Cổ nhân giảng: “Nước đổ khó hốt”, ý tứ chính là lời một khi đã nói ra tựa như bát nước đổ đi không thể lấy lại được. Cho nên, trước khi nói lời nào cần phải suy nghĩ, phải thận trọng, không thể tùy tiện. Bởi vì lời nói ác sẽ khiến vận thế của người nói đi xuống, làm tổn hao phúc đức.
Tôn Tử từng nói : “Tặng người lời nói, quý như châu báu, hại người bằng lời, hơn cả kiếm giáo”. Miệng người lợi hại tựa như đao kiếm sắc bén, dùng nó vừa có thể tu hành lại vừa có thể tích đức, nhưng cũng có thể hại chết người. Trong cuộc sống, có 7 loại lời nói không nên nói ra.
1. Lời nói nhụt chí
Luôn có những người thường hay nói những lời bi quan, khiến bản thân và người nghe đều mất hết ý chí. Đời người sự tình không như ý là tám, chín phần, nên rất cần những lời cổ vũ khích lệ. Cho dù bản thân mình không được người khác khích lệ, cũng nên tự khích lệ bản thân mình.
Người ta nói tâm thái lạc quan tích cực là tài phú vô hình. Bởi vậy, lời nói khích lệ bản thân, khích lệ người khác có thể làm thay đổi tâm thái của họ, khiến họ thoát khỏi cảnh ủ rũ khi gặp sự tình không như ý mà trở nên tốt hơn. Trái lại, khi một người đang ở cảnh suy sụp lại nghe thêm những lời bi quan, nhụt chí thì hậu quả khó lường.
2. Lời nói tức giận
Khi một người đang ở vào trạng thái tức giận thì thường sẽ đánh mất lý trí và cảm nhận mà nói ra những lời khó nghe làm tổn thương đến người khác, có khi làm tổn thương cả bản thân mình, gây ra hậu quả khôn lường. Cho nên, một người khi đang ở vào trạng thái tức giận thì tốt nhất nên bình tâm lại, không tùy tiện nói.
3. Lời nói oán hận
Một người đang ở vào trạng thái không hài lòng, bất mãn thường thường sẽ nói những lời trách móc. Người bị oán trách sẽ vì những lời nói cay nghiệt đó mà khắc sâu trong tâm, thậm chí làm ra những việc không thể vãn hồi lại được.
Một người nếu gặp chuyện luôn oán trời trách đất, oán trách người khác, không thể nhận rõ chính mình thì vĩnh viễn không trưởng thành được. Người hễ gặp chuyện là tìm nguyên nhân và đổ cho khách quan, luôn trách cứ người khác thì vĩnh viễn không tiến bộ được.
4. Lời nói tổn hại người
Cổ nhân dạy, không nên làm tổn thương người khác, nhân quả sớm muộn đều sẽ đến, phúc đức qua đó cũng rõ ràng. Không được tùy tiện dùng lời nói làm tổn thương người khác, đặc biệt là giữa những người thân.
Một người lỗ mãng, đố kỵ, không tôn trọng và không đủ bao dung người khác sẽ thường xuyên nói những lời làm tổn hại đến người khác. Nhưng họ không biết được rằng lời nói làm tổn hại người cuối cùng lại làm tổn hại chính mình. Một người vì tư lợi có thể dùng lời nói để làm tổn hại người khác trong nhất thời nhưng nhân cách của người ấy đã bị người khác xem thường rồi.
5. Lời nói khoe khoang
Cổ nhân giảng, làm người phải vĩ đại, phải làm thành những chuyện vĩ đại nhưng vĩ đại ấy là do người khác đánh giá, không phải do tự mình xưng, tự mình vẫn là nên khiêm tốn thì tốt hơn.
Trong cuộc sống có một số người thường hay thích nói lời khoe khoang, khoa trương về bản thân khiến người khác không thể tiếp nhận được, từ đó người nghe sẽ có cái nhìn không tốt về người ấy, cho rằng đó là người không đáng tin. Người không đáng tin sẽ khiến người khác chỉ tiếp xúc xã giao mà không nguyện ý hợp tác. Cho nên, lời nói khoa trương bản thân là không có lợi ích thực tế, ngược lại còn làm tổn hại chính bản thân mình.
6. Lời nói giả dối
Trong “ngũ giới” (5 điều cấm) mà nhà Phật giảng thì “vọng ngữ” (nói dối) là một giới không thể phạm. “Vọng ngữ” chính là thấy mà nói là không thấy, không thấy lại nói là thấy, điều đúng thì nói là sai, điều sai thì nói là đúng. Một người khi đã khiến nói dối trở thành thói quen thì hậu quả phải nhận là rất nghiêm trọng.
7. Lời nói đàm tiếu
Con người sống trong thế gian, ai cũng có những điều riêng tư bí mật về chuyện gia đình, chuyện sự nghiệp, tình cảm… Những chuyện riêng tư như vậy thông thường người ta đều hy vọng không bị người khác biết. Cho nên, đối với những việc riêng tư của người khác, chúng ta không nên tùy tiện bình luận, đàm tiếu lung tung.
Một người vạch trần bí mật của người khác, cho dù vì lợi ích chung hay riêng, cho dù người khác không phản kích lại, cho dù nhất thời người ấy chiếm được lợi nhưng điều đó cũng đã cho thấy phẩm đức ‘không phúc hậu” của người ấy rồi.
Cổ ngữ nói, con người sống trong nhà không phải chỉ vì để che mưa che nắng mà còn để giữ sự riêng tư, con người mặc quần áo không phải chỉ vì để giữ ấm cơ thể mà còn để che đậy sự riêng tư của mình. Cho nên, người với người sống với nhau phải có sự tôn trọng, không nên bóc trần sự riêng tư của người khác.
Thời cổ đại, những người tu hành đều chú trọng tu “thân, khẩu, ý” để tránh tạo nghiệp, làm tổn hao phúc đức của bản thân. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta có thể bất cứ lúc nào cũng chú ý tu thân dưỡng tính, nhắc nhở bản thân mình không làm việc xấu, không nói lời ác, không để những ý nghĩ xấu lưu tồn trong tâm thì tự nhiên phúc đức và vận may sẽ nối tiếp nhau mà đến, cuộc sống sẽ bình an và thông thuận.
Theo Trí Thức Việt Nam