Trong lịch sử nhân loại, có nhiều chính quyền hoặc cá nhân vì quyền lực, lợi ích đã ra những “mệnh lệnh” tàn ác, đi ngược với lương tri con người. Nhưng cuối cùng họ cũng sớm bị trừng phạt và lên án trước người dân thế giới, để lại bài học làm người đắt giá cho nhân loại. Câu chuyện đau thương về cái chết của người thanh niên Peter Fechter mãi là tiếng chuông cảnh tỉnh nhân thế.
Mệnh lệnh tàn ác và giấy phép giết người. (Ảnh: t/h)
“Mệnh lệnh” tàn ác
Sau Thế Chiến II, Đức bị chia thành 4 vùng do các nước đồng minh (Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp) kiểm soát và quản lý. Berlin trở thành thủ đô của Đức, cũng bị chia làm 4 khu vực tương tự như vậy. Cùng lúc đó, cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Đông và Tây cũng đã bắt đầu trên nhiều bình diện, chiến tranh ngoại giao liên tục và đe dọa quân sự khiến phía Đông nước Đức tăng cường đóng kín biên giới. Berlin trở thành trung tâm của cuộc chiến giữa các cơ quan tình báo của cả hai phe.
Trước khi bức tường được xây dựng, lực lượng an ninh Đông Đức ở Đông Berlin cũng đã kiểm soát nghiêm ngặt các con đường và phương tiện giao thông đi qua phần phía Tây của thành phố nhằm ngăn chặn những người “chạy trốn” và “buôn lậu”. Khi hệ thống kinh tế “kế hoạch tập trung” của Đông Đức ngày càng suy yếu, bức tường được những người cầm quyền Đông Đức dựng lên nhằm ngăn chặn những người dân sợ hãi rời bỏ “quốc gia xã hội chủ nghĩa”.
Đứng sừng sững từ năm 1961-1989, Bức tường Berlin cao 2m với dây thép gai chằng chịt chia cắt Tây Đức và Đông Đức, từng được Chính phủ Đông Đức gọi là “Tường thành bảo vệ chống phát xít”. Nhiều người đã bị bắn chết trong khi đang cố vượt qua bức tường được canh gác nghiêm ngặt này để sang Tây Berlin.
Ngày 24/8/1961, Günter Litfin, 24 tuổi đã bị chính những người đồng hương nổ súng bắn chết khi anh cố chạy trốn ở gần Nhà ga trên đường Friedrich. Năm 1966, hai đứa trẻ 10 tuổi và 13 tuổi đã bị giết chết bởi 40 phát súng. Ngày 6/2/1989, Chris Gueffroy trở thành nạn nhân cuối cùng bị thiệt mạng. Trong suốt 28 năm tồn tại, Bức tường Berlin đã “chứng kiến” khoảng 5.000 người đã liều mạng vượt qua nó để chạy trốn sang Tây Đức, trong đó 200 người đã bị giết chết.
Cái chết của Peter Fechter là hồi chuông cảnh tỉnh lương tri con người
Cái chết của Peter Fechter là hồi chuông cảnh tỉnh lương tri con người. (Ảnh: t/h)
Peter Fechter sinh tại Berlin ngày 14/1/1944, chỉ vài ngày sau khi Hitller tung đòn tấn công lớn vào London và một vài ngày trước khi người Anh giành lại thành phố Perugia (Italy). May mắn cho Peter Fechter đã không phải trải qua cuộc sống thảm khốc trong Thế Chiến II, nhưng thật không may khi anh phải lớn lên trong bầu không khí ám mùi khủng bố, nơi quyền sống của mỗi con người đều bị theo dõi, kiểm duyệt và cai trị bằng luật bắt bớ, đe dọa của chế độ hà khắc tại quê hương.
Peter Fechter lớn lên ở quận Weissensee (Đông Đức), và ở tuổi 14, Peter Fechter đã có nghề thợ nề. Chị gái của Peter Fechter sống ở Tây Đức. Trước khi bức tường được dựng lên, anh thường sang thăm chị gái, việc này đã mang lại nhãn quan mới mẻ cho Peter Fechter về cuộc sống tự do và tốt đẹp ở phía Tây bức tường.
Vào ngày định mệnh 17/8/1962, Peter Fechter đã quyết định cùng bạn là Helmut Kulbeik chạy trốn khỏi Đông Đức để đến Tây Đức, nơi chỉ cách nhau một bức tường cao gần 2m chằng chịt dây thép gai. Trưa ngày hôm ấy, cả hai trốn trong xưởng gỗ để theo dõi lính biên phòng Đông Đức và tìm cơ hội vượt qua dải tường chết chóc.
Cả hai đã bị lính biên phòng Đông Đức nhắm bắn khi họ đang vượt qua bức tường. Kulbeik may mắn nhảy thoát sang Tây Đức, nhưng Fechter thì không. Cậu bị bắn trúng nhiều phát vào lưng trước sự chứng kiến của nhiều nhân chứng, rồi rơi xuống phía Đông bức tường và mắc kẹt trong lưới dây thép gai.
