Tân Sinh

Oán duyên tiền kiếp: Chén thuốc độc của nàng dâu

Chuyện mâu thuẫn “mẹ chồng – nàng dâu” từ xưa đến nay chưa từng có hồi kết, ai cũng không thể lý giải rõ ràng vì sao trong loại quan hệ này lại có nhiều ân oán đến vậy.

Mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu đều có nguyên nhân sâu xa của nó. (Ảnh: Internett)

Ngày xưa, ở một làng nọ, có một đại gia đình gồm một cặp vợ chồng sống với mẹ chồng, và hai đứa con. Họ đều là những người rất thuần phác, tốt bụng và hay giúp đỡ người khác.

Vốn dĩ họ có thể chung sống hòa thuận hạnh phúc bên nhau, nhưng người mẹ không hiểu cớ gì lại không hề yêu quý nàng dâu, ngay cả khi nàng đã sinh cho gia đình bà một cặp long phượng và hết lòng vì con trai bà, vì vậy nên gia cảnh nhà họ hết sức lục đục và căng thẳng.

Nỗi căm ghét của bà với nàng dâu cứ ngấm ngầm qua năm tháng. Ngay từ những ngày đầu nàng mới bước chân về làm dâu, bà đã để ý, soi mói từng hành vi, cử chỉ của nàng. Chỉ cần nàng có hành động không đúng ý là bà sẵn sàng la mắng, thậm chí đánh đập.

Đã nhiều lần, nàng khóc lóc tâm sự với chồng, hi vọng chàng sẽ nghĩ ra cách nào đó để mối quan hệ của hai mẹ con trở nên tốt đẹp hơn hoặc ít nhất để mẹ chàng không có ác cảm với nàng nữa.

Chồng nàng vốn là người con rất hiếu thảo và yêu thương thê tử của mình. Nhưng do mẫu thân đã vì chàng thủ tiết không đi bước nữa, ở vậy nuôi chàng lớn khôn, nên dù biết thê tử mình hay bị mẫu thân bắt bẻ vô cớ, chàng chỉ biết khuyên nàng nhẫn nhịn, chịu oan.

Nghe theo lời tướng công, nàng đành ngậm ngùi, tiếp tục chịu đựng những lời trách mắng vô lý và sự độc đoán, ác nghiệt của mẹ chồng. Năm tháng trôi qua, mâu thuẫn ngày một tăng lên, cho đến một ngày sức chịu đựng của nàng đã lên tới đỉnh điểm khi mẹ chồng muốn cưới thiếp cho tướng công của nàng.

Lý do chỉ bởi bà muốn cưu mang con gái của một người quen cũ. Nàng cảm thấy rất ấm ức vì một chuyện lớn như vậy, nhưng mẹ chồng chưa bao giờ bàn bạc với hai vợ chồng nàng mà chỉ một mình đưa ra quyết định.

Chồng của nàng thoạt đầu ra sức phản đối, nhưng trước sự cương quyết của mẫu thân nên chàng đành thỏa hiệp. Cả hai vợ chồng đều hết sức đau khổ trước quyết định của mẹ, nhất là người vợ. Cứ nghĩ cảnh phải chia sẻ tướng công với người con gái khác, nàng cảm thấy ruột gan như bị xé nát.

Cuối cùng, vì không chịu được sự thống khổ này, nàng nảy ra suy nghĩ tiêu cực, nàng nghĩ thầm rằng, nếu mẹ chồng không còn sống, thì chuyện hôn sự này cũng không thể tiến hành được.

Nàng tìm đến một thầy thuốc cũng là nhà hiền triết có tiếng trong làng, hỏi mua loại thuốc độc nào có thể khiến người ta chết không đau đớn và cũng không bị ai phát hiện là chết do bị hạ độc.

Thầy thuốc gặng hỏi nguyên do tại sao nàng muốn loại thuốc này, lúc đầu nàng từ chối trả lời, sau đó trước sự chân tình muốn nghe chia sẻ của ông, nàng không cầm được lòng mà kể hết ra sự tình oan trái của mình. Nhà hiền triết tỏ ra rất thông cảm, bèn đưa cho nàng một gói thuốc, dặn:

“Con đem thuốc này về trộn vào thức ăn cho mẹ chồng, 30 ngày sau thuốc sẽ có công hiệu. Để tránh mẹ chồng và mọi người nghi ngờ, trong thời gian này con không những phải nhẫn nhịn, mà còn phải đối xử thật tốt với bà ấy”.

