Tân Sinh

Chữ “Hiếu” trong tinh hoa văn hóa hội họa

Văn hóa truyền thống Đông phương luôn luôn đề cao chữ Hiếu. Những tấm gương hiếu thảo tự cổ chí kim đã làm rung động các bậc văn nhân, thi sĩ và họa sĩ. Câu chuyện chữ Hiếu không chỉ đi vào thơ ca mà còn cả hội họa. Những tác phẩm kinh điển như “Nhị thập tứ hiếu” hay “Hiếu Kinh” đều lưu truyền những bức vẽ kể về lòng hiếu thảo.

Ngô Mãnh đời nhà Tấn, thản nhiên cởi áo cho muỗi đốt để cha mẹ được ngon giấc. (Ảnh: Wiki)

Vua Thuấn là một trong năm vị vua huyền thoại của Trung Quốc cổ đại. Không chỉ là bậc đế vương mẫu mực hiền tài, Ngu Thuấn còn được biết đến là tấm gương lớn về lòng hiếu thảo.

Có câu chuyện kể rằng, Ngu Thuấn (khi ấy tên là Trọng Hoa) mồ côi mẹ từ nhỏ. Cha Trọng Hoa bị mù và đã tái giá không lâu sau đó. Trọng Hoa có hai người em cùng cha khác mẹ. Mẹ kế và em trai luôn đối xử tệ bạc với Trọng Hoa, thường bắt ông phải làm tất cả mọi việc nặng nhọc trong gia đình. Cha Trọng Hoa mù cả hai mắt lại cao tuổi, không hiểu được những đức tính tốt của con mình, nên hay quở trách ông về mọi thứ.

Mặc dù bị cha mẹ và em trai bạc đãi, nhưng Trọng Hoa không bao giờ than vãn một lời. Ông vẫn một lòng chăm sóc cha già, mẹ kế, và các em với tấm lòng hiếu thảo và tôn kính. Tấm lòng hiếu thảo như biển như trời của ông đã làm Thiên hoàng cảm động, Thiên hoàng bèn phái con voi của mình xuống giúp ông cày đất và phái các loài chim giúp ông nhổ cỏ dại.

Tranh vẽ của Utagawa Kuniyoshi [歌川国芳; 1798 – 1861] trong cuốn “Nhị thập tứ hiếu”

Một luận thuyết kinh điển của Nho giáo về lòng hiếu thảo là cuốn “Hiếu Kinh”, viết vào khoảng thời kỳ Tần-Hán. Nho giáo coi hiếu thảo là trung tâm của mọi tiêu chuẩn đạo đức. Bản thân đức Khổng Tử cũng vô cùng đề cao chữ “Hiếu”, bởi đó là căn bản trong ứng xử của con người. Từ đó, con cái thảo kính cha mẹ được xem như một ‘đạo hiếu’ .

Ngay trong chương đầu ‘Khai tông minh nghĩa’ của Hiếu Kinh, Khổng Tử dạy rằng:

“Này đây, HIẾU là căn bản của ĐỨC, do giáo dục mà sinh ra. Hãy ngồi trở xuống, ta nói cho ngươi biết. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu. Này đây, chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu, kế đến thờ vua, sau rốt là lập thân”.

Hiếu kính và lễ phép với cha mẹ là một trong những biểu hiện của đạo làm con (Hình vẽ trong Hiếu Kinh, bản vẽ thời nhà Tống)

Theo Tăng tử tóm lược, thì: “Hiếu đạo có 3 điều: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, thứ đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, sau cùng là nuôi dưỡng cha mẹ”. Bàn về chữ Hiếu, Mạnh Tử nói:“Việc phụng sự cha mẹ của người con có hiếu là: Cư xử hết lòng kính trọng, dưỡng nuôi cố làm đẹp lòng, bệnh đau tận tâm lo lắng, ma chay hết sức xót thương, tế lễ nghiêm trang rất mực”.

Hiếu kính và lễ phép với cha mẹ là một trong những biểu hiện của đạo làm con (Hình vẽ trong Hiếu Kinh, bản vẽ thời nhà Tống)

Trong “Nhị thập tứ hiếu”, cuốn sách tập hợp 24 tấm gương hiếu thảo được Quách Cư Kinh biên soạn vào thời nhà Nguyên, có câu chuyện về Tăng Tử.

Tăng Tử là một người con hết lòng hiếu kính cha mẹ. Vì cảnh hàn vi, ông thường vào rừng kiếm củi. Một hôm, nhà có khách ghé thăm, thân mẫu muốn ông về nhà sớm nhưng không biết làm cách nào. Trong lúc rối bời, bà cắn vào đầu ngón tay mình. Mặc dù đang chặt củi trong rừng, nhưng Tăng Tử chợt thấy lòng quặn đau kỳ lạ. E rằng có việc không hay xảy ra với mẫu thân, ông vội vã trở về. Câu chuyện ‘cốt nhục tình thâm tương cảm’ này nằm ở vị trí thứ ba trong “Nhị thập tứ hiếu”.

