“Kinh Pháp diệt tận” là bộ sách kinh điển của nhà Phật, theo tính toán của tiền nhân thì nó được dịch từ thời Lưu Tống (420 – 479). Nội dung của bộ sách là những dự đoán của Phật Đà về quá trình tiêu vong của Phật Pháp, cũng chính là nói về thời mạt pháp khiến nhiều hiện tượng dị thường xuất hiện.
Phật Pháp tại thế phân thành 3 thời kỳ, các kinh thuyết có chỗ không giống nhau. «Kinh đại bi» cho rằng Chính Pháp có một nghìn năm, Tượng pháp một nghìn năm, mạt pháp mười nghìn năm. «Kinh đại tập nguyệt tàng kinh», «Kinh hiền kiếp» và «Kinh ma gia» thì thuyết rằng Chánh Pháp có năm trăm năm, Tượng Pháp có một nghìn năm, mạt Pháp mười nghìn năm. Theo «Kinh Pháp diệt tận», xã hội loài người sẽ xuất hiện rất nhiều hiện tượng dị thường, ví dụ như khí hậu biến hóa bất thường, thiên tai nhân họa liên tiếp, thời gian nhanh hơn…
Trong bài này xin kể về chuyện “nam nữ thọ mệnh” và “trạng thái của hòa thượng” trong thời kỳ Pháp diệt tận.
Nam thọ ngắn, nữ thọ dài
«Kinh Pháp diệt tận» viết: “Kiếp dục tận cố, nhật nguyệt chuyển đoản, nhân mệnh chuyển thúc: tứ thập đầu bạch, nam tử dâm điệt, tinh tận yểu mệnh, hoặc thọ lục thập; nam tử đoản thọ, nữ nhân thọ trường, thất bát cửu thập, hoặc chí bách tuế. Đại thủy hốt khởi, thốt chí vô kỳ, thế nhân bất ngôn, cố vi hữu thường. Chúng sinh tạp loại, bất vấn hào tiện, một nịch phù phiêu, ngư miết thực đạm”.
Giải thích: Đại kiếp sắp đến giới hạn cuối cùng, mặt trăng mặt trời luân chuyển làm thời gian ngắn hơn, vì thế tuổi thọ con người nhanh hơn. 40 tuổi đã đầu bạc, già trước tuổi. Nam giới vì dâm dục phóng túng nên tinh lực cạn kiệt mà chết yểu, sống đến 60 là khó. Nam thọ ngắn thì nữ lại thọ dài, có thể sống đến 70, 80, 90, thậm chỉ 100 tuổi.
Lũ lụt sẽ đến bất ngờ, thường xuyên hơn, không theo quy luật rõ ràng. Người đời không tin đây là hiện tượng mạt Pháp, vì thế xem là bình thường. Chúng sinh sống tạp loạn cùng nhau, bất kể giàu sang hay nghèo hèn đều bị chìm trong nước chứ không nổi, làm mồi cho cá và ba ba.
“Kinh pháp diệt tận” viết: Xã hội loài người sẽ đến thời kỳ thường xuyên gặp thiên tai nhân họa. (Ảnh: Internet)
Cầu nhờ cửa Phật, không tu giới luật
“Kinh pháp diệt tận” viết: “Tự cung vu hậu bất tu đạo đức, tự miếu không hoang, vô phục tu lý, chuyển tựu hủy hoại. Đãn tham tài vật, tích tụ bất tán, bất tác phúc đức; phán mại nô tì, canh điền xung thực, phần hủy sơn lâm, thương hại chúng sinh, vô hữu từ tâm; nô vi tì khưu, tì vi tì khưu ni, vô hữu đạo đức, dâm điệt trọc loạn, nam nữ bất biệt. Lệnh đạo bạc đạm, giai do tư bối; hoặc tị huyện quan, y ỷ ngô đạo, cầu tác sa môn, bất tu giới luật, nguyệt bán nguyệt tận, tuy danh tụng giới, yếm quyện giải đãi, bất dục thính văn, sao lược tiền hậu, thiết hữu đậu giả, bất thức tự câu, vi cường ngôn thị, bất tư minh giả, cống cao cầu danh, hư hiển nha bộ, dĩ vi vinh ký, vọng nhân cung dưỡng”.
Giải thích: Phật Pháp thời tận diệt, bọn sư sãi ma quỷ sau khi tạo nghiệp vẫn không dùng tâm tu đạo đức, chùa chiền thành nơi của con buôn, thậm chí hoang phế mà không ai thèm tu chỉnh, cuối cùng bị hủy hoại hết.
Chúng sinh chỉ tham tiền tài vật chất, tích lũy để giàu có, không tu cho có phúc đức chân chính. Có kẻ còn quá quắt buôn bán nô tì, bắt nô tì cày ruộng trồng trọt, tích lũy để giàu có. Ngoài ra còn đốt hủy rừng, làm tổn hại sinh mạng súc vật, không còn một chút thiện tính từ bi.
Đến thời đại này, chúng sinh trở thành nô lệ cho đồng tiền hoặc danh lợi lại xuống tóc đi tu trở thành sư hoặc ni cô, không những vô đạo đức mà còn dâm dục phóng túng, hành vi hỗn loạn bẩn thỉu, tăng nhân nam nữ chung sống với nhau, không còn băn khoăn về lễ độ luật pháp. Chính đạo suy yếu đều vì đám sư sãi ma quỷ này.
Có kẻ vì trốn quan trường truy xét mới nương nhờ cửa Phật, cầu nơi dung thân, họ trở thành thầy tu nhưng không thể giữ được giới luật, tuy bề ngoài vẫn tụng niệm giới luật nhưng trong lòng chán ngán, buông thả, cơ bản là không muốn nghe Phật Pháp, hoặc lược bớt nội dung, không dám nói hết.
Thêm nữa không thể học thuộc kinh điển, cho dù thỉnh thoảng có người đọc được nhưng lại không thể hiểu chữ nghĩa và câu cú, người béo phệ mặt to phù, vì nói mình thông hiểu kinh sách mà không thể đi tham khảo ý kiến người minh trí, tự cao tự đại, ham danh tiếng mà làm ra những trò hư ngụy, cố ra vẻ tao nhã, tự cho mình vinh quang, hy vọng người khác đến phụng dưỡng mình.