Cô ấy là một phụ nữ da trắng. Cô ấy là một nàng Kim Ngưu. Cô ấy chơi piano. Cô ấy sở hữu cả một cánh rừng! Thật ngạc nhiên, đó chính là tất cả những gì mà thẻ bói lá cọ đã tiết lộ.
Charlotte Von Schedvin là một cô gái phương Tây tóc vàng, mắt xanh, sinh ra trong một gia đình quý tộc Thụy Điển.
Còn PK Mahanandia là một chàng sinh viên mỹ thuật nghèo khó ở Đông Ấn thuộc tầng lớp dưới cùng của xã hội, mà như lời anh kể là “dưới cả chó và bò“.
Ấy vậy mà họ đã gặp nhau và yêu nhau tại Delhi vào một ngày định mệnh cuối năm 1975, khi Von Schedvin yêu cầu chàng họa sĩ nghèo vẽ cho cô một bức chân dung. Họ đã yêu nhau say đắm ngay từ những ngày đầu gặp gỡ, và đã dành một tháng bên nhau trước khi Von Schedvin trở về quê nhà tại Boras, Thụy Điển.
Thề rằng sẽ cưới người phụ nữ mà mình yêu, dù có phải trả giá thế nào đi nữa, Mahanandia đã bán toàn bộ gia sản nhỏ nhoi của mình để mua một chiếc xe đạp đẩy (loại xe không có bàn đạp). Với 80 USD trong túi, chàng họa sĩ bước vào một cuộc hành trình 3.600 km, trải dài qua 8 nước, từ Ấn Độ tới Thụy Điển, trong vòng 4 tháng, để có thể tới được với người mình yêu.
“Thời đó, chỉ có người trong hoàng tộc là có đủ tiền cho một chuyến bay tới Thụy Điển“, Mahanandia nhớ lại.
Trên đường đi, Mahanandia đã ngủ trong những chiếc lều của dân du mục, các khu nhà tập thể mà anh gặp, hay cũng có khi, là dưới bầu trời đầy sao.
Và tất nhiên là, họ đã tới được với nhau, nhưng đó không phải là tất cả câu chuyện…
Số phận? Định mệnh?
Khi Mahanandia được 9 tuổi, cậu bé đã có một trải nghiệm mà cậu không thể nào quên, và nó đã ảnh hưởng đến suốt quãng đời còn lại của cậu.
Sinh ra trong tầng lớp thấp nhất của xã hội, Mahanandia thường xuyên bị những người dân làng xua đuổi, họ thậm chí đã bắt cậu bé phải ngồi bên ngoài lớp học ở trường.
“Tôi còn dưới cả chó và bò“, Mahanandia nhớ lại với ánh mắt đau khổ, “Khi tôi tới gần các ngôi đền, mọi người sẽ bắt đầu ném đá. Những việc đó, tôi không thể nào quên“.
Có một ngày, Mahanandia được cho phép ngồi ở cuối lớp, nhưng không được động chạm vào bất cứ ai, vì họ sợ cậu sẽ làm “bẩn” người họ. Tất nhiên, nguyên nhân không phải vì người ta thương tiếc gì Mahanandia, mà là vì ngày hôm đó, một thanh tra trường học người Anh cùng vợ ông tới thăm trường.
Sau màn chào hỏi, ngài thanh tra trao vòng hoa của mình cho một cô bé đứng hàng đầu. Trong khi đó, vợ ông lại đi xuống tận cuối lớp để trao vòng hoa của bà cho Mahanandia.
“Bà biết rằng tôi là một đứa bé bị phân biệt“, Mahanandia nhớ lại, “bà xoa đầu tôi và nói: ‘Con có một mái tóc xoăn thật dễ thương!’…“
“Tôi rất hạnh phúc, nhưng đồng thời nước mắt lại rơi. Đó như là một ánh sáng dẫn đường cho tôi trong hang tối”.
Mahanandia tự hào mang vòng hoa về nhà và khoe với mẹ: “Mẹ ơi, con yêu vợ của ngài thanh tra“.
Và câu trả lời của mẹ Mahanandia đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời sau này của cậu bé – Đưa cho con trai một tờ bói viết trên mảnh lá cọ, bà nói với Mahanandia rằng cậu bé sẽ “cưới một người phụ nữ da trắng, đến từ một miền đất xa xôi“.
