Tân Sinh

Chuyện Lão Tử truyền Đạo: Ai mới xứng đáng trở thành đồ đệ chân truyền?

Từ xưa đến nay, có rất nhiều bậc tu hành vì muốn cầu đạo mà vân du khắp núi Nam bể Bắc. Thế nhưng, trong vô số những người đó, ai mới xứng đáng được các bậc minh sư chọn làm đồ đệ chân truyền?

Lão Tử, trí giả bậc thầy được người người tôn kính và theo học. (Ảnh: Vybe Source)

Trong chương trình biểu diễn nghệ thuật Shen Yun vào năm nay, rất nhiều người đều ấn tượng với tiết mục Lão Tử truyền đạo. Với cách kể chuyện bằng vũ đạo kết hợp âm nhạc độc đáo, Shen Yun đã tái hiện lại một điển cố nổi tiếng về một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới – Lão Tử.

Hơn 2.500 năm trước, vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, lịch sử loài người chứng kiến sự ra đời của những tư tưởng triết học cao thâm cùng lúc xuất hiện ở cả phương Tây lẫn phương Đông.

Ở phương Tây các nhà triết học Hy Lạp cổ đại mà điển hình là Heraclitus, Thales, Anaximander. Ở Ấn Độ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập ra Phật giáo. Ở Trung Quốc có Lão Tử và Khổng Tử. Mỗi vị thông qua những cách tu tập, thiền định, quán tưởng khác nhau, cuối cùng đều phát hiện ra quy luật về vũ trụ và cuộc sống.

Lão Tử là một nhân vật chính yếu trong Triết học Trung Quốc. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông sống ở thế kỉ 6 TCN. Lão Tử được coi là người viết Đạo Đức Kinh – cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, ông cũng là Khai tổ của Đạo giáo.

Lão Tử tên thật là Lý Nhĩ, tên tự là Bá Dương. “Lão” là ý gọi người tuổi cao Đức lớn. “Tử” là cách gọi bày tỏ lòng tôn kính đối với người khác. Tương truyền Lão Tử bẩm sinh có khí chất phi phàm, am hiểu chuyện xưa, giỏi việc lễ chế, từng đảm nhiệm chức quan “Thủ tàng thất sử” và chức Trụ hạ sử.

Lão Tử ở lại Lạc Dương nước Chu thật lâu, thấy rõ sự suy sụp của nhà Chu. Năm 500 trước Công nguyên, trong hoàng tộc nhà Chu phát sinh cuộc nội chiến tranh giành ngôi vị, Lão Tử bị liên lụy và bị bãi quan. Lão Tử cảm thấy nhân thế hiểm ác, bèn rời đi. Ông lưu lạc khắp 4 phương trời nhưng không để ai biết danh tính của mình.

Lại nói, khi đó tại nước Chu có một vị quan tên Doãn Hỷ, từ nhỏ đã thích đào sâu nghiên cứu thuật tu hành, giỏi quan sát tinh tú. Ông tu thân tích đức, sống nhân nghĩa thiện lương, không màng danh lợi.

Một ngày kia, ông ngẩng đầu quan sát bầu trời, nhìn thấy phía Đông có vầng mây tía bay về hướng Tây, biết rằng sẽ có Thánh nhân đi qua quan ải phía Tây. Vậy nên ông dâng tấu xin được đi làm quan lệnh ở Hàm Cốc quan.

Đến Hàm Cốc quan, ông nói với quan lại rằng: “Nếu trông thấy một người dung mạo không giống người thường, trang phục, ngựa xe dị thường, thì nhất định không được để ông ấy đi qua”.

Vào giờ Giáp Tý ngày 12/7 năm thứ 23 đời Hỷ Chiêu Vương, quả nhiên thấy Lão Tử ngồi xe trắng do trâu xanh kéo, định qua cửa ải đi về hướng Tây.

Doãn Hỷ biết tin rất vui mừng: “Hôm nay ta cuối cùng cũng gặp được Thánh nhân rồi”.

Ông ăn mặc chỉnh tề ra đón, quỳ gối dập đầu, khẩn khoản giữ Lão Tử ở lại. Lão Tử tự nhận mình là một ông già có nhà ở quan ải phía Đông, ruộng ở quan ải phía Tây, chẳng qua chỉ muốn qua quan ải đi lấy củi.

Doãn Hỷ bái lạy hết lượt này đến lượt khác, kiên quyết gọi Lão Tử là Thánh nhân, thỉnh cầu Lão Tử bằng cả tấm lòng thành của mình.

Lão Tử vì ưu ái Doãn Hỷ nên đã lưu lại Hàm Cốc quan hơn 100 ngày, truyền thụ pháp tu luyện cho ông.

Lão Tử hỏi: “Ông làm sao biết tôi là Thánh nhân?”

Doãn Hỷ nói: “Tháng 10 năm ngoái, sao Thiên Lý đi về phía Tây, bắt đầu từ tháng này liên tục có gió hòa, chân khí phương Đông như hình rồng rắn hướng về phía Tây, đây là dấu hiệu của bậc Đại Thánh nhân, vậy nên tôi biết chắc chắn sẽ có Thánh nhân đi qua quan ải”.

