Hơn 34.000 người ở Bali đã sơ tán sau khi núi lửa Agung có các hoạt động bất thường khiến nhà chức trách lo ngại nó có thể phun trào sau 50 năm ngủ yên.
Núi lửa Agung có các hoạt động bất thường trong thời gian qua. (Ảnh: Bali Treking)
Theo AFP, chấn động bất thường với cường độ mạnh dần xuất hiện tại khu vực núi lửa Agung trên đảo Bali trong thời gian qua. Lo sợ trước nguy cơ núi lửa phun trào, các quan chức tuyên bố mức cảnh báo cao nhất vào cuối ngày 22/9 và yêu cầu người dân di tản khỏi khu vực 9km quanh núi lửa.
“Nó chưa phun trào, rung chấn xảy ra với tần suất ít hơn nhưng cường độ mạnh lên“, Gede Suantika, một nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu núi lửa và cứu trợ Indonesia, nói. Núi Agung nằm cách trung tâm du lịch Kuta khoảng 75 km, đã âm ỉ từ tháng 8.
Cơ quan cứu trợ thiên tai Indonesia (IDMA) cho hay, số người rời khỏi nhà tăng gấp ba lần từ ngày 22/9, do báo động gia tăng. “Việc sơ tán đang diễn ra và chúng tôi dự kiến con số tiếp tục tăng“, Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của IDMA cho hay.
Việc di tản được diễn ra hết sức gấp rút. Người dân được yêu cầu rời khỏi khu vực càng nhanh càng tốt.
“Tôi rất lo lắng khi rời đi, tôi để bò và lợn ở nhà vì chúng tôi được yêu cầu rời khỏi làng ngay lập tức“, Nyoman Asih, một người dân cùng gia đình đi sơ tán, nói.
Sân bay quốc tế tại thành phố Denpasar, thủ phủ Bali, đã chuẩn bị nhiều xe khách và tàu hỏa để di tản người dân tới cách tỉnh lân cận trong trường hợp núi lửa phun trào. Trong tình huống xấu nhất, sân bay có thể phải đóng cửa vì khói bụi thải ra từ núi Agung, nhưng hôm 24/9 chưa có chuyến bay nào bị ảnh hưởng.
Núi lửa Agung là ngọn núi cao nhất tại Bali. Trong lần phun trào gần đây nhất năm 1963, dung nham từ núi lửa Agung đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.