Cô ấy cũng thuộc chòm sao Kim Ngưu, đam mê âm nhạc, và sở hữu cả một cánh rừng.
Rồi mẹ Mahanandia quyết định: “Chúng ta sẽ không sắp đặt đám cưới cho con“. Đó là một điều kỳ lạ ở Ấn Độ, nơi mà vào thời bấy giờ, hầu hết các đám cưới thường được bố mẹ sắp đặt và lựa chọn cho con cái.
Chàng sinh viên nghèo và cô gái quý tộc
Cuối năm 1975, khi Mahanandia 26 tuổi, cậu là một sinh viên mỹ thuật nghèo khó ở Delhi, thường xuyên phải ngủ tại những trạm xe bus hay các buồng điện thoại.
Ấy vậy mà, tài năng của Mahanandia vẫn tỏa sáng. Cậu dần dần có tên tuổi, cậu đã vẽ chân dung cho nhiều người, từ những người mẫu nổi tiếng đến chính trị gia, bao gồm cả Valentina Tereshkova, nữ phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ.
Chân dung Valentina Tereshkova, nữ phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ.
Mahanandia thậm chí còn được cho phép vẽ chân dung tại quảng trường Connaught của Delhi, một vinh dự mà không phải ai cũng có được.
Cũng tại đây, Mahanandia gặp Von Schedvin, một cô gái 20 tuổi đã bị vẻ huyền bí của đất nước Ấn Độ cuốn hút. Cô đã cùng các bạn lái xe từ Thụy Điển tới đây, trải qua 22 ngày trên một chiếc xe tải nhỏ. Họ đã lần theo tuyến “Hippie Trail“, chạy dọc con đường Tơ lụa huyền thoại, để đến với một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới.
Số phận đã khiến Mahanandia tìm kiếm một điều gì đó ở phương Tây, và chính nó cũng đã thúc đẩy Von Schedvin tới thăm phương Đông huyền bí.
Von Schedvin yêu thích những bộ phim như “Thích Ca Mâu Ni“, hay âm nhạc từ cặp đôi Anh – Ấn, George Harrison và Ravi Shankar. “Tôi bị mê hoặc bởi sự giao hòa Đông Tây”, Von Schedvin tâm sự, “Tôi đã mong được tới Ấn Độ kể từ khi lên 10 tuổi“.
Khi Von Schedvin tới quảng trường Connaught, cô yêu cầu Mahanandia vẽ chân dung cho mình. “May mắn” thay, ngày hôm đó tác phẩm của Mahanandia lại không được đẹp. “Bức vẽ không được giống cho lắm!“, Von Schedvin kể lại, “Chúng tôi đồng ý rằng cả hai sẽ quay lại vào ngày tiếp theo“.
Chân dung Von Schedvin do Mahanandia vẽ.
Khi cô gái phương Tây hẹn sẽ quay trở lại một lần nữa, Mahanandia chợt nhận ra và tự hỏi – liệu Von Schedvin có phải là người phụ nữ mà mình đang tìm kiếm? Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời, Mahanandia cầu nguyện Thần linh. Anh đã ước rằng Von Schedvin sẽ quay trở lại để anh được biết thêm về người con gái đó.
“Khi tôi nhìn thấy cô ấy đứng ở gần cột đèn giao thông, tôi đã căng thẳng quặn bụng. Tôi đặt tấm bảng dừng vẽ của mình lên, ‘họa sĩ bị ốm’…“, Mahanandia nói.
Và rồi đến màn hỏi đáp…
Cô ấy là một nàng Kim Ngưu.
Cô ấy chơi piano.
Cô ấy sở hữu cả một cánh rừng!
Thật vậy, tổ tiên của Von Schedvin đã được ban thưởng một phần cánh rừng Thụy Điển sau khi giúp đỡ nhà vua vào đầu thế kỷ 18.
“Tôi trở nên run rẩy“, Mahanandia kể, “Tôi nói: ‘Thiên thượng đã định trước, vận mệnh của chúng ta là sẽ gặp nhau’. Cô ấy đã sốc!“.
