Tân Sinh

Thần Phật thử lòng người – Thiện lương chính là con đường giải thoát

Nhiều người trong chúng ta thường hỏi rằng: Thần có thực sự tồn tại hay không? Nếu có, tại sao chúng ta không nhìn thấy? Và họ giúp đỡ con người như thế nào? Câu chuyện dưới đây có lẽ cũng là một giải đáp.

Khi đám cháy xảy ra, mọi người gào khóc mong Thần Phật giúp đỡ. (Ảnh minh họa qua BRT)

Nghe bố tôi từng kể câu chuyện về một vị Thần cứu người xảy ra ở quê nhà: Câu chuyện bắt đầu từ cuối những năm 1950 của thế kỷ trước, ở một thị trấn nhỏ tỉnh Tứ Xuyên. Lúc đó bố tôi mới mười bảy, mười tám tuổi. Đầu mùa hạ năm ấy, vừa đúng lúc là mùa mọi người ăn bắp ngô non. Những khi đó, mọi người đều rất nghèo, những người lên thị trấn để buôn bán đều dùng tấm ván gỗ dựng cái băng ghế bên đường để mở sạp hàng nhỏ. Có người bán trà, có người bán mì lạnh, người bán bánh bao, màn thầu, bánh quẩy.

Rồi một ngày nọ, có một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi xuất hiện ở thị trấn nhỏ này, ông ta chỉ mặc một chiếc quần dài đến đầu gối, từ đầu đến chân đều có rất nhiều vết lở loét màu vàng, toàn thân đều là mủ và máu, tỏa ra một mùi rất khó ngửi, tay ông cầm một bắp ngô nhưng không có người buôn bán nào nguyện ý giúp ông ta nướng nó.

Không ai trong số họ bằng lòng giúp ông ta, không những vậy, rất nhiều người còn mắng chửi, ghét bỏ ông ta vì sợ ông ta sẽ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Cứ như thế, người đàn ông này liên tiếp ba ngày đều ở thị trấn cầm bắp ngô van xin những người khác nướng giúp mình, nhưng chẳng có ai giúp cả.

Cho đến ngày thứ ba, khi ông ta đến trước một quầy sạp và nói với người chủ sạp cùng một câu: “Xin ông hãy giúp tôi nướng bắp ngô này đi, tôi rất đói, cầu xin ông giúp tôi”. Người chủ sạp này không những không nướng cho ông ta mà còn đuổi ông ta đi.

Vào lúc này, một bà lão ở quầy sạp kế bên lên tiếng: “Đem qua đây, tôi nướng giúp cho”. Tuy nhiên, người đàn ông lại nói với bà lão rằng: “Bà cụ, muốn nướng nhưng không thể nướng”, ông nói xong liền bỏ đi. Bà lão và những chủ sạp bên cạnh đều cảm thấy rất kỳ lạ, không biết là có ý gì.

Tất cả mọi người đều từ chối giúp đỡ chỉ trừ có một bà lão. (Ảnh minh họa)

Hai ngày sau không thấy người đàn ông đó nữa, cho đến ngày thứ ba, thị trấn nhỏ đột nhiên cháy một trận lớn. Toàn bộ thị trấn bị thiêu rụi, duy chỉ có nhà của bà lão là không hề tổn hại gì. Nhà bà lão nằm ở giữa, từ đầu đường đến cuối đường đều bị cháy, lửa lớn đến nhà bà lão liền đổi hướng. Lúc đó những người trong trấn nhìn ngọn lửa cháy lớn đều bất lực mà gào khóc: “Trời ơi, Thần ơi, Bồ Tát ơi, hãy cứu chúng con”.

Bà lão nhìn vào ngôi nhà vẫn nguyên vẹn của mình, mới sực nhớ đến lời nói của người đàn ông cầu xin người khác nướng ngô: “Bà cụ, muốn nướng nhưng không thể nướng”. Bà lão liền hiểu ra người đàn ông cầu xin nướng ngô đó là một vị Thần. Bà vui mừng vì sự lương thiện đã cứu ngôi nhà của chính mình, sau đó liền đi kể câu chuyện Thần đi thử lòng người ở thị trấn này. Và câu chuyện được lưu truyền cho đến hôm nay.

Thật ra câu chuyện Thần Phật cứu người còn có rất nhiều rất nhiều, như câu chuyện về tàu Noah hay sư tử đá đỏ mắt hàng ngàn năm trước. Đều là do Thần Phật thấy người gặp nạn, nên mới chỉ điểm con người tự cứu mình như thế nào. Tuy nhiên, lúc Thần Phật cứu người, các ngài đều không xuất hiện dưới hình dạng của Thần Phật, nếu biết đó chính là vị Thần, sẽ không ai thể hiện ra cái tâm chân thực của mình nữa.

Ngày nay, con người sống trong một xã hội coi trọng vật chất, đạo đức ngày càng đi xuống dốc. Thuyết vô thần tràn ngập trong trí óc của con người, truyền thống văn hóa bị phá hoại, môi trường tự nhiên bị phá hủy, có người vì tiền mà chuyện xấu gì cũng làm. Xã hội như vậy sẽ đưa con người đi đến đâu?

Con người là do Thần tạo ra, nhưng có rất nhiều người bây giờ lại không nhận Thần. Với một môi trường như vậy con người còn tồn tại được bao lâu? Từ cổ chí kim có lưu truyền một câu nói như thế này: “Vào thời mạt kiếp, Thần Phật sẽ quay lại cứu người”. Vì thế người thông minh nhìn thấu được thời cục, phải phân biệt đúng sai thiện ác, chọn ra một tương lai tương sáng, đây chính là Thần Phật từ bi điểm hóa. Thần Phật cứu bạn bạn có biết không?

 

Tuệ Tâm, theo SOH