Tân Sinh

5 loại đạo thế gian : Thiên đạo thù cần, Địa đạo thù thiện, Nhân đạo thù thành

Vạn sự vạn vật trên thế gian đều chiểu theo quy luật mà thành, trụ, hoại, diệt, người xưa gọi đó là “Đạo”. Thuận theo đạo thì hưng thịnh, trái với đạo thì suy tàn, bởi vì: “Thiên đạo thù cần, Địa đạo thù thiện, nhân đạo thù thành, thương đạo thù tín, nghiệp đạo thù tinh”…

Cái lý của vạn vật, người xưa gọi là “đạo”. Lão Tử giảng Thiên Đạo, Khổng Tử giảng nhân đạo, Trang Tử nói “Đạo diệc hữu đạo” (Kẻ trộm cũng có đạo). Có thể thấy “đạo” là một trong những sự biểu đạt phong phú nhất trong văn hóa truyền thống Á Đông.

Con người trong đạo mà không biết đến sự tồn tại của đạo, cũng giống như cá trong nước mà không biết đến sự tồn tại của nước. Nhưng cũng giống như cá không thể rời xa nước, con người không thể nào rời xa đạo mà tồn tại được. Rất nhiều người tham ngộ cả đời nhưng có lẽ chỉ đắc được 1% tinh túy của đạo. Chúng ta từ các điển tịch của bách gia chư tử có thể biết đạo, rõ đạo, đắc đạo, giữ đạo. Vậy rốt cuộc chúng ta nên tuân theo đạo như thế nào? Đó chính là: Thiên đạo thù cần, Địa đạo thù thiện, nhân đạo thù thành, thương đạo thù tín, nghiệp đạo thù tinh.

Người đắc được tinh túy của 5 đạo này không chỉ có thể “độc thiện kỳ thân” mà còn có thể “kiêm tế thiên hạ”.

Thiên đạo thù cần –  Đạo Trời đền đáp người cần cù

“Thiên đạo thù cần” từ quẻ từ trong Chu Dịch: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” (Đạo Trời vận hành mạnh mẽ, kiện toàn, người quân tử không ngừng hoàn thiện bản thân), và từ sách Thượng Thư: “Thiên đạo thù cần” (Đạo Trời đền đáp người cần cù). Câu này đã hé mở chân lý: cần cù có thể xoay chuyển cuộc đời. 

Thế nào là Cần? Quý tiếc thời gian, chịu khổ chịu khó, cẩn thận nghiêm túc là Cần. Người cần cù đại đa số là người có tư tưởng chịu khó, chịu khổ, cố gắng nỗ lực, cho nên họ luôn gắng sức làm tốt công việc. 

Tung hoành gia nổi tiếng thời kỳ Chiến Quốc là Tô Tần. Khi còn trẻ Tô Tần muốn thuyết phục vua Tần thực hiện chính sách liên hoành nên đã 10 lần dâng thư mà không được chấp nhận. Lúc này y phục ông đã rách nát, lộ phí cũng đã tiêu hết, mặt như cành cây khô, đành phải bó chân, đi giày cỏ, cõng thư tịch, gánh hành lý, mang theo nỗi lòng tủi hổ rời khỏi nước Tần.

Về đến nhà, vợ ông cũng chẳng rời khung cửi dệt vải để nghênh đón, chị dâu cũng chẳng nấu cơm cho ông ăn, cha mẹ cũng chẳng đáp lời ông. Nhưng Tô Tần không oán trách người nhà, cũng không thối chí nản lòng. Ngay tối hôm đó ông mở mấy chục bộ thư tịch ra, chọn lấy bộ “Âm Phù Kinh” của Khương Tử Nha phò tá Chu Vũ Vương phạt Trụ giành thắng lợi. Ông lập tức ra thư án đọc, đồng thời chọn lọc những phần hữu dụng trong đó không ngừng đọc đi đọc lại thuộc lòng, lật đi lật lại suy nghĩ. Khi đọc đến nửa đêm, mệt nhọc buồn ngủ, ông bèn dùng dùi đâm vào bắp đùi để tỉnh táo đọc tiếp, khiến cho máu tươi chảy đầm đìa xuống gót chân.

Tô Tần mặc dù thất bại trong việc thuyết phục vua Tần, bị người nhà coi thường, ghẻ lạnh, ông vẫn cần cù nghiên cứu sách vở 1 năm trời, cuối cùng trở thành tướng quốc 6 nước, khắc chế quân Tần. (Ảnh: Wikipedia)

Trải qua một năm khắc khổ học tập, nghiên cứu kỹ lưỡng, cuối cùng Tô Tần đã nắm bắt được những tinh túy trong sách, lập ra sách lược khắc chế Tần. Sau đó ông lại đi chu du các nước, thuyết phục 6 nước như Triệu, Ngụy, Tề… hợp sức chống Tần. Ông được đeo ấn tướng quốc của 6 nước, trở thành vị tướng quốc của 6 nước, một việc xưa nay chưa từng có.