Đi theo tiếng gọi trái tim
“Tôi đã không nghĩ gì hết, tôi chỉ tuân theo tiếng gọi của trái tim mình 100%. Không có gì là logic cả“, Von Schedvin tâm sự.
“Khi ở bên cô ấy, tôi cảm thấy cao lớn hơn cả bầu trời“, Mahanandia nói, “Tôi không còn là một kẻ bị ruồng bỏ. Điều đó đã thay đổi thái độ của tôi đối với chính bản thân mình“.
Sau một tháng ở bên nhau, Von Schedvin quay trở lại Thụy điển. Còn Mahanandia vẫn ở lại trường mỹ thuật để hoàn tất năm cuối của mình. Họ trao đổi thư từ qua lại, và khoảng thời gian xa cách chỉ làm tăng thêm quyết tâm của chàng sinh viên nghèo khó được ở bên người mình yêu.
Dọc theo con đường Tơ lụa
Tuyến “Hippie Trail” là một tuyến đường khá nổi tiếng trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Nó chạy dọc con đường Tơ lụa huyền thoại, đi từ Ấn Độ qua Pakistan, Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Tư cũ để tới châu Âu.
Vào thời điểm đó, những người khách lữ hành không cần phải xuất trình visa để đi sang một nước khác, và những vùng đất trên cũng khá an toàn. Nhiếu chiếc xe buýt cỡ nhỏ sẽ đi từ thành phố London của nước Anh tới tận Goa của Ấn Độ.
Khởi hành với chiếc xe đạp đẩy và 80 USD trong túi, Mahanandia đã trải qua một hành trình dài 4 tháng. “Tôi đạp xe vì tình yêu, nhưng tôi chưa bao giờ yêu đạp xe cả“, Mahanandia nói, kể lại quãng thời gian đáng nhớ của mình.
Có những ngày, anh tự đi được tới 70 km, và cũng có đôi khi, anh được các xe buýt cho đi nhờ. Thậm chí có người đã tặng Mahanandia một chiếc vé tàu đi từ Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ tới Vienna của Áo. Nhưng Mahanandia không phải sống nhờ ai hết. Rời Delhi chỉ với vỏn vẹn 80 USD, chàng họa sĩ đến Thụy Điển với số tiền rủng rỉnh 800 USD trong túi – anh đã sử dụng tài năng hội họa của mình để kiếm tiền mua nước và thức ăn.
Mahanandia tới thành phố Boras, Thụy Điển, vào ngày 28 tháng 5 năm 1977, sau hơn 4 tháng…
Sức mạnh của tình yêu
Kể từ đó đến nay, Mahanandia cùng Von Schedvin đã sống hạnh phúc với nhau suốt gần 40 năm trời ở đất nước Thụy Điển và có với nhau hai đứa con là Sid và Emelie.
Von Schedvin là giáo viên âm nhạc, còn Mahanandia thì tất nhiên là họa sĩ, nhưng họ không chỉ sống cho riêng mình. Cả hai đã dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật Ấn Độ, và trao tặng nhiều học bổng văn hóa cho những người Ấn Độ thuộc tầng lớp dưới cùng.
Chính vì sự tận tâm đó, Mahanandia cùng Von Schedvin rất được người dân địa phương tôn trọng. Năm 1997, khi những trận lũ cản trở Mahanandia về thăm ngôi làng của mình, chính quyền địa phương thậm chí đã cử trực thăng tới đón ông.
“Tôi hạ cánh ở trên sân bóng của mái trường cũ“, Mahanandia nói và mỉm cười, “Tình yêu đã cho tôi sức mạnh để tha thứ cho những người từng ném gạch đá vào tôi. Họ cần được giáo dục. Tôi rất vui vì câu chuyện của chúng tôi đã đem đến cho mọi người hy vọng“.
Mahanandia không thể nào quên được quãng đời tuổi thơ đầy đau khổ, nhưng tình yêu đã cho ông sức mạnh để tha thứ.
Năm 2005, Mahanandia trở thành một trong những người được đề cử giải Nobel vì hòa bình cho những cố gắng không ngừng nghỉ của ông để tuyên dương hòa bình và nghệ thuật.
Theo daikynguyenvn.com