Cuộc đời và y thuật phi thường của thần y Biển Thước có lẽ sẽ vẫn nằm trong thế giới huyền thoại nếu không có một khám phá đáng chú ý của các nhà khảo cổ học.
Biển Thước là một trong “tứ đại danh y” của Trung Quốc cổ đại. (Ảnh qua Ancient Pages)
Trong số “tứ đại danh y” của Trung Quốc cổ đại, Biển Thước là người sống vào thời đại cổ xưa nhất, tức vào thời Xuân Thu cách chúng ta 2.500 năm. Ông được cho là có những công năng chữa trị tuyệt diệu và khả năng thấu thị thân thể. Phương pháp bắt mạch của Biển Thước được xem là đã đặt nền móng quan trọng cho ngành Đông y và ông được thế giới so sánh với Hippocrates Hy Lạp cổ đại, cha đẻ của y học phương Tây.
Năm 2013, giới khảo cổ đã có một trong những khám phá lịch sử tuyệt vời nhất về Trung y khi khai quật ở Núi Lao Quan, Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra trong 4 ngôi mộ của triều đại Tây Hán (206 – 24 TCN) có chứa bộ sưu tập các y thư của Biển Thước.
Đó chính là 920 cuộn sách thẻ tre, nằm trong những chiếc chậu chứa đầy nước và bùn (ở phương Đông thời xưa, sách thẻ tre được được sử dụng làm vật liệu viết bền). Những cuộn sách thẻ tre này chứa rất nhiều kiến thức y khoa đáng giá, chủ yếu là viết về y thuật dành cho người, tuy nhiên cũng có 184 cuộn sách về thú y dành cho động vật như ngựa. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy một bức tượng dài 14 cm với các huyệt và mạch châm cứu chính.
Các y thư của Biển Thước đã được sưu tầm và ghi chép lại trong Nan Kinh (một trong các y kinh của Trung Quốc) và các tác phẩm của ông thường được các thầy thuốc thời nhà Hán bàn luận. Họ kể rằng đã đọc các y thư của Biển Thước, tuy nhiên các cuộn sách gốc trong bộ sưu tập y thư đồ sộ của Biển Thước đã bị thất lạc mãi cho đến nay.
Y thư được tìm thấy ở di tích Núi Lao Quan. (Ảnh qua Well4Ever)
Các cổ vật được tìm thấy trong lăng mộ. (Ảnh qua Well4Ever)
Các sách thẻ tre, nằm trong những chiếc chậu chứa đầy nước và bùn. (Ảnh qua Well4Ever)
Theo trang Ecns.cn: “Nội dung của những cuộn sách thẻ tre đến từ 9 cuốn y thư bị thất lạc. Các chuyên gia nói rằng chúng là tác phẩm của môn đệ của Biển Thước, chủ yếu dựa trên các nghiên cứu xác định bệnh bằng cách bắt mạch bệnh nhân.
Các khoa khác được đề cập bao gồm nội khoa, phẫu thuật, phụ khoa, da liễu, nhãn khoa cũng như chấn thương.
Ngoài ra, còn có 184 cuộn sách có liên quan đến việc điều trị thú y cho ngựa, được các chuyên gia coi như là một trong những công trình thú y quan trọng nhất ở Trung Quốc cổ đại.
Hơn nữa, một bức tượng dài 14 cm cũng đã được khai quật cùng với 9 cuốn y thư. Với các huyệt chính được đánh dấu, sách này được cho là chìa khóa để giải mã nguồn gốc của điều trị châm cứu”.
Đá được chạm khắc thời Đông Hán, khai quật tại Liangcheng, Nguy Sơn, tỉnh Sơn Đông. Ở giữa bức tranh miêu tả một đình nhỏ bên bờ hồ đầy cá, rùa và các loài chim sống gần nước. Góc trên bên phải chạm khắc Thần Y Biển Thước (được miêu tả là một con chim đầu người) đang châm cứu chữa bệnh cho 3 người. Bên dưới là 2 người đang ngồi chơi cờ Lục Bát.
Ban đầu Biển Thước không theo nghề y. Lúc đó ông làm chủ một quán trọ. Do chăm chỉ hầu hạ danh y Chương Tang Quân trong suốt 10 năm nên danh y đã cảm động mà truyền nghề cho ông.
Thầy của Biển Thước đã đưa cho ông một gói thuốc kèm hướng dẫn sử dụng và một bộ y thư quý giá rồi biến mất một cách bí ẩn.
Sau khi Biển Thước uống thuốc của thầy, sau 30 ngày ông bất ngờ có thể nhìn xuyên qua các vật thể rắn. Khi đọc y thư thầy để lại, ông đã biết cách dùng khả năng thấu thị thân thể con người và kiến thức y học để chẩn đoán và trị bệnh.
Ông đi khắp Trung Quốc để hành nghề y, hết lòng chữa trị cho người giàu cũng như người nghèo. Trong đó, nổi tiếng nhất là việc ông mở lồng ngực của 2 người đàn ông để tráo tim, việc ông chẩn bệnh cho Tề Hoàn Công và cứu sống thái tử nước Quắc.
Biển Thước là một danh y khiêm nhường và cao quý, đến nay thế nhân vẫn ca ngợi ông là “thần y của những phép màu”. Khám phá này sẽ giúp ông luôn được lưu danh và con người hiện đại có thể tin rằng những sự tích, kinh điển về ông là có thật.
Theo Tinh Hoa