Thành công, hoàn cảnh, thiên phú, học thức của một người thì cố nhiên nhân tố bên ngoài rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải dựa vào sự cần cù và nỗ lực của bản thân. Cuộc đời như cuộc thi chạy đường trường, không chỉ thử thách về tốc độ mà quan trọng hơn là khảo nghiệm sức bền bỉ. Thế nên nói rằng, cơ hội là công bằng đối với mọi người, nó không thiên vị cho bất kỳ người nào, cũng không mãi lẩn tránh bất kỳ người nào. Trắc trở và thất bại là những trải nghiệm không thể thiếu được trong cuộc đời. Cần cù, nỗ lực và khắc khổ thì mới là bảo bối của thành công chân chính. Sự cần cù hậu thiên có thể bù đắp sự thiếu hụt tiên thiên, khiến những người thua ở vạch xuất phát vẫn có thể thắng khi về đích.

Địa đạo thù thiện – Đạo Đất đền đáp người thiện lương

“Địa đạo thù thiện” có nguồn gốc từ quẻ từ trong Chu Dịch: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật” (Thế đất là quẻ khôn, người quân tử giống như đất có đức dày mang chở vạn vật). Câu này có ngụ ý rằng, trợ giúp người hành thiện, gặp dữ hóa lành. Thiện lương, làm việc thiện khiến người người đều vươn lên, nâng cao phẩm hạnh. Bản tính tiên thiên của con người là thiện lương, là bản chất, bản tính mà người người đều có, mong muốn vươn lên. Từ xưa đến nay mọi người đều cho rằng thiện có thiện báo, ác có ác báo, như câu cổ ngữ: “Họa phúc không có cửa, chỉ do con người tự chiêu mời. Thiện ác có báo ứng, giống như hình với bóng”.

Thời Xuân Thu, Triệu Thuẫn ở Ế Tang thấy một người sắp chết đói, ông bèn vội vàng cho người đó ăn. Người sắp chết đói đó chỉ ăn một nửa rồi cất đi. Triệu Thuẫn hỏi nguyên do, anh ta nói muốn đem nửa phần thức ăn này đem về cho mẹ. Triệu Thuẫn cảm động lòng hiếu thảo của anh ta, bảo rằng cứ ăn hết đi, và chuẩn bị thêm một giỏ thức ăn có cả thịt để anh ta đem về cho mẹ. 

Sau này Tấn Linh Công đánh giết Triệu Thuẫn. Trong lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, Triệu Thuẫn sắp lâm nguy thì một võ sỹ của Tấn Linh Công quay giáo chống lại, cứu thoát Triệu Thuẫn. Sau khi thoát chết, Triệu Thuẫn buồn rầu hỏi viên võ sỹ đó tại sao lại làm như vậy. Anh ta trả lời rằng: “Tôi chính là kẻ suýt chết đói ở Ế Tang năm xưa”. Triệu Thuẫn hỏi danh tính võ sỹ, anh ta không nói gì và ra đi.

Thiện lương chân chính là niềm vui làm việc thiện, vui thích thí xả trên cơ sở bình đẳng, là giúp đỡ người cần giúp đỡ vượt qua khó khăn. (Ảnh: Pxhere).

Viên võ sỹ đó chính là Linh Triếp, một trong những hiệp sỹ nổi tiếng thời Xuân Thu.

Có một loại phẩm đức, nhìn không thấy, sờ không được, nhưng lại có thể lĩnh hội được bằng trái tim, đó chính là thiện lương. Người thiện lương trong quá trình vươn lên, tự hoàn thiện mình thì cũng nhất định sẽ tạo ra lợi ích cho người khác, lợi ích cho mọi người và được người người ca tụng. Nếu họ có thể tự nguyện vứt bỏ những thứ đáng được có như công, danh, lợi, lộc, đem những thứ đó báo đáp lại xã hội thì họ đã tích lũy đức. Thiện lương không cần sắp đặt, không cần sách lược, nó chỉ là một loại tu dưỡng xuất phát từ nội tâm.

Thiện lương chân chính là đối xử bằng lòng chân thành, không lừa dối, không nói dối, đối xử với tất cả mọi người bằng cái tâm thành khẩn thiện lương. 

Thiện lương chân chính là niềm vui làm việc thiện, vui thích thí xả trên cơ sở bình đẳng, là giúp đỡ người cần giúp đỡ vượt qua khó khăn.

Một người thiện lương thì tấm lòng rộng lớn như biển xanh. Một niệm thiện thì cảnh tượng rộng mở như thảo nguyên bát ngát.

Chỉ cần gieo hạt giống thiện lương, truyền đi hơi ấm tình người thì trong tâm sẽ rộng mở rực rỡ như biển khơi. Thiện lương có thể sưởi ấm cho nhau, giúp nhau vượt qua thời khắc hắc ám nhất trước khi ánh sáng bình minh ló rạng. (Còn tiếp…)

 

Theo KKnews.cc. and NTD