Tân Sinh

Khương Tử Nha sau khi Phong Thần có trở lại núi Côn Lôn?

Trong Phong Thần Diễn Nghĩa có một điều bí ẩn mà nhiều người vẫn không thể hiểu được, đó chính là sau khi Khương Tử Nha hoàn thành bảng Phong Thần thì đã đi về đâu, liệu ông có trở lại núi Côn Lôn cùng sư phụ.

Khương Tử Nha nhất tâm hướng đạo, không có mong nghĩ gì đến hưởng thụ vinh hoa phú quý tại nhân gian. (Ảnh: Tradisitridharma)

1. Khương Tử Nha phụng mệnh xuống núi diễn vở kịch Phong Thần

Dựa theo những ghi chép trong sử sách, Khương Tử Nha năm 32 tuổi đã lên núi Côn Lôn, chuyên tâm tu luyện 40 năm. Trong lúc nhất tâm hướng đạo, chưa bao giờ có suy nghĩ hưởng thụ phú quý nơi nhân gian, cả tuổi thanh xuân đều trải qua nơi rừng sâu núi thẳm.

Phong Thần Diễn Nghĩa có ghi lại: Một hôm, Nguyên Thủy Thiên Tôn ngồi trên tòa Bát Bảo, nói với Bạch Hạc đồng tử rằng: “Mời Khương Thượng sư thúc đến đây”.

Bạch Hạc đồng tử đi tới vườn đào, thỉnh mời Khương Tử Nha: “Sư thúc, lão gia cho mời”.

Tử Nha nhanh chóng tiến vào Ngọc Hư Cung, thi lễ nói: “Đệ tử Khương Thượng bái kiến sư tôn”.

Thiên Tôn hỏi: “Ngươi đã lên núi Côn Lôn này được bao lâu rồi?”

Tử Nha nói: “Đệ tử 32 tuổi đã lên núi, đến hôm nay đã là 72 tuổi rồi”.

Thiên Tôn nói: “Ngươi sinh ra đã bạc mệnh, Tiên Đạo khó thành, chỉ có thể hưởng phúc thế gian. Thành Thang số đã tận, nhà Chu vận đang hưng, ngươi hãy thay ta Phong Thần, xuống núi trợ giúp minh chủ, cũng là không uổng công ngươi lên núi tu hành suốt 40 năm. Nơi đây cũng không phải là nơi ngươi cần sống, hãy thu xếp rồi xuống núi cho sớm”.

Khương Tử Nha khẩn khoản: “Đệ tử thành tâm xuất gia, tháng ngày chịu khổ, nay cũng đã tu hành được nhiều năm, tuy rằng ngộ tính thấp kém, nhưng mong sư phụ từ bi, chỉ ra cho con chỗ mê để tỉnh giác. Đệ tử tình nguyện ở lại trên núi tu khổ hạnh, không dám tham luyến phú quý hồng trần, mong sư phụ dung nạp”.

Thiên Tôn nói: “Ngươi mệnh duyên như thế, tất phải thuận ý trời, há có thể không tuân theo sao?”.

Theo lời của Nguyên Thủy Thiên Tôn, số mệnh của Khương Tử Nha chính là cần phải như thế, Thiên ý không thể không tuân theo. Nhưng Khương Tử Nha có phải thực sự cần sống cuộc sống thế tục?

Có lẽ còn có nguyên nhân khác. Bởi vì vinh hoa phú quý nơi thế gian không phải là điều Tử Nha mong cầu, thử nghĩ, một ông lão bảy tám chục tuổi, còn hy vọng hưởng thụ vinh hoa phú quý gì ở trên đời nữa?

