Tân Sinh

Câu chuyện báo ứng nghe được nơi trường thi

‘Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’ đây là một quy luật thuộc về nhân quả mang tính phổ quát, vượt trên cả các nguyên tắc tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa. Hãy cùng chúng tôi chia sẻ câu chuyện báo ứng được lưu truyền từ những năm Càn Long đời Thanh trong các sĩ tử nơi chốn thí trường.


(Ảnh minh họa: internet)

Nhân quả báo ứng: Tổ tiên tạo ác nghiệp, di họa đời con cháu

Trong vũ trụ này, thiện ác tất có báo ứng, dù là ai, làm việc sai trái gì cũng đều phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, những tội nghiệp vô tình tạo phải ấy, có khi còn liên lụy tới cả những đời con cháu sau này.

Vào giữa những năm Càn Long đời nhà Thanh, trong trường thi khoa cử của hội thi hương vùng Giang Nam đã xảy ra một chuyện kỳ lạ.

Lúc đó có một thí sinh họ Du tên Giang Âm, mới thi xong vòng một, liền vội vàng chuẩn bị hành lý trở về. Mọi người đều cảm thấy kỳ lạ, hỏi thăm nguyên nhân, y úp úp mở mở, vẻ mặt vô cùng bi thương.

Mọi người không ngừng vặn hỏi, Du không thể giấu giếm, lúc này mới nói ra sự thật:

“Tiên phụ của tôi làm quan hơn nửa đời người, sau khi từ chức trở về quê nhà thì mắc chứng bệnh sợ hãi, chữa trị nhiều năm mà không khỏi.

Trước lúc lâm chung, ông gọi bốn anh em chúng tôi đến trước giường, khóc lóc nói với chúng tôi rằng: ‘Bản thân ta lúc còn sống chưa từng làm chuyện hổ thẹn với lòng, chỉ là trong lúc nhậm chức huyện lệnh, đã từng nhận 2 nghìn lượng vàng tiền hối lộ, giết oan hai người, thật đúng là tội lỗi ngất trời, Thần linh muốn trừng phạt ta bị tuyệt tử tuyệt tôn.

Nhưng bởi tổ tiên đã từng có công đức cứu người, vậy nên mới có thể giữ lại một người con trai để nối dõi tông đường, ngoài ra con cháu năm đời đều phải chịu cảnh đói khổ. Ta hiện giờ không có phẩm đức như núi Thái Sơn, chỉ có tội nghiệp sâu tựa biển cả, cái khổ địa ngục là không thể thoát được.

Trong con cháu nếu như có người không hiểu vận mệnh, còn muốn đi cầu công danh, chỉ sẽ tăng thêm tội nghiệp của ta, đây quyết không phải là con đường tận hiếu. Mấy anh em các con cần phải làm nhiều việc thiện, tự giải quyết cho tốt’.

Nói xong liền qua đời.

Về sau, mấy người anh em đó của tôi quả nhiên đã lần lượt qua đời, chỉ còn lại một mình tôi. Tôi đã từng tham gia hai lần thi hương, nhưng đều bị mực làm bẩn bài thi nên thôi.

Hôm qua trong trường thi, ý văn tuôn trào, đến canh ba đã làm xong bản thảo. Đột nhiên cảm thấy có người vén rèm đi vào, đứng trước ngọn đèn, tôi giật mình ngẩng đầu lên xem thử, vừa nhìn mới phát hiện chính là tiên phụ đã quá cố.

Vẻ mặt ông sầu thảm, tức giận trách mắng tôi rằng: ‘Cớ sao lại quên mất di chúc của ta, luôn có suy nghĩ không an phận? Khiến ta bị dồn đến bước đường cùng, chịu đủ mọi thống khổ. Nếu như còn không biết sửa lỗi, họa lớn sắp giáng xuống đầu rồi!’.

Ông vừa nói, vừa dập tắt ngọn nến, lật tung nghiên mực, trong nháy mắt đã không thấy đâu nữa. Tôi giật mình chạy ra ngoài khóc òa lên, đợi đến khi quan giám khảo đến xem thử, nhìn thấy trên bài thi của tôi toàn là vết dầu mực, liền thở dài bỏ đi.

Tôi năm nay 25 tuổi, ba lần khoa cửa đều thi rớt, cũng không có gì đáng tiếc, điều tôi đau lòng là tiên phụ đang phải chịu khổ nơi âm gian. Bây giờ tôi chuẩn bị xuất gia làm hòa thường, tu luyện Phật Pháp cứu độ vong linh của cha tôi”.

Mọi người sau khi nghe xong, ai nấy đều giật mình, tâm hành thiện tích đức tự nhiên khởi lên.

(Trích từ “Dạ Đàm Tùy Lục”)

Theo tinhhoa/Epochtimes.com

>> Nhà giáo Thái Quang Vinh: “Câu chuyện đời tôi là một thần thoại”…