Con người sống trên đời không chỉ là một kiếp, mà là kiếp này nối tiếp kiếp khác, và số mệnh của mỗi người đã được an bài rất chi tiết. Hai câu chuyện ghi lại trong lịch sử dưới đây, sẽ cho chúng ta thấy rõ điểm này.
Vào thời vua Càn Long triều Thanh, Phó Tứ Gia là một người rất giỏi trong số Lại Bộ tư quan. Khi Quả Nghị Công Nột tiếp quản Lại Bộ, hết thảy những sự tình mà các quan chức Lại Bộ khác không giải quyết được, liền gọi Phó Tứ Gia, chỉ cần Phó Tứ Gia nói mấy câu, vấn đề đã có thể giải quyết một cách dễ dàng. Vì thế, Nột Công vô cùng coi trọng Phó Tứ Gia.
Dựa theo lệ cũ, lúc tiến cử hiền tài, có thể đề cử một người chính, một người phụ. Một lần, trong Hộ Bộ lang có một số chức vị còn thiếu người, Nột Công đề cử Phó Tứ Gia với tư cách chính tuyển, dẫn ông lên Quang Minh Điện gặp Hoàng Thượng. Phó Tứ Gia mới vừa vào cửa điện, liền lập tức quỳ xuống; Hoàng Thượng cảm thấy ông đần độn, nên kết quả chọn ông vào vị trí phụ.
Một năm trôi qua, chức vị trong Lại Bộ lang lại xuất hiện chỗ trống, Nột Công một lần nữa sắp xếp Phó Tứ Gia làm chính tuyển, Phó Tứ Gia đến cửa điện cũng lập tức quỳ xuống. Hoàng Thượng rất không vui, nói với Nột Công: “Người mê muội như vậy, sao có thể tiến cử hiền tài chứ?”
Nột Công tấu rằng: “Phó Tứ Gia làm việc rất tốt, nên thần mới lần nữa đề cử hắn, không ngờ hắn chưa quen thuộc lễ nghi triều đình, phúc phận của hắn quả là quá mỏng vậy!”. Hoàng Thượng nghe tấu, cũng tiêu tan cơn giận.
Không lâu, lại có cơ hội tiến cử hiền tài, lúc sắp sửa vào triều, Nột Công tìm Phó Tứ Gia dạy bảo một phen: “Ngươi hai lần trước tế điện trái với lễ nghi, lần này vạn lần phải lưu ý, không thể giống như trước, làm mất mặt ta”. Phó Tứ Gia liên tục lên tiếng tỏ ý tuân mệnh.
Đợi đến lúc dẫn kiến, các vị quan viên đều đã có mặt, phát hiện trong đó không có Phó Tứ Gia, Nột Công cũng không hiểu nguyên do. Mãi đến lúc bãi triều, ra khỏi Ngọ Môn, mới nhìn thấy Phó Tứ Gia mặt mũi bầm dập, thất tha thất thểu khóc lóc chạy tới.
Nột Công hỏi ông ta xảy ra chuyện gì, Phó Tứ Gia trả lời: “Hạ quan hai lần trước vào điện, đều trông thấy một vị đại nhân mặt áo bào đỏ, cao hơn một trượng, ngăn hạ quan lại, hạ quan không thể không quỳ xuống. Lần này đã là lần thứ ba, hạ quan nhớ kỹ lời ngài căn dặn, nghĩ rằng dù gặp người mặt áo bào đỏ, thì cũng nên xông thẳng vào, sẽ không bị người đó can ngăn.
Không ngờ người nọ ngăn trước cửa điện, hạ quan xông lên, ông ta lại tát hạ quan một cái, một tay nhấc hạ quan quăng ra ngoài, hạ quan bị ngã xấp xuống bậc thang ngoài điện, đến nỗi mặt mày bị thương, không thể tiếp tục tham kiến Hoàng Thượng nữa. Không biết hạ quan kiếp trước tạo oan nghiệt gì, dù sao đã biết phúc phận nông cạn, chỉ cầu đại nhân từ nay về sau không cần hao tâm tổn trí vì hạ quan mà tiến cử hiền tài nữa”.
Nột Công không thể làm gì, tất cả tư quan nghe xong, đều cảm thấy vừa sợ vừa ngạc nhiên. Vì vậy, phái người nâng Phó Tứ Gia lên xe đưa về nhà. Phó Tứ Gia về nhà liền phát bệnh, bốn ngày sau thì qua đời.
Trong những ghi chép về Phó Tứ Gia, ông đều được mọi người công nhận là người rất tài giỏi, cấp trên cũng vô cùng coi trọng ông, ba lượt đề cử ông làm Lại Bộ lang, kết quả chẳng những không làm được Lang Trung, còn mất đi tính mạng. Cần biết rằng, tài năng nhiều ít của một người và chức vị cao thấp không có quan hệ tất yếu, không hẳn tài giỏi là nhất định có thể làm quan lớn, đây là hai phạm trù bất đồng.
