội dung bị chặn nhiều nhất ở Trung Quốc.”

Bà Hoàng Tiềm, 49 tuổi, là cựu nhân viên của Trung tâm Sách Quảng Châu. Đầu năm 2015, bà đã đăng năm bài viết dài có tựa đề “Hồi ký Gulag” trên Weibo, một trang mạng xã hội nhỏ dạng blog của Trung Quốc. Bà Hoàng đã bị kết án 5 năm tù bởi những bài đăng này đã phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Sau khi bị đưa tới Phân khu 4 của Nhà tù Nữ Quảng Châu vào tháng 6 năm 2017, gia đình đến thăm bà và thấy bà ốm yếu và hốc hác. Bà cầu xin gia đình mình: “Hãy đến và cứu tôi với. Nơi này khiến tôi sắp phát điên rồi.”

Bởi đức tin vào Pháp Luân Công, bà Hoàng đã bị công ty của mình chấm dứt hợp đồng làm việc, bị giam trong một trại lao động trong ba năm và bị cầm tù bốn năm. ĐCSTQ tìm mọi cách để ngăn chặn sự lan truyền những thông tin đó.

Hợp tác với các kênh truyền thông phương Tây

Từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, Pháp Luân Công đã được biết đến với lợi ích cải thiện sức khỏe thể chất và nâng cao phẩm chất đạo đức. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã chủ yếu dựa vào sự tàn bạo và tuyên truyền phỉ báng để khởi xướng và duy trì sự đàn áp nhóm phi chính trị này, theo đó, các kênh truyền thông đã đóng một vai trò then chốt trong việc lừa dối công chúng.

Biết trước rằng một cuộc đàn áp quy mô lớn như vậy sẽ gây ra sự chỉ trích trong cộng đồng quốc tế, ngay từ đầu Giang đã mời các kênh truyền thông phương Tây tham gia vào cuộc bức hại này. Nếu thành công, nó sẽ giúp biện minh cho sự đàn áp và giảm áp lực trong xã hội quốc tế. Một ví dụ là vào tháng 10 năm 1999, khi Giang được tờ báo Le Figaro của Pháp phỏng vấn, Giang đã nhân cơ hội này phỉ báng Pháp Luân Công là một tà giáo.

Khi Giang được tờ báo Le Figaro của Pháp phỏng vấn, Giang đã nhân cơ hội này phỉ báng Pháp Luân Công là một tà giáo trong khi chính Giang là trùm sỏ bức hại học viên Pháp Luân Công.

Tại một hội nghị nhà nước về tuyên truyền đối ngoại năm 1999, Giang đã nhấn mạnh việc tuyên truyền bên ngoài Trung Quốc và kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao trong xã hội quốc tế vốn phù hợp với “uy tín” và “danh tiếng” của Trung Quốc. Lý Trường Xuân, ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã làm theo chỉ đạo và thiết lập một hệ thống phối hợp trong 25 phòng ban thuộc Ủy ban Trung ương của ĐCSTQ. Quách Cảnh Triết, giám đốc của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, đã diễn giải về những lời của Giang: “Chúng ta cần chủ động và đi đầu … Tuyên truyền ở hải ngoại giống như một trận chiến. Chúng ta phải một tay cầm khiên để tự vệ trước kẻ thù, đồng thời tay kia cầm giáo để tấn công người khác.”

Theo chính sách này, những tuyên truyền thù hận đã được truyền bá sang các nước khác. Vào ngày 26 tháng 5 năm 2000, Tiêu điểm của CCTV bao gồm một chương trình dài 18 phút về phỉ báng Pháp Luân Công. Sau khi duyệt chương trình này, lãnh đạo Phòng 610 Trung ương đã ra lệnh cho CCTV phổ biến các băng video cho các đại sứ quán và lãnh sự quán ở hải ngoại, cũng như dịch chúng sang tiếng Anh để phát sóng bên ngoài Trung Quốc. Các kênh truyền thông Trung Quốc ở nhiều quốc gia cũng làm theo để phỉ báng Pháp Luân Công.

