Một vụ nổ thiên thạch trên biển Bering, ngoài khơi bán đảo Kamchatka của Nga với mức năng lượng được giải phóng gấp 10 lần vụ nổ bom hạt nhân ở Hiroshima, xảy ra vào tháng 12/2018, nhưng không ai hay biết.
Theo BBC News, vào khoảng giữa trưa ngày 18/12 (giờ địa phương), một thiên thạch có kích thước vài mét bay qua bầu khí quyển với tốc độ 32km/s trên một quỹ đạo dốc 7 độ và phát nổ cách bề mặt Trái đất 25,6km, sinh ra một quả cầu năng lượng tương đương khoảng 173 kiloton chất nổ TNT, mạnh gấp 10 lần vụ nổ bom hạt nhân ở Hiroshima năm 1945.
Nasa nhận được thông tin về vụ nổ từ không quân Mỹ sau khi các vệ tinh quân sự phát hiện ánh sáng nhìn thấy và tia hồng ngoại từ quả cầu lửa. Lindley Johnson, một sĩ quan phòng thủ hành tinh tại Nasa, nói với BBC News rằng các vụ nổ có kích thước này chỉ được dự kiến hai hoặc ba lần trong một thế kỷ.
“Năng lượng mà nó giải phóng ra bằng 40% năng lượng từ vụ nổ ở Chelyabinsk nhưng do xảy ra ngoài biển Bering nên nó không được chú ý trên các trang tin tức”, Kelly Fast, người quản lý chương trình quan sát vật thể gần Trái đất tại NASA nói.
Vụ nổ thiên thạch ở Chelyabinsk được ghi lại trên camera an ninh, điện thoại và camera hành trình của ôtô. Trong khi đó, vụ nổ tháng 12/2018 không thu hút sự chú ý của truyền thông vì nó xảy ra ở một khu vực quá hẻo lánh.
Vụ nổ thiên thạch tại Chelyabinsk năm 2013 khiến gần 1.200 người bị thương vì sóng địa chấn phá vỡ cửa kính hàng nghìn ngôi nhà. (Ảnh: AP)
Kể từ khi vụ việc được phát hiện, các nhà khoa học thiên thạch đã liên hệ với các hãng hàng không khu vực tìm kiếm các đoạn video ghi nhận “ánh sáng lạ”. Theo NASA, điểm thiên thạch phát nổ gần với các tuyến bay thương mại giữa Bắc Mỹ và châu Á.
Peter Brown, một chuyên gia về thiên thạch tại Đại học Tây Canada, nói ông đã phát hiện vụ nổ ngay thời điểm vụ việc diễn ra thông qua các dữ liệu đo đạc sóng hạ âm trên toàn cầu. Mạng lưới máy giám sát này được thiết lập với mục tiêu ban đầu là phát hiện những vụ thử bom hạt nhân bí mật.
Theo Guardian, vụ nổ thiên thạch trên biển Bering là vụ nổ trên không lớn nhất kể từ vụ thiên thạch xuyên qua bầu khí quyển trên vùng Chelyabinsk, phía tây nam nước Nga vào năm 2013. Sức công phá của vụ nổ này đứng thứ hai trong vòng 30 năm qua.
Vụ nổ ở Chelyabinsk vào ngày 15/2/2013 được gây nên bởi một thiên thạch chỉ rộng khoảng 20m. Vào điểm cực đại, vụ nổ có độ sáng gấp 30 lần ánh sáng mặt trời. Sóng địa chấn của vụ nổ khiến người bình thường phải bật ngã, còn cửa kính của hàng nghìn căn nhà bị phá vỡ. Hơn 1.200 người bị thương bởi mảnh kiếng vỡ.
Vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong lịch sử nước Nga xảy ra vào năm 1908, tại vùng Tunguska thuộc Siberia. Sức mạnh của vụ nổ san phẳng cánh rừng gần 2000 km2 với hơn 80 triệu cây rừng.
Vụ nổ tháng 12/2018 như một lời cảnh báo về khả năng các thiên thể va chạm với Trái Đất mà không ai có thể cảnh báo trước. (Ảnh: NBC)
Sự kiện Biển Bering là một lời nhắc nhở khác rằng mặc dù đã nỗ lực xác định và theo dõi các tảng đá không gian có thể gây ra mối đe dọa cho Trái đất, các thiên thạch có kích thước lớn vẫn có thể đến mà không cần cảnh báo.
Năm 2005, Quốc hội Mỹ đã giao nhiệm vụ cho NASA tìm kiếm 90% các tiểu hành tinh gần Trái đất có kích thước 140m hoặc lớn hơn vào năm 2020 nhưng tình hình thực tế cho thấy NASA sẽ cần nỗ lực thêm một vài năm nữa để có thể đạt được mục tiêu này.