Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch viêm phổi Vũ Hán, mặc dù Tập Cận Bình đã hạ lệnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc kiềm chế cắt giảm nhân sự quy mô lớn, nhưng hiện tại lệnh này đã như gió thoảng bên tai, không ít công ty biểu thị không thể chịu đựng nổi, vẫn tuyên bố cắt giảm nhân sự và giảm lương quy mô lớn.
Ngày 10/2 là ngày đi làm trở lại của các doanh nghiệp ở Trung Quốc, tuy nhiên, một số doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm nhân sự quy mô lớn, một số đã bị phá sản, một số lo lắng về tình trạng thiếu lao động, một số vẫn phải tiếp tục ngừng hoạt động. “Có thể chèo chống được đến lúc nào” là việc lo lắng nhất của các doanh nghiệp hiện tại. Tờ “Nhật báo phố Wall” (WSJ) chỉ ra, dịch bệnh lần này có thể sẽ khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đại lục phải đóng cửa.
Trước đó, để ngăn chặn nhân viên bị sa thải trong thời gian ngừng hoạt động, Tập Cận Bình đã chỉ thị cho các công ty Trung Quốc kiềm chế việc sa thải quy mô lớn. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp rơi vào bước đường cùng, khó mà tiếp tục, không thể không tiến hành cắt giảm nhân sự.
Vào ngày 10/2, công ty “truyền thông Tân Triều” Trung Quốc đã tuyên bố sa thải 500 nhân viên, chiếm 10% tổng số nhân viên, lương của các giám đốc điều hành sẽ giảm 20%. Phạm vi sa thải liên quan đến các bộ phận bán hàng, phát triển và dịch vụ.
Theo Reuters, Trương Kế Học, người sáng lập và là CEO của Truyền thông Tân Triều đã nói với các nhân viên, dự trữ tiền mặt hiện tại của công ty là 1 tỷ nhân dân tệ, chỉ có thể chống đỡ 6 đến 7 tháng mà không có thu nhập.
Trong số các cổ đông của “Truyền thông Tân Triều”, Công ty TNHH Công nghệ mạng trực tuyến Baidu (Bắc Kinh), Công ty TNHH Thương mại Điện tử Kinh Đông Hải Gia – Trùng Khánh, lần lượt là cổ đông lớn thứ tư và thứ năm.
Chuỗi karaoke “Vua Karaoke” Bắc Kinh đã đóng cửa tất cả các cửa hàng do dịch bệnh. Vào ngày 8/2, một lá thư nội bộ của “Vua Karaoke” đã được lan truyền trên internet, bức thư tuyên bố hủy bỏ hợp đồng lao động với hơn 200 nhân viên vào ngày 9/2.
Phố mua sắm Wangfujing ở trung tâm Bắc Kinh nhộn nhịp trước đây giờ thay bằng vẻ tĩnh lặng hiếm thấy do sự bùng phát virus Corona. (Ảnh: Getty Images)
Ngoài ra, Tây Bối, một chuỗi nhà hàng với hơn 360 cửa hàng, cũng cho biết viêm phổi Vũ Hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận, mức lương của khoảng 20.000 nhân viên bị đe dọa. Tây Bối biểu thị, công ty cần 156 triệu nhân dân tệ mỗi tháng để thanh toán lương, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, có thể sẽ khó duy trì hoạt động kinh doanh.
Huynh Đệ Liên, một công ty chuỗi giáo dục chuyên ngành Công nghệ Thông tin có 13 năm lịch sử, cũng tuyên bố hoãn thu nhận học viên và cho nhân viên nghỉ việc sau khi chính phủ ra lệnh hoãn khai giảng. “Dịch bệnh xuất hiện đột ngột đã làm xáo trộn toàn bộ kế hoạch”, người sáng lập Lý Siêu biểu thị trong một bức thư ngỏ.
Ngoài ra, một nhà hàng kiểu Hồng Kông với 40 cửa hàng nhượng quyền trên Đại lục đã giảm hiệu suất mạnh mẽ kể từ khi dịch bệnh bùng phát, người sáng lập lo lắng có thể không duy trì được, tình huống xấu nhất là nó sẽ đóng cửa trong vòng 2 tháng.
Xinchao Media, một doanh nghiệp đặt quảng cáo trong các thang máy, sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động, tương đương với 500 nhân viên, để “đảm bảo sự sống còn”; công ty này viết trong một bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức vào ngày 10/2.
Nie Wen, một nhà phân tích từ công ty tài chính Hwabao Trust, nói với Reuters: “Virus này có thể dẫn đến mất hai đến ba triệu việc làm trong quý đầu tiên”.
“Tại Bắc Kinh, chỉ có 11.500 nhà hàng hoạt động vào tuần trước, tương đương 13% tổng số”, Cục giám sát thị trường thành phố Bắc Kinh cho biết. Trung Quốc yêu cầu tất cả các doanh nghiệp cốt yếu hoạt động trở lại vào ngày 11/2, ngoại trừ doanh nghiệp tại các khu vực có ổ dịch nghiêm trọng.
Các nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại rằng, nếu có thêm nhiều người tương tác ngay tại công cộng và nơi công tác, có thể khiến virus lây lan nhanh hơn nữa. Đặc biệt là khi loại virus này có khả năng lây nhiễm trong thời kỳ ủ bệnh.