2. “Càn khôn vạn niên ca” là mục đích chân chính để Khương Tử Nha xuống núi

Trong hồi 15 của Phong Thần Diễn Nghĩa, Nam Cực Tiên Ông đã từng tiết lộ về chân tướng việc hạ sơn của Khương Tử Nha: “Nam Cực Tiên Ông tiến lên và nói: ‘Tử Nha, cơ hội khó gặp thì không nên bỏ lỡ; huống là số trời đã định đương nhiên tránh không khỏi. Ngươi tuy là xuống núi, nhưng đến thời điểm công thành, chính là ngày trở lại núi này’. Tử Nha buộc phải xuống núi”. (Phong Thần Diễn Nghĩa hồi 15).

Nhưng khi nào mới là “thời điểm công thành”? Khi Phong Thần kết thúc sao? Hẳn là không phải, bởi vì trước khi Phong Thần, Khương Tử Nha xác thực đã ở trên núi Côn Lôn, đây chẳng qua chỉ là để chuẩn bị cho việc Phong Thần, còn về thực chất thì không đắc được gì.

Về sau Khương Tử Nha đã viết một quyển sách tiên tri có tên là “Càn khôn vạn niên ca”, ghi chép kỹ càng hết thảy những đại sự phát sinh trong thiên hạ từ lúc bắt đầu cho đến tận hôm nay. Có lẽ đây mới là “thời điểm công thành” của Khương Tử Nha.

3. Vì văn minh 5000 năm mà đặt định cơ sở

Bảng Phong Thần để lại cho người đời sau nhiều hoài niệm. Trong bảng Phong Thần, mỗi Thần có một danh hiệu, vậy Khương Thượng, công thần lớn nhất giúp Chu diệt Thương kết cục nên như thế nào, sau khi trăm tuổi thì ông trở về nơi đâu?

Khương Tử Nha để lại biết bao nhiêu giai thoại: Ngồi câu sông Vị Thủy, khai sáng học cho bách gia, viết sách “Lục thao”, được người đời sau liệt vào danh sách 7 bộ kinh thư về quân sự, lại viết “Càn khôn vạn niên ca” khởi đầu cho loại sách về tiên đoán, trở thành thủy tổ của Bách gia: Binh gia, Nho gia, Pháp gia, Tung hoành gia, Chiêm tính bói toán…

Ông được Võ Vương phong vua đất Tề, gọi là Tề Thái công, “gieo cái nhân cho phong tục, đơn giản lễ nghi, khai thông nghề thủ công và buôn bán, tạo thuận lợi phát triển nghề muối và ngư nghiệp”, khai sáng nền văn hóa Tề – Lỗ có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài.

Theo lệnh Chu Thành Vương (tức con Chu Vũ Vương), Tề Thái công mang quân chinh phạt các nơi. Sau 3 năm, nhà Chu dẹp được các cuộc phản loạn của con vua Trụ là Vũ Canh. Tề Thái công cũng mở rộng cương thổ, nước Tề trở thành nước lớn.

Sau này không rõ Khương Tử Nha mất năm nào. “Sử ký” chép rằng ông thọ hơn 100 tuổi. Tính từ khi gặp Cơ Xương năm 80 tuổi tới khi qua đời, Khương Tử Nha hoạt động trong khoảng hơn 20 năm cuối thời nhà Thương, đầu thời nhà Chu.

Tính riêng từ khi ông phục vụ dưới quyền Chu Vũ Vương (1134 TCN) đến khi nhà Chu dẹp xong loạn Vũ Canh (1113 TCN) là 21 năm, khi tham gia dẹp loạn thì Khương Tử Nha đã ngoài 100 tuổi.

Có thể nói, Khương Tử Nha hạ thế chính là mang theo sứ mệnh khai sáng văn minh nhân loại, trải qua 5.000 năm, hết thảy mới được xem như công thành viên mãn. Thời điểm Khương Tử Nha trở lại Côn Lôn, trở lại bên cạnh sư phụ, trở thành Thần Tiên mới là đại nguyện cả đời của Khương Tử Nha.

Tuệ Tâm biên dịch
Tinhhoa