10 năm chịu khổ nhưng trong lòng vẫn còn có chỗ hoài nghi, không bằng một ngày công phu với tín tâm 10 phần trọn vẹn. Điển cố “Thẩm Kính luộc đá” trở thành 1 câu chuyện tu luyện nổi tiếng trong dân gian.
Giữa những năm triều đại nhà Đường, Tống, vùng đất Trung Hoa đã xuất hiện một vị tiên nhân, tên là Thẩm Kính, quá trình đắc đạo của ông vô cùng lạ lùng, mọi người gọi câu chuyện của ông là “Thẩm Kính luộc đá”. Thẩm Kính, người Triết Giang, từ nhỏ đã hướng Đạo, nhưng khổ nỗi là cứ mãi không được Tiên sư truyền dạy.
Sau cùng vì để cầu đạo Pháp tu thành Tiên, Thẩm Kính vân du đến núi Chung Nam, gặp được một bà cụ nói với ông rằng: “Cậu cốt cách phi phàm, thần khí trang nghiêm, tâm địa lại ngay chính, mười năm sau ắt sẽ đắc Đạo, chỉ lo chuyên tâm tu Đạo là được rồi”.
Rồi bà cụ đưa cho ông một viên đá màu trắng, nói với ông rằng: “Chỉ cần dùng nước suối mà luộc viên đá này, không được tắt lửa đi; đợi đến lúc viên đá này trở nên mềm giống như đan dược vậy, cậu nuốt vào rồi có thể thành tiên ngay. Nhưng nếu như chưa mềm, thì tuyệt đối không được tắt lửa đi”. Nói xong, bà cụ liền biến mất, không thấy đâu nữa.
Thẩm Kính cảm thấy rất đỗi thần kì, liền dựng một gian nhà tranh trên núi, mỗi ngày ngoài việc đốn củi, múc nước suối để luộc đá ra, thì là cẩn thận trông coi lò lửa. Ngay cả ngủ cũng đều rất lo lắng, sợ rằng nếu ngủ quên, củi cháy hết rồi thì lò lửa sẽ tắt mất. Vì sinh tồn, đôi lúc ông cũng phải tranh thủ thời gian đến những nhà lân cận hóa duyên, xin miếng cơm ăn, rồi vội vã trở về ngay. Thời gian lâu dần, mọi người xung quanh đều biết trên núi có một “quái nhân” luộc đá. Có người đồng tình với ông, cũng có người xem thường ông, còn có người khuyên ông đừng có ngốc nữa. Dẫu người khác nói thế nào, ông vẫn theo lời bà cụ mà không ngừng luộc đá.
Trải qua gió sương mưa tuyết; dẫu trời đông lạnh giá hay ngày hè nóng nực, Thẩm Kính vẫn kiên trì nấu đá, cả thể xác lẫn tinh thần đã nếm trải không biết bao nhiêu khổ nhọc. Tuy vậy, ông trước sau vẫn không hề quên lời bà cụ nói với ông: “Sau mười năm ắt sẽ đắc đạo”. Thời gian từng ngày từng ngày trôi qua, kỳ hạn mười năm mà bà cụ nói đã sắp đến rồi. Trong lúc Thẩm Kính luộc đá thường hay xem hòn đá đã mềm hay chưa.
Tính theo ngày tháng, cái ngày này cuối cùng đã đến, Thẩm Kính đã luộc hòn đá kia ròng rã suốt mười năm tròn. Thẩm Kính lòng ôm đầy hy vọng mà mở nắp nồi ra vừa nhìn thì thấy hòn đá vẫn cứng như thế, một chút dấu vết mềm nhũn cũng không có. Lúc này tinh thần của Thẩm Kính gần như trong chốc lát đã sụp đổ tan tành, từ đó đã dập lửa không nấu nữa.
Mấy ngày sau, đột nhiên bà lão đó lại đến, hỏi Thẩm Kính rằng: “Lúc đầu bảo cậu dùng nước suối trên núi nấu đá, bây giờ sao không còn nấu nữa vậy?”. Thẩm Kính trả lời: “Con từ khi làm theo lời dặn của bà, đã luộc đá ròng rã suốt mười năm nay. Nhưng vẫn không thể ăn được, vậy nên đã tắt lửa đi”.