Sự phản đối trong xã hội phương Tây

Những tuyên truyền như thế của ĐCSTQ đôi khi gặp phải sự phản đối. Sau khi Talentvision, một kênh truyền hình tiếng Hoa tại Canada, phát sóng chương trình tin tức của CCTV về “vụ án Phó Di Bân giết người” vào ngày 16 tháng 12 năm 2001, dẫn đến sự hiểu sai vụ giết người này liên quan đến Pháp Luân Công. Ngày 16 tháng 8 năm 2002, Hội đồng Tiêu chuẩn Phát thanh Canada (CBSC) đã quyết định Talentvision đã vi phạm bốn điều của Bộ luật Đạo đức và Bạo lực của Hiệp hội Phát thanh viên Canada, cũng như Quy tắc Đạo đức của Hiệp hội Giám đốc Phát thanh Truyền hình Canada.

“Một mặt, Bồi thẩm đoàn nhận thấy việc nhắc đến Pháp Luân Công trong tin bài đã tạo ra những bình luận không công bằng, mặt khác, các video bạo lực này đã được phát đi phát lại quá mức.” (Quyết định 01/02-0416 + của CBSC). Talentvision được chỉ đạo phát sóng quyết định này hai lần trong vòng bảy ngày.

Những người tham gia các hội nghị tuyên truyền đối ngoại ở Trung Quốc không chỉ bao gồm các viên chức ở các cơ quan nhà nước và các tỉnh khác nhau mà còn cả các quan chức từ các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc. Những quan chức này thường đi đầu trong các nỗ lực tuyên truyền ở hải ngoại.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin hôm 13 tháng 3 năm 2001, rằng Vương Vân Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco, đã viết cho tờ Nhật báo Thế giới (World Journal) đề nghị họ ngừng phát các quảng cáo về Pháp Luân Công. Cổ Tiến Hiền, Phó Tổng Giám đốc của tờ báo này tại San Francisco, đã bác bỏ yêu cầu của Tổng lãnh sự và nói: “Ông [Vương] có thể có quan điểm của mình và các học viên Pháp Luân Công cũng có thể có quan điểm của họ.”

Ngô Vinh Hoa, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Melbourne, Úc, đã có lần mời các quan chức của các kênh truyền thông địa phương Trung Quốc đến lãnh sự quán, nhằm yêu cầu họ không đăng tải các bài viết liên quan đến Pháp Luân Công. Ông ta nói rằng bất kỳ bài viết nào như thế cần được chuyển đến Lãnh sự quán Trung Quốc để duyệt trước. Do đó, không có kênh truyền thông nào đăng các bài viết về Pháp Luân Công vì áp lực trích dẫn và lo ngại về sự trả thù của Lãnh sự quán Trung Quốc.

Những nỗ lực của ĐCSTQ để tăng cường quyền lực mềm

Bà Trương Cẩm Hoa ở Đại học Quốc gia Đài Loan đã cảnh báo về việc khuếch trương “quyền lực mềm” của ĐCSTQ trong cộng đồng quốc tế, hòng tìm cách gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác thông qua các phương thức văn hóa. Ví dụ như sự phổ biến của văn hóa từ phim và truyền hình của Hàn Quốc. Mặt khác, quyền lực cứng phụ thuộc vào các lợi ích và đe dọa kinh tế. Bằng cách đàn áp và tránh những ý kiến ​​tiêu cực, một quốc gia như vậy có thể thúc đẩy lợi ích của mình và làm cho ý kiến ​​của nó trở nên áp đảo.

Quyền lực cứng của Trung Quốc đến từ lợi thế kinh tế và thương mại. Thông qua những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, nó có thể ép buộc một số mục tiêu nhất định tự kiểm duyệt để kiểm soát dư luận. Điều này không chỉ can thiệp vào tự do ngôn luận mà còn đe dọa các hệ thống dân chủ và an ninh quốc gia ở các nước phương Tây. Nói cách khác, đó là một chiến lược chiến tranh không cân sức do ĐCSTQ tiến hành.

Bất chấp những nỗ lực không ngừng của ĐCSTQ để thâm nhập vào các quốc gia khác, một số nhân vật ở phương Tây đã bắt đầu đưa ra kháng cự mạnh mẽ hơn. Trong khi đàm luận về chính sách của chính quyền Trump về Trung Quốc tại Viện Hudson vào ngày 4 tháng 10 năm 2018, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã thảo luận về sức mạnh quân sự, trộm cắp bí mật thương mại, gián điệp và những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Động thái này cho thấy những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm gây ảnh hưởng đến các các kênh truyền thông bên ngoài Trung Quốc sẽ bị theo dõi và có khả năng bị hạn chế.

Theo Minh Huệ