Gần đây, cơ quan khí tượng quốc gia Argentina cho biết một khu vực thuộc lãnh thổ nước này ở Nam Cực đã trải qua một ngày nóng kỷ lục khi nhiệt độ lên đến 18°C, theo BBC.
Trạm nghiên cứu Esperanza của Argentina hôm 6/2 đã ghi nhận mức nhiệt độ lên đến 18,3°C. Mức nhiệt này nóng hơn 0,8 độ so với nhiệt độ cao nhất trước đó là 17,5 độ hồi tháng 3/2015. Đây là khu vực thuộc Bán đảo Nam Cực, nằm trên mũi phía Tây Bắc của lục địa, là một trong những khu vực nóng nhanh nhất trên Trái đất.
Nhiệt độ này đang được xác nhận bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO).
“Đó không phải là nhiệt độ mà bạn thường liên tưởng khi nghĩ đến Nam Cực, ngay cả trong mùa hè”, phát ngôn viên của WMO, Clare Nullis nói với các phóng viên ở Geneva.
WMO cho biết, nhiệt độ ở Nam Cực đã tăng gần 3 lần trong 50 năm qua, khoảng 87% các sông băng dọc bờ biển phía Tây của bán đảo cũng đang “co lại” trong thời gian qua.
Ảnh chụp năm 2017 cho thấy lượng băng ở Nam cực đang ngày càng bị thu hêp lại. (Ảnh qua Nasa)
Các dòng sông băng đã “co lại nhanh chóng” trong 12 năm qua do sự nóng lên toàn cầu, WMO cho biết thêm.
Các nhà khoa học cảnh báo sự nóng lên toàn cầu gây ra hiện tượng băng tan ở Nam Cực, khiến cho mực nước biển toàn cầu lên cao ít nhất 3m trong nhiều thế kỷ.
Bà Nullis nói thêm: “Lượng băng tan hàng năm từ dải băng ở Nam Cực đã tăng ít nhất 6 lần trong khoảng thời gian từ 1979 đến 2017”.
“Sự tan chảy của các dòng sông băng đồng nghĩa rằng chúng ta phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn từ mực nước biển dâng.”
Các nhà khoa học tin rằng sự nóng lên toàn cầu gây ra sự tan chảy băng ở Nam Cực gia tăng. (Ảnh qua Insider)
Trong khi 18,3°C là nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở bán đảo Nam Cực, nhiệt độ kỷ lục ở khu vực Nam Cực rộng lớn hơn, bao gồm lục địa, hải đảo và các đại dương nằm trong vùng khí hậu Nam Cực là 19,8°C, được ghi nhận vào tháng 1/1982.
Được biết tháng 7 năm ngoái, khu vực Bắc Cực cũng trải qua mức nhiệt cao chưa từng thấy, 21°C, được đo tại một cơ sở nghiên cứu của Canada ở mũi phía bắc đảo Elles 4.0.3.