Tân Sinh

Khái niệm Phật gia và Phật giáo có gì khác nhau?

Khi nói tới tu luyện và tín ngưỡng, người ta thường nhắc tới khái niệm Phật gia và Phật giáo. Vậy đó có phải là một, hay có gì khác nhau giữa các khái niệm đó?

Có bao nhiêu phương pháp tu Phật?

Bắt đầu từ lời giảng của Phật Thích Ca Mâu Ni, rằng tu luyện Phật gia có 8 vạn 4 ngàn môn. Vậy đó là những môn nào? Tại sao chúng ta chỉ nghe thấy có khoảng gần 20 môn tu Phật như Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Mật Tông hay Phật giáo nguyên thủy? Kì thực tu Phật trong lịch sử đều đa số đi theo con đường đơn truyền, mật truyền. Chỉ có một số ít môn đi theo con đường tôn giáo phổ truyền ra công chúng, nên mới được biết đến rộng rãi. Tu Phật theo con đường tôn giáo tức là có nghi lễ, có giáo điều, có địa điểm, có chức sắc… tức là các môn thuộc Phật giáo.

Khái niệm Phật gia (hay còn gọi là Trường phái Phật) bao gồm tất cả các môn tu Phật. Đa số các môn tu Phật không theo con đường tôn giáo nên không thuộc Phật giáo, nhưng vẫn  thuộc Phật gia. Tu Phật theo tôn giáo hay không tôn giáo thì mỗi môn pháp đều có nguyên lý khác nhau, mặc dù cũng có một số tương đồng về danh xưng và khái niệm vì cùng một trường phái Phật. Mỗi môn đều có cơ chế diễn hóa khác nhau và người tu đều phải có vị Thượng Sư diễn hóa các cơ chế tu luyện. Tu Phật nói chung đều nhấn mạnh vào chữ Thiện, biểu hiện là từ bi, muốn điều tốt cho người khác.

Ngay trong các môn thuộc Phật giáo cũng có nguyên lý khác nhau (mặc dù cũng có phần giống nhau), mỗi môn cũng thờ phụng một vị Phật khác nhau. Phật giáo nguyên thủy chỉ thờ phụng duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni, Tịnh Độ Tông thờ Phật A Di Đà, Mật Tông thờ Phật Đại Nhật Như Lai, v.v. Thực ra một số môn tôn giáo của tây phương thực chất cũng thuộc về trường phái Phật, chỉ là do văn hóa nên ngôn ngữ và biểu hiện ra khác nhau.

Tu luyện theo con đường tôn giáo (với những người chuyên tu) thông thường đều có yêu cầu thoát tục, tức là từ bỏ gia đình, công việc, thay tên đổi họ, ăn chay cũng như thực hiện các giới cấm khác. Trong khi tu Phật không theo con đường tôn giáo có thể tu luyện trong cuộc sống đời thường. Sự khác nhau căn bản giữa hai phương thức tu luyện là ở chỗ, một bên dùng cách xa rời thế tục để từ đó đạt được thanh tịnh, một bên hướng dẫn người tu trong cuộc sống thì đề cao ra sao để đạt được thanh tịnh. Mỗi môn pháp khi định ra con đường tôn giáo hay không tôn giáo, đều đã hàm chứa cơ chế sao cho người tu luyện thông qua đó có thể tu thành.

Nói một cách tổng thể, tu luyện có 2 trường phái chính là trường phái Phật và trường phái Đạo. Trường phái Phật (gọi cách khác là Phật gia) là để tu Phật, trường phái Đạo (tức là Đạo gia) là để tu Tiên, còn gọi là tu thành Chân Nhân.

Tu Đạo (còn gọi là tu Tiên) cũng có rất nhiều môn

Đạo gia giảng rằng tu Đạo có 3 ngàn 6 trăm môn, đa số là đi theo con đường đơn truyền, mật truyền, cũng có môn đi theo con đường tôn giáo, ví như Đạo giáo do Lão Tử sáng lập. Bên Phật giáo lấy chùa là nơi tu hành, còn Đạo giáo sử dụng Đạo viện. Chúng ta đã nghe đến môn pháp Thái Cực Quyền do Trương Tam Phong sáng lập, đó là một môn thuộc Đạo gia nhưng không theo con đường tôn giáo nên không thuộc Đạo giáo.

Do tu Đạo có nhiều môn kết hợp nội ngoại kiêm tu, tức là kết hợp tu tâm với luyện võ nên người ta hay biết tới qua các tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra còn có nhiều môn tu Đạo có thuật trường sinh, mục đích cũng là để kéo dài thời gian tu luyện chứ không phải vì mục đích sống lâu thuần túy. Thuật trường sinh được coi là siêu xuất khỏi các quy luật đời thường, cho nên hay được các nhà viết văn đề cập. Mục đích là để thu hút công chúng chứ không phản ánh được bản chất của tu Đạo, những người tu đạo chân chính không có xu hướng hiển thị năng lực siêu thường ra công chúng. Các môn tu Phật nhấn mạnh vào chữ Thiện, tu Đạo nhấn mạnh vào chữ Chân. Tu luyện quay trở về bản tính Chân thật, gọi là “phản bổn quy Chân” nên khi tu thành họ được gọi là Chân Nhân.

Có thể mô tả tu luyện theo các hình thức như sau:

1.Tu đơn độc, bí mật và thoát tục. Thường là tu trong sơn động trong núi sâu rừng già

2.Tu đơn độc, bí mật và không thoát tục, tức là họ vẫn tu khi sống cuộc sống đời thường nhưng mọi người không biết

3.Tu theo con đường tôn giáo, thoát tục và phổ truyền nên nhiều người biết đến. Các môn này thuộc về Phật giáo và Đạo giáo.

