Xưa nay, nhân quả báo ứng luôn là lẽ công bằng nhất của tự nhiên, và trong lịch sử có rất nhiều người vì hành ác mà phải nhận quả báo bi thảm. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt, những trường hợp sau đây sẽ khiến hậu nhân phải suy ngẫm.
Trung Hoa là nước duy nhất trên thế giới mà công việc ghi chép lịch sử hàng ngàn năm chưa bao giờ bị gián đoạn. Người Trung Hoa thời xưa luôn rất chú trọng việc chép sử, các triều đại đều có Sử quan để ghi chép lại hiện thực lịch sử. Trong “Đường sơ quan tu sử thư” có ghi: “Trừng ác khuyến thiện, đa thức tiền cổ, di giám tương lai”, tức là việc trừng trị cái ác khuyến khích cái thiện phải biết nhiều chuyện đời xưa, lấy đó làm gương cho hậu thế.
Cổ nhân giảng: “Tiền sự bất vong, hậu thế chi sư”, ý tứ là không quên việc trước, dùng đó làm tấm gương cho việc sau. Lịch sử không chỉ truyền lại văn hóa mà còn cho hậu thế hiểu thế nào là thiện là ác, vì thế cần lưu giữ lại những lời dạy của người xưa để làm gương.
Người xưa thường nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, họ rất tin vào luật nhân quả nên không dám làm việc ác. Nhưng ngày nay, nhiều người cho rằng chuyện báo ứng thiện ác là mê tín, vô căn cứ.
Vì thế con người chỉ biết tư lợi, làm chuyện ác một cách tự nhiên, chỉ cốt làm sao có lợi cho mình, không từ một thủ đoạn làm hại người khác. Họ không hiểu rằng “thiện ác đều có báo ứng, chỉ là sớm hay muộn thôi”. Chúng ta hãy lấy lịch sử làm tấm gương để nhận ra “lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng không lọt”.
Ác quan hại người cuối cùng tự hại mình
Tục ngữ cổ có câu: “Hại người cuối cùng lại hại chính mình, làm nhiều việc bất nghĩa là tự hủy hoại chính mình”. Đã có rất nhiều trường hợp lịch sử chứng minh câu nói này không sai, dưới đây là câu chuyện về ác quan thời Võ Tắc Thiên.
Ác quan Sách Nguyên Lễ thời Võ Tắc Thiên nắm quyền, thành danh bằng cách tố cáo vu oan giá họa người khác, hại người nhiều vô kể.
Khi làm quan tra khảo phạm nhân, ông ta thường dùng cực hình tra tấn vô cùng man rợ. “Tra tấn” được người đời xưng là “sở trường” của ông ta. Mỗi khi tra tấn, ông ta đều khiến người bị tra tấn phải đau đớn đến mức xương gãy, đầu nứt và đành phải nhận tội thì mới hả lòng.
Thủ đoạn ghê rợn nhất là ông ta cho nhốt người vào lồng sắt mà tra tấn. Sau này nhiều người tố cáo Sách Nguyên Lễ âm mưu tạo phản nên ông ta bị tống vào nhà lao.
Lúc ấy, quan xét xử Sách Nguyên Lễ lại chính là thuộc hạ của ông ta. Thấy Sách Nguyên Lễ không chịu nhận tội, vị quan xét xử này lạnh lùng nói: “Mang cái lồng sắt của Sách công ra đây!”
Vừa nghe thấy câu này, Sách Nguyên Lễ đã toàn thân run rẩy, lập tức cúi đầu nhận tội. Cuối cùng ông ta đã bị chết thảm trong nhà lao.
Ác quan hại người, cuối cùng bị “gậy ông đập lưng ông”
Ác quan hại người cuối cùng tự hại mình. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Ác quan Chu Hưng dưới thời Võ Tắc Thiên cũng thành danh nhờ ngụy tạo án oan “mưu phản”. Khi ông ta đương chức cũng dùng cách bức cung nhục hình vô cùng tàn khốc, gây ra vô số án oan, hàng ngàn người bị ông ta hãm hại. Sau này Chu Hưng cũng lại bị kẻ khác tố cáo mình “tạo phản”.
Khi Chu Hưng bị tố tạo phản, người xét xử ông ta là một ác quan khác, tên là Tuấn Thần. Trước đây trong một dịp Tuấn Thần ngồi ăn cùng Chu Hưng có xin thỉnh giáo Chu Hưng về phương pháp ép phạm nhân nhận tội.
Chu Hưng hãnh diện nói: “Việc này không khó, chỉ cần đệ bỏ phạm nhân vào cái chum to rồi châm lửa đốt xung quanh thì lo gì hắn không nhận tội!”
Sau này khi đến lượt Tuấn Thần xét xử Chu Hưng, đã nói: “Đệ phụng theo mật chỉ, nói có người tố cáo huynh mưu phản, mời huynh vào chum đi!”
Chu Hưng vừa nghe bốn chữ “mời huynh vào chum” thì hồn bay phách lạc, toàn thân mềm nhũn, liên tục rập đầu nhận tội. Câu chuyện này về sau nổi tiếng và được người dân dùng cụm từ “gậy ông đập lưng ông” để miêu tả.
Về sau, Tuấn Thần cũng không thoát khỏi kết cục bị ác báo bi thảm. Thời gian tại vị ông ta cũng làm quá nhiều việc ác, dùng nhục hình giết hại vô số người.