Mọi thứ trở nên tồi tệ khi Fechter đau đớn kêu cứu, nhưng lính Đông Đức đã bỏ mặc cậu, trong khi lính Tây Đức không dám can thiệp mà chỉ cố ném một ít băng cứu thương cho anh. Peter Fechter đã bị bỏ mặc tại đó với vết thương chảy máu không ngừng trong suốt 50 phút cho tới khi tiếng kêu cứu của anh nhỏ dần và lịm tắt.
Peter Fechter vẫn còn sống gần 1 tiếng đồng hồ sau khi bị bắn và bỏ mặc đầy đau đớn cho tới khi qua đời trước sự chứng kiến của 3 phía liên quan chỉ cách anh vài bước chân. Quân đội Tây Đức không thể sang cứu người đồng hương của họ dưới nhiều họng súng của lính canh Đông Đức. Cảnh sát quân sự Mỹ đóng tại trạm kiểm soát Charlie cũng nhận được lệnh thượng cấp “không được hành động”.
Sau khi Fechter chết gần một tiếng đồng hồ và phải nghe những tiếng hét lớn “Lũ giết người!” của hàng trăm người dân Tây Đức bức xúc tụ tập bên kia bức tường phản đối, những lính canh Đông Đức mới tới nơi Fechter nằm gục và túm lấy xác anh như túm lấy một thứ gì đó.
Bức ảnh hiện thực đầy sự tàn bạo đã nhắc nhở thế hệ sau về sự thật phũ phàng của tội ác không thể dung thứ. Sau khi Đông Đức sụp đổ, ngay tại nơi Fechter bị bỏ mặc đến chết, người ta đã dựng nên một cột tưởng niệm để nhắc nhở: Cái chết đầy đau đớn của Peter Fechter bên bức tường phía Đông Berlin là biểu tượng cho tội ác chống lại loài người – một tội ác từng được coi là… hợp pháp ở Đông Đức.
“Giấy phép giết người”
“Đừng ngần ngại sử dụng vũ khí, kể cả khi các cuộc đột nhập biên giới liên quan đến phụ nữ và trẻ em, mà các kẻ phản bội đã thường xuyên tận dụng”. (Ảnh: t/h)
Peter Fechter trở thành nạn nhân thứ 50 và là một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất bị những lính canh biên phòng bức tường Berlin Đông Đức bắn chết. Anh qua đời khi mới 18 tuổi. Lúc ấy, các viên chức biên phòng ở Đông Đức trong Chiến tranh Lạnh đã nhận được “giấy phép giết người” hợp pháp, họ có thể bắn bất kỳ người nào cố gắng đào thoát sang phía Tây Đức, kể cả phụ nữ và trẻ em.
Tài liệu dài 7 trang ký ngày 1/10/1973 được tìm thấy gần đây trong một kho lưu trữ ở thành phố phía đông Magdeburg, nó nằm lẫn lộn trong số các giấy tờ của một nhân viên bảo vệ biên giới Đông Đức. “Giấy phép giết người” này có nội dung như sau: “Đừng ngần ngại sử dụng vũ khí, kể cả khi các cuộc đột nhập biên giới liên quan đến phụ nữ và trẻ em, mà các kẻ phản bội đã thường xuyên tận dụng”.
“Đơn đặt hàng” này được phát hiện là bằng chứng chắc chắn nhất tố cáo chế độ cộng sản Đông Đức đã đưa ra những mệnh lệnh giết chóc rõ ràng, theo lời Giám đốc Stasi của Đức. Stasi là Bộ An ninh của chính phủ Đông Đức luôn luôn phủ nhận có một chính sách như vậy. Marianne Birthler, Giám đốc Văn phòng chính phủ hiện đang quản lý các kho lưu trữ Stasi, cho biết mệnh lệnh này chứng minh rằng cấp trên của chế độ tàn bạo Đông Đức dự tính bất kỳ ai cố gắng chạy trốn khỏi Đông Đức đều bị giết chết.
Những người lính biên phòng Đông Đức trong suốt 28 năm canh gác ở bức tường Berlin đã nhận được “Giấy phép giết người” hợp pháp từ chính quyền của họ. Gần 30 năm sau cái chết của Peter Fechter, cũng như của hàng trăm người dân Đông Đức, hai người lính thực thi “Mệnh lệnh” phi nhân tính chĩa súng bắn đồng bào ấy cuối cùng đã bị đưa ra xét xử công khai và bị kết án vào năm 1997.
Dù bản án kết tội họ thấp hơn nhiều so với bản án giết người theo khuôn khổ pháp lý của nước Đức thống nhất, nhưng kết luận “Có tội” của Tòa và việc những người lính biên phòng giết đồng bào theo ‘Mệnh lệnh’ bị nhận án tù đã mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một bài học làm người đắt giá: Những người ra “Mệnh lệnh”, hoặc tạo ra một nền “luật pháp” đi ngược lại với lương tri làm người, đi ngược lại luân lý, đạo đức xã hội sớm muộn cũng bị hủy diệt, bị đào thải khỏi xã hội loài người.
Cuối cùng, chúng ta là ai, chúng ta muốn trở thành ai, chúng ta muốn sống trong một thế giới như thế nào là do chúng ta lựa chọn. Con người, quốc gia, dân tộc yếu đuối hay mạnh mẽ, vĩ đại hay thấp hèn, rốt cuộc là do chính chúng ta lựa chọn…
Hồng Ngọc
Theo ĐKN,TH