Tân Sinh

Được phúc báo nhờ biết hối hận và tích đức hành thiện

Hành thiện tích đức xuất phát từ trái tim lương thiện và từ những điều nhỏ bé nhất, không phải ở chỗ tiền bạc nhiều bao nhiêu. Người như vậy ắt sẽ nhận được phúc báo. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ như vậy.

Câu chuyện hành thiện tích đức ắt được phúc báo của Trương Úy Nham cho đến nay vẫn là tích cổ được người dân truyền miệng để răn dạy con cháu.

Tại Dương Âm, Giang Tô có một người tên Trương Úy Nham vốn tài cao, học rộng và giỏi văn chương, nổi tiếng khắp vùng. Tuy nhiên vào năm giáp Ngọ, Trương Úy Nham ứng thí nhưng lại không lọt vào bảng vàng. Trong khi đứng tại bảng công bố điểm thi, ông nhục mạ những quan chủ khảo đã chấm điểm cho mình, nói rằng họ có mắt mà không có tròng, không biết được người có tài năng học thức như mình. Từ đó, ông ôm hận trong tâm quyết sẽ không bao giờ dự thi nữa.

Một ngày nọ có một vị đạo sĩ tới gặp họ Trương và nói: “Tôi chắc rằng văn thơ của công tử thật là tệ!”.

Họ Trương nghe xong tức giận nói: “Sao ông dám cười tôi? Ông chưa từng đọc qua văn chương của tôi thì làm sao biết văn của tôi không hay?”

Đạo sĩ cười và đáp: “Điều làm nên một áng văn thơ hay đó chính là ở tâm người viết. Văn thơ của công tử chất đầy oán hận thì làm sao mà hay được?”.

Họ Trương nghe xong thấy có lý bèn vội vàng mời đạo sĩ thỉnh giáo. Đạo sĩ nói tiếp: “Công tử là người tài hoa, chắc chắn sẽ viết ra những áng văn thơ để đời và còn hơn thế. Nhưng trước hết phải cải biến cái tâm của mình”.

Họ Trương bèn hỏi: “Tôi phải làm sao đây thưa đạo sĩ?”. Đạo sĩ đáp: “Nếu ông có thể thuận theo Thiên Mệnh mà làm việc thiện, thì chẳng lẽ lại không được phúc báo hay sao?”

Trương Úy Nham nghe vậy thở dài: “Tôi chỉ là một học giả nghèo, làm gì có tiền mà làm từ thiện đây?”

.

Đạo sĩ bèn đáp: “Hãy làm việc thiện xuất phát từ chính trái tim lương thiện của công tử. Hãy để trái tim công tử chỉ chứa những điều thiện lương; hành xử khiêm tốn và bao dung với tất cả mọi người; giúp đỡ người khác trong khả năng của mình và đừng bao giờ có suy nghĩ hẹp hòi, đố kỵ, oán hận như việc công tử phê phán giám khảo cuộc thi. Tất cả những việc đó đều là hành thiện rồi, không phải cứ cho đi nhiều tiền mới là hành thiện”.

Họ Trương nghe xong tỉnh ngộ, vội cảm ơn đạo sĩ.

Hành thiện tích đức xuất phát từ trái tim lương thiện và từ những điều nhỏ bé nhất, không phải ở chỗ tiền bạc nhiều bao nhiêu.

Kể từ đó, Trương Úy Nham tu tâm dưỡng tính, yêu cầu cao với hành vi và suy nghĩ của bản thân, đãtrở thành người có phẩm hạnh cao thượng. Ông trở về làng và dạy miễn phí cho trẻ em nghèo. Ông luôn nhắc nhở họ “dù là suy nghĩ hay việc nhỏ nhất cũng không được làm điều ác, hãy luôn hướng thiện”. Gặp ai ông cũng sẵn lòng tương trợ trong khả năng của mình và luôn hướng con người tới cái thiện.

Ba năm sau, một đêm nọ Trương Úy Nham nằm mơ thấy mình đi vào một ngôi nhà rất lớn và nhìn một cuốn sách liệt kê những cái tên, nhưng rất nhiều dòng bị trống. Trong ngôi nhà có một người đàn ông, họ Trương bèn hỏi: “Sao danh sách trống nhiều chỗ vậy?”.

Người đàn ông trả lời: “Đây là danh sách trúng cử mùa thu năm nay. Những ai tạo nghiệp phạm lỗi lầm sẽ bị xóa sổ cho dù giỏi đến mấy, chỉ dành cho những người hành thiện tích đức. Ba năm qua công tử đã hành thiện tích đức đủ rồi, đã đến lúc đăng ký dự thi, chỉ cần luôn thiện niệm trong tâm, chắc chắn sẽ thành danh”.

Trương Úy Nham năm đó đăng ký dự thi lần nữa, quả nhiên trúng bảng vàng, về sau làm quan đại đức và hết mực lo cho dân chúng.

Có câu nói: “Trên đầu ba thước có thần linh”, ý nói rằng Thần linh không ở đâu là không có. Thần Phật ở khắp mọi nơi theo dõi mọi hành vi của con người để sắp đặt số phận cho người đó. Những người làm việc thiện thì được hưởng nhiều phúc báo, ấy là cái lý tất nhiên! Bất kể bản thân mình ở giai tầng nào, nghề nghiệp là gì hay ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều nên làm người tốt, làm việc thiện, cố gắng bảo trì thiện tâm, từ đó mà có được phúc phận và một tương lai tươi sáng.

Theo Minhhue