Tân Sinh

Câu chuyện báo ứng về tung đồn nhảm hại người: Cha nợ con trả

Tin đồn nhảm quả thật là con dao sát thương sắc bén, lời đồn có thể gây ra những điều xấu vô cùng lớn. Nếu như hiểu được nhân quả trước sau, thì người ta sẽ không tùy tiện phỏng đoán và tung tin lung tung.

Câu chuyện báo ứng về tin đồn nhảm: Cha nợ con trả. (Ảnh minh họa qua juridipedia)

Lúc rảnh rỗi tán chuyện cùng nhau, nhiều người thích đem những chuyện mà mình thấy được, ngồi lê mách lẻo, thêm mắm thêm muối, giống như một câu tiếng lóng trong tiếng Mân Nam “Nói chuyện một cái bóng, thành sinh một đứa trẻ”, người khác chỉ nói rằng thấy một cái bóng, vậy mà anh ta thêm thắt truyền tin thành có người sinh ra một đứa trẻ.

Những lời đồn thổi ảnh hưởng không nhỏ đến người khác, cho dù là nói những lời vô căn cứ, hay tung tin bịa đặt sau lưng, quá khứ không thiếu những người phải chịu khổ từ những lời đồn thổi, vì chịu không nổi áp lực từ những ánh nhìn kỳ thị bên ngoài xã hội, nên lựa chọn kết thúc sinh mạng hoặc phiền muộn mà chết.

Kỷ Hiểu Lam trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” cũng có ghi chép về lời nói vô căn cứ gây hại người, kết cục của việc đặt điều là gây họa đến cả đời con cháu, lời lẽ cảnh tỉnh đanh thép, câu chuyện đại khái như sau:

Xưa kia, có một lão nho sinh tên là Lưu Thái Vũ, danh là Định Quang, làm nghề dạy học. Có một thầy thuốc từ Chiết Giang dẫn theo con nhỏ lưu lạc đến thôn của Lưu Thái Vũ, mối quan hệ hai người rất tốt, nên trở thành hàng xóm.

Con trai người thầy thuốc thông minh thanh tú, bái Lưu Thái Vũ làm thầy. Thầy thuốc không họ hàng thân thích, lúc lâm chung đã gửi gắm con trai cho Lưu Thái Vũ. Lưu Thái Vũ coi con trai người thầy thuốc như con trai ruột của mình, trong đêm đông giá rét, hai người đắp chung một chăn.

Có một người tên là Dương Giáp, không hiểu chuyện liền đặt điều nói rằng Lưu Thái Vũ coi con trai của bằng hữu là luyến đồng (ý chỉ mối quan hệ tình cảm đồng giới giữa người lớn và trẻ con).

Vì chuyện này mà Lưu Thái Vũ vừa tức vừa hận, liền tra hỏi đứa trẻ, biết rằng thằng bé còn có một người chú, làm quản lý văn thư sổ sách cho tàu áp giải lương thực của Lục Kỳ binh.

Vậy là ông liền dẫn thằng bé đến bên bờ sông Thương Châu, thuê một căn phòng nhỏ để ở, khi thấy thuyền chở lương thực Chiết Giang đi qua liền gọi lớn, hỏi xem có người chú đó của thằng bé trên thuyền hay không?

Cứ thế tìm liền mấy ngày, quả nhiên là tìm được chú của thằng bé, liền giao thằng bé lại cho ông ta. Chú của thằng bé khóc nói: “Đêm qua nằm mơ thấy sư huynh nói, cháu của tôi sắp trở về rồi, thế là ngày ngày tôi đều đứng sau bánh lái ngóng trông”. Sư huynh tôi còn nói: “Chuyện tên họ Dương, ta sẽ tố cáo với thần. Không biết là nói chuyện gì”.

Lưu Thái Vũ nghe xong cũng không giải thích rõ, chỉ lẳng lặng trở về. Lão nho sinh vốn là người cẩn thận quá mức, thường hay nghĩ rằng không có cách nào để gột rửa nỗi nhục cho bản thân, kết quả u uất sinh bệnh mà chết.

Khi đêm xuống, Dương Giáp thường thấy Lưu Thái Vũ tức giận trừng mắt nhìn mình. Nhưng vì Dương Giáp bản tính thô lỗ hung bạo, nên cũng không để tâm đến mấy chuyện kỳ quái.

Vài năm sau, Dương Giáp cũng chết, vợ của ông ta tái hôn, sinh được một người con trai, trông rất kháu khỉnh đáng yêu. Có một vị công tử lông bông đã quyến rũ mê hoặc thằng bé làm luyến đồng, công khai mặc kệ mọi người dị nghị bàn tán, ai thấy thằng bé cũng chỉ biết thở dài ngao ngán.

Chuyện này xảy ra vào giữa năm Khang Hy, có người nói Lưu Thái Vũ là người Túc Ninh, có người nói là người Nhâm Khâu, lại có người nói là người Cao Dương, cũng không biết rốt cuộc là người nơi nào, đại khái là vùng đất từ phủ Hà Gián trở về phía Tây. Tìm hiểu một chút về lúc sinh thời, có thể nói là sau khi chết ông ta xứng đáng được đưa vào miếu để mọi người thờ phụng!

Người bác thứ ba của Kỷ Hiểu Lam là Xán Thần Công rất thích nói chuyện nhân quả, từng nhắc đến chuyện này để làm bài học cho mọi người. Ngày 12 tháng 5 năm Gia Khánh thứ 3, Kỷ Hiểu Lam nằm trong một lều hành quân tại Mật Vân, nửa đêm thức giấc, đột nhiên nhớ tới chuyện này, lại sợ tên tuổi và câu chuyện của ông sẽ chìm vào quên lãng, nên sau khi đến Loan Dương, liền sơ lược ghi chép lại.

Dương Giáp hung hãn thấy vong hồn của Lưu tiên sinh vẫn khinh khỉnh như không, nhưng một kẻ tung tin bịa đặt vô căn cứ như ông ta, sau khi chết, con trai của ông lại trở thành một trong những nhân vật mà trước kia ông ta đã đặt điều vu khống cho người khác, đúng là “cha nợ thì con trả”, khiến mọi người không ngừng thở dài.

Bất luận đây có phải là nhân quả báo ứng hay không, tin đồn nhảm quả thật là con dao sát thương sắc bén, thứ hiển hiện trước mắt chưa hẳn là thật, nếu như hiểu được nhân quả trước sau, thì sẽ không tùy tiện phỏng đoán và tung tin lung tung.

Tuệ Tâm, theo Secret China