Nếu bạn sinh ra đã không có phúc khí làm đại quan, dẫu bạn có bao nhiêu tài năng, bao nhiêu thông minh tài giỏi, cũng không cách nào làm được đại quan, nếu miễn cưỡng, như Phó Tứ Gia liều lĩnh xông vào, cuối cùng vẫn bị té cho mặt mũi bầm dập, thậm chí còn mất cả tính mạng.
Vì vậy, về sau Phó Tứ Gia cũng hiểu ra, xin Nột Công không cần hao tâm tổn trí tiến cử hiền tài như ông nữa, nhưng đáng tiếc là đã muộn.
Vì sao một số người không muốn tin tưởng vận mệnh là tiền định? Nguyên nhân phần lớn cho rằng con người chỉ sống ở kiếp này, nhìn không thấy đời trước nên không tin có đời sau. Thật ra sinh mệnh con người là tiếp nối, đời này tiếp nối đời trước, đời tiếp theo là tương lai của kiếp này.
Để dễ hiểu, có thể ví kiếp này là hôm nay, kiếp trước là ngày hôm qua, đời tiếp theo là ngày mai. Bạn sẽ không cảm thấy rằng đời người chỉ là một ngày hôm nay, bạn hiểu hôm nay là tiếp nối của hôm qua, từ buổi sáng sớm hôm nay bắt đầu, bạn tiếp tục hoàn thành những việc hôm qua còn dang dở.
Giống như hôm qua bạn mua sắm ở cửa hàng, không đủ tiền, mượn tiền của bạn, hôm nay bạn vẫn còn nợ người bạn đó số tiền đó. Có người trong số mệnh ở kiếp này chủ định là bị phá sản, chính là do kiếp trước thiếu người ta tiền, kiếp này phải trả; hôm qua bạn đánh người bị thương, hôm nay lên lớp chịu hình phạt. Vì sao có người kiếp này bị chết oan uổng hoặc bị người khác làm hại, chính là kiếp trước làm tổn thương người khác, đời này người đó đến đòi lại món nợ.
Thời nhà Thanh, Thông chính sứ La Ngưỡng Sơn đảm nhiệm chức quan Lễ bộ, đã bị đồng liêu ghen ghét đấu đá, từng bước đi khó khăn như dẫm bụi gai. Ông bản tính không thực tế, oán giận lâu ngày thành bệnh.
Một ngày, đang ngồi buồn bực không vui, bỗng nằm mơ thấy mình đi đến một ngọn núi, có hoa có gió, có nước chảy với nắng ấm chan hòa, ông chợt cảm thấy tinh thần sáng suốt, những bất bình trong tâm lập tức tiêu trừ. Tản bộ dọc theo con suối, ông đi vào một gian nhà tranh, một ông lão mời ông vào ngồi, nói chuyện có chút hòa hợp. Ông lão hỏi vì sao trên thần sắc của ông có bệnh, ông đem hết thảy chuyện buồn rầu kể ra.
Ông lão thở dài nói: “Đây là nhân duyên kiếp trước, tại ông không hiểu đó thôi. Bảy trăm năm trước ông là Hoàng Thiên triều Tống, một người khác là Từ Hi của Nam Đường. Những tác phẩm hội họa của Từ Hi vốn hơn Hoàng Thiên, Hoàng Thiên sợ bị mất đi sự sủng hạnh của Đế Vương, đã gian xảo loại trừ Từ Hi, khiến Từ lưu lạc khắp chốn, ôm hận mà chết.
Sau này hai người chìm nổi trong luân hồi, nay có cơ hội gặp nhau. Ở kiếp này nhân duyên trùng hợp, Từ Hi mới có thể trả thù món nợ cũ mà vui mừng trong tâm. Những gì ông ta làm cho ông, chính là ông đã từng làm cho ông ta, vậy ông có gì mà phải oan ức chứ? Tôi kiếp trước là bạn cũ của ông, bởi ông không tỉnh ngộ, nên mới vì ông mà phân tích nguyên cớ của sự gian nan ông phải chịu. Sự việc của ông và ông ta trước đây đã kết quả, từ nay về sau, hãy chú ý đừng tạo thêm nhân nữa”.
La Ngưỡng Sơn tỉnh ngộ, tâm tranh đấu lập tức tiêu tan. Trong vòng vài ngày, bệnh cũ toàn bộ tiêu trừ.
Tài liệu tham khảo: “Tử Bất Ngữ” của Viên Mai thời nhà Thanh.
Theo ĐKN