Khi Tuấn Thần tra khảo thì không kể nặng nhẹ đều đổ nước muối vào lỗ mũi để bắt họ nhận tội. Ông ta còn đào đất làm Thủy lao để ngâm phạm nhân vào trong nước hành hạ, còn bỏ đói không cho ăn khiến phạm nhân vì đói mà phải nuốt vải y phục thay lương thực. Nói chung, phương sách của Tuấn Thần là chưa chết thì chưa chịu buông tha.
Đến năm 697, khi ấy Tuấn Thần 47 tuổi cũng bị người tố phạm vào tội danh “mưu phản”. Sau đó không lâu, ông ta bị đưa lên pháp trường xử trảm. Những người căm hận ông ta nghe tin này đều tới pháp trường chứng kiến và tranh nhau xẻ thịt ông ta để lấy, chỉ trong ít phút, xác Tuấn Thần đã không còn.
Dùng tài văn chương hại người, mười đầu ngón tay bị rụng hết
Lâm Hy là một người sống vào triều đại nhà Tống, đã từng giữ chức Trung thư xá nhân. Thời đó, Trung thư xá nhân là một chức vị quan trọng, không chỉ phụ trách các loại văn thư của lục phòng (lại, hộ, lễ, binh, hình, công), mà quan trọng hơn cả là khởi thảo chiếu lệnh của Hoàng đế. Tuy nhiên, không lâu sau khi Lâm Hy nhậm chức, do ông ta đã làm nhiều việc bất lương, cũng chính là nói phẩm hạnh của ông ta không có gì tốt đẹp, nên đã bị giáng chức, phải rời khỏi kinh thành.
Chương Đôn khi đó đang là Tướng quốc. Ông ta luôn muốn hãm hại những người chính trực muốn can gián Hoàng đế. Vì không tìm được người thích hợp để đảm nhận chức Trung thư xá nhân nên ông ta rất buồn phiền. Đúng lúc này có người tiến cử Lâm Hy cho ông ta. Vừa hay Lâm Hy đến kinh thành nhậm chức tri phủ Thành Đô, thế là Chương Đôn liền triệu kiến ông ta, hứa hẹn với ông ta về việc phong quan tiến chức. Lâm Hy cho rằng đây là một cơ hội tốt nên đã đi theo Chương Đôn, dốc lòng dốc sức dùng mực bút để đả kích và gièm pha các nhân sĩ trực ngôn.
Lúc bấy giờ, các chiếu lệnh vu oan, giáng chức những người như Tư Mã Quang đều là do Lâm Hy khởi thảo, lời lẽ và cách hành văn “vô cùng thậm tệ”, người đương thời không ai là không phẫn nộ. Lâm Hy và anh em Tô Thức đã từng có giao vãng với nhau, ông ta đã từng miêu tả cha con Tô Thức bằng một câu đối như thế này: “Phụ tử dĩ văn chương quan thế, mại uyên, vân, tư mã chi tài; huynh đệ dĩ phương chính quyết khoa, quan triều, đổng, công tôn chi đối”, ý rằng cha con đều đứng đầu về văn chương trong mỗi thế hệ, uyên thâm vô cùng, tài năng như họ nhà Tư Mã; anh em đều chính trực trong công việc triều chính, cương trực và trách nhiệm, sánh ngang với họ nhà Công Tôn. Vậy mà khi soạn thảo chiếu lệnh để giáng chức Tô Thức, ông ta đã viết: “Tô Thức, cùng với cha và em trai, đều tham lam và lạm quyền. Họ thường lừa dối người khác vì lợi ích bản thân”.
Chương Đôn đã đặt những người như Lâm Hy vào các chức vị quan trọng, kết thành một bè lũ gian tà, khiến nhiều đại thần bị đi đày ở Lĩnh Nam, rất nhiều người đã bị liên lụy. Không những vậy, Chương Đôn còn muốn giết tất cả những người bị đi đày, khiến họ tan cửa nát nhà. Người trong thiên hạ lúc bấy giờ đều biết rằng những trung thần kia là bị oan uổng. Tống Triết Tông đã nói: “Trẫm tuân theo di chế của tổ tiên, chưa từng bao giờ giết hại đại thần, phải phóng thích họ ra và không được trị tội họ”. Do vậy, Chương Đôn và những người của ông ta không còn tiếp tục làm loạn được nữa.
Thực tế, Lâm Hy không phải là không nhận thức được những hành vi đê hèn của mình. Một lần nọ, sau khi thảo xong chiếu lệnh để gièm pha một người khác, ông ta đã ném cây bút xuống đất và nói: “Danh dự và tiết tháo của ta đã bại hoại quá rồi!”. Ông ta biết rõ rằng mình đang vu oan hãm hại người khác và việc này sẽ hủy hoại danh tiết của ông ta. Tuy nhiên, ông ta đã quá ham mê quan cao lộc hậu, giữa “danh tiết” và “quyền vị” thì ông ta lại lựa chọn “quyền vị”.
Sau khi Chương Đôn thất thế và bị bãi chức, Lâm Hy đã bị giáng chức nhiều lần. Sau này ông ta bị bệnh, mười đầu ngón tay của ông ta bị thối rữa và bị rụng hết, lưỡi cũng bị lở loét và rụng ra. Đó chính là ác nghiệp mà Lâm Hy phải trả, đúng theo luật nhân quả báo ứng. Nếu như ông chịu quy thiện thì sự việc đã khác, ông Trời có đức hiếu sinh, tuy nhiên chỉ mở đường cho những người biết sớm hối cải.