Con người khi sống ai mà chưa từng phạm sai lầm, quan trọng ở chỗ biết sửa sai và hối lỗi vì những việc làm đó. Đừng để đến khi mất đi sinh mệnh rồi, thì sám hối hoàn toàn không có tác dụng.
Có một thư sinh rất lớn mật, một buổi tối nọ, mưa tạnh trăng trong, chàng lệnh cho người hầu lấy cho mình một vò rượu, rồi một mình mang theo vò rượu đến nghĩa địa, nhìn khắp xung quanh rồi nói to: “Ta đến đây chơi đêm một mình, rất là buồn bã. Chư vị bằng hữu ở dưới cửu tuyền, có ai bằng lòng cùng đến uống rượu với ta chăng?”
Chỉ một lát sau chàng thư sinh nhìn thấy ma trơi lập lòe, lúc ẩn lúc hiện trong đám bụi cỏ. Lại kêu một hồi nữa, nhiều con quỷ liền tụ tập thành nhóm, cách thư sinh hơn một trượng rồi dừng lại không tiến về phía trước nữa.
Đếm cái bóng thì có khoảng hơn chục cái. Chàng thư sinh dùng ly lớn rót rượu vào rồi đổ xuống đất, chúng quỷ đều cúi đầu ngửi ngửi mùi rượu. Có một con quỷ nói rượu này quá ngon, xin cho thêm một chút nữa.
Chàng thư sinh vừa rót rượu vừa hỏi: “Các vị cớ sao lại không luân hồi chuyển sinh vậy?”
Quỷ nói: “Những người khi sống làm nhiều việc thiện thì nay đều đã chuyển sinh cả rồi, còn những kẻ tội ác tày trời thì cũng đều đã bị đọa vào địa ngục chịu khổ. Mười ba người chúng tôi, thì có 4 người tội hạn chưa dứt, chờ đợi luân hồi; 9 người thì nghiệp báo trầm luân, không thể luân hồi được nữa”.
Thư sinh hỏi: “Thế các vị sao không thành tâm sám hối để cầu được giải thoát vậy?”.
Quỷ nói: “Sám hối cần phải vào lúc còn sống mới được tính, sau khi chết rồi thì không còn tác dụng gì nữa cả!”.
Thư sinh giơ cái bình không lên, ngụ ý là rượu đã uống hết rồi, chúng quỷ đều lảo đảo rời khỏi. Một con quỷ trong đó ngoảnh đầu lại căn dặn rằng: “Quỷ đói có thể uống được rượu ngon, thật không có gì để báo đáp ân tình này, xin tặng một câu nói, rằng: Sám hối cần phải vào lúc còn sống mới được!”
Con người khi sống hành ác thì khi chết ắt phải chịu báo ứng. (Ảnh: Aminoapps)
Tư Mã Quang, một sử gia nổi tiếng, là vị tể tướng quyền cao chức trọng của Tống triều đã từng kể với mọi người rằng: “Lúc nhỏ tôi chơi quả hồ đào, chị tôi lúc đó vẫn còn nhỏ, muốn lột vỏ hồ đào, nhưng không bóc được. Sau khi chị rời khỏi, có một nữ tỳ đã giúp tôi bóc vỏ hồ đào. Khi chị quay trở lại hỏi, tôi nói: ‘Là em làm đó’. Phụ thân tôi vừa khéo đã nhìn thấy chuyện này, trách mắng rằng: ‘Trẻ con sao lại có thể nói dối như vậy!’. Từ đó về sau, tôi không còn dám nói dối nữa”. (Trích “Đức Dục Cổ Giám”).
Mẩu chuyện này chính là muốn nhắn nhủ chúng ta rằng, đứa trẻ sau khi bị trách mắng, có thể biết hối lỗi thì cả đời của chúng sau này sẽ không phạm sai lầm thêm lần nữa, cuộc sống nhờ đó mà có thể an vui hơn. Theo đó, nhiệm vụ của cha mẹ chính là giáo dục con cái biết sai và sửa sai để trở thành một con người tốt hơn.
Làm người sống trên đời này, có lẽ ai cũng không tránh khỏi những sai lầm, nhưng nếu có thể sớm nhận ra chỗ sai rồi biết thống khổ trong tâm mà sửa chữa, mà sám hối, thì người đó là đang tránh được vô số tội nghiệp.
Còn ngược lại, biết sai nhưng không hối cải, vẫn vì tư lợi mà làm việc xấu ác thì tội nghiệp chồng chất, đến khi chết rồi thì nghiệp báo trầm luân không thể luân hồi được nữa, giống như những con quỷ đói trong câu chuyện kể trên.