Cổ ngữ có câu: “Con người đâu phải thánh nhân, ai là người không lầm lỗi”, Lão Tử cũng giảng: “Thi hành đại đạo thì không trách người”. Một người thực sự để tâm vào tu dưỡng bản thân, tự xét mình sẽ phát hiện ra rằng những người bản thân có thể trách cứ ngày càng ít đi.
Mọi sự chẳng thể vẹn toàn, chỉ khi chúng ta học cách hướng nội, nhìn vào bản thân, thì chúng ta mới học được sự khoan dung, thấu hiểu. Khi đắc ý, đừng nên ỷ y, khi thất thế, cũng chớ tuỳ tiện trách móc.
Phạm Thuần Nhân, một học giả nổi tiếng triều Tống, thường nhắc nhở các con rằng: “Dù là kẻ ngu dốt nhất cũng có thể sáng suốt khi quở trách người khác. Người vô cùng thông minh cũng có thể hồ đồ khi tha thứ cho lỗi lầm của mình. Vì vậy, nếu các con có thể tự xét lỗi lầm của bản thân như khi phán xét lỗi lầm của người khác, và khoan dung cho người khác như khi tha thứ cho chính mình, thì các con chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh hiền”.
Mỗi người đều cần không ngừng tự xét mình, quy chính hành vi của bản thân, như vậy mới có thể tiến về phía trước theo một quỹ đạo đúng đắn và trưởng thành từ chính sai lầm của mình.
Trên thực tế, rất nhiều người chúng ta có thói quen lấp liếm sai lầm của bản thân, không dám đối mặt với chúng, thậm chí đôi khi còn gây mâu thuẫn với người khác, một mực chỉ trích người khác, mà quên nhìn lại chính mình. Chỉ khi biết tìm nguyên nhân sâu xa bên trong nội tâm mình mới không sinh tâm oán hận người khác.
Tăng Tử nói: “Mỗi ngày ta phản tỉnh bản thân ba lần”. Một người có tố chất sẽ tìm thấy vấn đề từ chính mình. Chỉ những người không dám gánh vác, muốn trốn tránh trách nhiệm mới chỉ mũi dùi về phía người khác. Thường tự xét mình, suy ngẫm về sai sót của bản thân sẽ giúp con người ngày càng hoàn thiện mình và gặt hái thành công.
Ngày nay, chúng ta có một thói quen kỳ lạ, đó là không không chỉ không biết tự nhìn vào bản thân, mà còn hay chất vấn người khác: “Nhìn xem anh làm tốt chưa mà chê tôi”, “Anh làm tốt việc của anh đi rồi hẵng nói”. Kỳ thực đây là sự ngụy biện, thể hiện rằng bản thân không biết cách lắng nghe, không biết cách tiếp thu, cũng không khoan dung được lỗi lầm của người khác.
Tiết Tuyên, đại thần thời nhà Minh từng nói: “Chỉ có sự khoan dung mới có thể dung nạp người khác, chỉ có sự hậu trọng mới có thể nuôi dưỡng vạn vật.” Khoan dung, đại lượng là tha thứ cho lỗi lầm của người khác, không canh cánh bên lòng, không so đo tính toán được mất cá nhân, biết chung sống thuận hoà với mọi người.
Khi gặp mâu thuẫn thì sự khoan dung như dòng suối mát xua tan sự kích động và oán hận, xoá bỏ những ánh mắt thù địch, khiến lòng người thanh khiết, tĩnh tại.
Chuyện kể rằng Thôi La là tả Thừa tướng nước Tề vào thời Bắc triều, rất được Hoàng đế kính trọng. Ông từng tiến cử Hình Thiệu giữ chức vụ quan trọng với Hoàng đế. Tuy nhiên, khi nói chuyện với Hoàng đế, Hình Thiệu thường gièm pha nói xấu Thôi La.
Một hôm, Hoàng đế trách Thôi La rằng: “Khanh luôn kể những điều tốt về Hình Thiệu, nhưng Hình Thiệu lại thường nói xấu khanh, khanh quả thực là ngốc!”
Thôi La độ lượng nói: “Hình Thiệu kể ra những nhược điểm của thần, thần nói đến những chỗ hay của Hình Thiệu, hai người nói đều là sự thật, không có gì sai cả!”
Người khác góp ý, nếu đúng thì chúng ta sửa, nếu không đúng thì chúng ta cũng không nên oán hận, chỉ trích. Đây chính là cách lắng nghe, cách tiếp thu của người biết tu dưỡng. Cổ nhân có câu: “Hữu dung nãi đại, vô dục tắc cương”, người biết bao dung thì tấm lòng sẽ rộng lớn, chẳng mong cầu mà tự đắc được.
Tấm lòng quảng đại thường kết thiện duyên. Nếu chỉ chăm chăm để mắt tới khuyết điểm của người khác thì sẽ dễ khiến bản thân rơi vào cảnh cô lập, người người đều xa lánh. Khoan dung với người khác cũng là chừa lại cho mình một con đường lui.
Tấm lòng và khí độ của một người quyết định cảnh giới và tương lai của người đó. Có câu rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, những điều mình không thích thì chớ làm cho người khác, khoan dung đãi người, nghiêm khắc đãi mình. Lòng người như một con đường, càng so đo tính toán, đường càng thu hẹp; càng bao dung, đường càng mở rộng, thênh thang.