4.Tu luyện không theo con đường tôn giáo, không thoát tục, phổ truyền và vẫn sống cuộc sống đời thường

Về lịch sử xuất sinh, thực ra các môn tu luyện đều có từ vô cùng xa xưa. Chỉ khi một Vị nào đó đưa ra công chúng thì chúng ta mới biết tới, bởi vì ngay cả các Vị ấy cũng phải tu luyện có thành tựu rồi sau mới lấy một phần phương pháp ấy truyền ra công chúng. Như vậy cách nói Đạo giáo là của Trung Quốc, hay Phật giáo là của Ấn Độ thì đó chỉ là cách nói cho phù hợp với nhận thức trong đười thường. Thực ra, các môn tu luyện chân chính không có khái niệm quốc gia dân tộc, cũng không phải chỉ có từ cách đây vài ngàn năm.

Pháp Luân Đại Pháp: Môn tu luyện trong thời đại ngày nay

Trong giai đoạn lịch sử hiện nay, môn tu luyện đang được phổ truyền rộng rãi là Pháp Luân Đại Pháp (cũng gọi là Pháp Luân Công). Pháp Luân Công bao gồm nguyên lý tu tâm theo Chân Thiện Nhẫn và 5 bài công pháp để luyện thân. Pháp Luân Công là một trong 8 vạn 4 ngàn môn thuộc trường phái Phật gia, nhưng không theo con đường tôn giáo nên không thuộc Phật giáo. Các môn của Phật giáo giáo đều theo con đường thoát tục, trong khi Pháp Luân Công không thoát tục mà tu luyện trong cuộc sống đời thường. Mỗi môn tu luyện đều có khó khăn riêng, nhưng mỗi môn pháp đều đã bao hàm cơ chế đảm bảo cho người tu luyện có thể đạt thành quả. Tất nhiên mỗi môn pháp đều có những người đạt thành quả, cũng có người không đạt thành quả, thậm chí một số còn đi sai lệch, nhưng tu luyện chân chính nói chung đều giúp người ta tu tâm hướng thiện.

Ở góc độ nào đó, sự khác nhau giữa Pháp Luân Đại Pháp và Phật giáo có thể so sánh với sự khác nhau giữa Thái Cực Quyền và Đạo giáo. Thái Cực Quyền do Trương Tam Phong khai sáng, thuộc trường phái Đạo gia nhưng không thuộc về Đạo giáo. Vì Thái Cực Quyền có một phương pháp pháp tu luyện riêng, độc lập với phương pháp của Đạo giáo do Lão Tử sáng lập. Nhưng do cùng trường phái Đạo gia nên cũng có một số danh xưng và khái niệm tương đồng. Thái Cực Quyền không theo con đường tôn giáo, trong khi phương pháp của Lão Tử đi theo con đường tôn giáo nên có Đạo viện, có giáo điều, v.v. Tất nhiên chúng ta không thể so sánh các pháp môn tu luyện nào là lớn là nhỏ, bởi vì nó thuộc vấn đề siêu thường nên đó là việc bất khả tư nghị.

Nói đến Pháp Luân Công cũng phải đề cập đến một vấn đề, đó là cuộc bức hại tại Trung Quốc đại lục. Đứng ở góc độ tu luyện mà nói, cũng giống như các cuộc bức hại chính tín trong lịch sử. Trong vũ trụ có lý tương sinh tương khắc, khi có một chính Pháp được truyền ra thì cũng xuất hiện lực lượng tà ác. Phật giáo ngay từ khi truyền ra đã bị các lực lượng tà giáo và nhiều chính quyền trong quá khứ bức hại, Thiên Chúa giáo cũng bị chính quyền La Mã bức hại. Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc trong hơn 70 năm qua đã bức hại tất cả các nhóm người tại Trung Quốc chứ không riêng Pháp Luân Công. Ngay trong tâm trí của hầu hết mọi người trên thế giới thì chính quyền này đều đại diện cho cái giả, cái ác. Ở góc độ tu luyện, nó thực sự đại diện cho kẻ tà ác nhất trong lịch sử, cho nên việc nó sẽ bị đào thải bởi lịch sử là điều tất yếu.

Cho dù nhân loại đã có nhiều bài học trong quá khứ thì trong mỗi cuộc bức hại chính tín, có nhiều người cũng vô tình hay hữu ý tham gia vào bức hại dưới nhiều hình thức. Có thể là hiểu sai rồi đàm luận bừa bãi, hoặc hùa theo theo phỉ báng, thậm chí trợ giúp bức hại… Ngay tại Việt Nam trong cuộc Đại cách mạng văn hóa những năm 70 của thế kỉ trước do chính quyền Trung Quốc ép nhập sang, có hàng vạn người vì nhiều lý do đã tham gia phá hoại đình chùa, phỉ báng tín ngưỡng mà cho đến thế hệ con cháu hôm nay vẫn đang chịu quả báo.

***

Tu luyện theo trường phái Phật hay trường phái Đạo đều có nhiều pháp môn theo nhiều con đường khác nhau. Tu luyện vốn là điều siêu thường, nhưng ít nhiều cũng có liên hệ với xã hội đời thường. Bản thân tu luyện vốn có yếu tố duyên phận, nhưng dù không có duyên tu luyện, thì hiểu biết đúng đắn về tu luyện sẽ giúp mỗi người có sự phân biệt đúng đắn trong diễn biến thiện ác. Đó cũng là sự lựa chọn cho tương lai.

Hoa Liên