Lão Tử cười nói: “Ông đã biết được ta, ta cũng biết được ông. Ông có đôi mắt tinh tường thần thông, có thể độ thế được”. Lão Tử đã để lại cho Doãn Hỷ 5.000 chữ, trong kinh điển “Đạo Đức Kinh” nổi tiếng hoàn cầu.

Con người ta, một khi đã tìm được chân lý, chân Đạo của cuộc đời, sẽ có thể buông bỏ mọi thứ chỉ mong cầu được nghe Đạo. Khổng tử cũng đã nói: “Buổi sáng nghe đƣợc đạo, chiều tối chết cũng cam lòng”, đã được nghe đạo, thì cuộc đời không còn gì hối tiếc.

Thế nhưng, rốt cuộc trong biết bao nhiêu người, vì sao Lão Tử lại lựa chọn Doãn Hỷ làm đồ đệ chân truyền?

Lão Tử là người tu luyện vốn đã đắc được thần thông, đã biết được trong tâm của những người muốn đến học Đạo mong cầu điều gì. Doãn Hỷ vốn tư chất thông minh, am hiểu sự đời, và quan trọng nhất chính là cái tâm thực sự mong cầu học Đạo.

Những người tu luyện xưa, khi tuyển chọn đồ đệ đều đưa ra những thử thách để kiểm nghiệm xem sự kiên định của đệ tử đến đâu. Nếu cầu Đạo với cái tâm mong cầu đắc được những điều mới lạ, xuất phát điểm thấp như thế, thì rất khó có thể tìm được chân sư chân Đạo.

Khi Bồ Đề Đạt Ma ở trong động tĩnh quan, có rất nhiều người đến mong cầu pháp, nhưng đều bị ông từ chối, cho đến khi Huệ Khả (sau này là Nhị tổ của Thiền tông) xuất hiện.

Truyền thuyết kể rằng, vào một buổi sáng mùa đông, thời tiết trên đỉnh Tung Sơn rất lạnh, tuyết bay đầy trời, Huệ Khả đến gặp Đạt Ma cầu học pháp. Nhưng khi đến phòng Đạt Ma thì gặp đúng lúc ông đang ngồi thiền. Huệ Khả không muốn đánh động Đạt Ma nên chắp tay đứng đợi ở bên ngoài. Từ sáng tới chiều, rồi đợi tới tận lúc nửa đêm mà Đạt Ma ở bên trong vẫn chưa động đậy. Bên ngoài, Huệ Khả vẫn kiên trì đứng im lặng chờ đợi.

Huệ Khả cầu đạo, đứng ngoài tuyết lạnh chờ Đạt Ma truyền thụ Pháp. (Ảnh: smartemple)

Trời về đêm ngày một lạnh hơn, gió tuyết mù mịt buốt da buốt thịt nhưng Huệ Khả gần như chẳng biết đến thời tiết bên ngoài, đứng im trong bão tuyết không hề động đậy. Cho tới buổi sáng ngày hôm sau, Đạt Ma mới kết thúc ngồi thiền, mở mắt ra thấy Huệ Khả đang đứng ở bên ngoài phòng, tuyết đã phủ kín cả người.

Đạt Ma mới hỏi Huệ Khả đứng trong tuyết làm gì, Huệ Khả đáp: “Để cầu sư phụ truyền pháp cho!”. Đến lúc đó, Đạt Ma vẫn chưa cảm thấy lay động, sắt đá nói: “Muốn ta truyền pháp cho người, họa chăng là trời rơi tuyết màu hồng”.

Huệ Khả nghe câu nói này, biết rằng Đạt Ma vẫn lo lắng mình sẽ đem những thứ đã học từ Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo Tiểu Thừa vào trong giáo lý Thiền học Đại thừa nên không chịu truyền pháp cho mình.

Để thể hiện quyết tâm của mình cũng là để thuyết phục Đạt Ma, Huệ Khả quyết định chặt đứt một cánh tay ngay trước mặt Đạt Ma. Vì vậy, Huệ Khả thuận tay cầm một con dao sắc chặt đứt cánh tay trái của mình. Máu từ cánh tay phun ra ngoài, làm đỏ cả một đám tuyết xung quanh chỗ đứng của Huệ Khả. Lúc bấy giờ Đạt Ma mới thừa nhận sự quyết tâm của Huệ Khả và quyết định truyền pháp cho ông.

Xưa nay, những bậc Thánh nhân đều là những người có thể buông bỏ những thứ thế tục, có tư tưởng cao hơn người. Người ta vẫn thường nói: “Không mất thì không được”, đối với việc tu luyện cũng như vậy, muốn trở thành một bậc giác ngộ, muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi, chính là cần phải buông đi những thứ ràng buộc của con người, không để bản thân mình chìm đắm trong “thất tình lục dục” của người thường. Như thế, chính quả sẽ không còn xa nữa.

***

Theo Tinhhoa