Nhiều người vẫn thường tưởng rằng bốn bề vắng lặng thì việc mình gây nên Thần sẽ không biết quỷ không hay. Tuy nhiên, “mắt Thần như điện”, không gì là không nhìn thấu.
Đọc sách thánh hiền, lấy đạo đức làm trọng
Văn hóa truyền thống mấy ngàn năm xưa là lễ nghi chi bang, giảng đạo đức, giảng nhân nghĩa, giảng luân thường đạo lý… Người xưa đọc sách thánh hiền, là học điều gì? Chẳng phải lấy phẩm cách làm đầu sao? Một người học thức uyên bác, tài giỏi, nếu như không lấy đạo đức trọng, thì tựa như nền móng một ngôi nhà lầu, xây được càng cao, nguy cơ sụp đổ càng lớn; làm quan càng lớn, hại nước hại dân càng nhiều.
Bạn có tin tưởng Thần Phật là thực sự tồn tại không? Có người nói lấy điều “mắt thấy làm bằng chứng”, mắt nhìn thấy thì mới tin; cũng có người nói “tâm thành thì linh”, thành kính trời đất, tín Thần Phật, tự nhiên sẽ linh nghiệm. Trong sách cổ về “nhân quả báo ứng”, những ví dụ thực tế có không ít, đều là muốn nói với mọi người rằng “trên đầu ba thước có thần linh”. Đừng tưởng rằng bốn bề vắng lặng, thì việc gây nên Thần không biết quỷ không hay, mà thật tình không biết rằng ông trời không gì là không nhìn thấu.
Dưới đây là ví dụ ly kỳ, “cảnh trong mơ” diễn ra đúng như nhân quả. Nhân sinh trên đời, nhất tư nhất niệm, mỗi lời nói cử động cũng không thể bỏ qua!
Quý nhân được chúng tăng nghênh đón
Triều Minh ở tỉnh Quảng Đông có một thư sinh họ Ngụy, dốc lòng siêng năng học tâp, sau khi thi đỗ tiến sĩ được đề bạt làm quan ở Giang Lăng thành, phủ Hồ Quảng. Ngày Ngụy mỗ lên đường đi nhậm chức, có đi qua một ngôi chùa thiêng, ông bèn đi vào trước cửa chùa, bỗng thấy một lão hòa thượng tóc trắng dẫn theo hơn 10 vị tăng nhân tiến đến nghênh đón.
Ngụy mỗ được sủng ái mà lòng cảm thấy lo sợ, không khỏi hỏi: “Được các vị chư tăng nghênh đón, thật sự không dám, không biết vì sao lại ưu đãi tại hạ như vậy?”.
Có một vị tiểu hòa thượng trả lời: “Sư phụ chúng tôi ngày thường không dễ dàng đi ra gặp người khác. Ba ngày trước được báo mộng có quý nhân tới, nên sư phụ đã sớm dặn bảo chúng tôi cung kính chào đón tại đây”.
Ngụy mỗ vô cùng kinh ngạc, hỏi lão hòa thượng: “Có thật là ngài đã biết trước không?”. Lão hòa thượng mỉm cười, khiêm tốn đáp lễ. Tối hôm đó, Ngụy mỗ liền ngủ lại trong tự miếu, được tiếp đón rất chu đáo.
Nhận hối lộ 600 lạng bạc, hại chết một mạng người
Sau khi nhậm chức, Ngụy mỗ dần dần lây nhiễm các thói xấu ở quan trường, trong một lần xử án đã nhận hối lộ 600 lạng bạc, lạm dụng chức quyền làm điều mờ ám, lại khiến một người dân vô tội chết oan uổng. Hắn tuy biết việc mình làm là thương thiên hại lý, lại may mắn không có ai phát hiện, nhưng mà luôn bị ám ảnh trong lòng, sợ một ngày nào đó bị vạch trần, luôn cảm thấy lo sợ bất an.
Đến một ngày, Ngụy mỗ phải đi ra ngoài có công chuyện, lại đi qua ngôi chùa ngày nọ. Ông tới trước cửa chùa, nhưng không thấy có người nào chào đón, trong lòng cảm thấy hụt hẫng. Vừa hay nhìn thấy tiểu hòa thượng ngày trước, liền vội hỏi: “Sư phụ ngươi lần này không biết trước có ta đến sao?”. Tiểu hòa thượng nói: “Quả thật không thấy sư phụ dặn dò chúng tôi”.
