Tân Sinh

Phá hủy chùa chiền, cả gia tộc bị diệt vong

Coi thường thần linh, Mộ Dung Khương cho đập phá chùa chiền, tượng Phật để xây phủ, kết quả báo ứng cả dòng họ Mộ Dung diệt vong.

Huyện Nghĩa, thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh có một ngôi chùa cổ tên Phụng Quốc Tự nổi tiếng gần xa. Phụng Quốc Tự vốn tên là “Hàm Hi Tự”, Liêu Thánh Tông hoàng đế Gia Luật Long Tự vì để tưởng nhớ mẹ mình là Tiêu thái hậu, tại đất phong của gia tộc mẫu thân đã cho xây một tự viện hoàng gia.

Đây cũng là một trong ba ngôi chùa lớn còn sót lại từ đời nhà Liêu đến nay. Điện chính của Phụng Quốc Tự được coi là đệ nhất đại hùng bảo điện của Trung Quốc, là Phật điện có kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lớn nhất trên thế giới, được ca ngợi là “Quốc bảo ngàn năm, quốc bảo vô thượng”.

Tượng Phật được thờ phụng trong điện không giống thông thường, trên Phật đàn cao lớn đặt tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng sáu vị Phật của quá khứ: Tỳ Bà Thi Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Xá Bà Phật, Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật.

Trên Phật đàn cao lớn đặt tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng sáu vị Phật của quá khứ. (Ảnh từ dy.163)

Tượng Tỳ Bà Thi Phật ở giữa cao nhất, tổng cộng 8,6 mét, các tượng hai bên thấp dần, tượng các chư Phật dáng vẻ trang nghiêm, cao lớn từ bi, đẹp đẽ vô cùng. Bảy tượng Phật này là loạt các tượng Phật bằng đất sét có màu rực rỡ, cổ xưa nhất, lớn nhất trên thế giới. Vì vậy dân bản xứ thường quen gọi Phụng Quốc Tự là “Đại Phật Tự” hoặc “Thất Phật Tự”.

Theo ghi chép, Phụng Quốc Tự sau khi được xây dựng thì trở thành miếu tự chuyên để hoàng tộc và hoàng thân quốc thích cúng bái. Quy mô chùa hùng vĩ to lớn, ngoài điện chính bên ngoài, còn có rất nhiều điện thờ các vị Thần, Phật, Bồ Tát khác, không chỉ mang đậm phong thái và sự trang nghiêm của hoàng tộc, mà còn cho người đời thấy sự uy nghiêm của Đức Phật và Phật Pháp.

Ngôi chùa vĩ đại này trong suốt thời kỳ chiến tranh nhà Kim diệt nhà Liêu và nhà Nguyên diệt nhà Kim vẫn được bảo tồn hoàn hảo. Có thể thấy, kẻ thống trị ở bất kỳ triều đại nào của Trung Hoa đều bày tỏ sự kính trọng và bảo vệ Phật Pháp.

Nhưng ngôi chùa này vào cuối thời Nguyên đầu thời Minh lại không may gặp một kiếp nạn. Trừ đại điện thờ bảy vị Phật ra, các điện khác đều bị kẻ xấu phá hủy, hiện nay các kiến trúc khác trong Phụng Quốc Tự đều được xây lại ở thời nhà Thanh. Bởi vì thời điểm ấy đang là lúc chuyển đổi giữa hai triều đại, trong chính sử không có ghi chép kỹ càng. Hôm nay kể lại một truyền thuyết dân gian ở địa phương về chuyện ác giả ác báo của kẻ đã phá hủy chùa.

Lịch sử của huyện Nghĩa đã có từ lâu đời, hơn 1600 năm trước, dòng họ Mộ Dung của tộc Tiên Bi lúc này thành lập Yến quốc, lịch sử gọi là Tiền Yến, tuy nhiên sau này Yến Quốc bị Tiền Tần tiêu diệt, nhưng gia tộc Mộ Dung qua các thời kỳ Bắc Ngụy, Tùy, Đường, Tống, Nguyên vẫn vững mạnh.

Cho đến thời điểm chuyển đổi cuối đời Nguyên đầu đời Minh, dòng họ Mộ Dung vẫn là một danh gia vọng tộc trong vùng. Huyện Nghĩa lúc đó gọi là “Nghĩa Châu Vệ”, nghe nói có hơn 130 ngàn người, trong đó họ Mộ Dung chiếm hơn 10 ngàn người.

Năm 1368, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập nên triều Minh ở Nam Kinh, mới vừa lập quốc, còn chưa kịp quản lý vùng Nghĩa Châu ở Liêu Tây xa xôi, thế lực còn sót lại của triều Nguyên thì rời khỏi Trung Nguyên, không quan tâm nơi này, quan phủ của châu đã chết trong hỗn loạn.

Gia tộc Mộ Dung nắm trong tay lực lượng vũ trang của địa phương, tự nhận được thánh dụ của Đại Minh, đề cử Mộ Dung Khương, người đứng đầu dòng họ Mộ Dung lên làm quan của châu. Từ quan viên đến nha dịch lớn nhỏ trong phủ, nhìn vào đều là biết người của nhà Mộ Dung. Mộ Dung Khương lên làm quan ở Nghĩa châu, đúng là chúa đất một cõi.

