Tân Sinh

Luân hồi ký sự: Quỷ hồn chờ đợi suốt 5 kiếp để tìm cơ hội báo thù

Oan có chủ nợ có đầu, dù phải đợi trong nhiều kiếp thì nợ nghiệp ắt vẫn phải trả, không thể bỏ sót. Nhân quả báo ứng – những ví dụ chân thực như vậy trong lịch sử có rất nhiều, hoàn toàn không phải là chuyện hoang đường bịa đặt.

(Ảnh: Internet)

Làm quan không công chính, vì tham lam mà hại chết mạng người, thì ắt sẽ gặp báo ứng thậm chí ngay trong kiếp sống này. Trong lịch sử những ví dụ như vậy có rất nhiều. Dưới đây là hai câu chuyện có thật được ghi chép lại:

1. Nói lời lại nuốt lời, bị câu lưỡi chết

Năm Nhâm Thìn thời vua Thuận Trị, công sai họ Lưu vùng Giang Ninh đi Giang Bắc bắt người, sau khi bắt được thì đem bỏ tù. Họ Lưu nói với tội phạm điều kiện: “Phải giao nộp 10 vạn lạng, mới có thể chuộc tội”.

Tội phạm nói: “Tôi có một người con gái, ông có thể thay tôi nói với nó đem nhà bán đi”. Họ Lưu đồng ý hứa hẹn.

Họ Lưu sau đó đã cùng vợ của người tội phạm bàn bạc, đem nhà của người con gái bán đi, được đến 20 vạn lạng, người vợ này đưa hết cho họ Lưu. Thế nhưng họ Lưu đã chiếm dụng hết cả, cũng không thả người ra. Người tội phạm trong ngục sau khi biết chuyện thì đau xót căm hận mà chết.

Không lâu sau, họ Lưu bị bệnh nặng, miệng lầm bầm nói: “Chủ nhân của tội phạm là thần linh ở một ngọn núi phía Đông, tố cáo ta. Đầu lưỡi của ta sẽ bị móc sắt câu lấy”. Trong chốc lát, đầu lưỡi họ Lưu thè ra (thực chất là bị móc câu ra) dài mấy tấc, thất khiếu chảy máu mà chết.

Người làm quan, đáng nhẽ phải xét xử công minh, hơn nữa càng phải tu đức. Còn người giống như họ Lưu kia thì chỉ có thể nhập ác đạo.

2. Oan hồn tìm cơ hội báo thù

Theo “Hiện quả tùy lục” ghi lại, ở vùng Gia Thiện nọ, có một vị quan xử kiện họ Chi, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu thời Khang Hi (năm 1669), nói với người bạn họ Cố: “Tôi tinh thần hoảng loạn, hình như có oán thù theo bên người”. Quả nhiên không lâu sau họ Chi liền bị bệnh.

Người bạn họ Cố thỉnh mời thầy pháp sư tên là Tây Liên đến kiểm tra thử, trong bụng họ Chi bỗng nhiên có giọng của quỷ nói vọng ra:

“Ta những năm đầu triều Minh làm phó tướng, họ Hồng tên Chu. Chủ tướng là Diêu Quân, thấy thê tử Giang thị của ta xinh đẹp nên đã nổi tham tâm, thấy nơi nào đó phiến loạn, sai ta mang bảy trăm tàn binh chinh phạt. Ta lực bất tòng tâm, toàn quân bị giết.

Diêu Quân (chính là họ Chi đời này) chiếm lấy thê tử của ta, nàng liền treo cổ mà chết, ta cùng với Diêu Quân kết mối thâm thù này, nhiều đời nay đều muốn trả thù. Chỉ tiếc là Diêu Quân nhiều đời sau lại tu hành, đời thứ nhất làm cao tăng, tái thế lại làm đại văn nhân, đời thứ ba làm hòa thượng, đời thứ tư làm người đại giàu có yêu thích bố thí. Bởi vậy, ta đều không có cơ hội báo thù. Hiện nay, là đời thứ năm, đầu năm Kỷ Dậu vì làm quan không công chính mà múa may đao bút, làm hại chết 4 mạng người, vì thế mà bị tước bỏ bổng lộc, nay là cơ hội để ta báo thù họ Chi”.

Pháp sư Tây Liên nghe hắn (tức quỷ hồn Hồng Chu trong bụng họ Chi) nói rõ đầu đuôi, liền thật ý khuyên bảo, bằng lòng giúp hắn tụng kinh lễ sám để giải oán thù, quỷ hồn bèn đồng ý. Vì thế thỉnh mời pháp sư Tây Liên tụng kinh giúp, bệnh tình họ Chi cũng nhờ đó mà đỡ hơn.

Sau mấy ngày, bệnh tình họ Chi lại đau đớn trở lại. Pháp sư trách cứ quỷ hồn không thành tâm giữ lời, quỷ nói: “Ta biết Phật lực siêu sinh, quyết không lặp lại. Nay đến lấy mạng người, là 4 vị kia chứ không phải ta. Chỉ sợ pháp sư nghi ngờ ta phụ tín, nay cố đến thanh minh”. Nói xong rồi rời đi.

Không ngờ, trong chốc lát, họ Chi bệnh phát, đau đớn dữ dội, chưa đến 2 tối sau thì qua đời. Nhưng đây là bởi họ Chi hại chết 4 mạng người, nay phải lãnh hậu quả.

(Theo “An sĩ toàn thư”)

Bảo An, dịch từ zhengjian.org