Lão hòa thượng nghe thấy có tiếng quan khách nói chuyện, vội vàng đi ra, vừa nhìn thấy Ngụy mỗ, nhanh chóng giải thích: “Ngày trước, chuyện có quý nhân ghé qua, vốn là thần minh ba ngày trước báo mộng nói cho ta biết. Những lần trước, hễ có các lão đại quý ghé qua, thần minh cũng đều báo cho ta biết trước. Duy chỉ có lần này là không, không biết là duyên cớ gì!”.
Chuyện xảy ra hàng ngày, mắt Thần đều nhìn thấu
Ngụy mỗ bán tín bán nghi: “Có việc này thật sao? Ta hôm nay muốn đi Võ Xương, phải ở lại đó hơn 10 ngày. Xin ngài thay ta hỏi thần minh một câu rốt cuộc là nguyên nhân gì, có được không?”.
Lão hòa thượng nhận lời, hướng thần minh cầu nguyện hỏi, quả nhiên đêm đó có một giấc chiêm bao, thần minh đem nguyên nhân toàn bộ nói ra. Lão hòa thượng vô cùng kinh ngạc, cảm thán nói: “Mọi chuyện hàng ngày, mắt thần đều thấu rõ”.
Nửa tháng sau, Ngụy mỗ đã trở về, lại đi đến trước cửa chùa, nhưng vẫn là như lần trước, không có ai ra nghênh đón. Ngụy mỗ đi vào trong chùa nói: “E rằng thần minh không còn linh nghiệm”. Lão hòa thượng trả lời: “Rất là linh nghiệm, thưa ngài”.
Ngụy mỗ hỏi: “Nói là linh nghiệm, mà lần này ta về cũng không thấy báo sao? Việc hôm kia nhờ ngài hỏi không biết thế nào rồi?”.
Lão hòa thượng lắc đầu: “Chuyện này… Thật khó nói”. Ngụy mỗ nói: “Ngài cứ nói đừng ngại, không cần phải băn khoăn”.
Lão hòa thượng thấy thật khó xử, nếu không theo sự thật mà nói ra, lại e rằng bị hiểu lầm, bởi vậy bèn đem từ đầu đến cuối nói: “Thần minh nói ngài vốn lẽ tương lai phải làm đến chức Thái Tể, nhưng lại vì một chuyện này mà… Cũng vì vậy mà thần minh không báo như trước nữa”. Ngụy mỗ không tin, cười nói: “Làm sao có chuyện này?”. Lão hòa thượng định nói tiếp nhưng lại thôi, không ngớt lời: “Thật khó nói, thật khó nói!”.
Nhưng Ngụy mỗ đâu có chịu dừng lại như vậy, vẫn cố hỏi cho ra nhẽ. Bị hỏi dồn, lão hòa thượng đành phải lấy làm tiếc nói: “Thần minh nói cho ta biết, gần đây Ngụy công nhận của một người 600 lạng bạc, lại làm chết oan một mạng người. Bởi vậy đường công danh coi như bị dừng lại, cũng không còn được bảo hộ, cho nên không còn được báo trước nữa”.
Ngụy mỗ nghe vậy, kinh sợ không thôi, toàn thân đổ mồ hôi lạnh, nhưng vẫn cố gắng trấn tĩnh nói: “Chắc ngài hiểu lầm rồi, hạ quan sao lại dám tham tài phạm pháp như vậy chứ?”. Nói xong không dám ở lâu, vội vội vàng vàng cáo từ, lại không yên lòng, dặn dò lão hòa thượng không được tiết lộ chuyện này với bất kỳ ai. Không lâu sau, Ngụy mỗ lâm bệnh, đành phải cáo bệnh về quê, vài năm sau thì qua đời.
Làm quan vì tham 600 lạng bạc, lại hại chết một sinh mệnh quý giá, hủy hại một gia đình vô tội. Nhận hối lộ giết người hại mệnh, trời cao lẽ nào không biết sao? Làm quan nhất định phải nghiêm minh công bình, không thể làm trái với thiên lý, nếu không sẽ tạo nên sai lầm lớn, đến lúc hối hận thì cũng đã muộn rồi.
(Theo “lịch sử cảm ứng thống kỷ”)
Bảo An, theo NTDTV