Nàng cầm gói thuốc về nhà, trong đầu nghĩ rằng chỉ 30 ngày nữa mọi nỗi đau khổ của mình sẽ chấm dứt, nên trong lòng thấy rất hoan hỉ. Trưa hôm ấy, nàng vội nấu cơm, làm những món mẹ chồng thích. Xong xuôi nàng mở gói thuốc mà nhà hiền triết đưa cho, làm như lời ông dặn.

Khi lấy thuốc trộn vào thức ăn, lòng nàng cũng giằng xé ghê gớm, nhưng vừa nghĩ tới cảnh tướng công tình chàng ý thiếp với người con gái khác, nàng dứt khoát nhanh tay đổ gói thuốc vào nồi.

Nhớ lời nhà hiền triết, để tránh bị nghi ngờ, ngoài việc chịu nhịn những hành vi trách móc vô cớ của mẹ chồng, nàng còn mạnh dạn thăm hỏi, chăm sóc, chứ không như mọi lần chỉ lầm lũi làm các việc với thái độ bất mãn trong lòng.

Trong khoảng thời gian này, bất cứ khi nào rảnh rỗi nàng đều chủ động tìm cách trò chuyện tâm tình với bà. Dù lúc đầu mẹ chồng tỏ ý né tránh, giữ khoảng cách với nàng, nhưng người già vốn thích được hỏi han, tâm sự, nên dần dần bà cũng mở lòng hơn với nàng.

Trong bữa ăn, mỗi khi bà tỏ ý không thích, hay đòi hỏi món nào, nàng đều lập tức đi nấu, dâng lên cho mẹ chồng hết sức chu đáo và lễ phép. Nàng còn dành thời gian mua tặng bà đồ nữ trang, hay các loại vải mà bà yêu thích.

Lúc đầu bà chê bai, thậm chí vứt trả nhưng nàng nén giận, nghĩ rằng giờ mà tức lên, thì chẳng bao lâu nữa bà qua đời, mọi người sẽ nghi ngờ nàng ngay, nên nàng tỏ ra không tự ái mà vẫn kiên trì, lặng lẽ đem đổi cho tới khi bà thích mới thôi.

Mẹ chồng rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của nàng dâu. Sự quan tâm, vẻ mặt tươi cười không đọng một nét bất mãn của nàng khiến bà không còn thấy căm ghét nàng nữa. Sau nhiều ngày trôi qua, bà chợt thấy mình vô lý. Bà bắt đầu đối xử với nàng nhẹ nhàng và chân thành hơn.

Đến ngày thứ 14, bà mẹ chồng đột nhiên bị một trận đau nhức dữ dội ở chân. Nghĩ rằng thuốc bắt đầu có tác dụng, nhưng thay vì mừng, nàng dâu lại cảm thấy áy náy và lo sợ, dành thời gian chăm sóc bà hết mực, không quản thức khuya dậy sớm đấm bóp, đun lá đắp chân cho bà. Tới lúc mệt nhoài, ngủ thiếp đi, nàng mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ.

Trong mơ, nàng thấy mình và mẹ chồng ở kiếp trước, lúc đó nàng là vợ cả còn mẹ chồng là vợ lẽ trong một gia đình khá giả, quyền thế. Nàng là vợ cả mà không sinh được con trai nên bị thất sủng, trong khi đó mẹ chồng nàng – là người vợ lẽ duyên dáng xinh đẹp, lại sinh được quý tử nên được lòng của cả gia đình.

Vì sự ghen ghét, đố kỵ, xót thương cho số phận bạc bẽo mà nàng trút mọi ấm ức, oán giận lên người vợ lẽ. Hết lần này qua lần khác, nàng tìm cớ nhục mạ, đánh đập cô ta một cách rất tàn nhẫn.

Giấc mộng thật đến nỗi, khi tỉnh giấc, nàng bần thần tự hỏi, phải chăng Thần Phật muốn nàng hiểu vì sao kiếp này mẹ chồng cứ căm ghét nàng vô duyên vô cớ như vậy? Nàng thấy mình ác độc, từ kiếp này sang kiếp khác, duyên nợ trong quá khứ chưa hoàn trả được lại tiếp tục làm điều xấu ở kiếp này. Nàng thấy hối hận khôn nguôi và quyết định dừng ngay âm mưu hãm hại mẹ chồng.

Hôm đó, tranh thủ lúc mẹ chồng đang say giấc, nàng vội chạy đến chỗ nhà hiền triết, van cầu:

“Xin hãy cho con một liều thuốc giải độc, con không muốn giết mẹ chồng, con đã hiểu được nhân quả giữa con và mẹ chồng, hiện giờ mối quan hệ của hai mẹ con cũng tốt hơn rồi, con thực sự thương bà ấy. Cầu xin ông giúp đỡ, con không muốn mẹ con chết!”