Tăng Tử vội vã gánh củi chạy về với mẹ (Tranh minh họa cho câu chuyện hiếu thảo của Tăng Tử trong “Nhị thập tứ hiếu”)

Hiếu thảo không chỉ là một đức tính hay một giá trị tinh thần, mà còn có sức mạnh lay động lòng người và cảm hóa vạn vật. Trong “Minh tâm bảo giám”, Tăng Tử viết rằng:

Hiếu giả bách hạnh chi tiên  –  Nét hiếu đứng đầu trăm nết tốt

Hiếu chí ư thiên tắc phong vũ thuận thời  –  Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận

Hiếu chí ư địa tắc vạn vật hoá thành  –  Hiếu cảm đến đất thì muôn vật hóa thành

Hiếu chí ư nhân tắc chúng phúc hàm trăn  –  Hiếu cảm đến người thì mọi phúc đều tới.

(Minh tâm bảo giám)

Bức tranh cảm động về Mẫn Tử Khiên cho thấy sức mạnh lay động lòng người và quy chính nhân tâm của chữ Hiếu:

(Ảnh: Clearwisdom.net)

Mẫn Tử Khiên là người nước Lỗ thời Xuân Thu (770-476 TCN) và là một học trò của Khổng Tử, nổi tiếng vì đức hạnh và lòng hiếu thảo. Mẹ Mẫn Tử Khiên mất từ khi cậu còn nhỏ. Cha đi bước nữa, nên Tử Khiên phải sống cùng mẹ kế và 2 em trai khác mẹ. Cậu kính trọng và chăm sóc cha và mẹ kế, nhưng bà không những không thương yêu lại còn thường xuyên ngược đãi cậu. Mùa đông rét mướt, mẹ kế cho 2 người em trai của Tử Khiên mặc áo bông dày và ấm áp, còn cậu chỉ được mặc mỗi chiếc áo khoác làm bằng hoa lau vốn không có khả năng giữ ấm.

Một ngày đông nọ, cha Tử Khiên có việc đi ra ngoài, sai cậu kéo xe. Nhưng vì rét run, tay cậu không cầm nổi dây và để xe bị ngã. Cha cậu rất bực mình, trách mắng và lấy roi đánh cậu. Lúc ấy, áo khoác của Tử Khiên bị rách, hoa lau bên trong bay ra, đến khi đó người cha mới biết rằng Tử Khiên đã bị mẹ kế ngược đãi.

Cha Tử Khiên quay về và định đuổi người vợ kế đi vì bà quá tàn nhẫn. Mẫn Tử Khiên quỳ xuống cầu xin cha tha thứ cho kế mẫu. Cậu bật khóc và nói: “Mẹ ở lại chỉ mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi cả 3 đứa con đều sẽ bị rét lạnh”. Người cha vô cùng cảm động và nghe theo lời thỉnh cầu của cậu. Nghe cậu nói, người mẹ kế cũng hết sức hối hận và cảm động; từ đó về sau bà yêu thương cậu như chính con ruột của mình.

Không chỉ trong văn hóa Á Đông, mà truyền thống Tây phương cũng đề cao chữ Hiếu. Danh họa người Pháp từ thế kỷ 18 Jean-Baptiste Greuze đã để lại nhiều tuyệt tác ngợi ca đạo đức gia đình, trong đó nổi tiếng nhất là bức “Filial Piety” (Hiếu thảo) được thực hiện vào năm 1763.

Tác phẩm Filial Piety của họa sĩ Jean-Baptiste Greuze (1725-1805)

Theo Thiên Chúa giáo, trong 10 điều răn dạy thì “thảo kính cha mẹ” đứng ở vị trí thứ tư, trước đó là ba điều răn về việc thờ phụng Thiên Chúa. Như vậy, quan niệm của người Tây phương không quá xa với quan niệm đạo đức ở Đông phương: trên nhất là Trời, dưới nữa là tổ tiên, cha mẹ. Người Công giáo vẫn duy trì truyền thống nhớ ơn tổ tiên và cha mẹ. Họ dành riêng tháng 11 trong năm để thăm viếng và cầu nguyện cho những người đã khuất.

Có thể nói, dù là Đông phương hay Tây phương, thì hiếu kính cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ, và chăm sóc cha mẹ đều là một tiêu chuẩn cơ bản của đạo đức nhân loại. Bên cạnh những giá trị đạo đức của con người, thì Hiếu là nền tảng của một phẩm hạnh cao quý.

Theo Daikynguyenvn