Người tu luyện nhất định cần phải có sự thành kính; ý chí và quyết tâm trong tu luyện là kiên định không lay động. (Ảnh: Pinterest)
Bà lão nói: “Hòn đá này vốn không phải là đá bình thường. Người khác là cầu không được đâu. Cậu có được hòn đá này rồi, sao lại không ôm giữ lòng thành kính, trừ bỏ nghi ngờ để nấu nó? Nếu có thể như vậy, thì không cần dùng đến mười năm đã có thể ăn rồi. Còn nếu như trong lòng vẫn nửa tin nửa ngờ, thì dù có nấu trên mười năm, vẫn là không ăn được đâu”.
Thẩm Kính hỏi: “Đây là đá gì vậy? Nếu không phải là đá nơi cõi trần, mà lại là loại đá thần kỳ thì tự nhiên liền có thể ăn được, cớ sao lại cần phải luộc rồi mới có thể ăn?”.
Bà lão đáp: “Đá này là quả của cây quỳnh trên thiên thượng. Không biết là ai đã có được rồi lại đánh rơi trong ngọn núi này. Bị gió độc của nhân gian thổi vào, vậy nên đã trở nên cứng rắn. Nếu như lòng ôm giữ sự thành kính, dùng nước suối trên núi luộc nó, thì sẽ mềm trở lại, sau khi mềm thì có thể ăn, ăn vào liền có thể đắc Đạo”. Thẩm Kính bái tạ bà lão, bà đột nhiên lại không thấy nữa.
Thẩm Kính nghiêm túc suy ngẫm lại nguyên nhân bản thân mình luộc đá không thành. Ông phát hiện trong mười năm đã qua tuy trên hành vi là luộc đá không ngừng, nhưng trong lòng vẫn là có chỗ hoài nghi đối với lời bà cụ nói; vậy nên đã không làm được “chỉ lo chuyên tâm tu Đạo” mà năm xưa bà cụ đã căn dặn. Qua mười năm liền dừng lửa không nấu nữa, bản thân chính là thể hiện của tín tâm không đủ. Lời hứa mười năm thành tiên của bà cụ sở dĩ không thực hiện được, không phải là bà cụ thất tín, mà là bản thân mình tín tâm không đủ, hoàn toàn là vì tín niệm của bản thân mình không vững đấy thôi!
Nghĩ thông thấu một điểm này rồi, ông lập tức đi tắm gội trai tịnh, tĩnh tâm cầu nguyện, tràn đầy tín niệm kiên định, lấy nước suối trên núi bắt đầu luộc đá trở lại. Giờ đây, dẫu có phải luộc đá cả đời thì ông cũng sẽ không nghi ngờ lời của bà lão nữa! Ngày hôm sau, hòn đá đột nhiên trở nên mềm nhũn, hương thơm lan tỏa khắp núi đồi. Thẩm Kính vội vàng tắm gội sạch sẽ, sau đó thành kính nuốt viên đá đã mềm nhũn kia. Ngay lập tức, ông đã biến đổi trở về dung mạo lúc còn trẻ, râu tóc đen óng như sơn, nội tâm thanh tịnh, thân thể nhẹ nhàng, người trong núi nhìn thấy đều vô cùng kinh ngạc. Mấy ngày sau, người ta không còn trông thấy Thẩm Kính nữa, không rõ là ông đã đi đâu, mọi người mới biết ông thật sự đã đắc Đạo rồi.
Từ đó “Thẩm Kính luộc đá” đã trở thành một điển tích, một câu chuyện nổi tiếng. Thẩm Kính lần đầu tiên luộc đá, vì ngay tại nơi sâu thẳm trong nội tâm vẫn không đủ thành kính, hao phí thời gian mười năm mà vẫn không thành công. Lần thứ hai kiên định chính niệm, một ngày liền đại công cáo thành, đã nói rõ tầm quan trọng của đức tin.
Người tu luyện nhất định cần phải có sự thành kính; ý chí và quyết tâm trong tu luyện là kiên định không lay động. Nếu thực sự làm được như vậy và rồi công phu nỗ lực không ngừng thì tự nhiên sẽ đắc Đạo thôi. Bản thân việc quá chú tâm vào thời gian có thể chính là thể hiện sự bất tín và hoài nghi.