Nhà hiền triết mỉm cười, trấn an nàng: “Ta biết sẽ có ngày con tìm đến ta… Con yên tâm, thuốc mà ta đưa con không phải thuốc độc, chỉ là chút thuốc bổ cho người già thôi…”

Nàng dâu vô cùng bất ngờ, chưa kịp phản ứng gì thì ông tiếp lời: “Con thấy đấy, mọi sự trên đời xảy ra đều có nhân duyên. Duyên ấy không phải chỉ ở một đời này, mà còn bắt nguồn từ một kiếp sống nào đó của chúng ta.

Nhưng dù là ác duyên hay thiện duyện, nếu con có thể dùng thiện tâm của mình đối đãi, thì đều có thể biến ác thành thiện, biến dữ thành lành. Đối xử tốt với người khác không chỉ là hành động bề mặt, mà phải xuất phát từ nội tâm của con”.

Nàng nghe xong, gục đầu òa khóc nức nở, hiểu ra đạo lý sống sâu sắc mà bấy lâu này nàng không hề nghĩ tới. Khi trở về nhà, nhìn thấy mẹ chồng đang yên lặng nằm trên giường, nàng càng cảm thấy xấu hổ và tự nhủ phải bù đắp nhiều hơn cho bà, không nên có thái độ phản kháng, trái ý mẹ chồng nữa. Nàng tiến đến thì cũng là lúc bà mở dần đôi mắt, nàng khẽ khàng hỏi bà:

“Mẹ à… mẹ ngủ có ngon không…con muốn nói với mẹ chuyện này…”

Mẹ chồng nàng nhìn nàng hiền từ: “Có việc gì thế con dâu của ta…”.

Nàng ngập ngừng đáp lời: “Việc mẹ muốn cưới thiếp cho tướng công…con xin nguyện ý. Mẹ cần chuẩn bị sính lễ ra sao, xin nói cho con biết, để con chuẩn bị giúp mẹ…”

Nghe thấy vậy, người mẹ chồng choàng tỉnh, ngạc nhiên hỏi: “Con dâu, con thật không phản đối nữa sao? Con thật sự nguyện ý sao?”

Nàng dâu nhỏ nhẹ đáp lời: “Vâng, thưa mẹ”

Giọng bà trầm trầm xuống: “Thực ra thì mẹ đã từ chối người ta rồi. Mẹ cũng không hiểu tại sao trước đây mình lại có suy nghĩ đó. Con đối với mẹ thật tốt. Cả gia đình ta hiện đang rất êm ấm, hòa thuận, cũng không cần ai thêm nữa… Thật thiệt thòi cho con rồi…”

Nói xong, người mẹ chồng nhẹ nhàng nắm tay nàng dâu. Nàng dâu cúi đầu xuống, và cô bắt đầu khóc, chưa bao giờ cô thấy mình được yêu thương và hạnh phúc đến thế, nhưng không hiểu sao nước mắt cô không thể ngừng rơi được. Ngoài hiên, nắng rực rỡ, tiếng hai đứa con nàng đang nô đùa từ xa vọng lại…

*****

Sự oán hận và trả thù chưa bao giờ là phương thuốc nhiệm màu để hóa giải những mâu thuẫn và ân oán cá nhân. Nó chỉ là một con dao sắc bén cứa nát trái tim của người đi hại và người bị hại. Lòng tốt mới là liều thuốc hữu hiệu nhất cho những hiểu lầm và mất mát.

Khoảng thời gian ngắn ngủi gần 30 ngày ấy chính là lúc để người con dâu bình tâm lại và hiểu ra nhân duyên, phải trái trong cuộc sống, hiểu ra rằng chỉ có sự cho đi mà không cần nhận lại mới là liều thuốc để giải quyết mọi mâu thuẫn. Muốn người khác thay đổi, thì cần thay đổi chính mình trước.

Mọi chuyện không như ý, khó khăn trong cuộc đời xảy đến đều có nguyên do. Nhân duyên giữa người với người không thể chỉ nhìn trên bề mặt trong một đời mà có thể lý giải được hết. Nhưng dù mối quan hệ, sự việc có khắc nghiệt thế nào, chỉ cần có thiện tâm thuần tịnh, mọi việc trên đời đều có thể hóa giải.

Theo Daikynguyenvn