Sau khi Mộ Dung Khương nhậm chức, cảm thấy phủ quan cũ không đủ hoành tráng, bèn phá hủy đập bỏ gạch ngói, xây dựng phủ mới của mình rầm rộ. Mà ngay lúc đó, Phụng Quốc Tự lại xui xẻo trở thành mục tiêu phá hủy của Mộ Dung Khương.

Mộ Dung Khương thấy Phụng Quốc Tự gạch tốt ngói tốt, mặc kệ tăng nhân ngăn cản, mang theo nha dịch của mình cưỡng ép phá hủy ngôi chùa cổ này. Ngôi chùa gặp kiếp nạn, bị phá hủy chỉ còn mỗi điện thờ chính, bởi ngay khi cái xẻng vừa cắm xuống, bụi mù nổi lên bốn phía. Lúc này, Mộ Dung Khương trước giờ vẫn luôn ngang ngược chợt không hiểu sao lại cảm thấy từng đợt ớn lạnh, không dám phá hủy tiếp nữa, đại điện nhờ vậy mà được giữ lại. Mấy tháng sau, phủ mới  đã xây xong, gạch xanh ngói đỏ, vàng son lộng lẫy.

Hôm đó, Mộ Dung Khương tổ chức tiệc ở phủ, mời đủ các tai to mặt lớn họ hàng gần xa của gia tộc Mộ Dung, tất cả cũng hơn một trăm người tới ăn mừng. Trong tiệc rượu nâng li cạn chén, chơi đùa rôm rả, ầm ĩ đến trưa mới giải tán. Sáng sớm hôm sau, Mộ Dung Khương phát bệnh, mới đầu chỉ cảm thấy trong người không khỏe, ngột ngạt khó thở, sốt cao không giảm, đến buổi chiều trên người xuất hiện những chấm đỏ, hơn nữa ở trong phủ rất nhiều người cũng bị bệnh giống vậy.

Lúc này có người đến báo: “Những người tham gia tiệc rượu ngày hôm qua tám chín phần mười đều đã phát bệnh”. Còn chưa kịp nghĩ ra nguyên nhân, Mộ Dung Khương đã bắt đầu hôn mê, chỉ thấy anh ta hổn hển thốt ra vài câu chửi thề, ho khan mấy tiếng, lát sau thì hộc máu mà chết. Sau đó chưa tới một canh giờ, người của gia tộc Mộ Dung cũng bị y như thế mà lần lượt chết hơn trăm người.

Bởi vì gia tộc Mộ Dung bình thường hay ỷ người đông thế mạnh, thường xuyên ức hiếp kẻ khác, rất không được lòng dân. Nhất là việc phá hủy Phụng Quốc Tự để xây quan nha mới của Mộ Dung Khương càng làm cho dân chúng hận thấu xương mà không dám nói.

Ngày bọn họ bị giáng tai họa, dân chúng đều vỗ tay khen hay, chạy khắp nơi báo: “Gia tộc Mộ Dung phá hủy chùa, đắc tội Đại Phật, bây giờ gặp báo ứng rồi!” Không có người ngoài hỗ trợ, gia tộc Mộ Dung đành phải tự mình xử lý tang sự, điều khiến họ trở tay không kịp là, người chết còn chưa hạ táng, lại có một nhóm người khác lây bệnh, chưa đến một ngày đã chết hơn một trăm người.

Ngày thứ ba, thứ tư vẫn thế, chưa đến năm ngày, dòng họ Mộ Dung đã chết gần ngàn người… Nhưng khó hiểu là, loại bệnh này chỉ lây truyền trong dòng tộc Mộ Dung, người khác họ không hề có ai bị nhiễm. Lúc đó dân chúng chế một bài vè thuận miệng hát: “Mộ Dung Khương, phá hủy công đường, gặp báo ứng, chết hết sạch!”

Dòng họ Mộ Dung cũng nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề, bọn họ biết đây chính là họa lớn diệt tộc, do Mộ Dung Khương đã phá hủy chùa gặp ác báo. Người lớn lập tức gói ghém đồ đạc cho những người trẻ tuổi trốn đi nơi khác để giữ mạng… Chưa tới nửa năm, gia tộc Mộ Dung từng bao đời hoành hành ở Nghĩa Châu, Liêu Tây đã không còn thấy tung tích, cho tới hôm nay cũng không ai biết rõ gia tộc này rốt cuộc có còn hậu duệ nào trên đời hay không.

Hôm nay, đứng trước đại điện của Phụng Quốc Tự, nghĩ đến gia tộc Mộ Dung ác giả ác báo bị biến mất trong lịch sử, nhớ lại chuyện cũ khiến người ta không khỏi cảm khái. Trong lịch sử Mộ Dung Khương vốn dĩ có thể thừa dịp thời điểm chính trị rối ren mà trở thành chúa một vùng, có được sự đề cử và ủng hộ của cả gia tộc, sau khi hắn nhậm chức để cho toàn bộ người trong dòng họ nắm giữ các chức vị trong quan phủ.

Anh ta dùng danh nghĩa quan phủ phá hủy Phụng Quốc Tự, thật ra là dùng lực lượng của gia tộc để làm việc ác, cũng là phép nhân quả báo ứng “tích bất thiện chi gia, tất có dư hại”, ý rằng nhà tích chứa điều ác ắt sẽ có tai ương. Cho nên báo ứng không chỉ rơi vào mỗi mình anh ta, mà còn gây hại cho cả gia tộc, làm cho toàn bộ dòng họ Mộ Dung nhiễm bệnh mà chết.

Tuệ Tâm (Theo NTDTV)