Có những sự việc tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng đạo lý hàm chứa trong nó lại rất sâu xa. Ai đó từng nói rằng đạo rất đơn giản, vì đơn giản quá nên khiến con người với tư tưởng phức tạp như ngày nay không thể tiếp thụ được.
Rất nhiều năm trước có một người cầu đạo trẻ tuổi, vì muốn biết đạo lý nhân sinh nên anh ta không ngại vất vả, quanh năm suốt tháng trèo đèo lội suối đi đến khắp nơi để tìm người có thể trả lời câu hỏi của mình.
Thời gian mỗi ngày một trôi qua, người cầu đạo trẻ tuổi đã hỏi qua rất nhiều người nhưng đều không có ai trả lời được thắc mắc trong lòng anh ta. Điều này khiến cho anh ta rất thất vọng. Anh ta luôn suy nghĩ trong đầu: “Vì sao mà không có ai trả lời được những thắc mắc trong lòng mình? Điều này rốt cuộc là có nguyên nhân vì đâu?”
Một hôm, trên đường đi, anh ta gặp một vị tiên sinh, vị tiên sinh này nói cho anh ta biết: “Trên ngọn núi phía nam cách đây không xa, có một vị cao tăng đắc đạo, ông ấy có thể trả lời tất cả những vấn đề liên quan đến đạo lý nhân sinh mà anh đang thắc mắc.” Vội vàng cảm ơn vị tiên sinh này, anh ta suốt ngày đêm lên đường tìm kiếm chỗ ở của vị cao tăng ấy.
Mấy ngày sau, anh ta đi đến ngọn núi phía nam và gặp một người tiều phu đi đốn củi từ trên núi trở về. Anh ta tiến đến hỏi thăm: “Xin hỏi anh có biết vị cao tăng ở trên ngọn núi này không? Tướng mạo của vị cao tăng đó như thế nào?”
Người tiều phu trầm ngâm một lát rồi nói: “Quả thực là trên ngọn núi này có một vị cao tăng, nhưng tôi không biết ông ấy ở chỗ nào bởi vì ông ấy thường xuyên đi lại bốn phía, tùy duyên mà độ hóa thế nhân. Có người nói tướng mạo của ông ấy trong suốt hiếm thấy, nhưng lại cũng có người nói ông ấy lôi thôi bẩn thỉu. Thực sự là không ai có thể nói được rõ ràng cả.”
Người thanh niên tạ ơn người tiều phu rồi ôm quyết tâm hướng lên núi tiếp tục đi tiếp. Không lâu sau, anh ta lại gặp một người thợ săn, rồi người đi hái thuốc, nhưng không ai trong số họ biết vị cao tăng kia ở đâu và tướng mạo trông như thế nào.
Anh ta tuyệt vọng quay đầu bước xuống dưới núi. Bất chợt trên đường đi, anh ta gặp một người ăn mày rách rưới, trên tay cầm một chiếc chén thủng, hướng đến phía anh ta mà xin nước. Người thanh niên lấy túi nước đeo trên lưng xuống rồi rót một ít nước vào trong chiếc chén. Người ăn mày chưa kịp đưa lên miệng uống thì nước trong chén đã chảy hết rồi. Bất đắc dĩ, người thanh niền đành phải lại một lần nữa đổ một ít nước vào trong chiếc chén thủng kia rồi thúc giục người ăn mày mau chóng uống. Nhưng chén vừa đưa đến miệng người ăn mày thì nước lại chảy hết không còn giọt nào.
Người thanh niên lúc này không nhịn được nữa liền bực mình nói: “Ông cầm cái chén thủng như thế thì làm sao mà chứa được nước uống chứ?”
“Người đáng thương, ngươi đi khắp nơi hỏi đạo lý nhân sinh, biểu hiện ra rất khiêm tốn. Nhưng trong lòng ngươi lại đánh giá lời nói của người khác bằng cách là xem có hợp với tâm ý của mình hay không. Ngươi không thể tiếp nhận những lời nói mà không hợp với tâm ý của mình. Một chút thành kiến này đã tạo thành một lỗ thủng lớn ở trong tâm của ngươi, càng khiến ngươi vĩnh viễn không cách nào tìm được câu trả lời đâu! Cũng giống như chiếc chén thủng kia không giữ lại được chút nước nào.” Người ăn mày nói.
Người trẻ tuổi nghe xong bừng tỉnh, quỳ gối cúi đầu hỏi: “Đại sư chính là vị cao tăng mà tôi đang tìm phải không?” Nhưng hỏi mấy câu mà không có người trả lời. Anh ta ngẩng đầu lên thì người ăn mày đã đi từ lúc nào.
Tâm của mỗi người đều là có lỗ thủng. Thành kiến chính là lỗ thủng trong tâm của con người. Ghen ghét, nghi ngờ vô căn cứ, hèn nhát, nóng nảy, thù hận…cũng đều là các lỗ thủng. Chỉ có điều, lỗ thủng này của mỗi người là khác nhau mà thôi. Loại bỏ những “lỗ thủng” kia đi thì tâm con người mới được bồi đắp hoàn thiện, nhân sinh mới trở nên xinh đẹp.
Theo NTDTV , Daikynguyenvn